Cập nhật ngày 15-04-2020 Từ khóa: Vô thức (Khái niệm) – Lịch sử |
C2 |
GỐC GÁC VÀ SỰ TRIỂN KHAI
KHÁI NIỆM VÔ THỨC
Ở SIGMUND FREUD
(1950)
Tác giả: Joseph Nuttin*,
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Chính những khám phá của [Hippolyte] Bernheim[1] về các hiện tượng gợi ý sau thôi miên đã khiến cho Freud nhìn thấy cái ý nghĩa mà vô thức đã có được trong phân tâm học.
Là đồng nghiệp đương thời của [Jean-Martin] Charcot[2], Bernheim đã thực hành thuật thôi miên ở Nancy. Ông đưa ra một gợi ý hay một mệnh lệnh cho các bệnh nhân của mình trong trạng thái thôi miên, chẳng hạn như phải làm một hành động nhất định tại một thời điểm nhất định nào đó. Khi tỉnh dậy sau giấc ngủ thôi miên, bệnh nhân của ông đã thực hiện hành động ấy và đúng vào thời điểm được chỉ định, mà không hề ý thức rằng nó là một mệnh lệnh đã nhận được.
Theo Freud, những hiện tượng này cho ta thấy rằng các yếu tố có mặt một cách tiềm ẩn hoặc vô thức trong tâm lý không nhất thiết phải giữ trạng thái «bất lực» và không hoạt động. Một yếu tố có thể ở trong tình trạng vô thức song vẫn chủ động can thiệp được vào hành vi của ta.
Freud liên hệ những sự kiện biểu hiện «sự sinh hoạt» của vô thức này với lý thuyết của ông về dồn nén* (refoulement). Lý do duy nhất khiến một số nội dung hoặc biểu hiện nào đó hoạt động tích cực, tuy không thâm nhập vào ý thức, nằm ở sự kiện là lối vào ý thức bị cấm đối với chúng. Tình huống này là hệ quả của sự kiện sau: nội dung của những biểu hiện trên muốn đưa vào ý thức các xu hướng đối lập với những lực lượng khác đang thống trị ở đấy. Theo Freud, không còn gì để nghi ngờ nữa, chính các khuynh hướng hiện thân trong nội dung của những suy tưởng này đã kích hoạt sự bác bỏ những suy tưởng vô thức kia.
Ở đây, chúng ta kết nối với quan niệm của Freud về sự phân ly (dissociation)[3] của đời sống nội tâm. Một số nội dung tâm lý bị loại bỏ vì nội dung năng động của chúng; điều này có nghĩa là chúng không thể thâm nhập vào tới ý thức, mà tạo thành một lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, ý nghĩa của vô thức trở nên phong phú thêm bởi một yếu tố mới và thiết yếu. Vô thức không chỉ bị dồn nén khỏi ý thức vì một xung đột năng động, nó còn tác động tích cực đến hành vi ý thức nữa mà không cần phải thâm nhập vào tận ý thức. (...)
Ngoài ý nghĩa như nhân tố năng động của hành vi này, phân tâm học còn cho thuật từ «vô thức» một ý nghĩa khác. Nó còn được sử dụng để chỉ một bộ phận của cấu trúc nhân cách. Dựa trên sự phân tích các giấc mơ, Freud đã khiến cho vô thức trở thành thứ gì khác hơn là chỉ một đặc tính bí ẩn của một số yếu tố năng động nào đó trong đời sống tâm lý. Ông đã suy từ cơ chế hình thành giấc mơ ra cả một tập hợp những quá trình và cơ cấu trước đây chưa hề được biết, và làm cho chúng trở thành những sinh hoạt tâm lý hiện thực dù là vô thức. Vì lý do này, Freud đã biến vô thức thành một «phần» của hoạt động và một «khu vực» của đời sống tâm lý, trong đó người ta phát hiện ra những «nội dung vô thức» theo nghĩa năng động của thuật từ này. Bây giờ vô thức đã được sử dụng theo nghĩa địa hình để chỉ một «khu vực» hay một vùng của đời sống tâm lý. Trong khu vực này, một tập hợp những quá trình vô thức diễn ra, giống như những quá trình tâm lý thông thường trong vùng ý thức. (...)
Vô thức đã trở thành một yếu tố của sự «xây dựng» có tính giả thuyết mà phân tâm học đôi khi đã sử dụng với quá ít biện minh. Hệ quả là trọng tâm của đời sống tâm lý đã bị chuyển quá vội vàng sang các vùng tối nghĩa và phi lý. Trong giới bình dân, cũng như ở một số nhà tâm lý học, sự giải thích mọi loại hiện tượng bằng cách viện dẫn vô thức đã trở thành thời thượng. (...)
Định hướng về những gì là phi lý nơi con người còn được nhấn mạnh thêm bởi nhiều trào lưu khác, cụ thể là bởi một số hệ thống triết học nhất định như triết thuyết của [Ludwig] Klages[4], cũng như bởi các diễn giải sinh lý học về đời sống tâm lý như chủ thuyết hành vi (behaviorisme)[5].
Joseph Nuttin,
Phân Tâm Học Và Quan Niệm Duy Linh Về Con Người
(Psychanalyse et conception spiritualiste de l'homme,
Publications Universitaires de Louvain, 1950,
tr. 169-171 và 173-174).
[1] Hippolyte Bernheim (1837-1919), y sĩ Pháp chuyên về thôi miên và tâm lý trị liệu. Tác phẩm: Des Fièvres typhiques en général (1868); Leçons de clinique médicale (1877); De la suggestion dans l'état hypnotique et dans l'état de veille (1884); De la Suggestion et de ses applications à la thérapeutique (1886); Recueil de faits cliniques 1883-1886 (1890); Hypnotisme, suggestion, psychothérapie, études nouvelles (1891); L'Hypnotisme et la suggestion dans leurs rapports avec la médecine légale (1897); Le Docteur Liébeault et la doctrine de la suggestion (1907); L'Hystérie: Définition et conception, pathogénie, traitement (1913); De la suggestion (1916); Automatisme et suggestion (1917).
[2] Jean-Martin Charcot (1825-1893): nhà thần kinh học, giải phẫu bệnh học, và viện sĩ Pháp, được xem là người lập nền cho khoa thần kinh học hiện đại cùng với Guillaume Duchenne. Tác phẩm: Neurologie (khg 395 tờ viết tay); Leçons cliniques sur les maladies des vieillards et les maladies chroniques (1874); Sur les divers états nerveux déterminés par l'hypnotisation chez les hystériques (1882); Leçons sur les maladies du système nerveux (1885-1887); Les Démoniaques dans l'art (với P. Richer, 1887); Les Difformes et les Malades dans l'art (với P. Richer, 1889); La foi qui guérit (1897).
[3] Theo Freud, phân ly là kết quả của sự dồn nén khi nó tạo ra một sự tách rời trong đời sống tâm lý giữa các nội dung ý thức với các nội dung vô thức. Ông viết: «Chúng ta nhận biết trong sự phân ly của đời sống tâm lý cái kết quả của một hành vi ở đó hai nhóm nội dung tâm lý đối lập nhóm này với nhóm kia».
[4] Konrad Eduard Wilhelm Ludwig Klages (1872-1956): triết gia, nhà tâm lý và tướng chữ học người Đức. Tác phẩm: Prinzipien der Charakterologie (1910) = Les principes de la caractérologie (1950); Mensch und Erde (1913, 1937) = L'homme et la terre (2017); Ausdrucksbewegung und Gestaltungskraft (1913); Handschrift und Charakter (1917); Vom Kosmogonischen Eros (1922, 1988) = De l'eros cosmogonique (2008); Die psychologischen Errungenschaften Nietzsches (1926); Zur Ausdruckslehre und Charakterkunde (1926); Der Geist als Widersacher der Seele (3 q., 1929–1932, 1972); Vom Wesen des Rhythmus (1934) = La nature du rythme (2004); Die Sprache als Quell der Seelenkunde (1948); Grundlegung der Wissenschaft vom Ausdruck (1950); Die Grundlagen der Charakterkunde (1969); Ludwig Klages: Sämtliche Werke (16 q., 1964–1996).
[5] Lý thuyết có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, được John B. Watson xây dựng rõ ràng vào năm 1913, dựa trên phương pháp mô tả dùng để nghiên cứu hành vi của giới động vật, và theo đó tâm lý học là khoa học nghiên cứu hành vi (behavior) hoặc các cách thức hành xử của con người. Xem trên trang mục này các bài liên quan.