Đưa lên mạng ngày 14-04-2020 Từ khóa: Lô-gic học và Tâm lý học |
C1 |
QUAN NIỆM TÂM LÝ
VỀ
LÔ-GIC HỌC
(1922)
Tác giả: Edmond Goblot[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Theo quan điểm của Lô-gic học Port Royal, lô-gic học là một khoa học quy phạm nhằm đưa ra các quy tắc, do đó, thường được xem là trái với Tâm lý học, vốn là một khoa học thực chứng nhằm phát hiện ra các định luật. Tuy nhiên, trong trích đoạn dưới đây, Edmond Goblot – vừa là nhà lô-gic học, vừa là nhà khoa học thực chứng – từ chối thiết lập một khác biệt căn bản giữa hai môn học. Theo ông, lô-gic học chỉ là một thứ tâm lý học trừu tượng, tâm lý học giả tưởng: thứ tâm lý học của một chủ thể tinh thần trong tư cách là trí tuệ thuần túy.
*
[Wilhelm] Wundt[2] tách khỏi khối khoa học lý thuyết và nghệ thuật một nhóm khoa học mà ông gọi là quy phạm. Nghệ thuật quy định các phương tiện để đạt được một số kết quả nào đó; khoa học quy phạm quy định cả phương tiện lẫn mục đích. Hay đúng hơn, đối tượng đích thực của chúng là xác định các mục đích mà sinh hoạt của con người phải nhắm tới – bởi vì chúng trông đợi từ tâm lý học, xã hội học và các khoa học khác sự quy định những phương tiện cần thiết. Các khoa học quy phạm này là mỹ học, lô-gic học và luân lý đạo đức học.
Nhưng vì lý do gì các cứu cánh này – Chân, Thiện, Mỹ – xứng đáng được tách khỏi những mục đích khác của đời sống con người, như sự giàu có, sức khỏe, hạnh phúc? Vì sao chúng ta cần một khoa học để quy định chúng, trong khi khoa học chỉ quy định phương tiện nhằm đạt được các mục đích khác?
[...]
Lô-gic học quy định các quy tắc. Vì chúng liên quan đến những hoạt động của trí tuệ, các quy tắc lô-gic học nhất thiết phải là những quy luật tâm lý. Trong chừng mức chúng ta làm chủ trong việc dẫn dắt những thao tác của trí tuệ ta, những quy luật đều trở thành mệnh lệnh một cách rất đơn giản: chỉ cần đổi [các mệnh đề] từ lối trình bày thành lối mệnh lệnh.
Vấn đề lô-gic được đặt ra nhờ một hư cấu, thứ hư cấu không vượt quá giới hạn của sự trừu tượng hóa chính đáng, thứ hư cấu mà trí tuệ nỗ lực biến thành hiện thực mỗi khi nó cố gắng lý luận. Hãy giả định một trí tuệ biệt lập, hoàn toàn thoát khỏi loại ảnh hưởng phi trí tuệ có thể tác động lên những phán đoán của nó – cái mệnh danh là tư tưởng thuần lý. Theo những định luật nào, các phán đoán sẽ kết hợp cái này với cái kia, nếu chúng chỉ bị quy định bởi những phán đoán khác mà thôi? Đấy chính là vấn đề lô-gic học. Các ngành khoa học không ngần ngại thay thế hiện thực bằng hư cấu mỗi khi chúng nhìn thấy một lợi thế, mặc dù mục đích tự nguyện của khoa học là tìm cách hiểu và biết cái gì là hiện thực. Tại sao lô-gic học lại không làm như vậy được? Để đưa ra lý thuyết toán học về con lắc, chúng ta thay thế con lắc vật lý quá «phức hợp», bằng một «con lắc đơn giản» không thể tồn tại mà ý niệm chỉ được hư cấu từ các yếu tố không thể thực hiện được. [...] Sự biệt lập của trí tuệ là một hư cấu cũng trái ngược với các điều kiện tồn tại của vật thể như con lắc đơn giản. Bạn sẽ không lý luận nếu không có ít ra là sự tò mò về cái đúng, cái thực như một kích thích cảm xúc. Và sự tò mò không bao giờ là tình cảm duy nhất thúc đẩy bạn; bạn không thờ ơ với kết quả của thao tác đã làm: bạn đã không tò mò nếu chẳng quan tâm hay thấy hứng thú. Người lao động trí óc nào cũng đều biết rằng việc truy tìm chân lý là một bi kịch nội tâm thực sự, bao gồm nào hy vọng và thất vọng, nào đam mê và lo lắng, với một kết thúc có thể là bi thảm hoặc huy hoàng. Người lao động trí óc nào cũng đều biết cần phải tự giám sát và cản cấm bản thân tránh kết luận quá sớm, tránh tự bằng lòng với cái quá ít đến mức nào; họ đều biết phải cần bao nhiêu ý chí để phán đoán đưa ra không phải là một hành động của ý chí mà là một hành động bị bắt buộc như thế nào... Một khi những quy luật của thứ trí tuệ này – thứ trí tuệ cũng không hiện thực gì hơn con lắc đơn giản, thứ trí tuệ phán xét mà không yêu thích hay mong muốn cái phán đoán của nó – đã được công nhận, thì điều tùy thuộc vào mỗi người là phải tự mình tiến tới cái lý tưởng này đến mức gần nhất có thể.
Như vậy, lô-gic học là giải pháp cho một vấn đề rất đặc biệt, nhưng là vấn đề tâm lý. Tại sao chúng ta tự đặt ra vấn đề này? Bởi vì con người là một động vật xã hội, và nhất là một động vật biết nói. Do đó, điều khiến hắn hứng thú và quan tâm là sự nhất trí với đồng loại của mình, và thực hiện không chỉ sự đồng thuận vốn là kết quả của những cân nhắc và quy ước này, mà còn cả sự đồng thuận rộng lớn hơn kia, cái có khả năng giành được sự hưởng ứng của mọi bộ óc, ở mọi quốc gia và mọi thời đại. Khoa học của con người là một hiện tượng xã hội, một lao động tập thể mà sự nghiệp chung là thỏa mãn mọi trí tuệ.
Edmond Goblot
Hệ Thống Các Khoa Học
(Le Système des sciences,
Paris, A. Colin, 1922, tr. 172-173 và 180-182).
[1] Edmond Goblot (1858-1935): triết gia, nhà lô-gic học và xã hội học. Tác phẩm: Essai sur la classification des sciences (1898); Le vocabulaire philosophique (1901); Justice et Liberté (1902); Traité de logique (1918); La logique des jugements de valeurs (1913, 1922); Le système des sciences (1922); La barrière et le niveau (1925, 1967, 1984, 2010).
[2] Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920): nhà vật lý học, sinh lý học, sinh học, tâm lý học và triết gia người Đức; ông đã đưa thuật từ «khoa học quy phạm» vào tác phẩm Ethik của ông năm 1886. Tác phẩm tâm lý học và triết học tiêu biểu: Grundzüge der physiologischen Psychologie (Principles of physiological Psychology, 1874); Über den Einfluss der Philosophie auf die Erfahrungswissenschaften (On the Impact of Philosophy on the empirical Sciences, 1876); Logik (Logic, 1880-1883); Ethik (Ethics, 1886); System der Philosophie (System of Philosophy, 1889); Grundriss der Psychologie (Outline of Psychology, 1896); Hypnotismus und Suggestion (Hypnotism and Suggestion, 1892); Völkerpsychologie (Cultural Psychology, 10 q., 1900-1920); Einleitung in die Philosophie (Introduction to Philosophy, 1909); Einführung in die Psychologie (1911); Probleme der Völkerpsychologie (Problems in Cultural Psychology, 1911); Elemente der Völkerpsychologie (Elements of Cultural Psychology, 1912); Die Psychologie im Kampf ums Dasein (Psychology's Struggle for Existence, 1913); Sinnliche und übersinnliche Welt (The Sensory and Supersensory World, 1914); Über den wahrhaften Krieg (About the Real War, 1914); Die Nationen und ihre Philosophie (Nations and Their Philosophies, 1915).