HÌNH ẢNH ĐỜI THƯỜNG VÀ KHÁI NIỆM LÝ THUYẾT (G. BACHELARD, 1938)
Đưa lên mạng ngày 15-12-2021
Từ khoá: Vật lý học – Khái niệm hoá ; Bachelard, Gaston – Trích đoạn
 C2

HÌNH ẢNH ĐỜI THƯỜNG
VÀ KHÁI NIỆM LÝ THUYẾT
TRONG NGÔN NGỮ KHOA HỌC
(1938)

Tác giả : Gaston Bachelard*
 Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Cuối cùng, để kết thúc bản phác thảo trong cuộc luận chiến ngoại vi chống lại những người ủng hộ tính liên tục[1] của văn hóa khoa học này, chúng tôi sẽ chỉ ra rằng ngôn ngữ cũng có thể là dối trá, trong vật lý học cũng như trong khoa tâm lý, đối với những bộ óc không được cảnh báo, không chú ý tới bản thân sự tiến hoá của ngôn ngữ khoa học. Danh pháp hóa học không thể nào là vĩnh viễn như bảng biến cách của một tử ngữ. Nó liên tục được điều chỉnh, bổ túc, tinh vi hoá. Ngôn ngữ khoa học vĩnh viễn ở trong trạng thái cách mạng ngữ nghĩa.

Đôi khi triết gia khoa học theo liên tục luận bị đánh lừa, khi ông ta đánh giá khoa học đương đại thông qua một thứ liên tục về hình ảnh và từ ngữ. Khi phải tưởng tượng ra cái quang cảnh không thể tưởng tượng được của hạt nhân nguyên tử chẳng hạn, nhiều hình ảnh và công thức ngôn từ hoàn toàn thuộc về khoa học lý thuyết đã được đề xuất. Tất nhiên, những công thức này không thể được hiểu từng chữ một theo nghĩa trực tiếp. Lúc đó, sự chuyển dịch liên tục của ngôn ngữ phá vỡ tính liên tục giữa tư tưởng đời thường với tư tưởng khoa học. Chúng ta phải liên tục đặt những biểu thức mới vào bối cảnh của các lý thuyết mà những hình ảnh và công thức ấy tóm tắt.

Đấy là trường hợp của cái tên «giọt nước», chẳng hạn. Nó là cái hình ảnh mà Niels Bohr* trình làng để cô đọng một số định luật của hạt nhân nguyên tử. Pollard và Davidson nói: hình ảnh này là «một hỗ trợ đáng ngưỡng mộ để hiểu cái vì sao, và cái như thế nào của sự phân hạch» (sđd., tr. 194). Dưới lớp phủ của hình ảnh «giọt nước», nơi các nu-clêon kết tụ, người ta có thể nói rằng sự kết hợp thêm một nơ-tron bổ sung làm tăng năng lượng nội tại của hạt nhân, hay nói cách khác là «nhiệt độ» của hạt nhân. Do sự gia tăng «nhiệt độ» này, sự phát xạ của một hạt có thể diễn ra theo một quá trình được gọi là một «sự bốc hơi». Nhưng các từ giọt nước, nhiệt độ, bốc hơi đương nhiên phải được đặt trong những ngoặc kép. Đối với các nhà vật lý hạt nhân, những thuật từ này đã được ngầm định nghĩa lại, một cách nào đó. Chúng đại diện cho các khái niệm hoàn toàn khác so với các khái niệm của vật lý học cổ điển, huống hồ là với các khái niệm của tri ​​thức thông thường. Kẻ nào thắc mắc liệu nhà vật lý hạt nhân sẽ chế tạo ra một nhiệt kế để đo «nhiệt độ» của hạt nhân chăng, sẽ gây được một trận bão cười!

Do đó, không có sự liên tục nào giữa khái niệm nhiệt độ của phòng thí nghiệm với khái niệm «nhiệt độ» của hạt nhân. Trên nguyên tắc, ngôn ngữ khoa học là một ngôn ngữ mới. Để được nghe trong cộng đồng khoa học, phải nói ngôn ngữ khoa học một cách khoa học, bằng cách dịch những từ của ngôn ngữ đời thường sang ngôn ngữ khoa học. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào hoạt động phiên dịch thường bị che khuất này, ta sẽ thấy ngay rằng trong ngôn ngữ khoa học có rất nhiều từ được đặt trong ngoặc kép. Lúc đó, việc đặt vào ngoặc kép có thể được đối chiếu với việc bỏ vào ngoặc đơn của các nhà hiện tượng học. Bởi việc đặt vào ngoặc kép này tiết lộ một trong các thái độ đặc trưng của ý thức khoa học. Nó liên đới với một tuyên bố về ý thức phương pháp. Cái từ trong ngoặc kép lên giọng. Nó lấy giọng điệu khoa học, cấp trên của ngôn ngữ đời thường. Ngay khi một từ của ngôn ngữ cũ được tư duy khoa học đặt vào ngoặc kép như vậy, nó là dấu hiệu của một sự thay đổi phương pháp tri thức liên quan đến một lĩnh vực kinh nghiệm mới. Chúng ta hoàn toàn có thể nói rõ ra rằng, theo quan điểm và nhận thức của triết gia khoa học, nó là dấu hiệu của một sự đoạn tuyệt, sự không liên tục về ý nghĩa, một cải tổ tri thức.

Khái niệm «nhiệt độ của hạt nhân nguyên tử» thậm chí bao gồm tới hai cuộc cải cách một lúc. Trước hết, nó bảo lãnh ý niệm động học về nhiệt độ – như đã được nhiệt động lực học cổ điển đưa vào khoa học – trong một lĩnh vực mới; và sau đó, nó chuyển cái khái niệm khoa học này sang một lĩnh vực ứng dụng mà khái niệm cổ điển không áp dụng được một cách bình thường. Chúng ta thấy sự tự cấu trúc hoá của các tầng khác nhau trong nỗ lực khái niệm hoá khoa học: «nhiệt độ» của hạt nhân là một khái niệm của khái niệm, nghĩa là một khái niệm không phải là cái khái niệm thành hình từ bước trừu tượng hoá đầu tiên. Ta sử dụng nó vì chúng ta đã hiểu rõ cái ý nghĩa thuần lý cổ điển của khái niệm nhiệt độ, cái khái niệm vốn đã được vật lý học cổ điển tách rời khỏi mọi ý nghĩa cảm quan tức thì của nó rồi.

Gaston Bachelard
Chủ Nghĩa Duy Vật Thuần
(Le matérialisme rationnel,
Paris, PUF, 1938, tr. 216-217).


[1] Xem trên trang mục Lịch Sử Khoa Học: Gaston Bachelard, Phê Phán Liên Tục Luận Trong Phát Triển Khoa Học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa