LỊCH SỬ KHOA HỌC, LỊCH SỬ CỦA SỰ TIẾN BỘ (B. FONTENELLE, 1724 & 1727)
Cập nhật ngày 1-9-2019
Từ khóa : Khoa học – Tiến bộ
C1

LỊCH SỬ KHOA HỌC
NHƯ LỊCH SỬ CỦA
SỰ TIẾN BỘ VỀ TINH THẦN
CỦA CON NGƯỜI

Tác giả : Fontenelle[1]*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

(1724)

A. Chúng ta được phép xem các khoa học như thể chúng chỉ mới được sinh ra, hoặc vì chúng chỉ có thể là chưa đủ hoàn hảo ở các dân tộc cổ đại, hoặc vì ta hầu như đã hoàn toàn mất hết mọi dấu vết của chúng suốt các thế kỷ tối tăm dằng dặc của thời man rợ, hoặc vì ta chỉ mới được đặt lên những đường hướng tốt từ khoảng một thế kỷ nay. Nhưng nếu ta xem xét dưới con mắt lịch sử đoạn đường mà các khoa học đã phải chiến đấu để vượt qua trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, bất chấp những thành kiến ​​sai lầm đã kháng cự lại chúng rất lâu từ mọi phía, bất chấp cả những trở ngại từ các quyền lực thế tục đôi khi xâm nhập vào, và bất chấp sự thiếu nhiệt tình trước loại tri ​​thức xa xôi so với công dụng hàng ngày, số lượng nhỏ những người tận tụy, và động cơ yếu đuối của nhiều người dấn thân khác vào việc nghiên cứu,… hẳn chúng ta phải ngạc nhiên trước quy mô và tốc độ của những tiến bộ trong các khoa học, thậm chí còn nhìn thấy nhiều khoa hoàn toàn mới như bỗng xuất hiện từ hư vô, đến mức có thể để cho hy vọng về tương lai được phép đi quá xa. Ta càng có lý do để tự hứa với mình rằng nó sẽ tươi sáng hơn bao nhiêu, thì chúng ta càng bị buộc phải xem các ngành khoa học, ít ra là vật lý học, như chỉ còn trong nôi bấy nhiêu.

Bernard Le Bouyer de Fontenelle,
Bài Tựa – Về Tính Hữu Ích Của Toán Học Và Vật Lý Học
Và Những Công Trình Của Viện Hàn Lâm Khoa Học
(Préface – Sur l'utilité des mathématiques et de la physique
et sur les travaux de l'Académie des Sciences, 1724.
In: Œuvres de Fontenelle, Nelle édi­tion,
Paris, Bastien, 1790, q. IV, tr. 73-74).

(1727)

B. Có một thứ tự điều chỉnh sự tiến bộ của chúng ta. Mỗi ngành tri ​​thức chỉ phát triển sau khi một số tri ​​thức trước nó đã phát triển [đủ], và khi đã đến lượt nó rộ nở. Cái vô cùng mà ta không thể tự miễn tiếp nhận này, đặc biệt là cái vô cùng nhỏ, thậm chí còn thiết yếu hơn cả cái đối lập với nó, chúng ta không hề biết cách sử dụng nó trong một phép tính đại số, mà như thế thì nó sẽ có rất ít công dụng; và liệu chúng ta sẽ sử dụng nó ở đây dưới hiện dạng nào nhỉ? Chúng ta sẽ xử lý cái vô hạn như những đại lượng hữu hạn chăng? Bản chất của nó không tạo ra ở đây một trở ngại không thể vượt qua ư? Dù sao, thời điểm mà môn hình học phải đẻ ra phép tính về cái vô hạn đã đến. Newton là người đầu tiên tìm ra phép toán tuyệt vời này, Leibniz là người đầu tiên công bố nó. Lịch sử đã kể cho  ta nghe, năm 1716, rằng cả Leibniz lẫn Newton đều là người đã phát minh ra nó, và chúng ta sẽ không lặp lại vấn đề này ở đây. Ngay khi phép tính vi phân vừa xuất hiện, mọi nhà hình học lớn Bernoulli[2], Hầu tước de l'Hôpital[3], Varignon[4] đều hăm hở tiến vào các con đường vừa được mở ra, và đã thực hiện  những bước tiến khổng lồ. Cái vô hạn nâng tất cả lên một độ cao tuyệt vời, đồng thời đưa tất cả đến một sự dễ dàng mà trước đó chúng ta không dám cả nuôi hy vọng đạt tới. Đây là thời kỳ mà một cuộc cách mạng gần như toàn diện đã xảy ra trong hình học.

                         Bernard Le Bouyer de Fontenelle,
Bài Tựa - Các Yếu Tố Của Hình Học Về Cái Vô Hạn,
(Préface - Eléments de la géométrie de l’infini, 1727.
In: Œuvres de Fontenelle, Nelle édi­tion,
Paris, Bastien, 1790, q. VI, tr. 42-43).


[1] Bernard Le Bouyer (Bovier) de Fontenelle (1657-1757): nhà văn và nhà khoa học Pháp. Tác phẩm chính: La Comète (1681); Nouveaux dialogues des morts (1683); De l'origine des fables (1684); Lettres galantes du chevalier d’Her (1685); Relation de l’île de Bornéo (1686); Entretiens sur la pluralité des mondes (1686, 1724); Histoire des oracles (1687); Digression sur les anciens et les modernes (1688); Le Comte de Gabalis, comédie en un acte (1689); Enée et Lavinie, tragédie lyrique en cinq actes et un prologue, livret (1690); Idalie, tragédie en prose (vers 1710); Élements de la géometrie de l'infini (1727); Oeuvres (11 q., 1766).

[2] Jean (Johann) Bernoulli (1667-1748): nhà toán học và vật lý học Thụy Sĩ. Tác phẩm được tập hợp trong: Opera omnia (4 q., 1742).

[3] Guillaume François Antoine, hầu tước de l'Hôpital (1661-1704): nhà toán học người Pháp. Tác phẩm: Analyse des infiniment petits pour l'intelligence des lignes courbes (1696, 1716, 1768); Traité analytique des sections coniques et de leur usage pour la résolution des équations dans les problêmes tant déterminés qu'indéterminés (1707, 1720).

[4] Pierre Varignon (1654-1722): linh mục dòng Tên, nhà toán học Pháp. Tác phẩm: De Viribus Machinarum (trước 1687); Projet d'une nouvelle Mécanique avec Un Examen de l'opinion de M. Borelli, sur les propriétés des Poids suspendus par des Cordes (1687); Nouvelles conjectures sur la pesanteur (1690); Nouvelle Mécanique ou Statique (2 q., 1725); Éclaircissements sur l'analyse des infiniment petits et sur le calcul exponentiel des Bernouilli (1725); Traité du mouvement et de la mesure des eaux coulantes et jaillissantes, Avec un traité préliminaire du Mouvement en général (1725); Éléments de mathematique (1731). 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa