KHẢ PHẢN NGHIỆM LUẬN NHƯ TIÊU CHUẨN KHOA HỌC (K. R. POPPER, 1963)

Đưa lên mạng ngày 15-09-2022
Từ khoá: Khoa học (Khái niệm) ; Khả phản nghiệm luận ;
Popper (Karl Raimund) — Trích đoạn

C2

TÍNH KHẢ PHẢN NGHIỆM NHƯ
TIÊU CHUẨN KHOA HỌC
(1963)

Tác giả : Karl Raimund Popper
Bản tiếng Pháp : Michèle-Irène & Marc de Launay
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Trong việc tìm kiếm một tiêu chuẩn để phân biệt khoa học với khoa học giả, người ta thường viện dẫn phương pháp thực nghiệm như một bảo lãnh của chân lý khoa học. Như vậy, chỉ cần một lý thuyết được kinh nghiệm nhận thực là đủ để nó có thể tự xem như đã được thiết lập một cách khoa học chăng?

Theo Karl Popper, không phải vì chiêm tinh học chẳng hạn có thể đưa ra hàng tá bằng chứng dựa trên sự quan sát nhằm hỗ trợ các lý thuyết của nó mà chiêm tinh là một khoa học. Khi nhà tử vi tiên đoán cho bạn, trong thời gian tới, một cuộc hẹn quan trọng, một số vấn đề sức khỏe, hay một chuyện xấu trong quan hệ bạn bè, các biến cố đó có mọi khả năng xảy ra, nghĩa là được xác định bằng kinh nghiệm. Nhưng sự kiện là các tiên đoán của nó trở thành hiện thực có cho phép ta khẳng định tính khoa học của số tử vi ấy không? Không! Theo Popper, chính vì khi công bố những sự kiện có mọi khả năng xảy ra, một số tử vi như vậy đã tránh trước được mọi phản bác! Như vậy, không phải là sự phong phú của những bằng chứng kinh nghiệm bảo đảm tính khoa học của một lý thuyết, mà là khả năng bị phản bác của nó, tức là khả năng một lý thuyết bị kinh nghiệm chứng minh là sai. Trong thuật ngữ của Popper, đấy là tính khả phản nghiệm hoặc tính khả phản chứng của một lý thuyết.

Do đó, thứ lý thuyết có sức giải thích vô hạn, thứ lý thuyết tự cho giải thích được mọi hiện tượng xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, không thể được cho là khoa học, trong chừng mức là chúng không bao giờ có nguy cơ bị phản bác, đơn giản vì không có sự kiện nào có khả năng vô hiệu lực hoá chúng.

*

[...] Điều tôi quan tâm lúc bấy giờ không phải là vấn đề biết «khi nào thì một lý thuyết là đúng», hoặc ngay cả chỉ là «khi nào thì nó có thể được chấp nhận». Câu hỏi tôi đang tự đặt cho mình là rất khác. Tôi muốn phân biệt khoa học với giả-khoa học, đồng thời vẫn biết rõ rằng khoa học thường gặp sai lầm, trong khi khoa học giả có thể gặp sự thật một cách bất ngờ.

[...] Sau sự sụp đổ của Đế chế Áo-Hung, một cuộc cách mạng đã nổ ra ở Áo: có rất nhiều khẩu hiệu và ý tưởng cách mạng, cũng như những lý thuyết táo bạo mới. Trong số các lý thuyết khơi dậy sự quan tâm của tôi, chắc chắn quan trọng nhất là thuyết tương đối của Einstein. Ba lý thuyết khác là lý thuyết của Marx, phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân của Alfred Adler.

[...] Vào mùa hè năm 1919, ba lý thuyết này lý thuyết của Marx về lịch sử, phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân bắt đầu khơi dậy trong tôi nhiều dè dặt hơn, và tôi cũng bắt đầu băn khoăn về sự tự tuyên xưng tính khoa học của chúng.

[...] Suốt mùa đông 1919-1920, nhiều cân nhắc khác nhau đã dẫn tôi đến những kết luận chắc chắn mà bây giờ tôi có thể định dạng lại như sau:

1 - Nếu xác chứng là điều chúng ta tìm kiếm thì, cho phần lớn các lý thuyết, ta dễ tìm ra những xác nhận hay chứng thực mà thôi.

2 - Ta chỉ nên xem những xác chứng là có giá trị khi chúng là kết quả  của những dự đoán có rủi ro; nghĩa là, nếu trong sự vắng mặt của lý thuyết đang là vấn đề cân nhắc, chúng ta đã phải chờ đợi một biến cố không tương hợp với nó một biến cố có thể đã bác bỏ lý thuyết này.

3 - Mọi lý thuyết khoa học «tốt» đều có nội dung là ngăn cấm một số sự kiện nào đó xảy ra. Tầm ngăn cấm càng rộng, nó càng có giá trị.

4 - Một lý thuyết không thể bị phản bác bởi bất kỳ một biến cố có thể quan niệm nào là không khoa học. Đối với một lý thuyết, tính không thể bị bác bỏ không phải là một đức tính (như ta thường nghĩ), mà là một  khuyết tật.

5 - Mọi thử thách thực sự cho một lý thuyết là nỗ lực để chứng minh tính sai trật của nó hoặc để bác bỏ nó. Tính có thể thử nghiệm (testability) là tính có thể bị phản chứng (falsifiability); thế nhưng cũng có nhiều mức độ thử nghiệm: một số lý thuyết là dễ thử nghiệm hơn các lý thuyết khác, bị phơi bày nhiều hơn cho sự phản bác, nghĩa là một cách nào đó chúng lấy nhiều rủi ro lớn hơn.

6 - Ta chỉ được tính như bằng chứng xác nhận [lý thuyết] trong trường hợp nó là kết quả của một thử nghiệm đích thực mà lý thuyết đã trải qua; điều này có nghĩa là nó có thể được xem như một nỗ lực nghiêm túc, mặc dù không thành công, nhằm phản bác lý thuyết. (Trong trường hợp này, ngày nay tôi gọi chúng là ‘bằng chứng củng cố’ = ‘corroborating evidence’).

7 - Một số lý thuyết có thể được thử nghiệm thực sự, và sau khi bị thấy là sai trật, vẫn tiếp tục được những người ủng hộ chúng bênh vực, nhằm cứu vãn chúng khỏi bị phản bác, bằng các giả thuyết phụ trợ hoặc những diễn giải lại, đặc biệt cho mục đích đó[1]. Thao tác trên luôn luôn là khả thi, nhưng nó chỉ giải cứu được lý thuyết với cái giá phải trả là huỷ hoại, hoặc ít ra là hạ thấp, tính khoa học của lý thuyết. (Sau này, tôi gọi một thao tác giải cứu như vậy là một ‘bóp méo’, một ‘mẹo có tính quy ước’ = 'conventionalist twist' hay 'conventionalist stratagem').

[...] Chúng ta có thể tóm tắt những phán xét trên như sau: các tiêu chí về quy chế khoa học của một lý thuyết là tính có thể bị chứng minh là sai trật (tính có thể bị phản nghiệm hay phản chứng = falsifiability), tính có thể bị bác bỏ (refutability), tính có thể thử nghiệm (testability) của nó.  

Karl R. Popper,
Trg: Ước Đoán Và Bác Bỏ
(Conjectures et réfutations,
Paris, Payot, 1985, tr. 50-61 64-65).


[1] Ad hoc (cho mục đích này). Gỉả thuyết ad hoc là loại giả thuyết được thêm vào lý thuyết một cách cơ hội chủ nghĩa để "cứu" nó khỏi bị các thử nghiệm chứng minh là sai trật. Đối với Popper, những giải thích đặc biệt này chỉ làm hỏng tính khoa học của lý thuyết, vì chúng không thể được kiểm chứng một cách độc lập với các hiện tượng chúng có mục đích giải thích.

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa