Đưa lên mạng ngày 30-06-2020 Từ khóa: Khoa học – Lịch sử ; Khoa học – Giáo dục ; Bachelard, Gaston – Trích đoạn |
C2 |
LỊCH SỬ KHOA HỌC
TRONG GIÁO DỤC
(1951)
Tác giả: Gaston Bachelard[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Thực ra, chúng ta phải lưu ý tới việc trao truyền khoa học từ thế hệ này sang thế hệ khác, việc xây dựng tinh thần khoa học, và việc ghi sâu tư tưởng khoa học vào tâm khảm con người. Bằng công thức này, theo phong cách của nhân học triết học đương đại, tôi muốn đặt dấu nhấn trên năng lực và hiệu lực tạo tính người của tư tưởng khoa học.
Và trước hết, cần phải truyền tải khoa học sao cho nó còn giữ được, trong lịch sử loài người ngày nay, ít ra là cái mức độ nó đã vươn tới ở những thế hệ người đã qua. Nhất là giữ được sự quan tâm và hứng thú đối với tư tưởng khoa học, điều không hề đơn giản vào thời điểm này, khi người ta đổ vấy cho khoa học, một cách khá dễ dãi, những lỗi lầm của con người mà nó không thể bị xem là phải chịu trách nhiệm.
Muốn duy trì sự quan tâm và hứng thú đối với văn hóa khoa học, văn hóa khoa học phải được tích hợp vào văn hóa tổng quát. Ở đây, một lịch sử khoa học sơ cấp sẽ là điều quan trọng vào bậc nhất. Hầu như mọi người đều đồng ý, và đều cảm nhận như một thứ bản năng, phẩm chất của phần lịch sử các nhà bác học lớn. Vì vậy, yêu cầu các nhà giáo khoa học hãy dạy cho học trò biết những thiên tài khoa học, như các thầy cô văn học đã dạy những thiên tài văn học cho học trò. Dù chỉ từ quan điểm con người đơn giản thôi, việc nghiên cứu khoa học bền bỉ đã là một ví dụ tuyệt vời về năng lượng, về sự kiên trì, nên tuổi trẻ sẽ luôn luôn thấy hứng thú khi được nghe kể về cuộc đời của một Palissy, một Galileo, một Kepler chẳng hạn. Lịch sử của khoa học phải truyền tải ký ức về những người hùng của khoa học. Như mọi thứ lịch sử khác, nó cần trân trọng những huyền thoại của mình. Nói về William Shakespeare, Victor Hugo từng viết: phải chăng huyền thoại chỉ là «một hình thức ký sử cũng đúng và cũng sai như mọi thứ sử ký khác»? Nhưng thứ lịch sử minh họa này của khoa học không đi xa được, và không hiếm khi người ta chỉ giữ lại ở Bernard Palissy cái sự cố ông đã làm cháy sàn nhà vì không biết rõ mình đang nung gì trong lò. Cái hình ảnh Palissy suýt gây hỏa hoạn đã đẩy những công trình nghiên cứu lâu dài của ông về hóa chất, về độ cô đặc của các loại đất, vào bóng tối.
Như vậy, hãy nghĩ tới những nghiên cứu lịch sử có nhiều sắc thái hơn. Điều quan trọng nhất là giải thích sự đa tạp của đủ thứ khó khăn đã cản trở sự tiến bộ [khoa học]. Dưới góc cạnh này, dù không đi xa tới mức khẳng định – theo kiểu của Auguste Comte – sự song song của tuyến phát triển cá nhân với tuyến phát triển của nhân loại, một sự song song quá đơn giản để có thể cung cấp cho ta những nhận xét phong phú, đương nhiên là lịch sử của các khoa học vẫn chứa đầy những bài học cho ngành sư phạm. Và chính là trong tư cách nhà giáo mà tôi tin tưởng chúng ta có thể xem lịch sử các khoa học như một trường học mênh mông, một chuỗi những lớp học từ cấp tiểu học đến cấp đại học. Trong nhà trường bao la này, có những học viên giỏi, có những học trò tầm thường. Tôi nói đã khá đủ, ngay từ đầu cuộc hội thảo này, rằng về cơ bản lịch sử tích cực của các khoa học là lịch sử của những học sinh giỏi, để bây giờ yêu cầu quý vị quan tâm một lúc tới ảnh hưởng của những học trò dở.
Nói cách khác, trong quá trình dạy lịch sử các khoa học, nếu có sự truyền tải những sự thật, thì cũng luôn luôn có một sự thường trực nào đó của những cái sai. Như Van Swinden[2] từng nói hai thế kỷ trước, trong tác phẩm của ông về Những Tương Tự Giữa Điện Và Từ (Analogies entre l'électricité et le magnétisme, q. I, tr. 23): «Có vẻ như những sai lầm tương tự thường được gặp lại vào các thời điểm khác nhau, nhưng luôn luôn dưới một số hình thức mới, và thích ứng với triết lý đương thời». Nhận xét sâu sắc, đặc biệt là trong luận điểm cuối của ông. Chắc chắn là đau lòng cho một triết gia khi phải thừa nhận, nhưng có vẻ như trong những sai lầm đáng ghi nhớ đã gây chậm trễ cho sự tiến bộ khoa học, chính triết học là đầu mối của cái sai. Nó đã sáp nhập những lý thuyết khoa học vào các hệ thống quá tổng quát. Điều này đòi hỏi các triết gia về tư tưởng khoa học phải luôn sẵn sàng để thẩm định xem cái gì đã cản trở sự tiến bộ của khoa học [...].
Khi chúng ta khảo sát các khoa vật lý học và hóa học hiện đại, phải chăng điều hiển nhiên là chúng đã cắt đứt với kinh nghiệm thông thường? Như vậy, trong phần giáo dục sơ đẳng, phải chăng đã đến lúc chúng ta cũng phải đạt tới điểm đoạn tuyệt? Khi muốn dạy học sinh trẻ hiểu các định luật về điện, chúng ta gặp những khó khăn từng là những chướng ngại đã cản trở sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học trong thế kỷ XVIII. Như vậy, kinh nghiệm tức thời có thể ngăn chặn sự hiểu biết kinh nghiệm khoa học, bất chấp đại đa số triết gia nghĩ gì [...].
Do đó, suy tư trong khuôn khổ của các giá trị về sự tiến bộ, trong ý thức về sức kháng cự của những chướng ngại nhận thức luận, lịch sử các khoa học thực sự cho ta thấy con người toàn diện. Nếu ngành lịch sử này có một tính thời sự rõ ràng, thì đấy chính là vì trong cảm thức của chúng ta, rõ ràng là nó biểu trưng cho một trong những nét sâu sắc nhất về số phận con người. Khoa học đã trở thành một phần không thể tách rời của con người. Đã trở thành ư? Không phải nó đã là như vậy rồi sao, khi con người hiểu được giá trị của việc nghiên cứu vô tư, không vụ lợi? Không phải thực ra nó đã là một hoạt động xã hội của những con người đơn chiếc từ thời cổ đại rồi sao? Không thể thực sự có tư duy khoa học ích kỷ, bởi nếu tư duy khoa học khởi đầu là ích kỷ, thì nay nó vẫn còn là như vậy. Nhưng số mệnh của nó lại khác. Lịch sử khoa học là một lịch sử của sự xã hội hóa dần dần. Hiện nay, khoa học đã được xã hội hóa từ đầu đến chân. Từ vài thế kỷ nay, lịch sử khoa học đã trở thành lịch sử của một thành quốc khoa học. Và ở thời đương đại này, mỗi thành quốc khoa học đều có một sự chặt chẽ lý tính và kỹ thuật, và nó loại bỏ mọi khả năng trở lui. Sử gia khoa học, trong khi đi dọc suốt tuyến phát triển của một quá khứ còn mờ tối, vẫn phải làm sao cho trí tuệ con người nhận thức được cái giá trị sâu sắc của khoa học ngày nay.
Gaston Bachelard
Tính Thời Sự Của Lịch Sử Khoa Học
(L'actualité de l'histoire des sciences),
Phát biểu tại Palais de la Découverte, 1951.
[1] Gaston Bachelard* (1884-1962): triết gia về khoa học, thi ca, giáo dục người Pháp. Tác phẩm chính: Essai sur la connaissance approchée (1932); Le Nouvel esprit scientifique (1934); La Dialectique de la durée (1936); La Psychanalyse du feu (1937); La Formation de l’esprit scientifique (1938); La Philosophie du Non (1940); L'Eau et les rêves (1941); L'air et les songes (1943); La Terre et les rêveries de la volonté (1948); La Terre et les rêveries du repos (1948); Le Rationalisme appliqué (1948); Le Matérialisme rationnel (1953); La Poétique de l’espace (1957); La Poétique de la rêverie (1960).
[2] Jan Hendrik van Swinden (1746-1823): nhà toán học và khoa học tự nhiên người Hà Lan. Tác phẩm chính: Über die Ähnlichkeit zwischen Magnetismus und Elektrizität (1784), Abhandlungen über vollkommene Maasse und Gewichte (1802), Grondbeginsels der meetkunde (1816) = Elemente der Geometrie (1834).