LÔ-GIC HỌC VÀ TRIẾT LÝ KHOA HỌC (J. PIAGET, 1949)
Đưa lên mạng ngày 24-02-2020
Từ khóa: Lô-gic học ; Khoa học – Triết lý ;
Piaget, Jean – Trích đoạn

C2

LÔ-GIC HỌC

TRIẾT LÝ KHOA HỌC
(1949)

Tác giả: Jean Piaget*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Là nhà lô-gic học xuất thân từ tâm lý học, Jean Piaget phân biệt  Lô-gic học đích thực như một thứ toán lô-gic (logistique) mà vai trò là «hình thức hóa dần dần mọi thao tác của lý trí», với triết lý khoa học (nhận thức)[1] mà ông quan niệm như triết lý khoa học phát sinh, nghĩa là một thứ triết lý khoa học kết hợp, vừa phương pháp lịch sử-phê phán (historico-critique – nhằm vẽ lại sự phát triển của những ý niệm mà một khoa học nhất định đã sử dụng trong suốt lịch sử của nó), vừa phương pháp tâm lý-phát sinh (psycho-génétique – nhằm vẽ lại sự phát sinh của «mọi ý niệm và phạm trù cốt yếu của tư tưởng»  trong sự tiến hóa tâm lý của cá nhân, như một thứ phôi học của trí tuệ).

*

Có một điểm đồng thuận giữa các nhà lô-gic học, bất kể họ thuộc trường phái nào, đó là sự phân tích lô-gic liên quan đến một số mệnh đề có thể là đúng hoặc sai, hay nói cách khác, là đối tượng của lô-gic học liên quan tới cái đúng và cái sai. Cho dù đây là lô-gic quy phạm (nghệ thuật tư duy đúng, hay việc chuẩn hóa các quy tắc về cái đúng), là lô-gic phản tỉnh (phân tích thứ tư duy tự cho bản thân nó là đúng), là thuật toán lô-gic (logistique) mang sắc thái của Platôn, duy danh hoặc vật lý, nhưng đều đề cập đến sự phân biệt giữa cái đúng hoặc cái sai. Như vậy, chúng ta có thể nói, như một xấp xỉ đầu tiên, rằng lô-gic học là môn học nghiên cứu về cái tri ​​thức đúng, xét trong các hình thức chung nhất của nó.

Nhưng bởi vì dưới các hình thức cụ thể của chúng, những tri ​​thức thực sự liên quan đến các ngành khoa học khác ngoài lô-gic học, và sự nghiên cứu các loại hình tri ​​thức khoa học khác nhau, đều là đối tượng của triết lý khoa học (épistémologie), nên điều cần phải làm trước tiên là phân định ranh giới giữa các lĩnh vực triết lý khoa học với lô-gic học, rồi sau đó là giữa lô-gic học với các khoa học khác biệt. Thế nhưng, ngay ở điểm đầu tiên trong hai điểm này, đã không có sự đồng thuận phổ quát, và mọi quan điểm đều đã từng được bảo vệ, từ sự tóm thu lô-gic học vào triết lý khoa học, hoặc ngược lại, cho đến các phương thức phân ranh khác có thể quan niệm được. Tuy nhiên, ý kiến ​​phổ biến nhất mà chúng tôi chấp nhận ở đây dựa trên sự phân biệt giữa hai quan điểm có thể có về tri ​​thức, một sự phân biệt mà mọi người bắt buộc phải thừa nhận, bất chấp sự đa dạng của những cách thức biểu đạt nó. Người ta thực sự có thể nghiên cứu tri ​​thức hoặc như một quan hệ giữa chủ thể với đối tượng, hoặc như một hình thức thuần túy, nghĩa là bằng cách chỉ  đề cập đến một số hoạt động của chủ thể bao hàm sự phân biệt đúng - sai (các phát biểu của hắn như mệnh đề chẳng hạn, hoặc các «quy luật» tư duy, các thao tác của hắn ta, v. v...). Do đó, chúng tôi đồng ý gọi triết lý khoa học là việc nghiên cứu tri ​​thức trong quan hệ giữa chủ thể với đối tượng, và dành thuật từ lô-gic học cho việc phân tích tri ​​thức về mặt hình thức.

Thực sự có thể xây dựng một lý thuyết về các quan hệ giữa chủ thể tri thức với những đối tượng được đưa ra trong thí nghiệm, và chúng ta thường dành cho bản thân lý thuyết này cái tên triết lý nhận thức hay triết lý khoa học (théorie de la connaissance ou épistémologie). Nhưng lịch sử cho thấy rằng, nếu ta đặt ra một vấn đề như vậy dưới dạng tổng quát của nó, nghĩa là tìm cách đạt tới quan hệ chủ thể - đối tượng được xem xét một lần và mãi mãi (hoặc tự thân và tiên nghiệm, hoặc sau kinh nghiệm trong tri thức đã hình thành), thì chúng ta sẽ đạt được nhiều nhận thức luận không thể quy giản cái này vào cái kia, vì chúng luôn luôn dính kết với thứ một siêu hình học của tinh thần hoặc của thế giới bên ngoài (hoặc cả hai). Ngược lại, chúng ta có thể, như chúng tôi  từng cố gắng biện minh ở nơi khác[2], xây dựng một triết lý khoa học tích cực bằng cách giản lược vấn đề vào câu hỏi hạn chế này: tri thức tăng trưởng như thế nào? Dưới góc cạnh phát sinh[3] và lịch sử-phê phán (historico-critique) này, mọi vấn đề của triết lý khoa học cổ điển lúc đó đều có thể tiếp cận được, nhưng theo quan điểm tăng trưởng chứ không theo quan điểm tĩnh nữa.

Bây giờ, ở dạng hạn chế này cũng như ở dạng chung của nó, triết lý khoa học xem xét tri thức từ cả quan điểm đối tượng lẫn quan điểm chủ thể. [...] Nội dung của truy vấn này rộng hơn vấn đề lô-gic học, vốn chỉ liên quan đến hiệu lực nội bộ của các hệ thống mệnh đề, nghĩa là cách thức mà một mệnh đề dẫn đến hoặc loại trừ các mệnh đề khác. [...]

Như vậy, cần phải nói chính xác rằng cái đúng và cái sai mà lô-gic học lấy làm đối tượng ở đây chỉ liên quan duy nhất đến cái đúng và cái sai hình thức. Thực vậy, chúng ta phân biệt chân lý hiện thực hay sự ăn khớp giữa các mệnh đề với kinh nghiệm, và chân lý hình thức hay sự ăn khớp giữa các mệnh đề với nhau. Chân lý hiện thực liên quan đến phương pháp luận (méthodologie) của các khoa học thực nghiệm, trong khi chân lý hình thức là đối tượng của môn học mà ta gọi là «lô-gic học hình thức» mỗi khi chúng ta dùng cụm từ «lô-gic học ứng dụng» để chỉ phần nghiên cứu về những phương pháp đặc thù của các ngành khoa học khác. Ở đây, chúng tôi không dùng từ lô-gic học hình thức, mà sẽ gọi nó đơn giản là lô-gic học theo cách dùng hiện nay. Thật vậy, vì phương pháp luận khoa học không phải là một bộ phận của lô-gic học, nên khi chúng ta quy chiếu về nó bằng cụm từ lô-gic học ứng dụng, thì không gì có thể lập lờ hơn.

 Jean Piaget,
Chuyên Luận Về Lô-gic Học,
(Traité de Logique,
A. Colin, 1949, tr. 3-6, passim).


[1] Ở đây có vấn đề sử dụng thuật từ trong hai ngôn ngữ lớn là Anh và Pháp. Tuy không loại bỏ từ nào, người Anh nay thường dùng Philosophy of Science để chỉ Triết lý Khoa học, trong khi người Pháp ưa dùng từ Épistémologie hơn. Trong trích đoạn trên, Piaget có lúc còn viết rõ «théorie de la connaissance ou épistémologie», trong khi ở nhiều tác giả khác có sự phân biệt. Trong tình hình thuật ngữ tiếng Việt còn thiếu sót và bất đồng như hiện nay, chúng tôi dịch Philosophy of Science = Philosophie des sciences, Epistemology = Épistémologie Triết lý Khoa học, và Philosophy of Knowledge = Philosophie de la connaissanceTriết lý Nhận thức, với hai xác định bổ sung như sau: theo lối hiểu của chúng tôi, một mặt, Triết lý Khoa học là phần Triết lý Nhận thức liên quan đến các khoa học; mặt khác, trong Triết lý Nhận thức có nhiều nhận thức luận (luận thuyết, lý luận, luận điểm về nhận thức) và trong Triết lý Khoa học có nhiều phương pháp luận (luận thuyết, lý luận, luận điểm về phương pháp).   

[2] Dẫn Vào Triết Lý Khoa Học Phát Sinh (Introduction à l'Épistémologie génétique, Paris, PUF, 1950, 3 q.)

[3] «Đặc trưng của nhận thức luận phát sinh là nó tìm cách rút ra nguồn gốc của đủ loại tri thức khác nhau ngay từ các hình thức sơ đẳng nhất của chúng, rồi từ đấy lần theo những bước phát triển của các hình thức này lên các cấp bậc sau và cao hơn, trong đó bao gồm cả tư tưởng khoa học». (Jean Piaget, L’Épistémologie génétique, Paris, PUF, 1970, tr. 6).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa