Đưa lên mạng ngày 15-11-2022 |
C1 |
HAI KHUYNH HƯỚNG CƠ BẢN
TRONG SINH HỌC
(1970)
Tác giả : François Jacob*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Trái với những gì người ta thường tưởng tượng, sinh học không phải là một khoa học thống nhất. Sự không đồng nhất về đối tượng, sự khác biệt về quan tâm, sự đa dạng về kỹ thuật, tất cả những điều này đã góp phần nhân lên các môn học[1]. Ở hai cực của cánh quạt, chúng ta có thể phân biệt hai khuynh hướng chính, hai thái độ rốt cuộc là hoàn toàn trái ngược.
Thái độ đầu tiên có thể được mô tả là tích hợp luận (intégriste)[2] hay tiến hóa luận (évolutionniste). Đối với nó, sinh thể không những chỉ là không thể phân tách thành các thành phần cấu tạo nó, mà ta còn nên quan tâm xem xét nó như một yếu tố thuộc một hệ thống, nhóm, loài, quần thể, họ sinh thái… ở bậc cao hơn. Thứ sinh học này quan tâm tới các cộng đồng (collectivités), hành vi, quan hệ mà những sinh vật có với nhau, hoặc với môi trường của chúng. Nó truy tìm trong hóa thạch dấu vết về sự siêu hiện* của các dạng sống ngày nay. Dưới ấn tượng của sự đa dạng đáng kinh ngạc của bao sinh vật, nó phân tích cấu trúc của thế giới sống, tìm kiếm nguyên nhân của những đặc tính hiện tồn, mô tả cơ chế của những thích nghi*. Mục đích của nó là xác định các tác lực và con đường đã dẫn những hệ thống sinh vật đến hệ động vật và hệ thực vật ngày nay. Đối với nhà sinh vật học theo tích hợp luận, cơ quan và chức năng chỉ đáng quan tâm bên trong một tổng thể đã được cấu thành, không chỉ bởi sinh vật, mà còn bởi giống loài của nó, với cả đoàn vấn đề tháp tùng về giới tính, con mồi, kẻ thù, giao tiếp, nghi thức. Nhà sinh học theo tích hợp luận từ chối xem mọi thuộc tính, hành vi và thành tích của một sinh vật như có thể được giải thích chỉ bằng cấu trúc phân tử của nó. Đối với ông, sinh học không thể bị quy giản vào vật lý và hóa học. Không phải là ông ta muốn viện dẫn cái không ai biết là gì của một thứ gọi là sinh lực (force vitale)[3]. Nhưng bởi vì, ở mọi cấp độ, sự tích hợp mang lại cho các hệ thống thứ thuộc tính mà những phần tử của chúng không có. Toàn bộ không chỉ là tổng của các bộ phận.
Ở một cực khác của sinh học, thái độ biểu hiện trái ngược có thể được gọi là bộ phận luận (tomist)[4] hay quy giản luận (réductionniste). Đối với nó, sinh thể đúng thực là một tổng thể, nhưng nó vẫn phải được giải thích chỉ bằng các thuộc tính của những bộ phận. Nó quan tâm đến cơ quan, mô, tế bào, phân tử. Sinh học quy giản luận tìm cách giải thích các chức năng chỉ bằng những cấu trúc. Nhạy cảm với sự thống nhất về thành phần và cách vận hành mà nó quan sát được đằng sau sự đa dạng của những sinh vật, nó nhìn thấy trong các thành tích của sinh vật biểu hiện của những phản ứng hóa học của nó. Đối với nhà sinh học quy giản luận, vấn đề là cô lập các thành phần của một sinh vật và tìm ra những điều kiện cho phép ông ta nghiên cứu chúng trong ống nghiệm. Bằng cách thay đổi các điều kiện ấy, bằng cách lặp lại các thí nghiệm, bằng cách xác định từng tham số, nhà sinh vật học này nỗ lực làm chủ hệ thống và loại bỏ các biến của nó. Hy vọng của ông là phá vỡ sự phức tạp tới mức xa nhất có thể, nhằm phân tích các nguyên tố với lý tưởng về sự tinh khiết và chắc chắn mà các thí nghiệm vật lý và hóa học biểu hiện. Đối với ông, không có đặc điểm nào của sinh vật mà cuối cùng không thể mô tả được dưới dạng những phân tử và các tương tác của chúng. Tất nhiên, không có vấn đề phủ nhận các hiện tượng tích hợp và siêu hiện*. Tất nhiên, tổng thể có thể có những đặc tính mà các thành phần cấu thành không có. Thế nhưng những tính chất ấy là kết quả của chính cấu trúc của các thành phần này và sự sắp xếp của chúng.
François Jacob,
Lô-gic Của Sinh Thể
(La Logique du vivant,
Paris, Gallimard, 1970, tr. 14-15.
[1] Xem các phân tích của Auguste Comte về hệ quả nguy hại của sự chuyên môn hoá quá đáng trong khoa học (Giáo Trình Triết Học Thực Chứng, Bài Học Thứ Nhất).
[2] Gọi là tích hợp luận bởi vì khuynh hướng này tìm hiểu một sinh vật bằng cách sáp nhập nó vào một hệ thống thuộc một trình tự cao hơn. Trong bản dịch này, chúng tôi dùng nhất quán thuật từ tích hợp luận.
[3] Xem thêm các bản dịch về ý niệm sinh lực* trên trang mục này và các trang mục trong phần Triết Học khi có thể tham thảo.
[4] Tomiste: do từ Hy Lạp tomè, sự phân chia. Sinh thể được giải thích bằng những thuộc tính và sự sắp xếp của các bộ phận. Trong bản dịch này, chúng tôi dùng nhất quán thuật từ quy giản luận. Xem thêm các bản dịch khác về phép quy giản và quy giản luận trên các trang mục thuộc phần Khoa Học, khi có thể tham khảo.