Cập nhật ngày 15-4-2019 Từ khóa : Trí thức (Khái niệm) ; Bài Do Thái (Chủ nghĩa) – Pháp – tk 19 ; Dreyfus, Alfred (Vụ án) – 1894-1906 ; Émile Zola (Vụ án) – 1898-1902 |
C2 |
HỌC THỨC & TRÍ THỨC (I)
SỰ KIỆN
TỪ VỤ ÁN ALFRED DREYFUS
ĐẾN PHIÊN XỬ ÉMILE ZOLA
(1894-1908)
Tác giả : Phạm Trọng Luật
*
Bàn về sự xuất hiện của khái niệm «trí thức» trong bối cảnh lịch sử của nó (sau chiến bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871) đòi hỏi một bài viết khá dài, bao gồm vừa sự tường thuật những diễn biến quan trọng trong gần 14 năm (trải qua 4 đời Tổng thống[1] và 13 đời Thủ tướng[2] của nền Đệ III Cộng hòa Pháp), vừa sự trình bày một cuộc tranh luận lý thuyết, vừa sự giới thiệu các nhân vật mấu chốt trong một giai đoạn lịch sử của nước Pháp.
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin cắt bài viết làm 2 phần: phần Sự kiện (TỪ VỤ ÁN ALFRED DREYFUS ĐẾN PHIÊN XỬ ÉMILE ZOLA), phần Ý tưởng (LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN). Bạn đọc nào muốn tìm hiểu thêm về các nhân vật và thiết chế trong cuộc – đã được điểm trước ở hai bài trên bằng dấu (*) – xin xem thêm ở các phụ lục liên hệ trong phần PHỤ LỤC (tất cả các phụ lục trong phần này đều được đưa lên mạng theo chế độ cập nhật).
Phạm Trọng Luật
*
DO THÁI Ư?
CÓ TỘI!
1894
Trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai nước Pháp - Đức vào cuối thế kỷ XIX, bà Marie Bastian*, nhân viên quét dọn Đại Sứ quán Đức tại Paris, được giao phó nhiệm vụ nhặt tất cả mọi giấy tờ trong sọt rác sứ quán và giấu thay vì đốt tức khắc tại chỗ, để sau đó giao lại cho Thiếu tá Tình báo Hubert Joseph Henry* tại nhà thờ Sainte Clotilde. Trong đợt thu nhặt tháng 9 năm 1894, có bản liệt kê một số tài liệu quốc phòng mật về pháo binh (từ đây gọi tắt là «bản kê» = «bordereau»), mà tác giả của nó đề nghị bán cho Đại tá Maximilien Von Schwartzkoppen, Tùy viên Quân sự Đức. Vì tài liệu này xác nhận có sự phản bội ở mức cao cấp ngay trong lòng Bộ Tham mưu Pháp, nó được gửi gấp cho Cục Thống kê Quân đội (thực chất là Sở Tình báo) do Đại tá Jean Sandherr* chỉ huy để điều tra. Kẻ bị tình nghi tức thì là Đại úy Alfred Dreyfus*, vì ông là sĩ quan tập sự gốc Do Thái tại Bộ Tham mưu từ năm 1893, và chữ viết lại hao hao giống. Bức thư được lần lượt giao cho 5 chuyên gia tuồng chữ giám định: trong khi 2 người đầu (Alfred Gobert, Eugène Pelletier) không dám xác nhận, cả 3 người kia (Alphonse Bertillon, Etienne Charavay, Pierre Teysonnières) đều quả quyết đấy chính là tuồng chữ của nghi can. Dreyfus bị gọi lên Bộ Chiến tranh cho Thiếu tá Armand Du Patay de Clam* thẩm vấn, rồi quẳng vào ngục Cherche-Midi ngày 15-10-1894, tư gia bị lục soát để tìm thêm tang chứng tưởng tượng.
Từ nhiều tháng trước, giới báo chí bài Do Thái đã phát động phong trào chống việc lưu giữ sĩ quan Do Thái trong quân đội Pháp. Dưới sự tổ chức của Thiếu tá Hubert Henry, tin tức nay bắt đầu được tiết lộ trên các nhật báo. Ngày 29-10, tờ Lời Tự Do (La Libre Parole) loan tin đồn một sĩ quan làm gián điệp cho Đức bị bắt ngay tại Bộ Tham mưu; ngày 31, các tờ Tia Sáng (L’Éclair) xác nhận tin trên, trong khi Tổ Quốc (La Patrie) cho biết thủ phạm là người Do Thái, và Buổi Chiều (Le Soir) đưa ra tên Alfred Dreyfus. Trở lại phát giác trên ngày 1-11, Lời Tự Do của Edouard Drumont* bắt đầu chiến dịch gây áp lực bằng một báo động vịt «Chuyện gián điệp này rồi sẽ bị ém nhẹm cho coi, vì tên sĩ quan đó là người Do Thái. Toàn thể cộng đồng Do Thái đã chuyển mình»[3], rồi từ đấy tờ báo này không ngừng gây áp lực đòi quân đội phải đem Alfred Dreyfus ra xét xử.
Ngày 2-11-1894, sau khi trình bày vụ việc trước Nội các Charles Dupuy* III trong buổi họp Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier* chuyển hồ sơ xuống Trung tướng Félix Gustave Saussier*, Tư lệnh Quân khu Paris (Gouverneur militaire de Paris). Ngày 7-11, việc lập hồ sơ dự thẩm được giao cho Thiếu tá Bexon d’Ormescheville. Ngày 17-11, ngài Bộ trưởng Mercier hứa trên tờ Nhật Báo (Le Journal) là cuộc điều tra «sẽ chấm dứt trước 10 ngày». Ngày 4-12, Trung tướng Saussier triệu tập Toà án Chiến tranh để xử Alfred Dreyfus, mặc dù hồ sơ dự thẩm chỉ vỏn vẹn có «bản kê» với tuồng chữ mà ngay cả các chuyên gia cũng không nhất trí là từ tay của nghi can.
Vì quyết tâm, khả năng và ngay cả sự trong sạch của chính Bộ trưởng Bộ Chiến tranh cũng bị giới báo chí bài Do Thái nghi ngờ, để trấn an dư luận và tự vệ, Auguste Mercier tuyên bố trên tờ Le Figaro* ngày 28-11-1894 rằng tội phản bội của Alfred Dreyfus là «tuyệt đối, chắc chắn». Ký giả Arthur Meyer bình luận trên nhật báo Người Xứ Gaule (Le Gaulois, bảo hoàng) ngày hôm sau: «Ngay cả để bảo vệ danh dự mình, một sĩ quan không thể in ra một dòng chữ nếu ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh không cho phép. Thế mà ở đây Trung tướng Mercier đã đăng, hay để đăng, một bài phỏng vấn dài về đại úy Dreyfus; nặng hơn cả một cáo trạng, đây đã là lời kết tội thực sự, một bản án tử hình. Chúng tôi chúc mừng tờ Le Figaro đã may mắn tìm được một bài phỏng vấn quan trọng tầm cỡ, nhưng chúng tôi không khen ngợi Trung tướng Mercier. Nếu ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh đã kết án Đại úy Dreyfus như thế, thì liệu cái tòa án chiến tranh sắp được triệu tập để xét xử nghi can sẽ còn được bao nhiêu tự do?»[4]
Cuộc vận động của Luật sư Edgar Demange* để phiên xử có thể diễn ra công khai không thành, Alfred Dreyfus bị xử kín ngay tại ngục thất ngày 19-12-1894, và đến ngày 22-12 thì bị kết án đày chung thân ra Đảo Ác Quỷ (Île du Diable) tại Guyane, dựa trên «xác quyết» của Henry, lý thuyết kỳ quái của Alphonse Bertillon (2 tuồng chữ không trùng hợp hoàn toàn vì Dreyfus đã cố ý... giả chữ viết của mình) và nhất là nhờ một thủ đoạn bất hợp pháp. Trước phiên họp biểu quyết, 7 sĩ quan trong Hội thẩm đoàn đã được Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier cung cấp một hồ sơ mật về nghi can mà cả Dreyfus lẫn luật sư Demange đều không hay biết (trái với thủ tục trong quân pháp là bên bị phải nhận được hồ sơ buộc tội này ít nhất là 3 ngày trước phiên xử để có thể nghiên cứu và phản biện), trong đó có một tài liệu khống về sau bị phát hiện là do chính Hubert Henry đặt vào, với câu ám chỉ quyết định: «Kèm theo đây là 12 bản đồ mà tên D. vô lại đưa tôi nhờ chuyển cho ông»[5] của Tùy viên Quân sự Ý Alessandro Panizzardi trong một bức thư gửi cho đồng nghiệp Đức Von Schwartzkoppen.
Nói chung, báo giới đều thỏa mãn với bản án. Tờ Thời Báo (Le Temps) ngày 24-12-1894 viết: «công lý chẳng những đã được thực thi, mà thực thi một cách tốt đẹp»[6]. Một sớm một chiều trở thành người hùng, ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier thừa thắng xông lên, đòi Quốc hội tái lập án tử hình[7] đối với những trọng tội như tội phản quốc, tạo cơ hội cho lãnh tụ cánh tả Jean Jaurès* chỉ trích sự phân biệt đối xử giữa sĩ quan với lính trơn trong quân đội: «Thống chế Bazaine*, bị xác quyết là phạm tội phản quốc, tuy đã lãnh án tử hình, song không bị xử bắn. Đại úy Dreyfus, bị toà xử nhất trí về tội phản bội, đã không bị kết án tử hình. Và, trước những bản án loại này, cả nước chứng kiến là người ta đã bắn bỏ, không tha thứ, không thương hại, những người lính trơn chỉ mắc mỗi tội là đã có một phút lầm lạc hay bạo hành... Nếu người ta không xử bắn [Dreyfus], đấy là vì người ta đã không muốn, trong khi luật pháp cho phép»[8]. Cuộc tranh luận tiếp theo căng đến nỗi, rốt cuộc, ông Dân biểu Jean Jaurès* và ngài Bộ trưởng Bộ Nội vụ Louis Barthou hẹn gặp nhau ngay hôm sau ở một trận quyết đấu*[9] trong rừng. Vì đấy là ngày lễ Giáng sinh, nhờ lòng bác ái vô lượng của Chúa, cả hai ông đều bắn trật địch thủ, và hân hoan về nhà không thương tích.
1895
Ngày 5-1-1895, Đại úy Dreyfus bị hạ nhục trong sân Trường Võ bị Paris, trước một đám đông khán giả hớn hở, cuồng nộ, khi người ta lột lon, bẻ kiếm của đương sự: «Treo cổ bọn Do Thái!»... «Tên phản bội chết tiệt!»... «Xử giảo hết bọn Judas!»... Léon Daudet* đã tả lại cảnh tượng ấy như sau: «Tuy nhiên, hắn vẫn tiến tới giữa hai người lính, cái xác chết với những bước chân diễu binh vô hồn, nhìn thì mảnh khảnh mà to lớn vì nhục nhã, như thể sự căm thù đã chiếm lĩnh thể xác hắn và chế ngự được cả cơn lốc cảm xúc quay cuồng bên trong... Đến gần chỗ chúng tôi, hắn còn thu đủ nghị lực để hô lên «Vô tội», giọng hấp tấp trắng bệch. Bây giờ thì hắn đến trước tôi rồi, trong khoảnh khoắc băng ngang, mắt khô quánh, cái nhìn mất hút trong quá khứ, chắc thế, vì tương lai đã chết tốt với danh dự. Không còn tuổi. Không còn tên. Không còn cả sắc da. Tuyền một màu phản bội. Mặt nhợt nhạt, nhẵn thín, đê tiện, không chút ân hận, nhất định phải là mặt ngoại tộc thôi, thân tàn ma dại của một biệt khu [Do Thái] nào đó. Vẫn còn một cái nhìn chòng chọc gan lì xua đuổi mọi tình cảm trắc ẩn. Đấy là lần cuối cùng hắn còn sánh bước bên cạnh con người, và hắn tỏ ra tự chủ, sẵn sàng đương đầu với sự ô nhục đến mức giống như là hắn đã tận dụng được thời cơ đó»[10] (Le Figaro). Maurice Barrès* cũng kể với giọng tương tự: «Khi hắn tiến về phía chúng tôi, mũ kê-pi sụp tới trán, cặp kính không càng kẹp trên sống mũi sắc tộc, mắt giận dữ và khô quánh, mặt câng câng thách thức, hắn hô lên, phải nói thế nào nhỉ? hắn hạ lệnh «Hãy nói với cả nước Pháp rằng tôi vô tội» bằng một giọng không thể chấp nhận nổi. Hàng loạt nào «Judas!», nào «Đồ phản quốc!», ào ra tới tấp. Không biết từ mãnh lực của định mệnh mà hắn mang trong người hay do bạo lực của những ý tưởng mà tên họ hắn đã kết hợp lại, kẻ khốn nạn tạo ra ở tất cả khán giả hàng tràng chửi rủa ác cảm. Bộ mặt ngoại tộc, sự trơ trơ cứng nhắc, tất cả cái không khí toát ra ở hắn khiến ngay cả người tự chủ nhất cũng phải thấy ứa gan»[11] (Quân Kỳ = La Cocarde). Thật ra, thái độ ngoan cố hay ngoan cường của sĩ quan Do Thái này có thể được giải thích đơn giản hơn, nếu người xem đọc được một câu trong thư an ủi chồng của Lucie Dreyfus: «Anh hứa sẽ can đảm, và anh đã giữ lời, em cám ơn anh. Phẩm cách của anh, phong thái đẹp đẽ của anh đã chinh phục được quả tim của nhiều người»[12].
Sự thật là phẩm cách cùng lời kêu oan không ngừng của cựu Đại úy Alfred Dreyfus đã gây hoang mang cho không ít khán giả. Có thể nào ông ta bị xử oan thực chăng? Còn thiếu một bằng chứng tuyệt đối để chiến thắng được trọn vẹn: sự thú nhận của chính nghi can. Các báo bài Do Thái thi nhau đăng lại lời tâm sự và thú nhận... tưởng tượng của Dreyfus với Đại úy Charles Lebrun-Renault, sĩ quan có trách nhiệm canh giữ ông. Tất cả đều bị ký giả Eugène Clisson của tờ Le Figaro chứng minh sau đó là láo khoét, trừ một chi tiết: tài liệu buộc tội Dreyfus đã xuất phát từ Đại Sứ quán Đức chứ không phải từ Bộ Tham mưu. Nguy tai, Đại Sứ quán Đức là một ổ gián điệp ư?! Georg Munster-Ledenburg, Đại sứ Đức, tức thì đòi yết kiến Tổng thống Pháp để phản đối. Trong cuộc gặp gỡ đêm 15-1-1895, Jean Casimir-Perier* xác nhận nguồn gốc của «bản kê», nhưng cho rằng một sứ quán không thể bị xem là phải chịu trách nhiệm về loại thư từ không chờ đợi mà vẫn nhận được. Hai bên đi đến thỏa thuận rằng một thông cáo báo chí theo hướng đó là đủ để tránh khủng hoảng ngoại giao, trong khi ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier vẫn cố trình bày cuộc gặp gỡ trên, cho bất cứ ai muốn nghe, như một đêm «lịch sử», «bi đát», vì chiến tranh chỉ tránh được trong đường tơ kẽ tóc!
Ngày 16-1-1895, Tổng thống Jean Casimir-Perier từ chức, chán ngán vai trò tượng trưng trong một nội các mà ông không kiểm soát nổi (ông chỉ được báo cáo về hồ sơ mật một ngày trước khi gặp Đại sứ Đức!), và một Quốc hội mà ông tùy thuộc. Bộ trưởng Auguste Mercier ra tranh cử với lời kêu gọi: «Quốc hội phải bầu cho người đã lôi tên phản bội Dreyfus ra trước Tòa án Chiến tranh», nhưng chỉ được có 3 phiếu. Dân biểu Félix Faure* được bầu làm Tổng thống Cộng hoà Pháp ngày 17-1-1895[13]. Tối hôm đó, kẻ vô tội Alfred Dreyfus lên thuyền để đi đến nơi sẽ là mồ chôn sống cuộc đời mình, trong sự im lặng đồng lõa của cả nước Pháp. Một sĩ quan Do Thái đã phản bội, hắn đã đền tội, chẳng ai thấy có gì để nói nữa. Ngay cả Georges Clemenceau*, người sau này sẽ tích cực bênh vực Dreyfus, lúc đó còn đánh giá ông như sau trên tờ Công Lý (La Justice): «Như vậy là hắn chẳng có thân nhân, vợ con, không có tình cảm đối với một cái gì cả, không có một liên hệ nào với người hay gia súc, chẳng có gì khác hơn ngoài một tâm hồn bẩn thỉu, một trái tim ti tiện»[14]. Trừ vợ ông, Lucie Dreyfus, vẫn không ngừng kêu oan trong sa mạc, và anh của ông, Mathieu Dreyfus*, vẫn tiếp tục tìm cách «quậy», với sự trợ giúp của một ký giả Do Thái trẻ có khuynh hướng vô chính phủ là Bernard-Lazare*. Bộ ba bị dư luận gọi mỉa mai bằng một cái tên đầy khinh thị: «Nghiệp Đoàn Do Thái».
1896
Đầu tháng 7-1895, Trung tá Georges Picquart* lên làm Giám đốc Cục Thống kê thay Jean Sandherr về hưu. Và đầu tháng 3-1896, cục này chận bắt được thiếp điện («le petit bleu» = «mảnh giấy xanh», điện tín chưa gửi) đoạn tuyệt của Von Schwartzkoppen gửi cho Thiếu tá Ferdinand Walsin Esterházy*. Picquart quyết định điều tra về viên thiếu tá nổi tiếng ăn chơi đàng điếm với hành tung bất hảo trên, và mau chóng khám phá ra rằng tuồng chữ trong bản kê các tài liệu mật đề nghị bán cho địch chính là của sĩ quan Pháp gốc Hungari này. Kinh hoảng, Picquart thông báo cho các Trung tướng Tham mưu Trưởng Raoul Le Mouton de Boisdeffre* (5-8-1896) và Tham mưu Phó Charles Arthur Gonse* (3-9-1896). «Tên Do Thái đó phải nằm lại ở Đảo Ác Quỷ thì việc gì đến anh?», Gonse hỏi. – «Nhưng mà, thưa Trung tướng, hắn vô tội». – «Hồ sơ này không mở lại được nữa, có dính líu tới các Trung tướng Mercier và Saussier». – «Nhưng mà vì hắn vô tội...». – «Nếu anh kín miệng thì sẽ chẳng ai biết». – «Điều ngài nói thật là kinh tởm, thưa Trung tướng. Tôi chưa biết sẽ phải làm gì, dù sao, tôi sẽ không mang bí mật này xuống mồ»[15], Picquart liều lĩnh đáp.
Cũng ngày 3-9-1896, báo chí đăng lại một tin của tờ Ghi Chép Hàng Ngày (Daily Chronicle) bên Anh, theo đó Alfred Dreyfus đã hoặc đang chuẩn bị vượt ngục, với sự hỗ trợ tài chính và ngay cả nhân sự của cộng đồng Do Thái Hoa Kỳ. Thật ra, đây chỉ là một tin vịt do chính Mathieu Dreyfus tung ra, để vụ án không rơi vào quên lãng. Trên Đảo Ác Quỷ, tù nhân Dreyfus bỗng dưng được chiếu cố đặc biệt chặt chẽ: chòi ở bị dựng thêm vách ván chung quanh, chân bị cùm và xích vào giường. Tuy nhiên, mánh lới trên cũng tạo được một hậu quả bất ngờ: thấy động, phe chống xét lại vụ án làm một sai lầm. Ngày 14-9, để vĩnh viễn khoá miệng «Nghiệp Đoàn Do Thái» và cô lập nó với phần dư luận còn hoang mang, tờ Tia Sáng lần đầu tiên nói đến cái hồ sơ mật đã khiến cho Alfred Dreyfus bị kết án, nghĩ rằng làm như thế là mang lại bằng chứng không thể chối cãi về tội trạng của Dreyfus, quên mất rằng nó cũng đồng thời là bằng cớ không thể chối cãi về sự vi phạm thủ tục xét xử.
Ngày 16-9-1896, dựa vào sự thú nhận rằng phiên tòa đã sử dụng một thủ tục bất hợp pháp, Lucie Dreyfus kiến nghị lên Quốc hội xin xử lại. Ngày 6-11, ký giả Bernard-Lazare cho xuất bản tập sách mỏng tựa là Một Ngộ Phán Pháp Lý: Sự Thật Về Vụ Án Dreyfus (Une erreur judiciaire : la vérité sur l’affaire Dreyfus) tại Bruxelles để tránh bị tịch thu, và sau đó tìm cách thuyết phục một số nhân sĩ nổi tiếng công chính (như Thượng Nghị sĩ Auguste Scheurer-Kestner*, nhà văn Émile Zola*) nhưng không thành công. Báo chí xôn xao; trong một phiên họp Quốc hội, Dân biểu André Castelin yêu cầu Chính phủ truy tố Bernard-Lazare. Nhưng biết rằng cách tốt nhất để phi tang không phải là quậy dư luận ồn lên mà là nhận chìm xuồng, Nội các Jules Méline khoanh tay bất động.
Mặt khác, cấp trên của Georges Picquart quyết định đẩy sĩ quan «có vấn đề» này khỏi Paris: một quân lệnh ký ngày 27-10-1896 gửi ông đi thanh tra vùng biên giới phía Đông. Đồng thời, Hubert Henry lại làm giả một cuộc trao đổi thư khác giữa hai tùy viên quân sự Ý - Đức vào cuối tháng 10, trong đó chữ D. trước kia viết tắt nay được khai triển trọn vẹn thành Dreyfus. Trong văn kiện này (sau gọi là «thư khống Henry» = «le faux Henry»), Von Schwartzkoppen đã than phiền về lòng tham của Dreyfus: «Rõ ràng là tên Dreyfus chó má này bây giờ đòi hỏi nhiều quá», trong khi Panizzardi dặn dò: «Tôi đọc thấy rằng một dân biểu sắp chất vấn về Dreyfus. Nếu ở Rome người ta đòi thêm giải thích mới, tôi sẽ nói là chưa bao giờ có quan hệ gì với tên Do Thái này. Đồng ý như thế nhé. Nếu người ta hỏi ông, cứ nói như vậy»[16].
Ngày 10-11-1896, tờ Buổi Sáng (Le Matin) in lại bản sao bức thư nhặt được trong Đại Sứ quán Đức, do chuyên viên nhận tuồng chữ Pierre Teysonnières bán lại. Mathieu Dreyfus từ nay có thể phóng to tài liệu này bên cạnh chữ viết thật của Alfred Dreyfus, và phổ biến rộng rãi để mọi người có thể so sánh. Dư luận ngày càng phân vân, tập sách mỏng của Bernard-Lazare được nhà xuất bản Stock nhận tái bản ngay tại Pháp. Ngày 26-12, từ vùng biên giới phía Đông, Georges Picquart bị thuyên chuyển sang phục vụ ở Tunisia.
Như vậy, mặc dù lúc ấy đã biết Alfred Dreyfus là vô tội và ngay cả tông tích của thủ phạm đích thực, Bộ Tham mưu Pháp vẫn quyết định giữ im lặng hầu bảo vệ hai huyền thoại: «danh dự tổ quốc» (người Pháp không bao giờ phản quốc!) và «thanh danh của quân đội» (quân đội không bao giờ sai lầm)! Tuy nhiên, để phòng ngừa bất trắc, một mặt, Ferdinand Esterházy đã bị rút khỏi mọi sinh hoạt quân sự từ ngày 17-8-1896, vì «bệnh tật tạm thời» («infirmités temporaires»); mặt khác, Henry được thăng chức Trung tá và bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Thống kê Quân đội thay Picquart vào tháng 1-1897.
1897
Vào tháng 5-1897, thái độ xấc láo của Hubert Henry khiến Georges Picquart lo ngại mình có thể là nạn nhân của một bộ máy ám hại. Về nghỉ phép tại Paris vào cuối tháng 6-1897, sĩ quan này quyết định kể hết những khám phá của ông cho luật sư Louis Leblois* nghe, và tuy yêu cầu ông ta kín miệng, vẫn thận trọng ủy thác cho bạn nhiệm vụ bảo vệ mình trước pháp luật. Ngày 13-7, Leblois thông báo cho Phó Chủ tịch Thượng Viện Auguste Scheurer-Kestner những tiết lộ của Picquart, kể cả yêu cầu kín miệng. Nhân vật cao cấp của Chính phủ này quyết định vận động giải oan cho Alfred Dreyfus mà không gây thêm khủng hoảng trong quân đội.
Một biến cố văn hoá bên lề, tuy sau này đóng vai trò quyết định trong cuộc tranh chấp: ngày 19-10-1897, số đầu tiên của nhật báo Bình Minh (L’Aurore, khuynh hướng cộng hoà xã hội) ra đời, với một ban biên tập trong đó có Georges Clemenceau, Urbain Gohier, và Bernard-Lazare. Ernest Vaughan, người sáng lập tờ báo, chịu thu dụng Bernard-Lazare, lúc ấy còn đang ngược xuôi vận động để minh oan cho Alfred Dreyfus và do đó bị các nhật báo khác tẩy chay, với một điều kiện: không được dùng diễn đàn của ông trong cuộc tranh chấp pháp lý.
Auguste Scheurer-Kestner lần lượt xin gặp Tổng thống Felix Faure* (29-10-1897) và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot* (30-10). Vị nguyên thủ quốc gia hứa sẽ giữ thái độ trung lập thiện cảm, còn ngài bộ trưởng thì hứa sẽ mở ra một cuộc điều tra trong vòng 15 ngày. Sự thực là Trung tướng Billot đã hạ lệnh gửi Georges Picquart ra vùng biên giới loạn lạc giữa Tunisia và Lybia từ ngày 10-10, và trong một phiên họp tại Bộ Chiến tranh ngày 16-10, bộ ba các tướng tá Gonse, Henry và Du Patay đã lấy quyết định, vừa thông báo cho Ferdinand Esterházy bằng thư nặc danh về những nguy hiểm đang chờ đợi y, vừa bảo đảm cho y hậu thuẫn của Bộ Tham mưu (qua hai cuộc gặp gỡ mật, ngày 23 rồi 27-10), với điều kiện là Esterházy phải tuyệt đối vâng lời. Mặt khác, cũng trong ngày 30-10, Henry cùng với Du Patay lại làm thêm các điện tín giả khác, ký tên Spéranza và Blanche, để cáo buộc chính Picquart mới là tác giả thực sự của bức thiếp điện do Von Schwarzkoppen gửi cho Esterházy. Cuối cùng, giới báo chí hữu khuynh Thánh Giá, Tổ Quốc, Tia Sáng, Người Xứ Gaule, Lời Tự Do, Không Nhân Nhượng (La Croix, La Patrie, L’Éclair, Le Gaulois, La Libre Parole, L’Intransigeant...), bắt đầu úp mở, xa gần tấn công Scheurer-Kestner, trình bày ông như «kẻ khờ khạo bị bọn vô lại lừa bịp»[17].
Một bất ngờ khác. Ngày 12-11-1897, tập sách mỏng Một Ngộ Phán Pháp Lý: Sự Thật Về Vụ Án Dreyfus được tái bản và bày bán ở Paris. Một kẻ làm môi giới trong hậu trường chứng khoán tên là Jacques de Castro nhận ra tuồng chữ của Ferdinand Esterházy trên phóng ảnh «bản kê» trong sách, do đã từng nhận được nhiều thư của «khách hàng quen thuộc» trên. Ông ta báo ngay cho gia đình Dreyfus. Mathieu đến gặp Auguste Scheurer-Kestner nhằm thuyết phục nhân vật này về tông tích thủ phạm, nhưng khi vừa mở miệng: «Kẻ phản bội tên là Esterházy», đã được trả lời «Đúng, chính hắn». Hai bộ phận nổi và chìm của cuộc vận động vì sự thật và công lý từ nay được nối kết. Sau hai buổi họp tại tư gia Scheurer-Kestner (ngày 12 và 13-11, lần thứ nhì có sự tham dự của nhà văn Émile Zola), ngày 16-11, tờ Thời Báo (Le Temps) đăng một bức thư ngỏ của Scheurer-Kestner, trong đó ông xác nhận rằng Dreyfus hoàn toàn vô tội tuy không nêu tên thủ phạm đích thực, đồng thời các báo buổi sáng cũng công bố bức thư của Mathieu Dreyfus gửi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot, tố cáo đích danh tác giả của «bản kê» là Ferdinand Walsin Esterházy.
Không thể ém nhẹm được nữa, ngày 17-11-1897, Trung tướng Gustave Saussier giao nhiệm vụ điều tra về Esterházy cho Thiếu tướng Gabriel de Pellieux*. Ba ngày sau, De Pellieux nộp báo cáo đầu tiên: «Với cả tâm hồn lẫn lương tri, tôi tin chắc rằng Esterházy không dính líu chi đến vụ này ... Đối với tôi, Trung tá Picquart ở vào trường hợp phải bị đưa ra trước một ủy ban điều tra»[18]. Ferdinand Esterházy trở thành nạn nhân của một âm mưu do «Quốc tế Do Thái» («la juiverie internationale») khởi động nhằm bôi nhọ Quân đội Pháp. Vai trò quá đẹp này vô tình gây họa cho đương sự. Một bà De Boulancy nào đó, tình nhân bị bỏ rơi của Esterházy, nhờ luật sư trao cho Auguste Scheurer-Kestner một bức thư của y để trả thù. Bức thư xuất hiện trên tờ Le Figaro ngày 28-11, với một đoạn nẩy lửa: «Sự kiên nhẫn của dân Pháp ngu ngốc này, giống dân đáng ghét nhất mà tôi biết, thật là vô tận: nhưng tôi thì không còn kiên nhẫn thêm nổi. Tôi sẽ không ở với bọn ngu xuẩn và thô bỉ, chưa ra trận đã cầm chắc chiến bại này lâu hơn nữa. Tôi chưa hề đánh một con chó con, nhưng tôi sẽ hả hê làm chết một trăm ngàn thằng Pháp như chơi ... Ôi! Paris bị chiếm đóng và làm mồi cho cả trăm ngàn tên lính say sưa cướp bóc, thật là một cảnh tượng thê thảm... Nhưng đấy là ngày lễ hội mà tôi mơ tưởng, cầu xin được toại nguyện! Nếu chiều nay người ta nói với tôi rằng ngày mai tôi sẽ chết như đại úy kỵ binh đánh thuê mà được chém giết lính Pháp thả cửa, tôi sẽ hoàn toàn sung sướng»[19] (lá thư này về sau được gọi là «la lettre des uhlans = bức thư của kỵ binh đánh thuê»). Cả nước ngã ngửa! Tá hỏa, Esterházy chạy hết báo này đến báo nọ đính chính, kêu oan, nào âm mưu, nào vu khống, v. v...
Trong khi đó, Georges Picquart bị gọi về Paris hỏi cung ngày 26-11-1897, nhà cửa bị lục soát. Đồng thời Auguste Scheurer-Kestner cũng trở thành đối tượng đả kích, mạ lị chính của các nhật báo chống Alfred Dreyfus, bên cạnh «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «tên Phổ», «tên tư bản Đức», «tên tay sai của Nghiệp Đoàn Do Thái», v. v... Qua lời cảnh báo của Louis Le Provost de Launay, một số nghị viên bênh quân đội đang chuẩn bị cật vấn ông ngay tại Thượng viện.
Ngày 25-11-1897, bài báo đầu tiên của Émile Zola về vụ án Alfred Dreyfus xuất hiện trên tờ Le Figaro, dưới tựa đề Scheurer-Kestner, nhằm bênh vực nhân vật này, với một câu kết đầy tin tưởng: «Và, nếu vì những lý do chính trị mà công lý còn bị níu chân, đấy sẽ là một sai lầm mới nữa, nó chỉ làm lùi lại cái kết cuộc không thể tránh, và làm cho nó trầm trọng thêm. Chân lý đã lên đường, và không gì còn có thể cản bước nó được nữa»[20]. Mặt khác, ngày 30-11 Georges Clemenceau đặt một câu hỏi về Ferdinand Esterházy trên tờ Bình Minh: «Cái con người mà ai cũng biết rõ này, trừ những kẻ lẽ ra phải biết y kỹ hơn, phải chờ và nhờ đến Ô. Mathieu Dreyfus tố cáo! Thế mà vẫn chưa đủ. Ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, mặc dù biết từ 18 tháng nay rằng y bị một sĩ quan cả đời sống trong danh dự cáo buộc vào tội nặng nhất, lại quay sang đánh sĩ quan này, đày ông ta đi xa vì đã làm phận sự, và bảo đảm cho tên Walsin-Esterházy sự miễn tố. Thế nghĩa là gì? Ai là người che chở cho Esterházy?»[21].
Ngày 1-12-1897, cũng trên Le Figaro, bài báo nhập cuộc thứ hai của Émile Zola, dưới tựa đề Nghiệp Đoàn (Le Syndicat), nhằm bênh vực «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «Một nghiệp đoàn để tác động trên dư luận, để chạy chữa bệnh điên rồ mà nó đã bị loại báo chí bẩn thỉu truyền vào, để đưa nó về với sự kiêu hãnh và lòng độ lượng muôn đời. Một nghiệp đoàn để nhắc lại mỗi sáng rằng quan hệ ngoại giao của chúng ta không hề bị đe dọa, rằng danh dự của quân đội không hề bị xúc phạm, rằng chỉ có những cá nhân là có thể bị liên lụy ở đây. Một nghiệp đoàn để chứng minh rằng mọi ngộ phán pháp lý đều có thể được sửa sai, rằng cứ khư khư bám chặt một ngộ phán kiểu này, lấy cớ là tòa án chiến tranh không thể nào nhầm lẫn, chính là sự ngoan cố quái gở nhất, sự ương ngạnh kinh tởm nhất. Một nghiệp đoàn để vận động cho đến khi chân lý được sáng tỏ, cho đến lúc công lý được thực thi, bất chấp mọi chướng ngại, bất chấp số năm tháng đấu tranh còn cần thiết. Một nghiệp đoàn như thế, vâng, tôi là thành viên, và tôi hy vọng rằng tất cả mọi người Pháp đàng hoàng tử tế cũng đều sẽ gia nhập»[22].
Ngày 3-12-1897, Thiếu tướng Gabriel de Pellieux đưa ra kết luận chung cuộc về Ferdinand Esterházy: «miễn tố». Ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Jules Méline có thể trấn an các vị dân biểu ở Hạ viện: «Không có vụ việc Dreyfus nào cả». Và Bá tước Albert de Mun* có thể cao giọng hạch hỏi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot về «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «Công chúng phải được biết, có hay không tại xứ này, một thế lực bí mật và đen tối, nhưng đủ mạnh để có thể gây nghi ngờ trên các vị lãnh đạo Quân đội quốc gia bất kỳ lúc nào nó muốn? ... Công chúng phải được biết, có thật là thế lực đen tối này đã đủ mạnh để gây xáo trộn trên khắp lãnh thổ hay không?»... để lại được nghe Trung tướng Billot quả quyết khẳng định: «Với cả tâm hồn lẫn lương tri, như Quân nhân, như người cầm đầu Quân đội, tôi tin rằng ông Dreyfus có tội, và phán quyết của Tòa án Chiến tranh là đúng»[23].
Dù vậy, Bộ Tham mưu vẫn quyết định đánh một nước cờ cao hơn: vì địch thủ đòi đem Ferdinand Esterházy ra xử, tốt hơn là cứ đem đương sự ra xử cuội, tuyên bố trắng án, rồi sau đó viện dẫn nguyên tắc «việc đã xử rồi» («la chose jugée») để nhận chìm xuồng luôn. Biết chắc được sự che chở của Bộ Tham mưu, Esterházy lấy cớ danh dự quân nhân bị xúc phạm, cũng nhất quyết đòi Thiếu tướng De Pellieux phải đưa y ra trước Toà án Chiến tranh: «Tôi tin rằng Ngài đã có trong tay mọi chứng cớ về âm mưu bỉ ổi nhằm hại tôi; nhưng những âm mưu này cần phải được phơi bày trong một cuộc tranh tụng pháp lý càng rộng rãi càng tốt, và cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn ... Như sĩ quan bị công khai kết án là phản quốc, tôi có quyền được xử bởi Toà án Chiến tranh, vì đấy là hình thức pháp lý cao nhất trong Quân đội; chỉ một quyết định xuất phát từ đấy và xử tôi trắng án mới có khả năng thích cái dấu sỉ nhục lên trán những kẻ vu khống hèn nhát nhất đã cả gan tố cáo tôi trước dư luận» ... «Trông vào sự công minh cao cả của Ngài, tôi chờ đợi được đưa ra trước Toà án Chiến tranh ở Paris»[24].
Ngày 4-12-1897, hồ sơ dự thẩm về Ferdinand Esterházy được giao cho Thiếu tá Alexandre Ravary. Ngày 5-12, trong bài viết thứ ba tựa là Biên Bản (Procès-Verbal), sau khi tố cáo giới «báo chí hạ cấp động dục», thái độ thản nhiên nếu không muốn nói là bình tâm của các báo đứng đắn trước sự chà đạp chân lý và công lý, cuộc vận động bài Do Thái mọi rợ «đã đẩy nước Pháp lùi lại cả ngàn năm trước», «sự khai thác hèn hạ lòng yêu nước» của chính quyền, ... Émile Zola kết luận: «Tạm thời, trong khi chờ đợi quyết định của Toà án Chiến tranh, vai trò của tôi xem như chấm dứt; tôi nồng nhiệt mong mỏi rằng, chân lý được sáng tỏ, công lý được thực thi, tôi không còn phải đấu tranh vì các lý tưởng này nữa»[25]. Tờ Le Figaro tức khắc bị tẩy chay: phe «chống xét lại» phát động một phong trào bỏ mua báo dài hạn, khiến ông chủ nhiệm Fernand de Rodays phải rút lui khỏi cuộc chiến, mặc dù trước đó đã hứa hẹn sẽ ủng hộ bạn Émile Zola đến cùng.
Ngày 7-12-1897, trong buổi chất vấn Thượng viện, Scheurer-Kestner cố gắng thuyết phục định chế này chấp nhận đề nghị xét lại bản án, với sự hỗ trợ trên diễn đàn của cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ludovic Trarieux* nhưng không thành công. Kết quả của cuộc bỏ phiếu chung cuộc xác nhận sự ủng hộ Nội các Jules Méline và quân đội của đa số thượng nghị sĩ. Thất bại này cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ vận động ôn hoà trong khuôn khổ pháp lý mà ông Phó Chủ tịch Quốc hội làm đạo diễn đồng thời là nhân vật trọng tâm.
Mặt khác, cuộc tranh chấp từ nay mang những hình thức đáng lo ngại hơn bên phía ủng hộ chính quyền và quân đội. Phong trào bài Do Thái của Jules Guérin* bắt đầu xuống đường, tổ chức những buổi họp công cộng, với những khẩu hiệu đầy hận thù và lời kêu gọi sát phạt. Giới sinh viên theo lập trường «quyền lợi Quốc gia – danh dự Quân đội» cũng biểu tình trong khu La-tinh để xỉ vả Scheurer-Kestner. Ngày 14-12-1897, tập sách mỏng Thư Gửi Tuổi Trẻ (Lettre à la jeunesse) được nhà xuất bản Eugène Fasquelle phát hành, trong đó Émile Zola kêu gọi giới trẻ và sinh viên xuống đường hãy trả lời: «Chúng tôi đi về phía nhân loại, phía chân lý, phía công lý» thay vì «đi la ó một người, một ông lão, sau một đời lao động và trung trực đăng đẵng, tưởng rằng mình có thể ủng hộ một lý tưởng độ lượng, mong muốn làm sáng tỏ và sửa sai một ngộ phán, vì danh dự của ngay chính nước Pháp»[26].
1898
Ngày 1-1-1898, Thiếu tá Alexandre Ravary nộp hồ sơ dự thẩm cho Trung tướng Gustave Saussier, với kết luận «miễn tố» Ferdinand Esterházy, vì cả 3 chuyên gia (Edmé Belhomme, Émile Couard, Pierre Varinard) đều cho rằng tuồng chữ trên «bản kê» không phải là của đương sự, còn bức thư đăng trên Le Figaro chỉ là một tài liệu giả. Tuy nhiên, đúng như kế hoạch đã định trước, Saussier vẫn triệu tập Tòa án Chiến tranh để xử Esterházy theo yêu cầu của chính đương sự. Georges Clemenceau nhận định trên tờ Bình Minh cùng ngày: «Người ta sẽ truy tố Esterházy, bởi vì không có cách nào khác hơn, nhưng chỉ trên những tiểu tiết do đại tá Picquart phát hiện. «Bản kê» sẽ không được giữ lại như bằng chứng. Sẽ không có một chữ nào về nó cả, Chính phủ vừa tìm ra ba chuyên gia để tuyên bố rằng tuồng chữ mà Esterházy đã nhận là của y không do chính tay y viết ra»[27].
Ngày 6-1-1898, tập sách mỏng thứ hai của Émile Zola ra đời dưới tựa đề Thư Gửi Nước Pháp (Lettre à la France), qua đó tác giả tỏ ra vừa lo ngại rằng phiên xử Ferdinand Esterházy cũng sẽ lại đầy tráo trở, vừa tin tưởng ở sức khỏe tinh thần và sự thức tỉnh kịp thời của đất nước ông. «Lo ngại duy nhất của tôi là mọi việc sẽ không được đưa ra ánh sáng tức thì và trọn vẹn. Sau một cuộc thẩm vấn mật, một phiên xử kín sẽ không chấm dứt được gì. Chỉ lúc đó, vụ kiện mới bắt đầu, bởi vì dù sao cũng phải mở miệng thôi, bởi vì câm nín là đồng lõa. Thật là điên rồ nếu tưởng rằng có thể ngăn cản lịch sử được ghi lại! Trang sử này, nó sẽ được viết ra, và sẽ không có một trách nhiệm nào dù mảy may mà không phải trả đúng cái giá của nó ... Và tất cả chỉ vì sự vinh quang cuối cùng của Mi thôi, hỡi nước Pháp, bởi vì tự thâm sâu, ta không hề lo sợ. Ta biết rằng dù người ta có muốn mưu hại trí tuệ và sức khỏe của Mi cũng vô vọng, Mi vẫn luôn luôn là tương lai, Mi sẽ có những hồi thức tỉnh rực rỡ chân lý và công lý!»[28]. Zola nhìn về phiên xử tương lai, để không ai quên vụ án quá khứ; đồng thời, tập sách mỏng thứ hai của Bernard Lazare, Người Ta Đã Kết Án Kẻ Vô Tội Như Thế Nào (Comment on condamne un innocent) cũng ra mắt công chúng ngay ngày hôm sau.
Ngày 10-1-1898, vụ xử Ferdinand Esterházy diễn ra y như dự đoán. Luật sư Edgar Demange vẫn đại diện cho Mathieu, và Fernand Labori* cho Lucie. Nhưng quyền đứng tên nguyên cáo dân sự của gia đình Dreyfus bị từ chối, thủ tục xử kín được chấp nhận, và trong suốt phiên xử, các nhân chứng (Mathieu Dreyfus, Auguste Scheurer-Kestner, Georges Picquart) không ngừng bị la ó, chửi bới trong khi kẻ bị xét xử được cổ võ, o bế bởi một phòng họp hầu hết mặc quân phục. Chiều ngày 11-1, kết quả chờ đợi – xử «trắng án» bởi một Hội Thẩm đoàn nhất trí – được công bố trong tiếng hò reo tở mở «Quân đội muôn năm», «Treo cổ bọn Do Thái»... của đám đông.
Ngày hôm sau, trên tờ Bình Minh, Clemenceau tự hỏi và tự trả lời: «Thế là hết chăng? Tôi không tin chút nào. Để thủy chung với chàng kỵ binh đánh thuê, bây giờ chính quyền phải truy tố «nghiệp đoàn», cái nghiệp đoàn tai tiếng có tội đã ngờ vực Esterházy. Và nếu nó không có can đảm làm, tôi sẵn sàng tin rằng những người đã đứng ra nhận lãnh cuộc vận động này sẽ không bỏ dở giữa đường. Bây giờ đến lượt họ lôi Billot và các phiên xử kín của ông ta ra trước vành móng ngựa của công luận, trước Hội Thẩm đoàn của Công dân Pháp»[29].
Ngày 13-1-1898, Georges Picquart bị xử phạt 60 ngày kỷ luật ở trại Mont-Valérien vì tội «làm tài liệu giả», trong khi chờ đợi bị đưa ra trước một ủy ban điều tra, mặc dù ngày 4-1 trước đó sĩ quan này đã nhờ luật sư Louis Leblois đệ đơn kiện tác giả của các bức điện tín khống ký tên Spéranza và Blanche gửi cho ông ngày 10-11-1897, nhằm hăm dọa và gây hại. Cùng ngày 13-1 này, ở Thượng viện, Auguste Scheurer-Kestner không được tái cử vào ghế Phó Chủ tịch. Hai sự kiện song song trên dường như đánh dấu sự thất bại không thể đảo ngược của cuộc vận động nhằm giải oan cho Alfred Dreyfus nhân danh chân lý và công lý.
TRÍ THỨC Ư?
VÀO TÙ!
1898
Nhưng cũng trong ngày 13-1-1898 này, tờ Bình Minh của Georges Clemenceau đăng Thư Gửi Ô. Félix Faure, Tổng Thống Của Nền Cộng Hoà (Lettre à M. Felix Faure, Président de la République) của Émile Zola, dưới tựa đề Tôi Buộc Tội (J’accuse) do Clemenceau lấy lại từ điệp khúc nổi tiếng trong thư. In ra 300000 bản và bán hết 2/3 chỉ trong vòng vài giờ, bài báo gây chấn động và đưa cuộc vận động từ lĩnh vực pháp lý sang chính trị. Nhà mác xít Jules Guesde nhận định: đây là «hành động cách mạng lớn nhất thế kỷ»; nhưng cũng chính vì thế, Auguste Scheurer-Kestner lo ngại: «Zola chọn trận địa cách mạng..., thật là một lầm lỗi!»[30]. Và quả thật, ngay chiều hôm đó ở Hạ viện, Bá tước Albert de Mun và Dân biểu Jacques Godefroy Cavaignac đăng đàn đòi rửa nhục cho các lĩnh tụ quân đội. Quốc hội thông qua quyết định truy tố Émile Zola với 312 phiếu thuận và 122 phiếu chống. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội, chống Do Thái, phỉ báng Émile Zola, nổ ra trên khắp nước Pháp.
Nhưng tiếp theo bức thư, ngày 15-1-1898, xuất hiện trên cùng nhật báo kiến nghị đầu tiên đòi xét lại vụ xử Dreyfus, mang chữ ký của nhiều văn nghệ sĩ và một số nghề tự do, nhưng đa số là giáo sư hay sinh viên đại học. Tuy chỉ ngắn gọn trong một hàng chữ, Một Kháng Nghị (Une protestation), đây là đầu mối của một cuộc tranh cãi về danh từ, và được đời sau xem là tờ khai sinh của khái niệm «trí thức», hay cường điệu hơn nữa, một «tuyên ngôn của người trí thức» (xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN).
Ngày 18-1-1898, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot khởi tố Émile Zola và nhật báo Bình Minh nhân danh quân đội. Mặc dù bị nhà văn buộc tội đích danh, đám tướng lĩnh liên lụy đều tránh ra mặt. Người ta dựa vào câu sau để khởi tố tác giả bài báo: «Sau cùng, tôi buộc tội Tòa án Chiến tranh thứ nhất đã vi phạm luật pháp khi kết án kẻ bị xét xử dựa trên một tài liệu còn giữ bí mật, và tôi buộc tội Tòa án Chiến tranh thứ hai, khi đến lượt nó xét xử, cũng tuân lệnh cấp trên, bao che sự bất hợp pháp trước bằng một tội ác pháp lý khác là tha bổng kẻ nó biết chắc chắn có tội, một cách hoàn toàn ý thức»[31].
Mặt khác, ngày 19-1-1898, nhóm dân biểu thuộc cánh xã hội ở Hạ viện ra một Tuyên Ngôn Người Vô Sản (Manifeste du Prolétariat), chủ trương đứng ngoài (xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN): «Vụ Dreyfus đã trở thành đấu trường rào kín của hai địch thủ tư sản: bọn cơ hội và bọn tăng lữ ... Hỡi người vô sản, đừng đầu quân vào bất cứ phe đảng nào trong cuộc nội chiến này của giai cấp tư sản ... Giữa Reinach và De Mun, chúng ta hãy giữ lấy sự tự do hoàn toàn»[32]. Jean Jaurès cũng ký vào tuyên ngôn này, và mặc dù ca ngợi «sự táo bạo của Zola», còn cảnh báo trên tờ Cộng Hòa Nhỏ (La Petite République): «Ông ta không thể tách rời hành động của mình khỏi môi trường xã hội nơi nó xảy ra được. Đằng sau ông ta, đằng sau cái sáng kiến táo bạo và cao cả đó của ông, cả một lũ Do Thái khả nghi đang sùi bọt mép bước theo, tham lam và gian manh, chờ đợi ở ông ta không biết một sự phục hồi danh dự gián tiếp nào đó, thuận lợi cho bao tác hại khác»[33].
Ngày 21-1-1898, ba chuyên gia tuồng chữ Edmé Belhomme, Émile Couard, Pierre Varinard cũng đệ đơn kiện Émile Zola về tội phỉ báng, dựa trên đoạn văn sau: «Tôi buộc tội ba chuyên gia tuồng chữ, các ông Belhomme, Varinard et Couard, đã làm những báo cáo dối trá và gian manh, trừ phi họ được một cuộc khán nghiệm y tế chứng thực là mắc bệnh đau mắt và mất khả năng phán xét»[34].
Ngày 7-2-1898, Émile Zola và nhật báo Bình Minh ra trước Tòa Đại hình phân khu Seine với 2 luật sư là Fernand Labori và Albert Clémenceau. Phiên tòa nổi tiếng về sau nhờ điệp khúc «Câu hỏi này không đặt ra ở đây» của quan Chánh án Albert Delegorgue, nhằm tách rời vụ xử Zola ra khỏi bản án Alfred Dreyfus. Dù được tổ chức chặt chẽ, Thiếu tướng De Pellieux bên nguyên vẫn sơ hở tiết lộ sự tồn tại của tài liệu mật đã dùng để kết tội Đại úy Dreyfus; không bỏ lỡ cơ hội, Fernand Labori đòi tài liệu phải được bỏ vào hồ sơ xử. Được cầu cứu, Tham mưu Trưởng Raoul de Boisdeffre từ chối, viện cớ «bí mật quân sự»: «Quý vị là Hội Thẩm đoàn, quý vị là Quốc gia. Nếu Quốc gia không tin cậy những người cầm đầu Quân đội, những người giữ trọng trách Quốc phòng, họ sẵn sàng nhường lại cho kẻ khác trách nhiệm nặng nề này. Quý vị chỉ cần nói ra. Tôi không nói gì thêm nữa». Tất nhiên, quan Chánh án Delegorgue hồ hởi kết luận: «Sự cố này chấm dứt ở đây». Hôm sau, Georges Clémenceau bình luận: «Luật pháp đã cúi đầu trước gươm kiếm»[35]. Tuy nhiên, hồ sơ mật đã chui ra ánh sáng, việc xét lại bản án vì tính chất bất hợp pháp từ đây không thể tránh được nữa. Ngày 21-2, sau bài buộc tội của Chưởng lý Van Cassel, Émile Zola đọc Tuyên Bố Trước Hội Thẩm Đoàn (Déclaration au jury, xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN) trước khi luật sư Labori bắt đầu biện hộ. Ngày 23-2, nhà văn bị khép vào tội vu khống, với hình phạt nặng nhất (1 năm tù ở, 3000 quan tiền phạt), trong tiếng reo hò tở mở «Quân đội muôn năm», «Treo cổ bọn Do Thái», «Treo cổ Zola»... của đám đông.
Ngày chiến thắng hay ngày ô nhục của nước Pháp? Ngày tàn của bọn Do Thái, bọn ngoại tộc, bọn phản quốc... hay ngày báo hiệu giông bão sắp tới? Maurice Barrès có lý do để hả hê: «Thật là tôi không tài nào tả hết cơn say quay cuồng, tình nghĩa anh em, nỗi vui rộn ràng lúc ngày sắp tàn này», trong khi Georges Clémenceau báo động trên tờ Bình Minh: «Ngày hôm nay, trên khắp nước Pháp, ai cũng biết rằng luật pháp đã bị chà đạp trắng trợn trong một phiên xử giả hình nhằm kết án kẻ bị buộc tội»[36].
Thủ tướng Jules Méline đắc thắng tuyên bố trước các dân biểu Hạ viện: «Hiện giờ, không còn vụ xử Zola, vụ xử Esterházy, vụ xử Dreyfus; không còn vụ xử nào nữa hết. Phải ngừng ngay ở đây. Từ nay, bất cứ ai còn gan lì tiếp tục đấu tranh sẽ không còn có thể lấy cớ vì lòng thành được nữa. Chúng tôi sẽ áp dụng luật pháp với tất cả khắt khe. Và nếu những vũ khí nắm trong tay chưa đủ, chúng tôi sẽ xin thêm quý vị những món khác»[37]. Nhưng cũng trong hai ngày 24 và 25-2-1898 này, sau hai buổi họp tại tư gia của các Thượng Nghị sĩ Ludovic Trarieux và Auguste Scheurer-Kestner, dự án thành lập Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Và Dân Quyền* (Ligue pour la défense des Droits de l’Homme et du Citoyen) ra đời.
Ngày 2-4-1898, Tòa Phá án chấp nhận đơn khiếu nại của Émile Zola và luật sư. Điều bất ngờ là quan Chưởng lý Jean-Pierre Manau* không những chỉ hủy bỏ phán quyết trên vì «sai sót hình thức» («vice de forme»: kẻ có thể tự xem như bị nhà văn phỉ báng là các Toà án Chiến tranh chứ không phải Quân đội, do đó, Quân đội không có lý do gì để đứng tên truy tố Émile Zola), mà còn ca ngợi các nhân vật thuộc phe «xét lại» như «những con người danh giá ... mãi mãi xứng đáng được sự kính trọng của cả bạn hữu lẫn đối phương»[38]. Tất nhiên, Chính phủ và một giới báo chí nào đó lại được dịp ồn ào tố cáo thêm loại «thẩm phán chống quân đội». Và ngày 8-4, Toà án Chiến tranh thứ hai (mang trách nhiệm đã xử và tha bổng Ferdinand Esterházy) được đưa ra thay Bộ Chiến tranh đứng tên kiện Zola về tội vu khống.
Từ ngày 8-5 đến ngày 22-5-1898, bầu cử Quốc hội. Mặc dù vụ án Dreyfus không phải là trọng tâm của cuộc đầu phiếu, trong không khí chính trị căng thẳng lúc đó, cả Jean Jaurès lẫn Joseph Reinach* chẳng hạn vẫn rớt ở Carmaux và Digne, trong khi Edouard Drumont đắc cử ở Alger, cùng với Paul Déroulède* ở Angoulême. Và điều quan trọng hơn nữa ở đây là số đại biểu cực hữu và bài Do Thái từ nay đã đủ đông để chính thức ghi danh như một nhóm ở Hạ viện.
Ngày 23-5-1898, phiên xử Emile Zola về tội phỉ báng Tòa án Chiến tranh thứ hai bắt đầu trước tòa Đại hình Versailles (một thành phố bảo thủ có quân trại), nhưng phải hoãn đến ngày 18-7, vì luật sư Fernand Labori đặt vấn đề thẩm quyền của Tòa án Versailles ngay trong ngày đầu, và đòi được xử lại tại Paris. Cũng trong ngày 23-5 này, ký giả Ernest Judet* tăng cường chiến dịch bôi nhọ Émile Zola bằng cách trình bày cha ông như kẻ lưu manh trộm cắp trên Nhật Báo Nhỏ (Le Petit Journal). Nhà văn trả lời Judet bằng bài báo Cha Tôi (Mon Père) trên tờ Bình Minh, đồng thời đệ đơn kiện ký giả này về tội vu khống: Ernest Judet và Nhật Báo Nhỏ bị kết án ngày 3-8-1898.
Ngày 26-5-1898, ứng cử viên vào Viện Hàn lâm Pháp từ trước khi tham gia cuộc tranh đấu, Émile Zola không được tới một phiếu. Từ khi Tôi Buộc Tội xuất hiện, người ta chợt nhớ lại cái gốc Ý của nhà văn, bỗng xem tiểu thuyết của ông là tác phẩm khiêu dâm. Cả Hội Nhà Văn* (La Société des gens de lettres) mà Zola từng là chủ tịch, cũng lấy quyết định trục xuất ông. Đúng hai tháng sau, ông còn bị gạch khỏi danh sách những người đã được thưởng Bắc đẩu Bội tinh!
Ngày 4-6-1898, Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Và Dân Quyền triệu tập đại hội đầu tiên của những người bị đối phương gọi là «đảng trí thức» («parti intellectuel»). Một Ban Chấp hành Trung ương được thành lập với 36 thành viên: bên cạnh Ludovic Trarieux* (Thượng nghị sĩ, Chủ tịch), Émile Duclaux (nhà sinh học, Giám đốc Viện Pasteur, Phó chủ tịch), Edouard Grimaux (nhà hoá học, Phó chủ tịch), còn có nhiều tên tuổi thuộc các giới công chức, nghề tự do, báo chí, v. v... (xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN).
Ngày 28-6-1898, Nội các Henri Brisson II* chào đời, với một Bộ trưởng Bộ Chiến tranh mới là Trung tướng Jacques Godefroy Cavaignac. Không giấu giếm hồ sơ mật được nữa, ngày 7-7 Cavaignac đọc trước Hạ viện tất cả 3 tài liệu đã được sử dụng như bằng chứng về sự phản bội của sĩ quan Do Thái («bản kê», bức thư có cụm từ «tên D. vô lại», và bức thư nêu rõ tên Dreyfus). Hạ viện quyết định công bố diễn từ của Cavaignac và các bằng chứng. Ngày 21-7, Joseph Reinach khởi đăng loạt bài Bọn Giả Mạo (Les Faussaires) trên tờ Thế Kỷ, nhắm vào Hubert Henry và Armand Du Patay de Clam. Vì «bản kê» không đủ sức thuyết phục, trong khi 2 bức thư sau vẫn bị tố cáo là giả, Cavaignac giao cho Đại úy Trợ tá Louis Cuignet* tra cứu lại hồ sơ mật và kiểm tra các tài liệu hầu tìm ra chứng cớ không thể bác bỏ về tội phạm của Alfred Dreyfus. Mặt khác, ông lấy quyết định truy tố Georges Picquart và luật sư Louis Leblois; bị đặt trong danh sách phục viên từ ngày 26-2, vì «lỗi nặng trong khi thi hành phận sự», Picquart phải vào tù ngày 13-7 năm đó, vì tội «phổ biến những tài liệu mật có liên quan đến việc quốc phòng».
Ngày 9-7-1898, vụ kiện Émile Zola của 3 chuyên viên tuồng chữ bắt đầu lại trước Tòa Tiểu hình, sau khi đã bị hoãn lần đầu ngày 9-3. Émile Zola bị kết án 15 ngày tù treo, 2000 quan tiền phạt, 5000 quan bồi thường cho mỗi chuyên gia. Luật sư Fernand Labori kháng cáo. Trong phiên xử lại ngày 10-8, Toà Thượng thẩm Tiểu hình tăng án lên 1 tháng tù ở, 2000 quan tiền phạt và 10000 quan bồi thường cho mỗi chuyên gia. Ngày 23-9 và 29-9, do yêu cầu của các chuyên gia trên, hai cuộc tịch biên động sản, dưới sự kiểm soát của thừa phát lại, diễn ra tại tư gia của nhà văn.
Ngày 12-7-1898, Ferdinand Esterházy bị bắt giam theo lệnh của Thẩm phán Paul Bertulus, sau đơn kiện ngày 4-1 của Georges Picquart và cuộc điều tra dự thẩm. Esterházy sẽ lại được «miễn tố», rồi trả tự do ngày 12-8 theo lệnh của Chưởng lý Guillaume Feuilloley, nhưng cuối cùng cũng bị đặt vào danh sách phục viên ngày 27-8, theo đề nghị của Ủy ban Điều tra.
Ngày 18-7-1898, sau khi đơn khiếu nại của luật sư Fernand Labori bị bác, Tòa Đại hình Versailles xử lại Émile Zola và giữ y án (1 năm tù ở, 3000 quan tiền phạt). Nhà văn rời phiên tòa trong tiếng la ó chửi rủa của đám đông: «Về Venise mà ở», «Đồ hèn, đồ khốn», «Đồ phản quốc», «Cút khỏi nước Pháp»... Ngay chiều hôm đó, Zola bỏ sang Anh theo lời khuyên của luật sư (phán quyết không có người nhận sẽ không thể được chấp hành), trong khi Labori tiếp tục kháng cáo.
Mặt khác, phe «chống xét lại» nhận được một sự ủng hộ có trọng lượng. Ngày 19-7, tại trường dòng ở Arcueil, và dưới sự chứng kiến của Trung tướng Edouard Ferdinand Jamont* (Phó Chủ tịch Tòa án Quân sự Tối cao, 1898-1900), linh mục Henri Didon*, có lẽ trong một cơn hưng phấn thái quá (bởi vì bản thân Didon có thể được xem là một linh mục tiến bộ đương thời), đã đọc một diễn từ công kích «loại nhà văn vô sỉ, dám nhân danh nào chân lý, nào công lý, nào nhân loại, không ngần ngại ném vào mặt các vị lãnh đạo Quân đội những lời buộc tội nặng tính lăng nhục nhất, bất chấp an ninh của Tổ quốc»[39]… Mặc dù bị đánh giá là «hoàn toàn không thể chấp nhận được» bởi một nhật báo ôn hoà như tờ Thời Báo và gây không ít dị nghị trong số công dân tín đồ – phe «xét lại» cho đấy là lời chỉ trích Émile Zola hiển nhiên, phe «chống xét lại» xem nó là lời ủng hộ Quân đội rõ rệt – diễn từ không hề bị cấp trên phủ nhận, và linh mục Didon hoàn toàn vô sự.
Ngày 13-8-1898, xem xét tài liệu duy nhất có thể được đưa ra như bằng chứng không thể nghi ngờ để buộc tội sĩ quan Do Thái, tức bức thư nêu đích danh Dreyfus («thư khống Henry» = «le faux Henry»), Đại úy Louis Cuignet phát hiện ra rằng tài liệu này thực ra được ghép từ 2 mảnh giấy khác nhau, chỉ cần đưa lên ánh đèn soi là nhận thấy. Ngày 30-8, Hubert Henry bắt buộc phải thú nhận là tác giả của tài liệu giả trên trong cuộc hỏi cung. Bị bắt giam tại Mont-Valérien, ngày hôm sau y viết thư cho Trung tướng Arthur Gonse xin gặp, nhưng cuối cùng, cảm thấy bị bỏ rơi, y cứa cổ tự sát, để lại một bức thư tuyệt mệnh cho vợ.
Mặc dù hành động và thái độ của Hubert Henry đã gián tiếp xác nhận sự vô tội của Đại úy Alfred Dreyfus, phe «chống xét lại» vẫn không chùn bước, nhiều báo kết tội: «Nghiệp Đoàn Do Thái» đã ám sát Henry!, trong khi Charles Maurras* viết: «Tài liệu giả bất hạnh này sẽ được tính trong số những chiến công lớn nhất của ông», và nâng sĩ quan này lên hàng «công bộc anh hùng của quyền lợi quốc gia, bậc trung nghĩa vĩ đại»[40]. Đối với phía bên kia, Henry chỉ đơn giản chấp hành thượng lệnh: «Người ta ra lệnh cho y làm tài liệu giả, y vâng lệnh. Người ta ra lệnh cho y thú tội, y thú tội. Sau đó, người ta ra lệnh cho y cứa cổ, y làm theo ... Không cần ngay cả giải thích tại sao, chẳng cần phải bảo: «Anh phải cứa cuống họng đi, để khỏi một ngày nào đó chợt có ý định tố cáo đồng lõa». Người ta chỉ đơn giản nói với y: «cứa cổ đi» – thế là y tự cứa cuống họng. Đấy, một quân nhân hoàn hảo như thế đấy»[41].
Ngày 3-9-1898, sau Tham mưu Trưởng Raoul de Boisdeffre, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Godefroy Cavaignac cũng xin từ chức và được thay thế bởi Trung tướng Émile Zurlinden. Ngày 4-9, Ferdinand Esterházy bỏ trốn sang Bỉ rồi Anh, và ngày 29-10 bị gạch tên khỏi danh sách những người được gắn Bắc đẩu Bội tinh. Ngày 12-9, Du Paty de Clam bị tước tất cả sinh hoạt quân sự, trong khi tại Hội đồng Chính phủ xảy ra cuộc chạm trán giữa Thủ tướng Henri Brisson (đồng ý xử lại) và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Zurlinden (chống xử lại) vụ án Alfred Dreyfus. Zurlinden từ nhiệm sau 2 tuần tại chức và được thay thế bởi Trung tướng Jules Chanoine ngày 17-9-1898, trong khi Brisson ngày càng mất uy tín, trở thành đối tượng chỉ trích từ cả 2 phía: «phản bội» đối với phe «chống xét lại», và «hèn nhát» đối với phe «xét lại».
Cũng trong ngày 3-9-1898 này, Lucie Dreyfus đệ đơn xin Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ferdinand Sarrien liên hệ với Tòa Phá án, yêu cầu xét lại phán quyết ngày 22-12-1894. Ngày 26-9, Nội các Brisson thoả thuận xét lại, ngày hôm sau Bộ trưởng Sarrien chuyển hồ sơ cho Tòa Phá án; từ ngày 27 đến 29-10, Phòng Hình sự Tòa Phá án chấp nhận đơn xin xét lại và mở cuộc điều tra, nhưng chỉ tuyên bố cho xử lại vụ án Dreyfus hơn 8 tháng sau.
Khả năng bản án Alfred Dreyfus sắp được xét lại gây phản ứng mạnh ở nhiều môi trường chính trị, xã hội. Các tổ chức và báo chí có khuynh hướng tôn sùng quân đội, phục thù Đức, bài Do Thái, bảo hoàng,.. bắt đầu phối hợp hành động dưới danh nghĩa «quyền lợi quốc gia». Ngày 4-9-1898, tờ Lời Tự Do kêu gọi: «Xét lại là chiến tranh ... Vâng, chiến tranh với hiểm họa rã quân. Và đấy chính là kế hoạch, là kỳ vọng của bọn Do Thái». Các cuộc hội họp, biểu tình chống xử lại, ủng hộ quân đội được tổ chức ngày càng nhiều, ngày càng hướng về bạo động với một ngôn ngữ thô bạo. Ngày 26-9, Paul Déroulède hô hào trong buổi mít-tinh: «Nón của quý vị là những chiếc kê-pi này» ... «Nếu cuộc cách mạng vĩ đại còn đó, Clémenceau sẽ là một trong những người đầu tiên lên máy chém» ... «Bọn Jaurès và bọn Reinach cấu kết với Tam quốc Đồng minh ... Nếu Dreyfus mò về Pháp, hắn sẽ bị xé xác»[42].
Ngày 21-9-1898, Georges Picquart và Louis Leblois cùng ra trước Tòa Tiểu hình (do lệnh truy tố của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Godefroy Cavaignac từ ngày 12-7-1898). Mặc dù phiên xử được dời lại, Picquart vẫn bị giam tại nhà tù Cherche-Midi, vì là đối tượng của một lệnh dự thẩm nhằm lôi ông ra trước Tòa án Chiến tranh do Trung tướng Émile Zurlinden ký (cựu Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, nay trở lại làm Tư lệnh Quân khu Paris). Trong khi đó, luật sư của Picquart và Leblois đệ đơn yêu cầu Tòa Phá án giải quyết vấn đề quyền quản hạt vụ xử (tòa án nào có thẩm quyền xử những điều hai bị can bị cáo buộc)?
Hoàn toàn đứng về phe «xét lại» từ sau phiên xử Émile Zola, ngày 11-10-1898 Dân biểu Jean Jaurès khởi đăng loạt bài Chứng Cớ (Les Preuves) trên tờ Cộng Hòa Nhỏ, trước mắt nhằm tránh cho Georges Picquart số phận của Alfred Dreyfus và chấm dứt chế độ xử kín: «Vào giờ phút này, chúng tôi thấy chỉ cần báo động thêm một lần nữa là đủ, để quốc dân đồng bào không cho phép họ lại xử Đại tá Picquart trong bóng tối nữa. Họ phải xử ông ta ngoài trời, giữa ban ngày; chúng ta không đòi hỏi gì khác, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng sự bôi nhọ ông của những kẻ buộc tội sẽ lộ rõ ra. Phải chấm dứt trò xử kín! ... Phải đưa công lý ra giữa thanh thiên bạch nhật! Phải xét lại bản án giữa ban ngày ban mặt, vì sự an toàn của người vô tội, để trừng phạt kẻ phạm tội, để giáo dục nhân dân, và vì danh dự của tổ quốc!»[43].
Trước nguy cơ bạo động của các lực lượng mượn danh nghĩa «quyền lợi Quốc gia - thanh danh Quân đội», ngày 24-10-1898 phe xã hội dựng lên một Ủy ban Cảnh giác (Comité de vigilance). Ngày hôm trước, phe vô chính phủ cũng kêu gọi trong Tuyên Ngôn Của Liên Minh Cách Mạng (Manifeste de la coalition révolutionnaire): «Hỡi những người Cộng hòa, người Dân chủ, người Xã hội, người Cách mạng, người Tự do Vô chính phủ! Ngày hôm nay, vấn đề không phải là ghìm thắng lợi của phe khác, vấn đề là bảo vệ di sản chung: tự do. Tất cả chúng ta hãy chạy đến và chìa tay cho người bạn gần nhất, hãy để sự cạnh tranh phe nhóm biến mất; dưới màu áo này hay sắc áo nọ, hãy tìm thấy trái tim đập cùng nhịp với ta. Hãy tạo ra một đạo quân đối kháng chắc nịch, hãy phối hợp lực lượng của chúng ta cho hành động ... Sẵn sàng, các đồng chí!»[44].
Ngày 25-10-1898, một cuộc biểu tình ủng hộ quân đội, chống Do Thái nổ ra rầm rộ ở công trường Hòa hợp (La Concorde): 150 người bị bắt sau cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát. Trên diễn đàn Hạ viện, Paul Déroulède chất vấn Bộ trưởng Bộ Chiến tranh dữ dội. Trung tướng Jules Chanoine, không hiểu vì giận dữ hay thực ra do thỏa thuận trước, tuyên bố từ chức bất chấp mọi thủ tục hành chánh, kéo theo sự sụp đổ của Nội các Brisson II. Ngày 31-10, Nội các Charles Dupuy IV được thành lập, với Charles de Freycinet ở Bộ Chiến tranh, và Georges Lebret ở Bộ Tư pháp. Phe «xét lại» lo ngại: nếu Brisson là «Thủ tướng của sự xét lại», thì Dupuy từng là Thủ tướng năm Alfred Dreyfus bị kết án (Nội các Dupuy III), và nếu Freycinet không phải là quân nhân, thì Lebret lại là kẻ đã thoá mạ những người bênh vực Dreyfus là «vô tổ quốc»!
Ngày 7-11-1898, trong một bài báo đăng trên tờ Thế Kỷ, cựu Dân biểu Joseph Reinach buộc tội Hubert Henry là đồng lõa của Ferdinand Esterházy. Ngày 19-11, Esterhazy cũng cho xuất bản tập đầu tiên của loạt bài Mặt Trong Của Vụ Án Dreyfus (Les Dessous de l’Affaire Dreyfus – Paris, Fayard Frères, 1898) để tự bênh vực. Ngày 23-11, tín đồ Ki Tô giáo Paul Marie Viollet, người đã thành lập Ủy Ban Công Giáo Bảo Vệ Pháp Luật (Comité catholique de la Défense du Droit) lên tiếng bênh vực Dreyfus trên tờ Thời Báo. Vài ngày sau, Tu viện Trưởng Louis Pichot xuất bản tập Lương Tâm Ki-Tô Giáo Trước Vụ Án (La Conscience chrétienne et l’Affaire) dưới hình thức một bức thư ngỏ gửi nhật báo Thánh Giá (cơ quan ngôn luận của dòng tu Đức Mẹ Lên Trời = Assomptionnistes, với tiểu tựa chính thức trên mặt báo: «nhật báo chống Do Thái nhất nước Pháp»), trong đó ông xem chủ nghĩa bài Do Thái là một sự xúc phạm Phúc âm. Sau sự can thiệp của giám mục Limoges, khác với trường hợp của đồng đạo Henri Didon ở Arcueil nói ở trên, Pichot bị cấm dạy tại trường dòng Felletin.
Ngày 14-12-1898, nhật báo Lời Tự Do mở cuộc lạc quyên hầu giúp bà góa Berthe Henry kiện Reinach về tội bôi nhọ sĩ quan quá cố; sau một tháng, cuộc quyên góp do Edouard Drumont kêu gọi và tổ chức còn thu được hơn 130000 quan! Danh sách những người đóng góp tiền bạc song song với các lời thoá mạ kinh tởm dân Do Thái («để mua đinh đóng bọn Do Thái lên câu rút», «để làm súp chó với sụn mũi Do Thái», «để mua một toa tàu tống khứ», «để mua thảm chân giường bằng da Do Thái», «từ một cư dân Baccarat muốn nhìn thấy tất cả bọn Do Thái đực, Do Thái cái, Do Thái con, trong lò khổng lồ của xưởng chế pha lê», v. v...)[45] được Pierre Quillard (nhà thơ và dịch giả, phe «xét lại») sắp xếp có hệ thống và đem in ra năm sau, gọi là Tượng Đài Henry (Le Monument Henry), như chứng tích của chủ nghĩa bài Do Thái ở Pháp đương thời.
Ngày 31-12-1898, Liên Kết [Vì] Tổ Quốc Pháp* (Ligue de la patrie française) ra đời, dựa trên một kiến nghị đã được phổ biến rộng rãi từ tháng 25-10, nhằm kêu gọi bảo vệ những quyền lợi sống còn của nước Pháp, nhất là quyền lợi quốc phòng. Và ngày 19-1-1899, tổ chức của những người tự nhận là thuộc «đảng thông minh và khả năng» («parti de l’intelligence et des capacités») để đối lập với «đảng trí thức» của Ludovic Trarieux nói ở trên, họp phiên đầu tiên để thành lập một Ban Chấp hành. Ngoài François Coppée (thi sĩ, Chủ tịch Danh dự), và Jules Lemaître (nhà văn, Chủ tịch), Louis Dausset (Tổng Thư ký), Gabriel Syveton* (sử gia, Thủ quỹ), trong số thành viên của Ban Lãnh Đạo, còn có Maurice Barrès, Ferdinand Brunetière*, Godefroy Cavaignac... (xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN).
1899
Ngày 30-1-1899, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Georges Lebret đề xuất trước Hạ viện một dự luật nhằm giao quyền quyết định chấp nhận hay bác bỏ việc xét lại các vụ xử cho toàn thể Tòa Phá án, dưới hình thức một phiên họp khoáng đại của cả ba phòng xử (2 phòng dân sự và 1 phòng hình sự), thay vì chỉ tùy thuộc mỗi Phòng Hình sự của Tòa Phá án (bị nghi ngờ theo khuynh hướng xét lại) như cho đến lúc đó. Dự án gọi là «luật bác quyền» («loi de dessaisissement») với hiệu lực hồi tố này, thực chất là một cuộc «đảo chính pháp chế» nhằm gây thêm khó khăn cho phe «xét lại», được thông qua ở Hạ viện ngày 10-2 (324 phiếu thuận, 207 phiếu chống), tại Thượng viện ngày 1-3 (155 phiếu thuận, 123 phiếu chống), và được tức tốc công bố ngay trong ngày hôm đó.
Không may, ngày 16-2-1899, Tổng thống Félix Faure – cột trụ của phe «chống xét lại» – đột ngột từ trần[46]. Ngày 18-2, Chủ tịch Thượng viện Émile Loubet được đề cử thay thế ông ngay từ vòng đầu. Các tổ chức bài Do Thái của Jules Guérin và Paul Déroulède lại biểu tình rầm rộ, một truyền đơn trình bày Loubet như «Tổng thống của bọn Do Thái». Ngày 4-6, Tổng thống Loubet còn bị Nam tước Isidore Christiani đập bằng gậy tại trường đua Auteuil; mặc dù ông ta bị kết án 4 năm tù sau đó, sự kiện này góp phần không nhỏ gây ấn tượng là các giá trị của nền cộng hoà đang bị đe dọa trầm trọng.
Ngày 23-2-1899, nhân đám táng Felix Faure, Paul Déroulède mưu toan dùng Liên Kết Người Yêu Nước* (Ligue des Patriotes) của y để đảo chính, với sự hỗ trợ của một bộ phận quân đội. Nhưng chỉ có Thiếu tướng Gauderique Roget (thay vì Thiếu tướng Gabriel de Pellieux như đã hứa) đến điểm hẹn tại công trường Tổ quốc (La Nation); Roget không những từ chối tuân lệnh đánh chiếm điện Elysée của Déroulède, còn đưa quân lính về trại. Sau khi những thành viên tham gia cuộc chính biến hụt của Liên Kết Người Yêu Nước bị trục xuất, hai thủ lĩnh Paul Déroulède và Marcel Habert, vì nhất quyết không chịu rút lui khỏi trại, bị bắt giao cho chính quyền xét xử. Ngày 31-5, trước Tòa Đại hình, diễn ra một phiên xử khá kỳ quặc: trong khi Nội các Dupuy tìm trường hợp giảm khinh để châm chước cho bị can, Déroulède tuyên bố với Hội Thẩm đoàn: «Nếu quý vị tha bổng tôi, tôi thề sẽ tiếp tục» (hay «Hỡi các công dân trong Hội thẩm đoàn, nếu quý vị muốn Déroulède này tiếp tục, hãy tha bổng tôi»[47] theo một ghi nhận khác). Y được xử... trắng án.
Ngày 21-3-1899, phiên họp khoáng đại đầu tiên của Tòa Phá án nhằm xét lại vụ án Alfred Dreyfus bắt đầu dưới sự chủ tọa của Charles Mazeau. Ngày 29-5, Phán quan Báo cáo Alexis Ballot-Beaupré kết luận: «Thưa quý vị, sau khi đã nghiên cứu kỹ, về phần mình, tôi tin chắc rằng «bản kê» không phải do Dreyfus mà do Esterházy viết ra»[48]. Ngày 3-6, Tòa Phá án hủy bỏ vụ xử năm 1894, nhưng thay vì đơn thuần phá án (vì thật ra, nếu tuồng chữ trong «bản kê» cũng không phải là của Dreyfus, thì hồ sơ buộc tội hoàn toàn trống rỗng!), lại gửi trả hồ sơ về Bộ Chiến tranh để xử lại ở Rennes: một mặt, có lẽ vì tinh thần tôn trọng pháp chế triệt để (một ngộ phán phải do chính tòa án đã phán quyết sửa đổi), nhưng mặt khác, nhìn dưới khía cạnh chính trị, có thể đây cũng là một cách mời mọc quân đội tự sửa sai.
Ngày 5-6-1899, Émile Zola trở về Paris, bài Công Lý (Justice) xuất hiện đồng thời trên tờ Bình Minh, với một câu kết thách thức: «Tôi đã về nhà. Vậy quan Chưởng lý có thể tống đạt cho tôi phán quyết của Tòa Đại hình Versailles bất cứ lúc nào ông ta muốn, cái phán quyết đã kết tội tôi, vắng mặt, một năm tù ở và 3000 quan tiền phạt. Rồi chúng ta lại sẽ gặp nhau ở tòa án» ... «Khi tự làm cho mình bị truy tố, tôi chỉ muốn nhìn thấy sự thật và công lý. Ngày hôm nay, cả hai đều đã sáng tỏ. Phiên xử tôi không còn ích lợi gì, và tôi cũng chẳng quan tâm gì đến nó nữa. Tòa án chỉ cần đơn giản công bố xem ước muốn công lý có phải là một tội ác hay không»[49]. Nhưng ngày 9-6, khi nhận được phán quyết của Tòa Đại hình Versailles, ông lại bắt buộc phải kháng án.
Nguy cơ đảo chính tái hiện rõ rệt ngày 6-6-1899, khi dân biểu «quốc gia» Joseph Lasiès kích động quân đội nổi loạn trên tờ Lời Tự Do, trong không khí sôi sục hận thù của phe «chống xét lại» trước nhiều thất bại liên tiếp: Du Patay bị bắt ngày 1-6, Alfred Dreyfus đang trên đường hồi hương với nhiều hy vọng được xử lại là vô tội, và Émile Zola đã về đến Paris... Để đối phó, ngày 11-6-1899, một cuộc biểu tình khổng lồ ủng hộ nền cộng hoà diễn ra ở Longchamp. Cũng trong ngày này, Georges Clémenceau viết trên tờ Điện Tín (Le Télégraphe): «Tôi hy vọng rằng tất cả các nhà cộng hòa, không phân biệt màu sắc, cuối cùng, nay đã nhìn thấy sự tương liên giữa vụ án Dreyfus với những ý tưởng tiêu biểu của ngay chính thể chế Cộng hòa. Trước sự đe dọa của Nhà Thờ và chế độ quân chủ, đã đến lúc phe cộng hòa tự thức tỉnh và tự tay xây dựng cho nền Cộng hòa một Chính phủ»[50].
Ngày 12-6-1899, Hạ viện thông qua nghị quyết «chỉ ủng hộ một chính phủ quyết tâm bảo vệ các định chế cộng hòa và trật tự công cộng với tất cả nghị lực»[51]. Nội các Charles Dupuy V đổ, vì không thỏa mãn được tiêu chuẩn này trong cuộc biểu quyết tín nhiệm (173 phiếu thuận, 321 phiếu chống). Ngày 22-6, Nội các Pierre Waldeck-Rousseau* được thành lập, với Trung tướng Gaston de Galliffet ở Bộ Chiến tranh và Dân biểu Alexandre Millerand (phe xã hội) ở Bộ Thương mại - Kỹ nghệ. Một số dân biểu xã hội và vô chính phủ tẩy chay, ly khai: De Galliffet chính là kẻ đã dẹp Công xã Paris*, nhưng ông này đã mau chóng kiểm soát được quân đội bằng cách đẩy một số tướng lĩnh về hưu hay cho tạm nghỉ việc.
Ngày 13-6-1899, Georges Picquart và Louis Leblois được Tòa Tiểu hình cho «miễn tố». Riêng Picquart, bị giam giữ từ 22-9-1898, và tuy khỏi phải ra trước một tòa án quân sự do quyết định của Tòa Phá án từ tháng 2, chỉ được trả tự do vào ngày 9-6 (4 ngày trước đó), sau 11 tháng ngồi tù. Một dấu hiệu thuận lợi khác: ngày 18-7, từ Luân Đôn, Ferdinand Esterházy thú nhận trên tờ Buổi Sáng (Le Matin) rằng chính y là tác giả của «bản kê», nhưng tuyên bố đã chỉ viết theo lệnh và chép lại lời của cấp trên, cố tạo tin tưởng cho giả thuyết rằng tài liệu này chỉ là một màn bịp trong cuộc chiến tranh gián điệp giữa Pháp với Đức.
Ngày 7-8-1899, phiên xử Alfred Dreyfus, với sự biện hộ của 2 luật sư Edgar Demange và Fernand Labori, bắt đầu lại ở Rennes dưới sự theo dõi của cả thế giới. Nhưng trước đó, kết cục đã có thể được tiên đoán qua lời tuyên bố của Trung tướng Auguste Mercier với nhật báo Không Nhân Nhượng: «Chắc chắn là Dreyfus sẽ lại bị kết án lần nữa. Bởi vì, trong chuyện này, chắc chắn phải có một tội phạm, và kẻ đó là hắn hay là tôi. Và vì không phải là tôi, chỉ có thể là Dreyfus. Dù xử kín hay công khai, tôi sẽ nói và nói hết. Dreyfus là tên phản quốc: tôi sẽ chứng minh như thế»[52]. Thật ra, Mercier chẳng có gì để chứng minh cả, và các Bộ trưởng Bộ Chiến tranh hay quân nhân có liên hệ đến vụ xử trước, cả lần này nữa, cũng chỉ ra trình diện để trả bài và giữ đúng vai trò được sắp xếp.
Phiên xử xen kẽ với hai chuyện bạo động. Tại Paris, ngày 12-8-1899, hai thủ lĩnh của phong trào bài Do Thái cực đoan là Paul Déroulède và Jules Guérin bị truy nã. Riêng Guérin, chủ nhiệm nhật báo Chống Do Thái (L’Antijuif), sau khi chạy thoát về cố thủ tại trụ sở của phong trào cực hữu Tây Phương Vĩ Đại* (Grand Occident) ở đường Chabrol, chỉ ra hàng với một số đồng đảng ngày 20-9, sau hơn một tháng bị phong tỏa. Ở Rennes, luật sư Fernand Labori bị kẻ lạ bắn trên đường phố ngày 14-8, nhưng chỉ bị thương. Trở lại tòa án 8 ngày sau, ông không tiếp tục việc biện hộ, vì sự bất đồng ý kiến nghiêm trọng với đồng nghiệp và thân chủ.
Sự ngoan cố của bên nguyên buộc gia đình Dreyfus phải chọn lựa giữa hoặc một bài biện hộ ôn hoà (chứng minh Alfred Dreyfus vô tội, nhưng không buộc tội các tướng lãnh trách nhiệm), hoặc một bài biện hộ mạnh bạo (vừa giải oan cho Dreyfus, vừa kết tội các sĩ quan cao cấp liên hệ). Gia đình Dreyfus chọn giải pháp đầu, và vì quan hệ giữa Fernand Labori với quan tòa Albert Jouaust quá căng, họ nhờ Jean Jaurès cùng với Bernard-Lazare yêu cầu ông để cho Edgar Demange kết thúc cuộc tranh biện. Demange làm phận sự một cách xuất sắc, nhưng chỉ thuyết phục nổi 2 thành viên của Hội Thẩm đoàn, và làm biến chất được kết luận đã định sẵn ở 5 người còn lại: ngày 9-9-1899, Tòa án Quân sự Rennes làm trò cười cho cả thế giới bằng một phán quyết quái đản: Dreyfus lãnh 10 năm tù vì «tội thông đồng với địch, có điều kiện giảm khinh»[53]!
Vấn đề là việc xử lại lần thứ hai phán quyết của một tòa án quân sự bởi Tòa Phá án không thể làm được trong ngắn hạn, nếu không có thêm dữ kiện mới hoặc bằng chứng gian lận, dù nó cũng mặc nhiên công nhận sự vô tội của Alfred Dreyfus. Chỉ còn lại một giải pháp: quyền đặc xá của tổng thống. Tin chắc Dreyfus vô tội, Thủ tướng Pierre Waldeck-Rousseau nhận vận động với Tổng thống Émile Loubet, nếu gia đình Dreyfus đồng ý. Nhưng nhận đặc xá cũng hàm ý nhận có tội, vấn đề gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ phe «xét lại». Theo lời khuyên của Jean Jaurès, Edgar Demange và gia đình, Alfred Dreyfus chấp nhận được đặc xá. Charles Péguy cay đắng: «Chúng ta sẵn sàng chết cho Dreyfus, nhưng Dreyfus không muốn chết cho Dreyfus», trong khi Fernand Labori phẫn nộ: «Tôi không muốn nói đến Dreyfus nữa, vì Dreyfus không còn là một biểu tượng»[54].
Ngày 19-9-1899, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Gaston de Galliffet, Tổng thống Émile Loubet ký sắc lệnh ân xá Alfred Dreyfus. Cũng trong ngày hôm đó, Auguste Scheurer-Krestner từ trần vì bệnh ung thư cuống họng! Hôm sau, Dreyfus công bố một văn bản viết với sự trợ giúp của Jean Jaurès: «Chính phủ Cộng hòa vừa trả tự do cho tôi. Đối với tôi, tự do không là gì cả nếu không có danh dự. Ngay ngày hôm nay, tôi sẽ tiếp tục cuộc vận động sửa sai ngộ phán của tòa án mà tôi vẫn còn là nạn nhân. Tôi muốn cả nước Pháp biết rằng tôi vô tội qua một phán quyết dứt khoát. Tôi chỉ nguôi lòng khi không một người Pháp nào còn gán cho tôi một tội ác mà kẻ khác đã vi phạm»[55].
Ngày 29-9-1899, Émile Zola viết cho Lucie Dreyfus: «Chúng tôi trả lại kẻ vô tội, kẻ tuẫn nạn, người chồng và người cha, cho vợ con ông, và ý nghĩ đầu tiên của tôi tất nhiên là hướng về gia đình ông, rốt cuộc đã đoàn tụ trong niềm an ủi và hạnh phúc» ... Rốt cuộc, «kẻ vô tội bị kết án hai lần đã cống hiến cho tình huynh đệ giữa các dân tộc, cho ý tưởng đoàn kết và công lý, nhiều hơn một trăm năm tranh luận triết học và lý thuyết về nhân đạo» ... «Và hãy trông cậy nơi chúng tôi để vinh danh ông. Chính bọn thi nhân chúng tôi phải làm việc xướng danh, và chúng tôi dành cho ông phần đẹp đẽ đến nỗi sẽ không ai thời nay có thể là đối tượng của một hồi tưởng xót xa hơn» ... «Riêng phần chúng tôi, Thưa Bà, chúng tôi tiếp tục cuộc tranh đấu, và ngày mai chúng tôi cũng sẽ đấu tranh cho công lý một cách ác liệt như ngày hôm qua. Chúng tôi phải phục hồi danh dự cho kẻ vô tội, không phải để khôi phục ông ta, vì ông nhà đã có được phần vinh quang của ông, mà chính là để khôi phục nước Pháp, vì đất nước này chắc chắn sẽ tiêu vong trong sự bất công thái quá»[56].
Nhưng người lý tưởng thường quên mất kẻ làm chính trị. Mặc dù từ ngày 21-9-1899, Gaston de Galliffet đã có thể hân hoan tuyên cáo với quân đội: «Vụ việc đã chấm dứt. Quân đội muôn năm!» («L’incident est clos. Vive l’Armée»), ở cả hai bên đều còn nhiều bất mãn. Để chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng, và nhất là để có thể đón tiếp thế giới đến dự tuần Triển Lãm Quốc Tế kỷ niệm 100 năm cuộc Đại Cách mạng năm 1789 trong những điều kiện thuận lợi hơn, phiên xử Émile Zola ngày 23-11 được khôn ngoan dời lại vô hạn định, trong khi Pierre Waldeck Rousseau tích cực chuẩn bị một dự luật tổng ân xá, nhằm vào tất cả «những tội nặng hay nhẹ liên quan đến vụ án Dreyfus, hay đã bị bao gồm vào trong một cuộc truy tố liên quan đến một trong những tội này»[57].
Ngày 19-11-1899, nhân buổi lễ khánh thành pho tượng Chiến Thắng Của Nền Cộng Hòa (Le Triomphe de la République) của nhà điêu khắc Aimé-Jules Dalou* ở công trường Tổ quốc, một cuộc diễu hành khổng lồ vinh danh những giá trị cộng hoà đổ dài xuống đường phố trong tiếng hô «Zola muôn năm», «Jaurès muôn năm», và bất ngờ thay, ngay cả «Dreyfus muôn năm». Charles Péguy viết: «Ngay cả những người đã tung ra lời hô đó cũng mơ hồ cảm thấy rằng họ vừa ném ra một thách thức, một khiêu khích. Và rồi chúng tôi tiếp tục với tất cả hung hăng, muốn phản ứng, muốn biểu tình, chợt cảm thấy như thể sự tung hô công khai, mạnh bạo, khiêu khích kia là điều mới lạ nhất trong ngày, là chuyện cách mạng nhất trong suốt cuộc khủng hoảng, có thể là màn hủy xoá ấn tín lớn lao nhất trong thế kỷ. Không lời hô, không lời ca, không tiếng nhạc nào nặng trĩu tinh thần nổi loạn cuối cùng được giải phóng như cái Dreyfus muôn năm này»[58].
1900-1908
Ngày 4-1-1900, sau 8 tuần lễ hỏi cung rồi họp dưới hình thức Tòa án Tối cao (Haute Cour), Thượng viện khép Paul Déroulède, André Buffet (trốn sang Bỉ), Eugène de Lur-Saluces (trốn sang Bỉ) vào tội mưu loạn và kết án 6 năm lưu đày. Riêng Jules Guérin bị 10 năm tù ở, vì những vi phạm phụ thuộc liên hệ.
Ngày 28-1-1900, trong cuộc bầu cử thị trưởng, phe «quyền lợi Quốc gia - thanh danh Quân đội» chiến thắng tại Paris. Ngày 1-3, dự luật tổng ân xá được trình tại Thượng viện. Sau nhiều tháng tranh luận, văn kiện trên được thông qua tại Hạ Viện ngày 18-12-1990, tại Thượng Viện ngày 24-12-1990. Tích cực chống lại dự luật này, Émile Zola đã phản đối trong Thư Gửi Thượng Viện (Lettre au Sénat), đăng lại trên tờ Bình Minh ngày 29-5: «Đây không phải là thứ luật để bác quyền nữa, mà là để bóp nghẹt công quyền. Trước kia quý vị chỉ thay đổi người xử, nay người ta mời quý vị tuyên bố rằng không cần tới thẩm phán nữa. Sau khi đã nhận công tác bỉ ổi là giả mạo công lý, nay người ta lại giao cho quý vị nhiệm vụ tuyên cáo rằng công lý đã phá sản ... Người ta hoàn tất việc bôi bẩn [chúng tôi], xử [chúng tôi] đâu lưng ngang hàng với kẻ cướp, bằng một biện pháp khốn nạn, nhưng lại muốn che giấu cái trò bất công và hèn nhát phổ biến đó dưới màu sắc của lòng ái quốc cao thượng ... Thật dễ đoán quý vị sẽ bỏ phiếu ra sao, bởi vì nó chỉ là kết quả của sự hèn yếu, sự bất lực dai dẵng của quý vị. Quý vị tưởng tượng không thể nào làm khác hơn, bởi vì quý vị không có can đảm làm gì khác. Tôi viết bức thư này đơn thuần để có cái vinh dự to tát đã thảo nó ra. Tôi đã làm nghĩa vụ của mình, tôi không tin rằng quý vị đã làm bổn phận của quý vị. Luật bác quyền đã là một tội ác pháp lý, luật ân xá sẽ là một sự phản bội quyền công dân, sự bỏ rơi nền cộng hòa vào tay những kẻ thù nguy hại nhất của nó. Cứ bỏ phiếu thuận đi, chẳng bao lâu nữa quý vị sẽ bị trừng phạt, và sau này nó sẽ là điều ô nhục của quý vị»[59].
Mặt khác, Thư Gửi Ô. Loubet, Tổng Thống Của Nền Cộng Hoà (Lettre à M. Loubet, Président de la République) trên cùng vấn đề này cũng được công bố ngày 22-12-1900 trên tờ Bình Minh: «Thật là một quan niệm thiển cận, cái ý nghĩ rằng người ta có thể cứu nguy một dân tộc khỏi cái ác đang gặm nhấm nó bằng sự tuyên phán rằng cái ác đó không còn tồn tại. Luật ân xá đã được công bố, sẽ không còn vụ kiện nào nữa, sẽ không ai có thể truy tố kẻ phạm tội được nữa: tình huống này không ngăn cản Dreyfus vô tội đã bị kết án hai lần, và khi nào bản án đó chưa được tu sửa, sự bất công ghê gớm này sẽ tiếp tục làm cả nước Pháp mê sảng trong những cơn ác mộng kinh hoàng» [...] Ông bạn Labori thân thiết và vĩ đại của tôi đã diễn tả với tài hùng biện tuyệt vời của ông: luật ân xá là điều luật của sự hèn yếu, bất lực. Như thể được tích tụ bởi sự đê hèn của nhiều chính phủ kế tiếp, điều luật này hình thành từ thói nhu nhược của những kẻ, khi bị đặt trước một sự bất công ghê tởm, đã tự cảm thấy không có đủ nghị lực để hoặc ngăn cản, hoặc sửa đổi nó. Trước bắt buộc phải đánh ở cấp cao, tất cả đã còng lưng, chùn bước. Cuối cùng, trước bao tội ác, điều người ta mang lại qua luật ân xá này không phải là sự lãng quên hay tha thứ, mà là sự kinh sợ, sự bạc nhược, sự bất lực của các bộ trưởng trước bổn phận đơn giản là áp dụng luật lệ hiện hành» ... «Đây là một hành động xấu xa nhất định sẽ bị trừng trị, bởi vì nó không chỉ gây thương tổn cho lương tri, mà còn làm bại hoại cả nền đạo lý quốc gia nữa»[60].
Trong cuộc bầu cử Quốc hội từ ngày 27-4 đến 11-5-1902, khối tả chiến thắng. Ngày 7-6 sau đó, Nội các Émile Combès ra đời, với tướng Louis André* ở Bộ Chiến tranh và Ernest Vallé ở Bộ Tư pháp. Ngày 6 và 7-4-1903, Jean Jaurès cố thuyết phục Hạ viện xét lại phán quyết của Tòa án Chiến tranh ở Rennes, và sau hai phiên họp náo động, chỉ đạt được một nửa kết quả mong muốn: Bộ trưởng Bộ Chiến tranh nhận mở lại một cuộc điều tra mới dưới «danh nghĩa cá nhân». Sau 6 tháng thực hiện nghiêm túc, ngày 19-10 báo cáo của Louis André được trình cho Thủ tướng Chính phủ, rồi ngày 25-11 chuyển sang Bộ Tư pháp để nghiên cứu và thi hành.
Ngày 29-9-1902, Émile Zola từ trần tại nhà riêng, chết ngộp vì thán khí toát ra từ lò sưởi, bên cạnh người vợ tên Alexandrine cũng bất động nhưng thoát chết. Cuộc điều tra đương thời kết luận là do tai nạn, tuy nhiên giả thuyết bị ám hại ngày càng được nhiều người tin hơn. Theo tài liệu gần đây nhất[61]: một nhân vật tên là Henri Buronfosse, lúc đó làm nghề chữa lò sưởi, đồng thời là thành viên của tổ chức Liên Kết Người Yêu Nước, đã bịt ống khói lò sưởi phòng ngủ nhà ông và khai thông sớm ngày hôm sau để phi tang; hắn chưa bao giờ bị bắt và chỉ thú nhận tội ác trước khi chết với một người bạn tên là Pierre Hacquin. Ngày 5-10-1902, trong đám táng Émile Zola tại nghĩa trang Montmartre, Anatole France đọc lời ai điếu bất hủ: kẻ vừa nằm xuống «là một thời điểm của ý thức làm người» (xem: LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN).
Ngày 26-11-1903, Alfred Dreyfus viết thư cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp xin xét lại phán quyết của Tòa án Quân sự ở Rennes. Ngày 5-3-1904, Phòng Hình sự Tòa Phá án chấp nhận đơn kháng cáo, và mở thêm một cuộc điều tra nữa dài hơn 8 tháng. Ngày 12-7-1906, Tòa Phá án hủy bỏ phán quyết ngày 9-9-1899 mà không gửi trả cho toà án gốc xử lại, «nói rằng bản án đã được tuyên phán một cách lầm lẫn và sai trái»[62]. Ngày hôm sau, Hạ viện thông qua biểu quyết phục chức cho Dreyfus với cấp tá, và cho Picquart với cấp tướng. Giới báo chí bài Do Thái vẫn phản ứng dữ dội, nhưng không gây nổi xáo trộn nào. Ngày 21-7, Dreyfus được gắn Bắc đẩu Bội tinh đệ ngũ đẳng, và ngày 5-8-1907 được về nghỉ hưu theo yêu cầu của ông.
Ngày 25-10-1906, Georges Clémenceau được bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ; ông chọn Georges Picquart làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Trước đó, ngày 13-7-1906, Thượng viện đã làm lễ truy điệu «sự can đảm trong công vụ của hai thành viên quá cố được thương tiếc nhất: Scheurer-Kestner và Ludovic Trarieux», đồng thời thông qua nghị quyết «đặt tượng bán thân của hai công dân vĩ đại này trong tủ kính dọc hành lang trước phòng họp»[63]. Ngày 11-2-1908, một pho tượng của Auguste Scheurer-Kestner cũng được khánh thành trước cửa Điện Luxembourg (trụ sở và nơi họp Thượng viện ).
Ngày 4-6-1908, trong buổi lễ chuyển hài cốt Émile Zola vào Điện Panthéon*, nơi «tổ quốc ghi ơn các vĩ nhân» của nước Pháp, tổ chức cực hữu Hành Động Pháp tổ chức biểu tình phản đối. Một ký giả tên là Louis Grégori bắn Alfred Dreyfus, nhưng chỉ gây thương tích ở tay. Bị truy tố, Grégori tuyên bố «tôi không bắn Dreyfus mà bắn vào chủ nghĩa Dreyfus», đồng thời nhận định «phiên xử tôi phải là dịp xét lại cái phán quyết xét lại trước». Ra trước Tòa Đại hình Paris, luật sư của y kêu gọi Hội Thẩm đoàn: «Tha bổng bị can, quý vị sẽ đền đáp cái tình cảm hào hiệp, cái động cơ duy nhất đã thúc đẩy đương sự hành động, đồng thời quý vị sẽ nói với mọi người rằng sự hòa dịu chỉ có thể đạt được bằng cái giá của sự tương nhượng, nhưng cũng có loại nhượng bộ không thể làm, đấy là những nhượng bộ liên quan đến tổ quốc, đến quốc kỳ. Và sự nhượng bộ chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là phe chiến thắng không đè bẹp bên chiến bại. Nếu mai này Gregori không được tha bổng, nhiều người khác sẽ có lý do để lại hành động tiếp như y, và cuộc nội chiến sẽ tiếp diễn trên khắp miền đất nuớc»[64]. Louis Gregori được tha bổng ngày 11-9-1908.
Ngày 26-9-1918, Alfred Dreyfus được gắn lon Trung tá, và sau khi đã trở lại quân đội phục vụ trong cuộc Thế chiến I, mất ngày 11-7-1935. Ông được chôn tại nghĩa trang Montmartre đúng vào ngày Quốc khánh 14-7, và đúng vào lúc Victor Basch, vị chủ tịch thứ tư của Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Và Dân Quyền, nói về lịch sử tổ chức này trong một hội nghị vì Hòa bình và Tự do: khi nhắc đến tên Dreyfus, không hẹn mà tất cả mọi người cùng đứng dậy mặc niệm trong một sự im lặng ấn tượng. Jean Guéhenno kể lại: «Đấy, điều mà quần chúng, «đám đông» có thể tự động làm là thế đấy. Mắt rưng rưng, không ai trong chúng tôi lại không cảm thấy như thể, trong khoảnh khắc đó, có sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau điều gì tựa như một truyền thống công lý»[65].
Phạm Trọng Luật
THƯ MỤC
(Xin xem ở cuối bài II)
[1] Các đời Tổng thống (nhiệm kỳ hiến định là 7 năm): Jean Casimir-Perier (27-6-1894 đến 16-1-1895), Félix Faure (17-1-1895 đến 16-2-1899), Émile Loubet (18-2 đến 18-2-1906), Armand Fallières (18-2-1906 đến 18-2-1913).
[2] Các đời Thủ tướng (trên thực tế, nhiều nội các chỉ đứng được vài tháng, thậm chí vài tuần!) : Charles Dupuy III (1-7-1894 tới 15-1-1895), Félix Faure (17-1-1895 tới 16-2-1899), Alexandre Ribot III (26-1-1895 tới 28-10-1895), Léon Bourgeois I (1-11-1895 tới 23-4-1896), Jules Méline I (28-4-1896 tới 15-7-1898), Henri Brisson II (28-6-1898 tới 26-10-1898), Charles Dupuy IV (31-10-1898 tới 18-2-1899), Charles Dupuy V (18-2-1899 tới 12-6-1899), Pierre Waldeck-Rousseau I (22-6-1899 tới 3-6-1902), Émile Combes I (7-6-1902 tới 1-1-1905), Maurice Rouvier II (24-1-1905 tới 18-2-1906), Maurice Rouvier III (18-2-1906 tới 7-3-1906), Ferdinand Sarrien I (14-3-1906 tới 20-10-1906), Georges Clemenceau I (25-10-1906 tới 20-7-1909).
[3] «L’affaire sera étouffée parce que cet officier est Juif. Tout Israël est déjà en mouvement» (La Libre Parole, 1-11-1894). Từ Israël ở đây chỉ toàn thể người Do Thái nói chung, không phải quốc gia Israël chỉ được thành lập vào năm 1948.
[4] «Un officier ne peut, même pour défendre son honneur, publier une ligne sans l’autorisation du ministre de la Guerre. Or, le général Mercier fait ou laisse publier une longue interview sur le capitaine Dreyfus qui est plus qu’un réquisitoire, qui est une véritable condamnation, un arrêt de mort. Nous félicitons Le Figaro de la bonne fortune d’une interview de cette importance, mais nous ne félicitons pas le général Mercier. Si le ministre de la Guerre prononce un tel arrêt contre le capitaine Dreyfus, quelle liberté restera-t-il au conseil de guerre qui va être appelé à juger ce prévenu?» (Le Gaulois, 29-11-1894).
[5] «Ci-joint 12 plans que ce canaille de D. m’a remis pour vous». Đối với các sĩ quan hội thẩm, D. chỉ Dreyfus, trong khi trên thực tế nó chỉ một tên gián điệp khác, một Dubois nào đó ở Bộ Chiến Tranh (Xem: Winock1, tr. 67). Cơ sở hiện thực của cuộc trao đổi thư này là sự tồn tại của một liên minh quân sự bao gồm 3 nước Đức-Áo-Ý (Tam quốc Đồng minh).
[6] «Non seulement la justice est faite, mais bien faite» (Le Temps, 24-12-1894)
[7] Hiến pháp 1848 được thảo ra sau khi nhân dân Pháp lật đổ Vua Louis- Philippe I, và bị hủy bỏ khi nền Cộng hòa bị Louis-Napoléon Bonaparte đảo chính ngày 2-12-1851. Theo Hiến pháp này, án tử hình đã bị hủy bỏ cho loại tội chính trị trên lý thuyết.
[8] «Le maréchal Bazaine, convaincu de trahison, a été condamné à mort, mais n’a pas été fusillé. Le capitaine Dreyfus, convaincu de trahison par un jugement unanime, n’a pas été condamné à mort. Et, en face de ces jugements, le pays voit que l’on fusille, sans grâce et sans pitié, de simples soldats coupables d’une minute d’égarement ou de violence» (Winock1, tr. 17). «Si on n’a pas fusillé pour trahison, c’est parce que l’on ne l’a pas voulu, alors que la loi le permet». Đúng như Jaurès đã tuyên bố, Alfred Dreyfus hoàn toàn có thể bị xử tử, dựa trên điều 76 của bộ luật quân sự thời đó. Dù sao, án tử hình cho tội phản quốc cũng đã được tái lập qua dịp đó, song đã quá trễ để áp dụng cho Dreyfus (Drouin, tr. 33 & Gervereau & Prochasson, tr. 12).
[9] Liên quan đến vụ án Dreyfus, có ít nhất 5 trận quyết đấu (nếu chỉ kể giữa những nhân vật chính): Jean Jaurès chống Louis Barthou (1894), Bernard Lazare chống Edouard Drumont (1896), Georges Clémenceau chống Edouard Drumont (1898), Georges Picquart chống Hubert Henry (1898), Jean-Jaurès chống Paul Déroulède (1904); chỉ có Henry bị thương, các vị khác chẳng ai hề hấn gì. Sau Thế Chiến II, trò quyết đấu mất dần sức hấp dẫn, trận nổi tiếng cuối cùng xảy ra năm 1967, giữa 2 dân biểu Gaston Deferre và René Ribière.
[10] «Il s’approche, entre ses gardiens, le cadavre marchant d’un pas inconscient de parade, grêle aux regards, mais grandi par la honte, et tel que la haine saisit et domine le tourbillon sensible. Près de nous il trouve encore la force de crier «Innocent!» d’une voix blanche et précipitée. Le voici devant moi, à l’instantané du passage, l’oeil sec, le regard perdu vers le passé, sans doute, puisque l’avenir est mort avec l’honneur. Il n’a plus d’âge. Il n’a plus de nom. Il n’a plus de teint. Il est couleur traître. Sa face est terreuse, aplatie et basse, sans apparence de remords, étrangère à coup sûr, épave de ghetto. Une fixité d’audace têtue subsiste, qui bannit toute compassion. C’est sa dernière promenade parmi les humains et l’on dirait qu’il en profite, tant il se domine et brave l’ignominie» (Le Figaro, 6-1-1895).
[11] «Quand il s’avança vers nous, le képi enfoncé sur le front, le lorgnon sur son nez ethnique, l’oeil furieux et sec, toute la face dure et qui bravait, il s’écria, que dis-je ? il ordonna d’une voix insupportable: «Vous direz à la France entière que je suis un innocent». «Judas! traitre!», ce fut une tempête. Fatale puissance qu’il porte en lui, ou puissance des idées associées par son nom, le malheureux détermine chez tous des charges d’antipathie. Sa figure de race étrangère, sa raideur impassible, toute son atmosphère révoltent le spectateur le plus maître de soi» (La Cocarde, 6-1-1895).
[12] «Tu m’avais promis d’être courageux, tu as tenu parole, je t’en remercie. Ta dignité, ta belle attitude ont frappé bien des coeurs» (Drouin, tr. 38).
[13] Từ 1875 đến 1946, nước Pháp được tổ chức theo bộ Luật Hiến pháp 1875 (luật ngày 24-2-1875 quy định tổ chức Thượng viện, luật ngày 25-2-1875 quy định tổ chức bộ máy công quyền, và luật ngày 16-7-1875 quy định quan hệ giữa các cơ chế công quyền). Dù về sau còn được sửa đổi đôi chút, chính 3 tập luật này đã thiết lập nhà nước Đệ III Cộng hòa, theo đó chức vụ Tổng thống (nhiệm kỳ 7 năm, có thể tái cử nhiều lần) không xuất phát từ một cuộc phổ thông đầu phiếu mà do Quốc hội bầu lên. Trong diễn từ từ nhiệm, Jean Casimir-Perier viết: «Tổng thống của nền Cộng hòa không có phương tiện hành động và kiểm soát. Tôi từ chối ngồi lại để cân nhắc sức nặng của những tránh nhiệm phải gánh vác với sự bất lực thực tế đành gánh chịu = La Présidence de la République est dépourvue de moyens d’action et de contrôle. Je ne me résigne pas à comparer le poids des responsabilités qui pèsent sur moi et l’impuissance à laquelle je suis condamné». Clemenceau về sau còn nói ác hơn: «Cuộc đời dạy tôi rằng có hai thứ ta hoàn toàn không cần đến: chức Tổng thống nền Cộng hòa và tuyến tiền liệt = La vie m’a appris qu’il y a deux choses dont on peut très bien se passer: la présidence de la République et la prostate». Mặc dù hiệu lực của nó bị «treo» trên thực tế từ ngày 10-7-1940 (khi Thống chế Pétain được Đức Quốc xã giao toàn quyền điều khiển nước Pháp), nền Đệ III Cộng hòa chỉ thực sự cáo chung khi Hiến pháp 1946 dựng lên nền Đệ IV Cộng hòa ở Pháp.
[14] «Il n’a donc pas de parent, pas de femme, pas d’enfants, pas d’amour de quelque chose, pas de lien d’humanité ou d’animalité, rien qu’une âme immonde, un coeur abject» (La Justice, 25-12-1894).
[15] «Qu’est-ce-que cela vous fait que ce Juif reste à l’ile du Diable»? – «Mais mon général, il est innocent». – «C’est une affaire qu’on ne peut rouvrir; le général Mercier, le général Saussier y sont mêlés». – «Mais puisqu’il est innocent». – «Si vous ne dites rien, personne ne le saura». – «Ce que vous dites là est abominable, mon général. Je ne sais pas ce que je ferai, mais en tout cas je n’emporterai pas ce secret dans la tombe» (Drouin, tr. 50).
[16] Von Schwartzkoppen: «Décidément, cet animal de Dreyfus devient trop exigeant» [...]. Alessandro Panizzardi: «J’ai lu qu’un député va interpeller sur Dreyfus. Si on demande à Rome de nouvelles explications, je dirai que jamais j’avais de relations avec ce Juif. C’est entendu! Si on vous demande, dites comme ça» (Drouin, tr. 52).
[17] «Un naïf dupé par des canailles» (La Patrie, 31-10-1987).
[18] «En mon âme et conscience, Esterházy me semble hors de cause» [...] «Il me paraît que le lieutenant-colonel Picquart est dans le cas d’être traduit devant un conseil d’enquête» (Gervereau & Prochasson, tr. 15).
[19] La patience de ce stupide peuple français, qui est bien le plus antipathique que je connaisse, est sans limites: mais la mienne est à bout. Je ne resterai pas plus longtemps avec ces imbéciles et ces brutes voués d’avance à la défaite. Je ne ferai pas de mal à un petit chien, mais je ferai tuer cent mille Français avec plaisir [...] Ah ! comme tout cela ferait triste figure dans un rouge soleil de bataille, dans Paris pris d’assaut et livré au pillage de cent mille soldats ivres. Voilà une fête que je rêve, ainsi soit-il! Si l’on venait me dire ce soir que je serai tué demain comme capitaine de uhlans, en sabrant des Français, je serais parfaitement heureux» (Le Figaro, 28-11-1897).
[20] «Et, si des raisons politiques voulaient que la justice fût retardée, ce serait une faute nouvelle qui ne ferait que reculer l’inévitable dénouement, en l’aggravant encore. La vérité est en marche, et rien ne l’arrêtera plus» (M. Scheurer-Krestner, Le Figaro, 25-11-1897).
[21] «Cet homme connu de tous, excepté de ceux qui devaient le connaître, il faut que ce soit M. Mathieu Dreyfus qui le dénonce. Cela ne suffit pas encore. Le ministre de la Guerre, sachant depuis 18 mois que cet homme est accusé de la façon la plus grave par un officier dont la vie est toute d’honneur, se retourne contre cet officier, le frappe d’exil pour avoir fait son devoir et assure à un Walsin-Esterházy l’impunité»... Qu’est-ce-que cela veut dire ? et qui donc protège M. Esterházy?» (L’Aurore, 30-11-1897).
[22] «Un syndicat pour agir sur l’opinion, pour la guérir de la démence où la presse immonde l’a jetée, pour la ramener à sa fierté, à sa générosité séculaires. Un syndicat pour répéter chaque matin que nos relations diplomatiques ne sont pas en jeu, que l’honneur de l’armée n’est point en cause, que des individualités seules peuvent être compromises. Un syndicat pour démontrer toute erreur judiciaire est réparable et que s’entêter dans une erreur de ce genre, sous le prétexte qu’un conseil de guerre ne peut se tromper est la plus monstrueuse des obstinations, la plus effrơyable des infaillibilités. Un syndicat pour mener campagne jusqu’à ce que la vérité soit faite, jusqu’à ce que la justice soit rendue, au travers de tous les obstacles, même si des années de lutte sont encore nécessaires. De ce syndicat, ah! oui, j’en suis, et j’espère que tous les braves gens de France vont en être» (Le Syndicat, Le Figaro, 1-12-1897).
[23] Jules Méline: «Il n’y a pas d’affaire Dreyfus»... Albert de Mun: «Il faut qu’on sache s’il est vrai qu’il y ait dans ce pays une puissance mystérieuse et occulte, assez forte pour pouvoir, à son gré, jeter le soupçon sur ceux qui commmandent à notre Armée ... Il faut qu’on sache si cette puissance occulte est vraiment assez forte pour bouleverser le pays tout entier» ... Jean-Baptiste Billot: «Pour moi, en mon âme et conscience, comme soldat, comme chef de l’armée, je considère le jugement comme bien rendu et M. Dreyfus coupable» (Drouin, tr. 66).
[24] «Je crois que vous avez en main toutes les preuves de l’infâme complot ourdi pour me perdre ; mais il faut que ces preuves soient produites dans un débat judiciaire aussi large que possible, et que la lumière complète soit faite ... Officier, accusé publiquement de haute traison, j’ai droit au Conseil de guerre, qui est la forme la plus élevée de la justice militaire; seul, un arrêt émané de lui aura le pouvoir de flétrir, en m’acquittant devant l’opinion, à laquelle ils ont osé s’adresser, les plus lâches des calomniateurs» ... «J’attends de votre haute équité mon renvoi devant le Conseil de guerre de Paris» (Drouin, tr. 65).
[25] «Nous avons vu la basse presse en rut» ... «la press dite sérieuse et honnête assister à cela avec une impassibilité, j’allais dire une sérénité que je déclare stupéfiante» ... «cette campagne [antisémite] barbare qui nous ramène de mille ans en arrière» ... «une basse exploitation du patriotisme» ... «Pour le moment, dans l’attente de la décision du Conseil de guerre, mon rôle est donc terminé; et je désire ardemment que, la vérité étant faite, la justice rendue, je n’aie plus à lutter pour elles» (Procès-Verbal. Le Figaro, 5-12-1897).
[26] «Nous allons à l’humanité, à la vérité, à la justice!» ... «...nous allons huer un homme, un vieillard, qui, après une longue vie de travail et de loyauté, s’est imaginé qu’il pouvait impunément soutenir une cause généreuse, vouloir que la lumière se fît et qu’une erreur fût réparée, pour l’honneur même de la patrie française» (Lettre à la jeunesse. Zola, tr. 75 & 67).
[27] «On va poursuivre Esterházy, puisqu’on ne peut faire autrement, mais seulement sur les faits accessoires révélés par le colonel Picquart. Le bordereau ne sera pas retenu. Il n’en sera pas dit un mot, le gouvernement ayant trouvé trois experts pour déclarer que l’écriture qu’Esterházy reconnaissait comme sienne n’est pas de sa main» (L’Aurore, 1-1-1898).
[28] «Ma seule inquiétude est que la lumière ne soit pas faite tout entière et tout de suite. Après une instruction secrète, un jugement à huis clos ne terminerait rien. Alors seulement l’affaire commencerait, car il faudrait bien parler, puisque se taire serait se rendre complice. Quelle folie de croire qu’on peut empêcher l’histoire d’être écrite! Elle sera écrite, cette histoire, et il n’est pas une responsabilité, si mince soit-elle, qui ne se payera [...] Et ce sera pour ta gloire finale, France, car je suis sans crainte au fond, je sais qu’on aura beau attenter à ta raison et à ta santé, tu es quand même l’avenir, tu auras toujours des réveils triomphants de vérité et de justice!» (Lettre à la France. Zola, tr. 89).
[29] «Est-ce fini? Je ne crois pas. Il faut maintenant que le gouvernement, pour rester fidèle à ce uhlan, poursuive le «syndicat», le fameux syndicat coupable d’avoir des doutes sur Esterházy. Et s’il n’a pas le courage de le faire, je veux croire que les hommes qui ont pris cette affaire en main ne s’arrêteront pas à mi-chemin. À eux de trainer Billot et son huis clos à la barre de l’opinion publique, devant un jury de citoyens français» (L’Aurore, 12-1-1898).
[30] Jules Guesde: «le plus grand acte révolutionnaire du siècle» (Ory & Sirinelli, tr. 16). Auguste Scheurer-Kestner: «Zola s’est mis sur le terrain révolutionnaire ... quelle faute!» (Bredin, tr. 18).
[31] «J’accuse enfin le premier conseil de guerre d’avoir violé le droit, en condamnant un accusé sur une pièce restée secrète, et j’accuse le second conseil de guerre d’avoir couvert cette illégalité, par ordre, en commettant à son tour le crime juridique d’acquitter sciemment un coupable» (L’Aurore, 13-1-1898).
[32] «L’affaire Dreyfus est devenue le champs clos de deux factions rivales de la classe bourgeoise: les opportunistes et les cléricaux ... Prolétaires, ne vous enrôlez dans aucun des clans de cette guerre civile bourgeoise ... Entre Reinach et De Mun, gardez votre liberté entière» (Winock1 , tr. 24).
[33] «Il ne peut isoler son acte du milieu social où il se produit. Or, derrière lui, derrière son initiative hardie et noble, toute la bande suspecte des écumeurs juifs marche sournoise et avide, attendant de lui je ne sais quelle réhabilitation indirecte, propice à de nouveaux méfaits» (La Petite République, 22-1-1898).
[34] «J’accuse les trois experts en écriture, les sieurs Belhomme, Varinard et Couard, d’avoir fait des rapports mensongers et frauduleux, à moins qu’un examen médical ne les déclare atteints d’une maladie de vue et du jugement» (L’Aurore, 13-1-1898).
[35] Albert Delegorgue: «La question ne sera pas posée» ... Charles de Boisdeffre: «Vous êtes le jury, vous êtes la Nation. Si la Nation n’a pas confiance dans les chefs de son Armée, dans ceux qui ont la responsabilité de la défense nationale, ils sont prêts à laisser à d’autres cette lourde tâche. Vous n’avez qu’à parler. Je ne dirai pas un mot de plus» ... Albert Delegorgue: «L’incident est clos» ... Georges Clémenceau: «La loi s’inclinait devant le sabre» (Drouin, tr. 74).
[36] Maurice Barrès: «Je renonce à décrire le tourbillon, la fraternité, la joie de cette fin de journée» (Bredin, tr. 21) ... Georges Clémenceau: «Chacun sait en France aujourd’hui que la loi a été outrageusement violée au détriment d’un accusé dans un simulacre de procès» (L’Aurore, 25-2-1898).
[37] «Il n’y a plus, à l’heure actuelle, ni procès Zola, ni procès Esterházy, ni procès Dreyfus; il n’y a plus de procès du tout. Il faut que cela cesse. À partir de maintenant, tous ceux qui s’obstineraient à continuer la lutte ne pourraient plus arguer de leur bonne foi. Nous leur appliquerons toute la sévérité des lois, et si les armes que nous avons entre les mains ne sont pas suffisantes, nous vous en demanderons d’autres» (Drouin, tr. 75).
[38] «Nous considérons comme un devoir de notre tâche d’adresser un témoignage de notre profonde estime aux hommes honorables qui [...] n’ont pas cessé de mériter le respect de leurs amis et de leurs adversaires» (Drouin, tr. 362).
[39] « … des écrivains sans scrupule, sans égard pour la sécurité de la patrie, se couvrant des grands noms de vérité, de justice et d’humanité, n’ont pas craint de jeter à la face des chefs de l’armée nationale, les accusations les plus outrageantes».
[40] Charles Maurras: «Votre faux malheureux sera compté entre vos meilleurs faits de guerre» (Gazette de France, 5-9-1898) ... «ce serviteur héroïque des grands intérêts de l’Etat, ce grand homme d’honneur» (Gazette de France, 6-9-1898).
[41] «On lui donne l’ordre de faire un faux, il obéit. On lui donne l’ordre d’avouer son crime, il avoue. On lui donne l’ordre de se couper la gorge ensuite, il s’exécute [...] Point n’est besoin même de lui expliquer pourquoi, ni de lui dire: «Il est nécessaire que vous vous coupiez la gorge, afin qu’il ne vous prenne pas, quelque jour, la velléité de dénoncer vos complices». On lui dit simplement: coupez-vous la gorge – et il se coupe la gorge. Voilà un parfait soldat» (Brulat, Paul. Lumières et grandes ombres. Drouin, tr. 81).
[42] Edouard Drumont: «La révision, c’est la guerre ... Oui, ce sera la guerre et la débâcle. Et tel est le plan, l’espérance des Juifs» (La Libre parole, 4-9-1898) ... Paul Déroulède: «Vos chapeaux sont des képis ... Si la grande révolution était là, Clemenceau serait des premiers conduits à l’échafaud ... Les Jaurès et les Reinach pactisent avec la Triple Alliance ... Si Dreyfus rentre en France, il sera écharpé». Tam quốc Đồng minh nói đây chỉ hiệp ước năm 1882 giữa Đức-Áo-Ý, đối lập với bộ ba Tam quốc Hiệp ước (Anh-Pháp-Nga).
[43] «À cette heure, il nous suffit d’avertir une fois de plus les citoyens pour qu’ils ne permettent pas que le colonel Picquart soit jugé dans l’ombre. Qu’on l’accuse en plein jour; nous ne demandons pas autre chose et nous avons la certitude que l’infamie de ses accusateurs éclatera. Plus de huis clos!» ... «Au plein jour la justice! Au plein jour la révision pour le salut de l’innocent, pour le châtiment des coupables, pour l’enseignement du peuple, pour l’honneur de la patrie!» (Les Preuves, La Petite République, 11-10-1898).
[44] «Républicains, Démocrates, Socialistes, Révolutionnaires, Libertaires! Il n’est pas question aujourd’hui de marquer le triomphe d’un autre, il s’agit de défendre le patrimoine commun: la liberté. Courons tous à l’ami le plus proche et tendons-lui la main; que toute rivalité de groupe disparaisse; sous le bourgeron comme sous le paletot, cherchons le coeur qui bat à l’unisson du nôtre. Formons une armée compacte de résistance, combinons nos forces pour l’action... Alerte, camarades! (Drouin, tr. 90).
[45] «Achat de clous pour crucifier les Juifs», «pour faire un bouillon de chien avec les cartilages de certains nez», «pour louer un wagon d’exportation», «pour avoir une descente de lit en peau de youpins», «un habitant de Baccarat qui voudrait voir tous les youpins, youpines et youpinets dans les immenses fours de la cristallerie» (youpins, youpines và youpinets là những từ thô tục để chỉ người Do Thái. Drouin, tr. 91).
[46] Được bầu làm nguyên thủ quốc gia nhờ bị xem là nhân vật vô hại nhất cho các chính đảng, Félix Faure là một tổng thống thích xa hoa (người đương thời gọi ông là «Tổng thống Ánh Sáng» (để đối lập giễu cợt với «Vua Ánh Sáng» là Louis XIV), nhưng mờ nhạt (ác miệng, Clémenceau bình luận khi ông mất: «Félix Faure đã trở về hư vô, chắc hẳn ông ta phải cảm thấy như đang ở nhà = Félix Faure est retourné au néant, il a dû se sentir chez lui»). Mặt khác, vì ông chết trong tay tình nhân là Marguerite Steinheil, cái chết này là đầu mối của khá nhiều trò chơi chữ không mấy tao nhã. Người ta kể, khi được hỏi «Le Président a-t-il toujours sa connaissance?» («Tổng thống lúc đó còn ý thức không?», nhưng cũng có thể hiểu rằng «Tổng thống lúc đó còn với người quen không?», nhân viên phục vụ ở điện Elysée đã trả lời «Thưa không, chúng tôi phải đưa bà ấy ra bằng cửa sau»). Một câu giễu khác về chuyện này của Clémenceau: «Il voulait être César, il ne fut que Pompée» («Ông ấy muốn làm César, nhưng rốt cuộc chỉ là Pompée», song vì tên Pompée đọc lên nghe cũng giống như pompé của động từ pomper = bơm lên hay hút vào, nên cũng có thể hiểu bậy); mặt khác, bà Marguerite Steinheil từ đấy bị gọi tếu là «pompe funèbre» (nhà đòn, hiểu khác là «máy hút chết người») nên rốt cuộc phải bỏ sang sống bên Anh.
[47] «Si vous m’acquittez, je vous jure de recommencer» (Drouin, tr. 422). «Citoyen jurés, si vous voulez que je recommence, acquittez moi» (Winock1 , tr. 29).
[48] «Messieurs, après un examen approfondi, j’ai acquis pour ma part la conviction que le bordereau a été écrit, non par Dreyfus mais par Esterházy» (Drouin, tr. 93).
[49] «Je suis chez moi. Monsieur le procureur général peut donc, quand il lui plaira, me faire signifier l’arrêt de la cour d’assises de Versailles, qui m’a condamné, par défaut, à un an de prison et à trois mille francs d’amende. Et nous nous retrouvons devant le jury» [...] «En me faisant poursuivre, je n’ai voulu que la vérité et la justice. Elles sont aujourd’hui. Mon procès n’est plus utile, et il ne m’intéresse plus. La justice devra simplement dire s’il y a crime à vouloir la vérité» (Zola, Emile. Justice. L’Aurore, 5-6-1899).
[50] «J’espère que tous les républicains, sans distinction de nuances, ont fini par découvrir la connexion de l’affaire Dreyfus avec les idées représentatives de la République elle-même. Devant l’Eglise et la monarchie menaçantes, il est grand temps, pour le parti républicain, de se reprendre et de donner à la République un Gouvernement» (Drouin, tr. 95).
[51] Résolution «à ne soutenir qu’un gouvernement décidé à défendre avec énergie les institutions républicaines et à assurer l’ordre public» (Drouin, tr. 95).
[52] «Dreyfus sera sûrement condamné de nouveau. Car, dans cette affaire, il y a sûrement un coupable. Et ce coupable, c’est lui ou moi. Comme ce n’est pas moi, c’est Dreyfus. À huis clos ou publiquement, je parlerai et je dirai tout. Dreyfus est un traître : je le prouverai» (L’Intransigeant, 3-8-1899).
[53] ... «coupable d’intelligences avec l’ennemi, avec circonstances atténuantes» (Gervereau & Prochasson, tr. 25).
[54] Charles Péguy: «Nous fussions morts pour Dreyfus, Dreyfus n’est point mort pour Dreyfus» (Gervereau & Prochasson, tr. 29) ... Fernand Labori: «Je me désintéresse de Dreyfus, parce que Dreyfus a cessé d’être un symbole» (Gervereau & Prochasson, tr. 34).
[55] «Le gouvernement de la République me rend la liberté. Elle n’est rien pour moi sans l’honneur. Dès aujourd’hui, je vais continuer à poursuivre la réparation de l’effroyable erreur judiciaire dont je suis encore la victime. Je veux que la France entière sache, par un jugement définitif, que je suis innocent. Mon coeur ne sera apaisé que lorsqu’il n’y aura plus un seul Français qui m’impute un crime qu’un autre a commis» (Drouin, tr. 104).
[56] «On vous rend l’innocent, le martyr, on rend à sa femme, à son fils, à sa fille, le mari et le père, et ma première pensée va vers la famille réunie enfin, consolée, heureuse» ... «L’innocent condamné deux fois a plus fait pour la fraternité des peuples, pour l’idée de solidarité et de justice, que cent ans de discussions philosophiques, de théories humanitaires» ... «Et comptez sur nous pour sa glorification. C’est nous, les poètes, qui donnons la gloire, et nous lui ferons la part si belle que pas un homme de notre âge ne laissera un souvenir si poignant» ... Nous autres, Madame, nous allons continuer la lutte, nous battre demain pour la justice aussi âprement qu’hier. Il nous faut la réhabilitation de l’innocent, moins pour le réhabiliter, lui qui a tant de gloire, que pour réhabiliter la France, qui mourrait sûrement de cet excès d’iniquité» (Lettres à Madame Alfred Dreyfus. L’Aurore, 29-9-1899. Zola, tr. 169).
[57] Devaient être amnistiés «tous les faits criminels ou délictueux connexes à l’affaire Dreyfus ou ayant été compris dans une poursuite relative à l’un de ces faits» (Droin, tr. 104).
[58] «Ceux-là même qui avaient lancé ce cri sentirent obscurément qu’ils avaient lancé comme un défi, comme une provocation. Puis nous continuâmes avec acharnement, voulant réagir, manifester, sentant brusquement comme l’acclamation publique, violente, provocante était la plus grande nouveauté de la journée, la plus grande révolution de cette crise, peut-être la plus grande rupture de sceaux de ce siècle. Aucun cri, aucun chant, aucune musique n’était chargée de révolte enfin libre comme ce Vive Dreyfus!» (Gervereau & Prochasson, tr. 26).
[59] «Ce n’est plus d’une loi de dessaisissement qu’il s’agit, c’est une loi d’étranglement. Vous n’aviez fait que changer les juges; vous êtes sollicités cette fois de dire qu’il n’y a plus de juges. Après avoir accepté la vilaine besogne d’adultérer la justice, vous voilà chargés de déclarer la justice en faillite» ... «On achève de [nous] salir en [nous] renvoyant dos à dos avec des bandits, par une comédie infâme qui entend donner une couleur de magnanimité patriotique à une mesure d’iniquité et de lâcheté universelles» ... «Votre vote est facile à prévoir, car il sera fait de votre longue faiblesse et de votre longue impuissance. Vous vous imaginez que vous ne pouvez pas faire autrement, parce que vous n’avez pas le courage de faire autrement» ... «J’écris simplement cette lettre pour le grand honneur de l’avoir écrite. Je fais mon devoir, et je doute que vous fassiez le vôtre. La loi de dessaississement a été un crime juridique, la loi d’amnistie va être une trahison civique, l’abandon de la République aux mains de ses pires ennemis» ... «Votez-la, vous en serez punis avant peu, et elle sera plus tard votre honte» (L’Aurore, 29-5-1900).
[60] «Mais ce n’en est pas moins une conception à bien courte vue, cette idée qu’on sauve un peuple d’un mal dont il est rongé, en décrétant que ce mal n’existe plus. L’amnistie est faite, les procès n’auront pas lieu, on ne peut plus poursuivre les coupables: cela n’empêche pas que Dreyfus innocent a été condamné deux fois, et que cette iniquité affreuse, tant qu’elle ne sera pas réparée, continuera de faire délire la France dans d’horribles cauchemars» ... «Mon cher et grand ami Labori a dit avec sa superbe éloquence: la loi d’amnistie est une loi de faiblesse, d’impuissance. La lâcheté des gouvernements successifs s’y est comme accumulée, cette loi s’est faite de toutes les défaillances des hommes qui, mis en face d’une injustice exécrable, ne se sont senti la force ni de l’empêcher, ni de la réparer. Devant la nécessité de frapper haut, tous ont fléchi, tous ont reculé. Au dernier jour, après tant de crimes, ce n’est pas l’oubli, ce n’est pas le pardon qu’on nous apporte, c’est la peur, la débilité, l’impuissance où se sont trouvés les ministres de faire simplement appliquer les lois existantes» ... «C’est une mauvaise action qui sera certainement punie, car elle ne blesse pas seulement la conscience, elle corrompt la moralité nationale» (L’Aurore, 22-12-1990).
[61] Bedel, Jean. Zola assassiné. Paris: Ed. Flammarion, 2002. Xem: Zola, l’autre visage. Magazine littéraire, số 413, 10-2002, tr. 57.
[62] «Dit que c’est par une erreur et à tort que cette condamnation a été prononcée» (Droin, tr. 110).
[63] Le 13-7-1906, le Sénat rendait hommage «au courage civique de deux de ses anciens membres les plus regrettés: Scheurer-Kestner et Ludovic Trarieux». Un projet de résolution fut largement adopté, décidant que «les bustes de ces deux grands citoyens seraient placés dans la galerie qui précède la salle de réunion» (Droin, tr. 281).
[64] «En l’acquittant, vous rendrez justice à la fois au sentiment généreux qui l’a fait agir, au seul mobile qui l’a poussé, et vous aurez dit à tous que l’apaisement ne peut se faire qu’au prix de concessions réciproques, mais qu’il y a des concessions qu’il ne faut pas faire, ce sont celles qui touchent à la patrie, au drapeau. Un apaisement ne peut se faire qu’à la condition que les vainqueurs ne veuillent pas nous écraser. Si demain Gregori n’est pas acquitté, d’autres prendront fait et cause pour lui, et c’est la guerre qui se perpétuera à travers le pays» (Drouin, tr. 111).
[65] «Voilà ce que de lui-même peut le peuple, la «cohue». Il n’est pas un de nous qui, à la limite des larmes, n’ait senti qu’il se faisait dans ce moment, d’une génération à l’autre, comme une transmission, une tradition de justice» (Guéhenno, Jean. Entre le passé et l’avenir. Gervereau & Prochasson, tr. 27).