LỊCH SỬ KHOA HỌC & XÃ HỘI HỌC KHOA HỌC (P. RYBICKI, 1969)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa : Khoa học – Lịch sử ; Khoa học – Xã hội học
C1

LỊCH SỬ KHOA HỌC

XÃ HỘI HỌC KHOA HỌC
(1969)

Tác giả : Paweł Rybicki[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Sự phát triển của xã hội học tri thức tiến bộ nhanh chóng sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Những đại diện tiêu biểu của nó là Max Scheler (1874-1928)*, Karl Mannheim (1893-1947)*, Florian Znaniecki (1882-1958)*, Pitirim Sorokin (1889-1968)*, Robert Merton (1910-2003)*, Georges Gurvitch (1894-1965)*. Mặc dù vài tác giả đã đưa vào đấy các yếu tố thực nghiệm và lịch sử, xã hội học tri thức phần lớn vẫn giữ tính chất tư biện. Vấn đề xã hội quy định tri thức như thế nào là và vẫn còn là vấn đề cơ bản. Nó dần dần đưa tới việc phân loại tri thức, và trong số các thành công quan trọng của ngành, đây là một thành tựu thiết yếu cho sự phân biệt tri ​​thức khoa học với các loại tri ​​thức khác.

Như một lĩnh vực xã hội học đặc thù, xã hội học khoa học chỉ mới  tồn tại từ vài mươi năm gần đây. Điểm khác biệt nhất với xã hội học tri thức là xã hội học khoa học chẳng những đã xác định chính xác hơn đối tượng nghiên cứu của nó, mà còn tiếp cận đối tượng này một cách khác với cách xã hội học tri thức từng làm trong quá khứ; hiện nay phần nghiên cứu cụ thể về sự điều kiện hóa của xã hội, về vai trò của các yếu tố xã hội phi khoa học trong những khám phá khoa học khác nhau, cũng như trong sự tiến bộ của khoa học, đã vượt qua phần tư biện về số lượng. Đồng thời, xã hội học khoa học còn quan tâm đến một khía cạnh khác của quan hệ giữa khoa học với xã hội, đó là những hệ quả phát sinh từ khoa học, từ sự tiến bộ và thành tựu của nó đối với đời sống và tổ chức xã hội. Xã hội học khoa học từ bỏ loại suy biện thuần túy lý thuyết, và bộc lộ trong những công trình nghiên cứu của nó xu hướng sử dụng loại tư liệu thực nghiệm và lịch sử. Công trình của Merton, đặc biệt là tác phẩm của ông về khoa học và xã hội ở Anh trong thế kỷ XVII, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của dòng nghiên cứu này.

Một đặc trưng khác của xã hội học khoa học, đồng thời phân biệt nó với xã hội học tri thức xưa, là nó quan niệm khoa học như lĩnh vực hoạt động của con người. Sự quan tâm của xã hội học khoa học không hướng đến các hệ thống tri thức khoa học, những thay đổi và những tiến bộ của nó, mà nhiều hơn tới các nhà khoa học và loại điều kiện xã hội trong đó họ hoạt động. Quyển Vai Trò Xã Hội Của Người Hiểu Biết (The Social Role of the Man of Knowledge, 1940) của [Florian] Znaniecki là một thời điểm quan trọng trong lịch sử của vấn đề này. Znaniecki đã nghi ngờ giá trị của cách đặt vấn đề truyền thống trong xã hội học tri thức, đã làm nổi bật lên các vấn đề như vị trí xã hội và vai trò xã hội của nhà khoa học: ông chính là người [đầu tiên] đã nỗ lực tập trung sự quan tâm của xã hội học khoa học trên các vấn đề này.

Cho đến giờ, lịch sử các khoa học và xã hội học khoa học đã đi theo những ngả đường khá khác nhau. Dường như nay đã đến lúc  phải suy nghĩ về những quan hệ qua lại của hai lĩnh vực trên. Chúng ta phải xét xem hai bộ môn này phụ thuộc vào nhau tới mức độ nào, và chúng có thể hiệp thông với nhau như thế nào, chuyển tải cho nhau những gì. Tất nhiên, mọi nhận xét về tương quan này phải bắt đầu từ những sự kiện hiện thực, vì vậy trước hết ta phải xem xét cách thức cả hai lĩnh vực hiện đang được vun đắp. Lịch sử khoa học cung cấp cho xã hội học khoa học thứ chất liệu là những sự kiện – tài liệu về các tác giả, môi trường của họ, hoàn cảnh trong đó họ thực hiện các khám phá khoa học, nguồn gốc và sự mở rộng của những thành tựu khoa học. Nhưng ngược lại, xã hội học và đặc biệt là xã hội học khoa học có thể mang lại gì cho lịch sử khoa học trong tình hình hiện nay? Có vẻ như đóng góp của khoa xã hội học cho lịch sử khoa học – điều không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra – trước hết nằm trong lĩnh vực khái niệm hóa và sự thiết lập các loại hình hiện tượng. Xã hội học đưa ra các ý niệm về phạm trù xã hội và nghề nghiệp cụ thể (phạm trù nhà khoa học chẳng hạn), về giai cấp và tầng lớp xã hội, về môi trường xã hội, về hiệp hội và thiết chế. Bằng cách này, nó tạo điều kiện cho sử gia khoa học sắp xếp và xác định phần dữ liệu mà lịch sử khoa học sử dụng trong những công trình nghiên cứu cụ thể. Nỗ lực quan niệm hóa xã hội học cho phép sử gia khoa học quan sát sự lặp lại, và những nét tiêu biểu của một số hiện tượng. Như hiện tượng điển hình, chúng ta có thể kể vị trí xã hội của nhà khoa học, sự nghiệp của ông ta, các tập hợp mà nhà khoa học tham gia, những hình thức hợp tác và cạnh tranh giữa các nhóm này. Như hiện tượng điển hình, chúng ta có thể kể các thiết chế được sử dụng nhằm thúc đẩy khoa học, hoặc để kiểm soát nó thông qua loại yếu tố nằm ngoài thế giới khoa học: sự bảo trợ của các tổ chức khoa học, của các cơ quan hành chính công cộng. Nắm được những yếu tố này, lịch sử khoa học sẽ có khả năng phân biệt trong những hiện tượng nghiên cứu, cái là một quy trình duy nhất, cái không quay trở lại nữa, với cái sẽ còn lặp lại, và có thể được mô tả như quy trình điển hình. 

Trong một số trường hợp, dường như đường phân ranh giữa lịch sử khoa học với xã hội học khoa học không còn rõ nét. Những công trình nghiên cứu về vai trò của các đại học thời Trung Cổ, hoặc về vai trò của các hiệp hội khoa học trong thế kỷ XVII chẳng hạn đều mang cả tính xã hội lẫn sử tính, tùy lúc mà luân phiên nghiêng về phía này hoặc bên kia. Lịch sử khoa học nói chung càng chiếm chỗ của lịch sử các khoa học bao nhiêu, thì sự xích lại gần nhau của hai bộ môn càng hiển lộ bấy nhiêu. Lịch sử khoa học và xã hội học khoa học dường như còn bổ sung, thậm chí thẩm thấu vào nhau trong các nghiên cứu về những thiết chế khoa học. [...] Các công trình được sắp xếp vào loại nghiên cứu về xã hội học khoa học thường đều rất đa tạp. Tuyển tập The Sociology of Science (1963) do W. Barber và B. Hirsch làm chủ biên đã cho thấy rõ rệt sự đa dạng của những đóng góp đã tạo hình cho ngành tri ​​thức xã hội học mới này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một đặc điểm chung nhằm hợp nhất những sáng kiến ​​khác nhau trong lĩnh vực xã hội học khoa học. Ở đây, mọi đóng góp đều nêu lên các yếu tố nằm ngoài quy trình tri thức. Những yếu tố này rất khác nhau, chẳng hạn như: các phong trào xã hội và trí thức nói chung; những hiện tượng gắn liền với vị thế của nhà khoa học; sự chuyên nghiệp hóa hoạt động khoa học; ảnh hưởng của các hiệp hội, tổ chức, và định chế trong đời sống khoa học. Trong mỗi trường hợp trên, chúng ta có thể thấy các nhân tố nào đã điều kiện hóa hoạt động khoa học từ bên ngoài, và một cách gián tiếp, những kết quả khoa học thu hoạch được. Các công trình thuộc loại «xã hội học» cũng cho thấy – hay ít ra có thể cho thấy –  ảnh hưởng của sự tiến bộ về tri thức khoa học và những kết quả của nó trên thế giới bên ngoài, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đúng là môn xã hội học khoa học không thể bao gồm trong phạm vi của nó mọi thay đổi mà những khám phá khoa học và sự tiến bộ tổng quát của khoa học đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Nhưng nó phải nắm biết các tình huống xã hội nay đã bị những khám phá khoa học mới chi phối, vì các hoàn cảnh mới này sẽ trở thành đầu nguồn cho nhiều hướng nghiên cứu mới, và sẽ tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển các khoa học.

Có vẻ như lịch sử các khoa học – vốn chủ yếu quan tâm đến sự phát triển của những ý tưởng và vấn đề, các phương pháp và giả thuyết khoa học – và xã hội học khoa học – vốn chỉ quan tâm đến những quan hệ khác nhau giữa khoa học và hiện thực xã hội – sẽ tách rời nhau. Trong thực tế, tình hình khác hẳn. Trong chừng mức là các vấn đề đặc thù của mỗi bên ngày càng được kết tinh, một tác động bổ sung qua lại mang tính chất khác cũng bắt đầu xuất hiện giữa hai lĩnh vực.

Paul Rybicki,
Lịch Sử Khoa Học Và Xã Hội Học Khoa Học
(L’Histoire des sciences et Sociologie de la science,
Organon, 6, 1969)


[1] Paweł Rybicki (1902-1988): nhà xã hội học, sử gia khoa học người Ba Lan. Tác phẩm: Początki i podstawy nauki o społeczeństwie (Les débuts et les fondements de la science de la société, 1963);  Społeczeństwo miejskie (Société urbaine, 1972); Struktura społecznego świata (La structure du monde social, 1979). NVK.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa