HÀNH ĐỘNG CON NGƯỜI, NGUỒN LÝ TÍNH DUY NHẤT (M. HORKHEIMER, 1930)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóaLý tính – Lịch sử ; Ý nghĩa – Lịch sử ;
Lịch sử - Triết lý ; Horkheimer, Max – Trích đoạn

C1

HÀNH ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI,
NGUỒN LÝ TÍNH DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ
(1930)

Tác giả: Max Horkheimer[1],
Bản tiếng Pháp: Denis Authier
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong trích đoạn từ Những Bước Đầu Của Triết Lý Tư Sản Về Lịch Sử dưới đây, Max Horkheimer phản bác song song, vừa quan điểm định mệnh về lịch sử, vừa chủ nghĩa tiến bộ tuyến tính tuyệt đối. Lịch sử là những gì do con người làm ra, và không có bảo đảm nào chống lại «khả năng nhân loại quay trở lại sự man rợ». Tự nó, dòng biến dịch của lịch sử không chuyên chở một ý nghĩa tiền định nào, nhưng điều này chỉ làm cho trách nhiệm của con người trước lịch sử trở nên ý nghĩa, quyết định, và nghiêm trọng hơn gấp bội.

*

Đối với chúng ta, kẻ hành động, khả năng làm sáng tỏ hoàn hảo và có hiểu biết trọn vẹn về tính thiết yếu của một sự kiện lịch sử, có thể trở thành một phương tiện nhằm đưa lý tính vào sử học; nhưng tự bản thân nó, lịch sử không hề có lý tính, nó không phải là một «bản thể» của bất kỳ giống loại nào, không phải là một «tinh thần» trước nó chúng ta phải cúi đầu phủ phục, cũng không phải là một «tiềm lực». Sử học là một sự thâu tóm lại bằng khái niệm những biến cố bắt nguồn từ quá trình sinh sống của con người trong xã hội. Không ai được sinh ra hoặc bị giết chết bởi «Lịch sử» cả; lịch sử không đặt ra, cũng không giải quyết một nhiệm vụ nào. Chỉ có những con người hiện thực: họ hành động, vượt qua những trở ngại, có khả năng giảm thiểu thành công những xấu ác cá nhân hoặc tập thể mà chính họ hoặc các lực tự nhiên đã tạo ra. Sự trao quyền tự chủ kiểu phiếm thần luận cho lịch sử, đồng thời biến nó thành một thực thể thống nhất có hồn phách chỉ là một trò siêu hình độc đoán và giáo điều. [...]

Khả năng quay lại sự man rợ không bao giờ được loại trừ hoàn toàn. Sự sa đọa này có khi do những thảm họa bên ngoài quyết định, nhưng cũng có thể tái phát từ thứ nguyên nhân phụ thuộc vào bản thân con người. Những cuộc chiến tranh xâm lược lớn hiển nhiên đã được xem là một biến cố trong quá khứ; nhưng từ thứ căng thẳng tiềm ẩn trong các quốc gia văn minh, vẫn có thể bật lên những cú sốc khủng khiếp ẩn nấp dưới bề mặt lừa đảo của hiện tại. Định mệnh chỉ thống trị trên các biến cố của con người trong chừng mức là xã hội không có khả năng điều chỉnh những vấn đề của nó một cách có ý thức, vì lợi ích của chính nó. Khi nào triết lý lịch sử còn chứa chấp cái ý tưởng về một ý nghĩa nào đó của lịch sử, tuy tối nghĩa nhưng được cho là tác động một cách tự chủ và tự quyết (thứ ý nghĩa mà người ta còn nỗ lực biểu hiện bằng các sơ đồ, kiến trúc lô-gic, và hệ thống tư tưởng), thì chúng ta còn cần phải lên tiếng phản biện rằng, [lịch sử] chỉ có ý nghĩa và lý tính trong chừng mức chính xác là con người thực hiện được chúng nơi bản thân hắn trong thế giới này.

Max Horkheimer,
Những Bước Đầu Của Triết Lý Tư Sản Về Lịch Sử,
(Anfänge der bürgerlichen Geschichtsphilosophie, 1930 = 
Les Débuts de la philosophie bourgeoise de l'histoire,
Paris, Payot, 1970, tr. 111-112 và 135).


[1] Max Horkheimer (1895-1973): triết gia, nhà xã hội học người Đức, giám đốc Viện Nghiên Cứu Xã Hội (Institut für Sozialforschung), đầu nguồn của Trường phái Frankfurt, còn được gọi là Học phái Lý Thuyết Phê Phán (Kritische Theorie). Tác phẩm chính: Anfänge der bürgerlichen Geschichtsphilosophie (1930); Between Philosophy and Social Science (1930–1938); Die gegenwärtige Lage der Sozialphilosophie und die Aufgaben eines Instituts für Sozialforschung (1931); Studien über Autorität und Familie (với Erich Fromm, Herbert Marcuse, 1936, 2005); Traditionelle und kritische Theorie (1937, 2011); Philosophische Fragmente (với Theodor Adorno, 1944); Dialektik der Aufklärung (với Theodor Adorno, 1947, 1988); Eclipse of Reason (1947) = Zur Kritik der instrumentellen Vernunft (1967); Zum Begriff der Vernunft (1951, 1952); Survey of the social sciences in Western Germany (1952);  Um die Freiheit (1962); Über das Vorurteil (1963); Autoritärer Staat (1967); Vernunft und Selbsterhaltung (1970); Sozialphilosophische Studien (1972); Gesellschaft im Übergang (1972); Die gesellschaftliche Funktion der Philosophie (1988). 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa