«HYPOTHESES NON FINGO» (I. NEWTON, 1713)

Đưa lên mạng ngày 15-11-2022
Từ khoá : Giả thuyết (Khái niệm) ; Giả thuyết – Vật lý học ;
Newton (Isaac) – Trích đoạn

C2

 «HYPOTHESES NON FINGO» 
(«TÔI KHÔNG TƯỞNG TƯỢNG MỘT GIẢ THUYẾT NÀO)»

(1713)

Tác giả: Isaac Newton*
Bản tiếng Anh: Ierome Bernard Cohen,
Bản tiếng Pháp: Émilie de Chatelet
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Dưới đây là văn bản chính phần Newton đã thêm vào ấn bản năm 1713[1] của quyển Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên (Philosophiæ naturalis principia mathematica, xuất bản năm 1687), gọi là Chú Giải Tổng Quát (General Scholium) cho ta thấy tư tưởng của I. Newton về vấn đề giả thuyết và nguyên nhân có thể được kéo về hai hướng khác nhau (xem chú thích cuối cùng) như thế nào.

Để dịch trích đoạn này, chúng tôi đã sử dụng chủ yếu bản dịch Anh ngữ của Bernard Cohen có đối chiếu với một bản khác của Andrew Motte và Florian Cajori, và bản tiếng Pháp của Émilie de Chatelet nhưng không giữ lại những chú giải của dịch giả liên quan đến các ấn bản của nguyên tác, có lẽ chỉ nhắm vào giới sử gia khoa học chuyên nghiệp.

*

[]

[3] Sáu hành tinh chính quay quanh Mặt Trời theo những vòng tròn đồng tâm với Mặt Trời, có cùng hướng chuyển động, và gần như đều nằm trong cùng một mặt phẳng. Mười mặt trăng xoay quanh Trái Đất, Sao Mộc và Sao Thổ theo những vòng tròn đồng tâm, có cùng hướng chuyển động, và gần như nằm trong các mặt phẳng của quỹ đạo của các hành tinh. Và tất cả các chuyển động đều đặn này đều không có nguồn gốc từ nguyên nhân cơ học, vì những sao chổi đi tự do trong các quỹ đạo lệch tâm vào mọi phần của bầu trời. Với kiểu chuyển động này, sao chổi đi rất nhanh và rất dễ dàng qua các quỹ đạo của các hành tinh; và ở điểm xa Mặt Trời nhất của mỗi hành tinh này, nơi các hành tinh di chuyển vừa chậm hơn vừa lâu hơn, chúng ở khoảng cách xa nhau nhất có thể, để càng ít thu hút nhau càng tốt.

[4] Hệ thống Mặt Trời, các hành tinh và sao chổi thanh lịch nhất này không thể hình thành nếu không có sự thiết kế và thống trị của một Hữu Thể thông minh và quyền lực. Và nếu những vì sao cố định cũng là trung tâm của các hệ thống tương tự, thì tất cả đều được xây dựng theo một thiết kế tương tự và chịu sự thống trị của Đấng Duy Nhất, đặc biệt là khi ánh sáng của các ngôi sao cố định có cùng bản chất với ánh sáng của Mặt Trời, và tất cả các hệ thống đều gửi ánh sáng vào mọi hệ thống khác. Và để hệ thống các ngôi sao cố định sẽ không rơi vào nhau do lực hấp dẫn của chúng, Ngài đã đặt chúng ở những khoảng cách vô cùng xa nhau.

[5] Hữu Thể này cai trị mọi thứ, không phải với tư cách là linh hồn thế giới mà là Chúa Tể của vạn vật. Và vì quyền thống trị của mình, Ngài được gọi là Thượng Đế Thống Lĩnh Phổ Quát[2]. Vì «Thượng Đế» là một từ tương quan có quy chiếu về người hầu hạ, và Thượng Đế tính[3] là quyền lực của Thượng Đế, không phải trên thân thể của chính Ngài như những kẻ cho rằng Thượng Đế là linh hồn của thế giới gỉả định, mà là quyền lực trên những kẻ phục vụ. Thượng Đế Tối Cao là một Hữu Thể vĩnh hằng, vô hạn, và hoàn hảo tuyệt đối; nhưng một hữu thể, dù hoàn hảo đến đâu, nếu không có quyền thống trị, thì không phải là Thượng Đế Thống Lĩnh. Vì chúng ta nói Thượng Đế của tôi, Thượng Đế của bạn, Thượng Đế của Israël, Thượng Đế của các Thần Linh, và Thống Lĩnh của các Thống Lĩnh, nhưng ta không nói Đấng Vĩnh Hằng của tôi, Đấng Vĩnh Hằng của bạn, Đấng Vĩnh Hằng của Israël, Đấng Vĩnh Hằng của các Thần Linh; chúng ta không nói Đấng Vô Hạn của tôi hay Đấng Hoàn Hảo của tôi. Những chỉ định này [vĩnh hằng, vô hạn, hoàn hảo] không có quy chiếu về người hầu hạ. Từ «Thượng Đế» được sử dụng rộng rãi để có nghĩa là «Thống Lĩnh»[4], nhưng mỗi thống lĩnh không phải là một Thượng Đế. Quyền thống lĩnh của một linh thể tạo thành một Thần Linh, một quyền thống lĩnh thực sự tạo nên một Thần Linh thực sự, một quyền thống lĩnh tối cao nên một Thần Linh tối cao, một quyền thống lĩnh tưởng tượng một Thần Linh tưởng tượng. Và từ quyền thống lĩnh thực sự thì Thượng Đế đích thực là sống động, trí tuệ và quyền năng; từ những hoàn hảo khác, thì Ngài là đấng tối cao hay cực kỳ hoàn hảo. Ngài là vĩnh hằng và vô hạn, toàn năng và toàn giác, nghĩa là Ngài tồn tại từ vĩnh hằng đến vĩnh hằng, Ngài hiện diện từ vô cùng đến vô cùng; Ngài thống trị vạn vật, và biết tất cả những gì xảy ra hay có thể xảy ra. Ngài không phải là cõi vĩnh cửu và cõi vô cùng, mà là vĩnh hằng và vô hạn; Ngài không phải là thời gian và không gian, nhưng luôn luôn tồn tại và hiện diện. Ngài luôn luôn tồn tại và hiện diện ở khắp nơi, và qua đó Ngài tạo ra thời gian và không gian. Vì mỗi mảnh không gian tồn tại luôn luôn, vì mỗi khoảnh thời gian bất phân ở khắp nơi, nên chắc chắn rằng Người Tạo Ra và là Chúa Tể của vạn vật sẽ không là chẳng bao giờ hoặc chẳng ở đâu cả. 

[6] Mỗi linh hồn có cảm giác, vào những thời điểm khác nhau, nơi các cơ quan cảm giác và trong những chuyển động khác nhau, đều là một con người bất phân. Có những phần nối tiếp nhau trong thời gian và cùng tồn tại trong không gian, nhưng cả hai đều không tồn tại trong nhân thân con người hay trong nguyên tắc tư duy của hắn, và còn ít hơn nhiều trong thể chất tư duy của Thượng Đế. Mỗi người, trong chừng mực hắn là một sinh vật có giác quan, đều suốt đời là cùng một con người trong mỗi cơ quan cảm giác của hắn ta. Thượng Đế là duy nhất và cùng là một Thượng Đế, luôn luôn và ở mọi nơi.  Ngài hiện diện khắp nơi không chỉ như tiềm năng mà còn như thực thể; bởi hành động đòi hỏi chất thể [bởi năng lực hoạt động [virtus] không thể tồn tại nếu không có thể chất]. Mọi vật đều được chứa đựng và chuyển động trong lòng Ngài, nhưng Ngài không tác động lên chúng cũng như chúng không tác động lên Ngài. Thượng Đế không trải nghiệm gì từ chuyển động của những cơ thể; các cơ thể không cảm thấy chút trở lực nào từ sự có mặt khắp nơi của Thượng Đế.

[7] Có sự nhất trí rằng Thượng Đế Tối Cao nhất thiết phải tồn tại, và cũng bởi cùng một sự thiết yếu tương tự, Ngài luôn luôn tồn tại và hiện diện khắp nơi [Đấng Toàn Hiện]. Hệ quả là mọi thứ ở Thượng Đế đều giống như bản thân Ngài: Thượng Đế thấy hết, nghe hết, nghĩ hết, làm hết; Ngài là mọi năng lực cảm nhận, hiểu biết và hành động [Đấng Toàn Năng], nhưng theo một cách hoàn toàn không như con người, một cách không hề có hình thể, một cách chúng ta hoàn toàn không biết. Như một người mù không có ý niệm gì về màu sắc, chúng ta không có ý tưởng gì về cách Thượng Đế cảm nhận và hiểu biết mọi sự, mọi vật [Đấng Toàn Trí]. Ngài hoàn toàn không có bất kỳ thứ cơ thể và hình dạng vật chất nào, do đó, Ngài không thể được nhìn thấy hoặc nghe thấy hoặc chạm vào, cũng như phải được thờ phụng dưới hình thức của một cái gì đó vật chất. Chúng ta có ý tưởng về các thuộc tính của Ngài; nhưng chắc chắn chúng ta không biết bản chất của bất kỳ một sự vật nào là cái gì, mà chỉ nhìn thấy được hình dạng và màu sắc của những cơ thể, chỉ nghe thấy được âm thanh, chỉ chạm được vào mặt ngoài, chỉ ngửi được mùi, chỉ nếm được vị… của chúng. Không có cảm giác trực tiếp, cũng không có hành động phản ánh gián tiếp nào, giúp ta thông qua chúng, biết được bản chất bên trong nhất của các cơ thể. Để có một ý tưởng về bản chất của Thượng Đế, còn ít hơn thế nhiều nữa. Chúng ta chỉ biết Ngài qua các đặc tính và thuộc tính của Ngài, cũng như qua những kiến tạo khôn ngoan nhất và tốt đẹp nhất trong vạn vật, cùng với những nguyên nhân cuối cùng của chúng, và chúng ta chiêm ngưỡng Ngài vì sự hoàn hảo của Ngài; nhưng ta tôn kính và thờ phụng Ngài vì quyền thống trị của Ngài. Bởi chúng ta tôn thờ Ngài như tôi tớ, và một Thần Linh không có quyền thống trị, sự quan phòng, và những nguyên nhân cuối cùng thì chẳng là gì khác hơn là Số Phận và Thiên Nhiên. Tính tất yếu siêu hình mù quáng — cái phải luôn luôn là như vậy, ở mọi nơi, vào mọi lúc — không thể sinh ra sự biến đổi trong vạn vật. Tất cả sự đa dạng của vạn vật tự nhiên, mỗi thứ phù hợp với địa điểm và thời điểm của mình, chỉ có thể nảy sinh từ những ý tưởng và ý chí của một Hữu Thể nhất thiết đang tồn tại. Nhưng qua ngôn ngữ phúng dụ, Thượng Đế được xem là nhìn, nghe, nói, cười, yêu, ghét, muốn, cho, nhận, vui mừng, tức giận, chiến đấu, xây dựng, hình thành, sáng tạo. Bởi vì mọi ý niệm của ta về Thượng Đế đều bắt nguồn từ một sự tương tự nhất định với những cách thức của con người, tuy không hoàn hảo, nhưng cũng là một loại hình tương đương nào đấy. Điều này kết thúc phần thảo luận về Thượng Đế, và việc luận bàn về Thượng Đế từ những ngoại hiện của vạn vật chắc chắn là một phần của Triết Học Tự Nhiên[5].

[8] Cho đến nay, tôi đã giải thích những hiện tượng trên bầu trời và ngoài biển khơi của ta bằng lực hấp dẫn, nhưng tôi vẫn chưa gán cho sức mạnh này một nguyên nhân nào cả. Điều chắc chắn là nó phải xuất phát từ một nguyên nhân nào đó ; [nguyên nhân này] có khả năng thâm nhập vào đến tận tâm điểm của Mặt Trời và của các hành tinh mà không chịu một sự suy giảm nào về lực hết, và tác động của nó không tương ứng với số lượng bề mặt của những hạt trên đó nó tác động (như thường thấy ở loại nguyên nhân cơ học) nhưng tỷ lệ với số lượng vật chất rắn mà chúng chứa đựng, và phát tán hiệu lực hành động của nó về mọi phía đến tận những khoảng cách bao la, nhưng luôn luôn suy giảm theo bình phương nghịch đảo của các khoảng cách. Lực hấp dẫn về phía Mặt Trời được tạo thành từ các lực hấp dẫn về phía từng hạt của nó; và khi di chuyển xa Mặt Trời, nó suy giảm chính xác theo bình phương nghịch đảo của các khoảng cách, và cứ như thế cho đến quỹ đạo của Sao Thổ, như trạng thái đứng nghỉ của những điểm xa Mặt Trời nhất của các hành tinh đã cho thấy rõ ràng, và nó kéo dài đến tận những điểm xa Mặt Trời cuối cùng của các sao chổi, nếu những điểm xa Mặt Trời này cũng ở trạng thái đứng yên.

[9] Cho đến nay, tôi vẫn chưa có khả năng suy diễn từ những hiện tượng ra cái nguyên do của các đặc tính này ở lực hấp dẫn, và tôi không tưởng tượng ra bất kỳ một giả thuyết nào.  Vì bất cứ điều gì không được suy ra từ các hiện tượng phải được gọi là giả thuyết[6]; và mọi giả thuyết, dù là siêu hình hay vật lý, hoặc dựa trên những phẩm chất huyền bí, hay máy móc, đều không có chỗ đứng trong triết học thực nghiệm. Trong thứ triết học đặc biệt này, các mệnh đề phải được rút ra từ những hiện tượng, và sau đó được khái quát hoá bằng phép quy nạp. Chính bằng cách này mà chúng ta khám phá ra tính không xuyên qua được, tính cơ động, động lực của những cơ thể, các quy luật của chuyển động và lực hấp dẫn. Và đối với ta, chỉ cần lực hấp dẫn thực sự tồn tại và hoạt động theo các quy luật chúng tôi đã trình bày, chỉ cần nó có khả năng giải thích mọi chuyển động của các thiên thể và của biển khơi là đủ[7].

[10] Và bây giờ chúng ta có thể nói thêm một số điều liên quan đến một vi thể[8] tinh diệu (subtle spirit, BC)vào bậc nhất, vốn tràn ngập khắp và ẩn náu trong mọi vậ t thể thô. Bởi lực và tác động của nó, những hạt của các cơ thể thu hút lẫn nhau ở khoảng cách gần, và dính kết với nhau nếu chúng tiếp giáp; cũng bởi nó mà những cơ thể có điện hoạt động ở khoảng cách xa hơn, đẩy lùi cũng như thu hút những hạt nhỏ lân cận. Từ vi thể này, ánh sáng được phát ra, phản xạ, khúc xạ, uốn cong và làm nóng các vật thể lên; và cũng do những rung động của vi thể này, được lan truyền dọc theo những sợi thần kinh rắn chắc từ các cơ quan cảm giác bên ngoài đến não, rồi từ não tới những cơ bắp, nên mọi cảm giác của động vật đều bị kích thích, và các bộ phận của cơ thể di chuyển tức thì theo mệnh lệnh của ý chí. Nhưng đây là những điều không thể giải thích trong vài từ; hơn nữa, chúng ta cũng chưa thực hiện đầy đủ những thí nghiệm cần thiết, nhằm xác định và chứng minh chính xác các định luật vận hành của thứ vi thể điện và đàn hồi (electric and elastic, Motte-Cajori này[9].

Isaac Newton,
Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên –
Chú Giải Tổng Quát
(Philosophiæ naturalis principia mathematica, 1687
General Scholium, 1713)


[1] Chú Giải Tổng Quát này, với đoạn văn về Thượng Đế và câu tuyên bố nổi tiếng của Newton về vấn đề giả thuyết và nguyên nhân, không có trong ấn bản đầu tiên.   Về chi tiết các ấn bản và tác phẩm của Newton, xem: Các Công Trình Khoa Học Chưa Công Bố Của Isaac Newton, Rupert Hall và Marie Boas Hall xuất bản (Unpublished Scientific Papers of Isaac Newton, Cambridge (Mass.), Cambridge University Press, 1962);   I. Bernard Cohen, Dẫn Vào Quyển Principia Của Newton (Introduction to Newton's Principia, Cambridge (Mass.), Harvard University Press,  1971). BC

[2]  Pantokrator, Lord God. Theo chú thích của Newton, có nghĩa là: «Thống Lĩnh Phổ Quát». BC

[3] Ở đây, Newton dùng từ «deitas», chỉ bản chất chủ yếu của thần linh. Cohen dịch nó là «godhood», Motte là «deity». BC

[4]  Chú thích của Newton: «Người đồng hương Pocock của chúng ta đã rút chữ 'deus' ra từ chữ Ả Rập 'du' với nghĩa là ‘lord’ (thống lĩnh). Chính trong nghĩa này mà các ông hoàng được gọi là gods (Thánh Ca 82.6 và Gioan 10.35), mà Aaron và vua Pharaoh cũng gọi Moses là god (Xuất Hành 4.16 và 7.1). Và cũng trong nghĩa này mà trước kia linh hồn của các ông hoàng được kẻ dốt nát gọi là gods, nhưng một cách sai lầm, vì ở đây không có sự thống lĩnh». BC

[5] Qua các câu in đậm trong phần luận bàn về Thượng Đế ở các đoạn trích dịch tại đây [4-7], có lẽ Newton tin vào một Thượng Đế đã sáng tạo ra vũ trụ, nhưng cho rằng sau khi vũ trụ đã thành hình và được khởi động, Ngài không can thiệp gì nữa vào sự vận hành của vũ trụ (bởi bất cứ một điều chỉnh dù nhỏ nhoi nào cũng có nghĩa là tạo phẩm của Ngài là không hoàn hảo chăng?) NVK

[6] Do đó, nếu theo Newton, «việc luận bàn về Thượng Đế từ những ngoại hiện của vạn vật chắc chắn là một phần của Triết Học Tự Nhiên», thì cũng chỉ để ông kết luận rằng «bất cứ điều gì không được suy ra từ các hiện tượng phải được gọi là giả thuyết, và mọi giả thuyết, dù siêu hình hay vật lý, hoặc dựa trên những phẩm chất huyền bí, hay máy móc, đều không có chỗ đứng trong triết học thực nghiệm». NVK

[7] Và nhắc lại phương châm của chủ nghĩa thực chứng: nhà khoa học phải tự bằng lòng với việc chỉ nghiên cứu những hiện tượng, và thiết lập các quy luật của hiện tượng, bởi vì chỉ có chúng mới có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm; còn việc giải thích các định luật này, việc truy tìm những nguyên nhân gốc rễ, thì thuộc loại giả thuyết, và nó đưa chúng ta ra ngoài khoa học. «Dù điều chắc chắn là [lực hấp dẫn] phải xuất phát từ một nguyên nhân nào đó… Đối với ta, chỉ cần nó thực sự tồn tạihoạt động theo các quy luật đã trình bày, chỉ cần nó có khả năng giải thích mọi chuyển động của các thiên thể và của biển khơi là đủ»[8-9] NVK

[8] Nhưng chính ở đây [10] mà tư tưởng của Newton đặt vấn đề. Phải hiểu cái ông gọi trong nguyên bản bằng từ Spirit (Esprit, chúng tôi dịch vi thể),đây chỉ thứ đối tượng từng được giới khoa học gia gọi là ‘ê-te’ (ether), như thế nào?

Ban đầu, ‘ê-te’ chỉ một vị thần nguyên thủy trong thần thoại Hy Lạp, hiện thân của các tầng trời cao và sự toả sáng của chúng. Empedoklēs* là người đầu tiên dùng từ ‘ê-te’ để chỉ khí trong không khí, trái với sương mù. Trong Timaeus (58d) Platōn phân biệt ba loại khí (khí ‘ê-te’ trên cao, khí trong khí quyển, khí sương mù), và xem ‘ê-te’ là loại tinh khiết nhất, với đặc tính cụ thể là luôn luôn chuyển động. Trong chuyên luận Về Các Tầng Trời (On the Heavens), Aristotelēs cũng nói về một yếu tố chỉ tồn tại trong thiên cầu*, với đặc điểm là chuyển động theo đường tròn mà không cần tới ngoại lực. Đến thời Hy Lạp hoá*, người xưa nhất trí xem ông là người đã phát minh ra học thuyết về nguyên tố thứ năm, với trật tự sau: ‘ê-te’, lửa, khí, nước, đất. Đồng thời, ‘ê-te’ trở thành thể chất của các vì sao, của nhiệt, sự sống và linh hồn.

Trong vật lý học sau này, ‘ê-te’ từng bao hàm một số khái niệm khác nhau tùy thời đại, nhưng chúng đều được xem như một chất thể không khối lượng, một thứ môi trường có khả năng tạo ra, hoặc truyền tải, một số hiệu ứng giữa các vật thể – như quỹ đạo của các hành tinh (Descartes); lực hấp dẫn (Newton); ánh sáng (Descartes, Hooke, Newton và nhiều người khác cho đến đầu thế kỷ 20); điện lực, điện từ, thậm chí điện tích trong một số vật thể; lực đẩy bao quanh vật thể chống lại lực hấp dẫn (Laplace). Ngày nay, ‘e-te’ đã bị từ bỏ như ý niệm không cần thiết trong vật lý học, và do đó, vai trò nguyên nhân của nó đối với các các hiện tượng kể trên chẳng hạn đều có thể bị xem là những giả thuyết thuộc loại siêu hình hay huyền bí. NVK

[9] Riêng trong cuộc tranh luận về vai trò của giả thuyết trong triết lý khoa học của Newton, R. Blanché cho rằng vết cắt khiến tư tưởng của ông về vấn đề trên có thể bị kéo về hai hướng khác nhau nằm ở đoạn [10] này (La Méthode expérimentale et la philosophie de la physique, Paris, A. Colin, 1969, tr. 102). Còn đối với B. Cohen, có vẻ như Newton đang «đưa ra ở đây một suy đoánchúng tôi không dám gọi nó là một giả thuyếtmặc dù ngôn ngữ thực tế của Newton chỉ ra rằng, đối với ông, chỉ có vấn đề chất thể này hành động theo các quy luật nào, chứ không có vấn đề liệu nó có “thực sự” tồn tại hay không». Điểm rắc rối cho việc diễn giải là cụm từ «vi thể điện và đàn hồi» trong bản dịch của Motte-Cajori, và cả trong một tài liệu cá nhân của Newton như đề nghị chỉnh sửa cho ấn bản lần thứ ba. Hơn nữa, các bản thảo khác của tác giả cũng cung cấp bằng chứng về tầm quan trọng, trong suy nghĩ của ông vào các năm 1711-1713, về hiện tượng điện như một tác nhân khả dĩ của lực hấp dẫn, một quan tâm chỉ suy yếu dần từ đấy cho tới năm 1726. Nhưng khi ấn bản lần thứ ba ra đời (2-1726), đoạn [10] này vẫn tồn tại; Newton đã không đổi ý, đã quên, hay đã quá mệt mỏi để chỉnh sửa (ông mất ngày 31-3-1727)? NVK

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa