«KHOA HOÁ HỌC TỰ TẠO RA ĐỐI TƯỢNG CỦA NÓ» (M. BERTHELOT, 1860)
Đưa lên mạng ngày 15-06-2020
Từ khóa : Hóa học – Đối tượng và Phương pháp ;
Berthelot, Marcelin – Trích đoạn
C1

KHOA HÓA HỌC
TỰ TẠO RA ĐỐI TƯỢNG
(1860)

Tác giả: Marcelin Berthelot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[...] Sự hình thành các phân tử hữu cơ cung cấp những dữ liệu có giá trị nhất cho lý thuyết cơ học về các lực phân tử. Thật vậy, nó tạo ra một loạt kết hợp vừa đa tạp vừa đều đặn, phát sinh từ cùng một định luật tổng quát, nhưng với một biến đổi dần dần trong kết cấu của chúng. Từ kết hợp này sang kết hợp khác, người ta có thể đạt đến sự tăng dần mức độ nào ta muốn. [...]

[...] Hợp chất nhân tạo mà các nhà thí nghiệm thu được, cái  nguyên lý tự nhiên mà họ tìm cách tái tạo, không phải là một hữu thể cô lập mà là một mảnh của một tổng thể lớn hơn, biểu hiện đặc thù của một quy luật tổng quát. [...] Hiểu biết về định luật này cho phép ta thực hiện vô số những hiệu ứng khác tương tự như các kết quả đầu tiên, tạo thành một lượng lớn những chất thể khác, một số là đồng nhất với các chất tự nhiên đã biết, một số khác là những chất mới và chưa được biết, tuy nhiên có thể so sánh được với các chất thể đầu tiên. Đây là những hữu thể nhân tạo, tồn tại theo cùng một cách, với sự ổn định tương tự như các hữu thể tự nhiên: chỉ có sự tương tác của các lực cần thiết để sản sinh ra chúng là không hề thấy hay gặp được trong tự nhiên. Sự tổng hợp những chất béo trung tính không chỉ tạo ra bằng tay người mười lăm hoặc hai mươi chất béo tự nhiên từng được biết đến nay, mà còn cho phép dự đoán sự hình thành của hàng trăm triệu chất béo tương tự [...] theo định luật chung đã chủ trì kết cấu của chúng [...] Có thể nói rằng mọi cơ thể, mọi hiện tượng đều đại diện cho một khâu được bao gồm trong một chuỗi những cơ thể, hiện tượng tương tự và tương liên lớn hơn. Do đó, ta không thể thực hiện nó một cách riêng lẻ được, trừ phi làm chủ được toàn bộ chuỗi hiệu ứng và nguyên nhân mà nó là một biểu đạt đặc thù; thế nhưng, bằng cách này, mỗi giải pháp sẽ có được một tính  phong phú phi thường. [...]

Điều thiết yếu cần phải biết nhất là sự nối tiếp không thể tránh được của những thay đổi mà vật chất trải qua, dòng dõi chính xác của các chất thể đang biến đổi, cũng như ảnh hưởng của môi trường và các hoàn cảnh trong đó những biến hóa diễn ra. Một khi đã biết chính xác những dữ kiện này, chúng ta trở thành chủ nhân của cơ chế tự nhiên, và làm cho nó hoạt động theo ý muốn được, nhằm hoặc tái tạo các hiệu ứng tương tự đã dạy cho chúng ta biết cách thâm nhập vào cơ chế đó, hoặc phát triển những hiệu ứng tương tự khác do trí tuệ của ta quan niệm. Trong mọi trường hợp, điều cốt yếu phải lưu ý là sức mạnh của ta vươn xa hơn tri ​​thức của chúng ta. Thực vậy, từ một số điều kiện nhất định về một hiện tượng chưa biết một cách hoàn hảo, thường ta chỉ cần thực hiện những điều kiện này là đủ để hiện tượng đó tự sản sinh ra tức thì, trong mọi chiều kích của nó; sự tương tác bộc phát của các định luật tự nhiên sẽ tiếp tục phát triển, và hoàn tất mọi hiệu ứng, miễn là chúng ta đã bắt đầu kích hoạt nó một cách thích hợp. Đấy, cách thức chúng ta có thể tạo nên những chất hữu cơ mà không cần phải áp dụng toàn bộ mọi định luật về tác động liên phân tử là như vậy. [...] Chúng ta có thể tin tưởng sẽ [...] quan niệm được các loại hình chung của mọi chất thể, và thực hiện được chúng. [...]

Khoa hóa học tự tạo ra đối tượng của nó. Khả năng sáng tạo này, tương tự như năng lực của nghệ thuật, phân biệt nó về cơ bản với những khoa học tự nhiên và lịch sử. [...]

Marcelin Berthelot
Hóa Học Hữu Cơ Xây Dựng Trên Phép Tổng Hợp
(Chimie organique fondée sur la synthèse,
Paris, Mallet-Bachelier, 1860, q. 2, tr. 809-812).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa