Đưa lên mạng ngày 7-5-2019 Từ khóa : Hóa học – Lịch sử |
C1 |
HÓA HỌC
HUYỀN THOẠI VÀ LỊCH SỬ
(1801)
Tác giả : Antoine-François Fourcroy[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Trong các công trình của trí tuệ con người, có một vận động tiến lên dần dần mà triết gia khoa học có thể ghi lại các thời đại khác nhau, và sử dụng chúng sau đó nhằm so sánh hoặc phân loại các thế kỷ, dưới khía cạnh là mức độ tiến bộ mà chúng đã giúp cho lý trí đạt được. Các sử gia khoa học cũng thường hướng những nỗ lực của họ vào việc nghiên cứu các thời đại này, và những niên biểu hay kỷ yếu của mọi loại tri thức khác biệt đều cung cấp được một số thời kỳ ít nhiều đáng chú ý.
Dường như chỉ mỗi môn hóa học là một ngoại lệ; thậm chí có lẽ nó còn được phân biệt với mọi khoa học khác bởi nguồn gốc và các thời kỳ tiến bộ, hơn là bởi đối tượng, phương pháp và kết quả của nó nữa.
Có lẽ hóa học là khoa học duy nhất hoàn toàn được sáng lập vào thời hiện đại; đây là môn học mà chúng ta tuyệt đối không tìm thấy một dấu vết nào ở thời xa xưa, môn học không cho thấy trong các niên biểu hay kỷ yếu của nó sự tiến triển chậm chạp, sự tăng trưởng liên tiếp này, mà người quan sát nhận ra ở tất cả các ngành tri thức khác của con người. Nhầm lẫn một số dạng thức sơ khai của kỹ thuật hóa học với bản thân môn học ... các sử gia đầu tiên của bộ môn này đã đặt chiếc nôi của hóa học đâu tận các thời đại hoang đường … Vô ích thôi … Không có một liên quan thực sự nào giữa các kỹ thuật và những chế biến nay chúng ta gọi là hóa học với hóa học như một khoa học. Chưa ai bận tâm rút ra từ sự so sánh các kỹ thuật này những ý niệm tổng quát, thiết lập giữa các sản phẩm và kết quả của chúng những quan hệ dù chỉ đủ để viết nên một phác thảo về lý thuyết khoa học... trong suốt một chuỗi dài nhiều thế kỷ sau sự hủy diệt hầu như hoàn toàn của các dân tộc cổ đại này. (…) Như vậy, nền hóa học Ai Cập chỉ còn lại trong trí tưởng tượng của các sử gia. (…)
Lịch sử hóa học (...) không phải là thứ mà người ta vẫn thường hiểu qua cái tên này. (…) Cái mà tôi xem như phần đầy đủ và thiết yếu của môn học nhìn trong toàn bộ đòi hỏi những chi tiết và triển khai mà hiện nay chỉ có được những biểu đạt hoàn toàn không đầy đủ trong các tác phẩm đã xuất bản. Nó không chỉ phải xem xét và xác định tất cả các thời kỳ của khoa hóa học, cẩn thận phân biệt thời này với thời kia, mà còn phải theo dõi mọi khám phá được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, chỉ ra những móc xích nối cái trước với cái sau, sự kế tiếp và con đường chúng đã theo, cho thấy từng sự thật đã được phát hiện ra như thế nào, ghi chú những sai lầm đã phải vượt qua một cách nào đấy (…) [Nói tóm lại], áp dụng cái phương pháp nghiên cứu lịch sử chính xác này vào từng sự kiện cụ thể, và đặc biệt là những sự kiện quan trọng nhất, vì chúng tạo thành nền tảng của môn hóa học. Tất nhiên, nhìn dưới khía cạnh này, có thể hình dung rằng lịch sử hóa học đòi hỏi trước tiên rằng chúng ta phải có một tri thức thực chứng về những sự kiện cấu thành môn học, và do đó, phần lý thuyết của hóa học phải đi trước phần lịch sử của môn học. (...)
(…) Chúng ta sẽ thấy các lý thuyết tổng quát đã tiếp nối nhau như thế nào, vì sao khởi đầu chúng đã đưa ra những thiếu sót lớn, rồi nhờ những tình huống may mắn nào mà các lỗ hổng này đã dần dần biến mất. Như vậy, môn học sẽ thực sự được đào sâu, sự kết nối mạch lạc của mọi sự kiện sẽ được xác định rõ rệt; và được trình bày dưới hình thức hữu ích này, lịch sử khoa hóa học sẽ mang lại một sự quan tâm và hứng thú chưa hề có cho đến nay.
Antoine-François Fourcroy
Hệ Thống Tri Thức Hóa Học Và Những Ứng Dụng…
(Système des connaissances chimiques
et de leurs applications…, 1801
tr. I, V, XXXI, XXXII).
[1] Antoine François [de] Fourcroy (1755-1809): nhà hóa học và dân biểu Pháp. Tác phẩm: Élémens d'histoire naturelle et de chimie (1782), Philosophie chimique (1792); Discours sur l'état actuel des sciences et des arts dans la République française (1793); Système des connaissances chimiques et de leurs applications aux phénomènes de la nature et de l'art (1801).