LỊCH SỬ TỰ NHIÊN (BUFFON, 1749)
Đưa lên mạng ngày 01-02-2021
Từ khóa : Lịch sử Tự nhiên (Khái niệm)
C1

LỊCH SỬ TỰ NHIÊN
(1749)

Tác giả: Buffon[1],
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Từ «lịch sử» trong cụm từ «Lịch Sử Tự Nhiên» các văn bản thuộc thời kỳ này cần được hiểu theo nguyên nghĩa Hy Lạp cổ đại của nó là «ἱστορία = [h]istoria», có nghĩa là một cuộc «điều tra», «tìm hiểu», không mang một quan điểm thời gian, một ngụ ý niên đại nào. Do đó, Lịch Sử Tự Nhiên là một cuộc điều tra có tính cách mô tả được thực hiện về Thiên nhiên. Nó có thể được chia nhỏ thành các lĩnh vực chuyên môn hơn: lịch sử côn trùng, lịch sử thực vật, v. v… Cho mãi đến thế kỷ XVIII, nhiều tác phẩm của các nhà tự nhiên học vẫn còn mang tựa là Lịch Sử…như ở đây (Lịch Sử Tự Nhiên Của Động Vật Không Có Đốt Sống của Jean-Baptiste de Lamarck (1744-1829)* chẳng hạn).

Như vậy, ở phương Tây, Lịch Sử Tự Nhiên là cái tên xưa của Tự Nhiên Học, bao gồm các giới động vật, thực vật và khoáng vật. Nó chính là môn học mà thế hệ chúng tôi từng được học ở trường, với một tên gọi cũng khá gợi ý là Vạn Vật Học.    

*

Lịch Sử Tự Nhiên, xét trong suốt chiều rộng của nó, là một Lịch Sử mênh mông, bao gồm mọi đối tượng mà Vũ Trụ phơi bày trước mắt chúng ta. Sự đa tạp kỳ diệu của nó – các Loài bốn chân, Chim, Cá, Côn trùng, Thực vật, Khoáng vật, v. v.. – cung cấp cho sự tò mò của trí tuệ con người một cảnh tượng mênh mông mà cái nhìn bao quát thật là tuyệt vời, đến mức nó hiện ra như thể, và thực sự, là vô tận trong chi tiết. Chỉ một phần của Lịch Sử Tự Nhiên, như Lịch Sử Côn Trùng, hoặc Lịch Sử Thực Vật,… cũng đủ để giữ chân nhiều nhà nghiên cứu; và ngay cả những người quan sát tinh tế nhất, sau các công trình nghiên cứu lâu dài của họ, cũng chỉ đưa ra được một thứ phác thảo không hoàn hảo về những đối tượng quá đa tạp mà các ngành cụ thể của Lịch Sử Tự Nhiên này phô bày, mặc dù họ chỉ chuyên tâm quan sát chúng mà thôi. Tuy nhiên, họ đã làm tất cả những gì họ có thể làm, và thay vì đổ lỗi cho các nhà Quan sát về mức độ tiến bộ chậm chạp của Khoa học, ca ngợi sự cần cù và kiên nhẫn của họ trong công việc không phải là quá đáng, chúng ta thậm chí còn phải công nhận nơi họ những phẩm chất cao hơn; bởi vì để có thể xem xét mà không kinh ngạc Thiên nhiên trong vô vàn sản phẩm đa tạp của Nó, đồng thời tự tin rằng mình có khả năng tìm hiểu và so sánh chúng, phải có một thứ sức mạnh của thiên tài và trí tuệ dũng cảm; để yêu thích Tự nhiên, phải có một sự hiếu kỳ nào đấy lớn hơn thứ thị hiếu chỉ nhằm vào những đối tượng cụ thể đặc thù của Nó; và chúng ta có thể nói rằng sự yêu thích nghiên cứu Thiên nhiên giả định hai phẩm chất dường như đối lập với nhau trong tinh thần con người, vừa thứ thị kiến vĩ đại bao quát tất cả trong tầm nhìn của một thiên tài đầy nhiệt tình, vừa những quan tâm chi li của một bản năng cần cù chỉ bám chặt trên một điểm quan sát.   

Trở ngại đầu tiên hiện ra trong nghiên cứu Lịch Sử Tự Nhiên xuất phát từ sự đa tạp lớn lao về đối tượng này; nhưng sự đa tạp của cũng chính những đối tượng ấy, và các khó khăn trong việc tập hợp những sản phẩm khác nhau từ nhiều vùng khí hậu khác biệt, còn tạo ra một chướng ngại khác ngăn chặn những bước tiến trong tri thức của ta; nó dường như là bất khả chiến bại, và thực sự là không thể vượt thắng được bằng sức cần lao không thôi; chỉ nhờ vào thời gian, sự chăm chú, những chi phí, và thường là các tình cờ may mắn, ta mới có được những cá thể được bảo quản tốt của từng loài động vật, thực vật hoặc khoáng vật, nhằm hình thành một bộ sưu tập ngăn nắp cho mọi tạo phẩm của Thiên nhiên. 

Nhưng khi chúng ta đã thu thập xong, sau bao nỗ lực và khó khăn, những loại hình của mọi thứ tồn tại trong Vũ trụ, và đã đặt được ở một nơi những mẫu hình của mọi thứ được tìm thấy rải rác trên khắp mặt đất, rồi lần đầu tiên nhìn vào cái kho đầy ắp những vật thể khác biệt, mới lạ và xa lạ này, thì cái cảm giác đầu tiên nảy ra từ đấy, là một sự kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ, và điều ta suy ngẫm tiếp theo là một sự quay lại tủi hổ trên thân phận mình.  Ta không tưởng tượng nổi rằng, với thời gian, chúng ta có thể đạt tới điểm nhận biết, dù chỉ là hình dạng của mọi thực thể khác nhau này, chưa nói tới những gì liên quan tới sự sinh sản, tạo tác, tổ chức, ích dụng, nói tóm gọn là lịch sử riêng của mỗi sinh thể hay vật thể đặc thù này. Tuy nhiên, khi ta quen thuộc hơn với những thực thể ấy, do nhìn thấy chúng thường xuyên và có thể nói là không chủ đích, chúng dần dần tạo ra những ấn tượng lâu bền, kết hợp trong trí tuệ ta thành các quan hệ cố định và bất biến; từ đấy, ta vươn lên những quan điểm tổng quát hơn, qua đó chúng ta có thể nắm bắt nhiều đối tượng khác nhau cùng một lúc. Đây chính là thời điểm chúng ta đã hội đủ điều kiện để nghiên cứu có trật tự, suy nghĩ có hiệu quả, và mở ra những lộ trình nhằm tiến tới những khám phá hữu ích.

Buffon,
Lịch Sử Tự Nhiên, Tổng Quát
Và Chuyên Biệt – Biểu Văn Mở Đầu
(Histoire naturelle, générale et particulière
- Premier discours, 1749).


[1] Georges-Louis Leclerc, comte de Buffon (1707-1788): nhà tự nhiên học, toán học, nhà văn và triết gia người Pháp thuộc «Thế Kỷ Ánh Sáng». Tác phẩm: Histoire naturelle, générale et particulière (7 q., 1749-1789); Discours sur le style (1753); Mémoires de mathématique et de physique (14 q., 1737-1748).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa