LÔ-GIC HỌC VÀ NGỮ PHÁP (R. BLANCHÉ, 1957)
Đưa lên mạng ngày 15-06-2020
Từ khóa : Lô-gic học hình thức ; Hình thức hóa
C1

LÔ-GIC HỌC VÀ NGỮ PHÁP
(1957)

Tác giả: Robert Blanché*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Bây giờ, chúng ta được dẫn đến một đặc điểm cơ bản [của lô-gic học đương đại]: sự thay thế những hình thức ngữ pháp bằng các hình thức lô-gic – hay nói chính xác hơn: sự thay thế loại ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên của ta bằng một thứ ngữ pháp ở đó những hình thức của biểu văn được can lại một cách chính xác theo các hình thức lô-gic. Nếu những hình thức ngữ pháp thông thường không hoàn toàn là phi lô-gic, ít nhất chúng cũng đều mang dấu vết của nhiều ngẫu nhiên lịch sử. Chúng không chỉ thay đổi theo sự đa dạng của các ngôn ngữ mà, trong cùng một ngôn ngữ, còn chứa không ít bất thường[1]. Đúng là một số những điều bất thường này, dù có thể gây khó chịu cho việc học ngôn ngữ tới đâu, cũng không có nhược điểm lô-gic nào khác ngoài tính siêu phù phiếm của chúng (ví dụ trong tiếng Pháp, những danh từ không tận cùng bằng chữ s ở số nhiều). Nhưng nhiều bất thường khác gây nhầm lẫn và khiến cho ta phạm lỗi lý luận, hoặc vì một số lượng lớn các hình thức ngữ pháp che giấu sự đồng nhất của cùng một chức năng lô-gic, hoặc ngược lại, vì sự đồng nhất của cùng một hình thức ngữ pháp xui khiến chúng ta trộn lẫn các chức năng lô-gic khác nhau. Nếu khoa lô-gic học muốn là hình thức một cách hoàn chỉnh thì, sớm hay muộn gì, sự so le giữa những hình thức ngữ pháp với các hình thức lô-gic cũng sẽ thúc đẩy nó phải thay thế loại cú pháp của ngôn ngữ tự nhiên bằng một thứ cú pháp được xây dựng cách nào mà hình thức của những biểu đạt đặt dưới sự thao tác của nó sẽ phải luôn luôn biểu trưng một cách chính xác các hình thức lô-gic.

Một người là tác giả của số phận mình: đây là một mệnh đề mà hình thức ngữ pháp khác biệt đáng kể so với cái hình thức của tiền đề lớn trong tam đoạn luận quen thuộc của ta trước kia: mọi con người đều là có thể chết – Sôkratês là một con người – do đó, Sôkratês là có thể chết1. Ở đây: chủ ngữ được xác định cách khác; đồng thời vị ngữ cũng không còn là một tính từ, mà là một kết hợp nhất định của nhiều danh từ. Sự sửa đổi lý luận trước[2], hoặc sơ đồ của nó (mọi f là g – x là f – do đó, x là g), vì vậy, không cho chúng ta biết gì cả về lý luận sau, bởi vì nó không còn có hình dạng giống như vậy:

Một con người là tác giả của số phận mình

Sôkratês là một con người

Do đó, Sôkratês là tác giả của số phận mình.

Chữ viết biểu trưng của nhà lô-gic học, ngược lại, sẽ đưa ra hình thức tương tự cho hai tiền đề lớn: (x) . f(x) ⊃ g(x), có thể được đọc là: cho bất kỳ x nào, nếu x là f (người), thì x là g (có thể chết, hoặc, tác giả của số phận mình).

Bây giờ, hãy lấy một lý luận có hình thức ngữ pháp giống như cái trước, và do đó, phải có giá trị như nó nếu chúng ta tin tưởng vào hình thức này, nhưng trái hẳn lại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ở đây một ngụy biện:

Một người là tác giả của Ilias

Sôkratês là người,

Do đó, Sôkratês là tác giả của Ilias.

Với cách viết biểu trưng, ​​sự khác biệt về hình thức lô-gic của hai tiền đề lớn sẽ hiện ra ngay tức thì, bởi vì bây giờ chúng ta sẽ viết: (∃x) . f(x) . g(x), nghĩa là: có (ít nhất) một x, sao cho x vừa là f (người) vừa là g (tác giả của Ilias). Hơn nữa, tiền đề lớn còn có thể nói nhiều hơn, như khẳng định qua đó rằng Ilias là tác phẩm của một người duy nhất, nhưng điều này, văn bản tiếng Pháp không nêu rõ, và có lẽ chỉ bối cảnh mới có thể loại bỏ mọi nghi hoặc. Nhà lô-gic học không viết ít nhất một và nhiều nhất một theo cùng một cách, và nếu ông ta cũng có ý định đưa ra khẳng định thứ hai, hẳn ông vẫn có thể tuyên bố rõ ràng bằng cách thêm nó vào cái đầu tiên. [...]

Chỉ khi nào chúng ta đạt được bảo đảm tuyệt đối trong việc chỉnh sửa lô-gic những hình thức ngữ pháp sử dụng, chúng ta mới có thể đem chúng ra thay thế cho các hình thức lô-gic tự thân. Lúc đó, ta sẽ được phép quên hoàn toàn nội dung của những phát biểu, không chỉ ý nghĩa trực giác của những từ có thể đứng thay vị trí của các biến số, như lô-gic cổ điển đã làm, mà ngay cả ý nghĩa của các thành ngữ đặc lô-gic, như tất cả, nếu... thì, v. v... Thật vậy, nếu những ký hiệu đại diện cho chúng có ngữ pháp được công thức hóa chặt chẽ và rõ ràng, thì chỉ cần tuân thủ các quy tắc ấy là đủ để xử lý những ký hiệu này một cách chính xác. Chúng ta sẽ làm như đứa trẻ với những thao tác của nó về số học, không chỉ quên đi nào sỏi, nào táo, mà ngay cả các chữ số, và chỉ cần áp dụng các quy tắc đã học vào những số liệu trong quyển vở của nó. Như vậy, chúng ta đã thay thế lý luận bằng một phép tính trên các dấu hiệu. Và khi làm như vậy, chúng ta đã chuyển từ một ý niệm triết học rất trừu tượng về hình thức – đối lập với vật chất – sang một ý niệm cụ thể, trông thấy được, về hình thức – trong nghĩa hình học hoặc ít ra là tô-pô học: những hình vẽ trên giấy và, theo một số quy tắc nhất định khác, có thể được biến đổi thành những hình vẽ mới nào đó. Một lý luận được triển khai như vậy gọi là đã được hình thức hóa.  

Như vậy, để thực sự là hình thức, lô-gic học đã phải trở thành hình thức chủ nghĩa, và chính chủ nghĩa hình thức này là đặc trưng của nó ngày nay. Chữ viết tượng trưng là một điều kiện, nhưng nó chỉ có giá trị như một phương tiện.

Robert Blanché
Dẫn Vào Lô-gic Học Đương Đại
(Introduction à la logique contemporaine,
Paris, A. Colin, xb lần thứ 5, 1968, tr. 15-18).


[1] Thí dụ cổ điển bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp ở đây (All men are mortal; Socrates is a man; So, Socrates is mortal = Tout homme est mortel; Socrate est un homme; Donc, Socrate est mortel) cho thấy ngay luận điểm này khi dịch sang tiếng Việt, do kho từ vựng và lối diễn đạt của mỗi ngôn ngữ đều khác nhau. Trong cách diễn đạt bằng tiếng Việt nghe được và gần nhất với các mệnh đề ngoại ngữ ở trên (Mọi con người đều [] có thể chết; Sôkratês là một con người; Do đó, Sôkratês [] có thể chết), thì từ mortal (tiếng Anh) = mortel (tiếng Pháp) như tính từ (tính chất có thể chết) hoặc danh từ (sinh vật có thể chết) không có tương đương trong tiếng Việt, nên  khi dịch, chúng tôi không thể dịch bằng một tính từ hoặc danh từ, mà bằng cụm từ có thể chết, trong khi có thể thường gợi nghĩ đến một khả năng (can = pouvoir) hơn là một hiện thực như trong các tiếng Anh và Pháp (liable to, subject to = sujet à). Và các rắc rối này, ta sẽ không gặp lại trong ví dụ sau.

[2] Trong tam đoạn luận cổ điển, Aristotelês gọi chủ ngữ của câu kết luận là từ nhỏ (Sôkratês, minor term = petit terme) và tiền đề chứa nó là tiền đề nhỏ (minor premiss = prémisse mineure), vị ngữ của câu kết luận là từ lớn (mortal = mortel, major premiss = grand terme) và tiền đề chứa nó là tiền đề lớn (major premiss = prémisse majeure), từ lớn và từ nhỏ khi đi chung với nhau là những cực (extremes = extrêmes), và câu kết luận trước khi được chứng minh là vấn đề (question). Được đời sau chấp nhận một cách phổ biến, sự phân biệt trên cũng bị xem là độc đoán trong một số trường hợp. Chúng ta sẽ trở lại các phân biệt này sau.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa