“DUY XÃ HỘI LUẬN” (É. DURKHEIM, 1895)
Đưa lên mạng ngày 25-11-2019
Từ khóa: Duy xã hội luận ; Durkheim, Émile – Trích đoạn
C2

QUAN ĐIỂM DUY XÃ HỘI LUẬN

Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

* 

Duy xả hội luận cho rằng nhà xã hội học phải truy tìm giải thích cho một sự kiện hay hiện tượng xã hội trong «môi trường xã hội nội bộ», nghĩa là trong một lý do cùng tồn tại với sự kiện và thực tế xã hội, một nguyên nhân xã hội học đặc thù, không vướng mắc vào một tiên đề sinh lý, tâm lý hoặc lịch sử nào cả.

Trong hai trích đoạn từ Những Hình Thức Sơ Đẳng Của Đời Sống Tôn Giáo dưới đây, Durkheim đã minh họa luận thuyết trên qua hai thí dụ, đặt ở mức độ rất cao, bởi vì liên quan tới một phạm trù của giác năng và quyền uy của lý trí. Đối với Durkheim, các học thuyết cổ điển đều là bất cập. Chủ nghĩa kinh nghiệm bất lực trước đòi hỏi lý giải tính phổ quát và tính thiết yếu của các nguyên lý. Chủ nghĩa duy lý tiên nghiệm không có khả năng giải thích tính cưỡng bách vượt quá kinh nghiệm của lý trí. Theo Durkheim, chỉ một lý thuyết nhận thức được nguồn gốc xã hội nơi các nguyên lý và phạm trù của tri thức mới có thể giúp ta giải quyết được các vấn đề trên.  

*

VỀ KHÔNG GIAN
(1912)

Như [Octave] Hamelin[1] từng chỉ ra, không gian không phải là thứ môi trường mơ hồ và không xác định mà Kant đã tưởng tượng: thuần nhất và đồng nhất tuyệt đối, không phục vụ cho mục đích gì, thậm chí không cung cấp cho tư tưởng một chỗ bám víu nào. Biểu hiện không gian chủ yếu nằm trong một sự phối hợp đầu tiên được đưa vào giữa những dữ liệu của trải nghiệm cảm quan. Nhưng sự phối hợp này sẽ là bất khả thi, nếu các phần của không gian hoàn toàn tương đương về phẩm chất, nếu chúng thực sự có thể thay thế cho nhau được. Để có thể sắp xếp mọi sự vật trong không gian, ta phải có thể đặt để chúng một cách khác biệt: bên phải hoặc bên trái, ở trên hay ở dưới, phía bắc hoặc phía nam,   phía đông hay phía tây, v. v…, cũng giống như, để có thể sắp xếp mọi trạng thái ý thức trong thời gian, ta phải có khả năng xác định vị trí của chúng, đặt chúng vào những thời điểm cụ thể nào đấy. Điều này có nghĩa là không gian không thể là không gian, nếu nó không được phân định và phân biệt. Với thời gian cũng vậy. Nhưng những phân chia này, rất thiết yếu cho không gian, chúng đến từ đâu? Tự bản thân nó, không gian không có phải hoặc trái, trên hay dưới, bắc hoặc nam, v. v… Hiển nhiên là tất cả mọi phân biệt này đều đến từ sự kiện là những giá trị cảm xúc khác nhau đã được quy cho các vùng. Và bởi vì tất cả mọi người trong cùng một nền văn minh đều biểu thị không gian theo cùng một cách, rõ ràng là những giá trị cảm xúc này, và những phân biệt phụ thuộc, cũng phải là phần chung của họ; điều này bao hàm, một cách hầu như thiết yếu, rằng chúng có nguồn gốc từ xã hội[2].

Émile Durkheim,
Những Hình Thức Sơ Đẳng Của Đời Sống Tôn Giáo
(Les Formes élémentaires de la vie religieuse, 1912 -
Paris: PUF, 1937, xb lần thứ 3, tr. 15-16).

*

VỀ LÝ TRÍ
(1912)

Mệnh đề cơ bản của chủ thuyết tiên nghiệm là tri ​​thức được hình thành từ hai loại yếu tố không thể quy giản cái này vào cái kia, và giống như hai lớp vật thể biệt lập và chồng lên nhau. Giả thuyết của chúng tôi duy trì toàn bộ nguyên lý này. Trong thực tế, cái gọi là tri thức thực nghiệm, thứ duy nhất từng được các nhà lý thuyết kinh nghiệm chủ nghĩa sử dụng để xây dựng lý trí, là thứ tri thức mà hành động trực tiếp của vật thể khơi dậy trong trí tuệ ta. Như vậy, đấy chính là những trạng thái cá nhân có thể được giải thích toàn bộ[3] bởi bản chất tâm lý của cá nhân. Ngược lại, nếu các biểu tượng tập thể về cơ bản, như chúng tôi nghĩ, thì chúng thể hiện trước hết các trạng thái tập thể: chúng phụ thuộc vào cách thức cộng đồng được cấu tạo và tổ chức, vào đặc trưng hình thái của nó, vào các thiết chế tôn giáo, đạo đức, kinh tế, v.v… Do đó, giữa hai loại biểu tượng này có toàn bộ khoảng cách tách biệt cá nhân với xã hội, và chúng ta không thể rút cái thứ hai ra từ cái thứ nhất, hơn là có thể suy xã hội ra từ cá nhân, cái toàn bộ từ cái bộ phận, cái phức tạp từ cái đơn giản[4]. Xã hội là một hiện thực đặc thù; nó có những đặc điểm riêng mà ta không tìm thấy, hoặc không tìm thấy dưới hình thức tương tự, trong phần còn lại của vũ trụ. Do đó, những biểu tượng diễn đạt xã hội có một nội dung hoàn toàn khác so với loại biểu tượng thuần túy cá nhân, và chúng ta có thể tin trước rằng loại thứ nhất sẽ thêm vào loại sau một cái gì đó.

Thậm chí cách thức từ đấy mỗi loại biểu tượng được hình thành cũng hoàn tất sự phân biệt chúng. Những biểu tượng tập thể là sản phẩm của một sự hợp tác rộng lớn, chúng không chỉ trải rộng trong không gian mà cả trong thời gian; để kiến tạo chúng, vô số  bộ óc đa dạng đã cộng tác, pha trộn, kết hợp những ý tưởng và cảm xúc của họ; đăng đẵng nhiều chuỗi thế hệ đã tích lũy kinh nghiệm và tri ​​thức của họ trong sản phẩm ấy. Do đó, một thứ trí tuệ rất đặc biệt, vô cùng phong phú và phức tạp hơn so với trí tuệ cá nhân như được tập trung ở đây. Từ đó, chúng ta hiểu lý trí có khả năng vượt xa tầm với của tri ​​thức thực nghiệm như thế nào. Về khả năng này, nó không mắc nợ một đức tính bí ẩn nào hết; thật ra chỉ đơn giản vì con người là một hữu thể kép, theo một công thức quen thuộc. Trong hắn ta có hai sinh vật: một mặt, một hữu thể cá nhân mà cơ sở nằm trong sinh vật, và phạm vi hoạt động bị hạn hẹp bởi chính thực tế này; mặt khác, một hữu thể xã hội, như đại biểu của hiện thực cao nhất trong trình tự trí tuệ và đạo đức trong ta, mà chúng ta có thể biết bằng quan sát, và đó là xã hội. Hệ quả của bản chất hai mặt này ở ta là tính không thể quy giản của lý tưởng đạo đức vào động cơ thực dụng trong trình tự thực tiễn, và tính không thể quy giản của lý trí vào kinh nghiệm cá nhân trong trình tự tư tưởng. Trong chừng mực là cá nhân tham gia vào xã hội, hắn siêu vượt chính mình một cách tự nhiên, trong suy nghĩ cũng như khi hành động.

Cùng một đặc tính xã hội này cho phép ta hiểu yếu tính của các nguyên lý và phạm trù đến từ đâu. Chúng ta nói rằng một ý tưởng là thiết yếu khi nó tự áp đặt lên trí tuệ ta, bởi một thứ phẩm chất nội tại, không cần bằng chứng nào đi kèm. Như vậy là có một cái gì đó trong nó bắt buộc trí tuệ ta phải quy thuận mà không cần kiểm tra trước. Tính hiệu quả đặc biệt này, chủ thuyết tiên nghiệm giả định nó, nhưng không giải thích. (...) Nhưng nếu [các nguyên lý và phạm trù] có nguồn gốc mà chúng ta gán cho chúng, thì ngôi vị cao của chúng không có gì đáng ngạc nhiên nữa. Bởi sự thật là chúng diễn đạt các quan hệ tổng quát nhất tồn tại giữa những sự vật, và vượt xa mọi ý niệm khác của chúng ta về ngoại diên, chúng thống trị mọi chi tiết trong đời sống tinh thần của ta. Như vậy, tại bất kỳ một thời điểm nào, nếu con người không nhất trí với nhau về những ý tưởng thiết yếu này, nếu họ không có một quan niệm đồng nhất về không gian, thời gian, nguyên nhân, chữ số, v. v… thì mọi đồng thuận sẽ không thể có trong tâm trí người đời và, sau đó, trong mọi cuộc sống cộng đồng. Vì thế, xã hội không thể buông thả những nguyên lý và phạm trù này cho tự do ý chí cá nhân mà không tự từ bỏ chính mình. Để có thể sống còn, nó không chỉ cần có một sự quy thuận đầy đủ về đạo đức; còn phải có một đồng thuận tối thiểu nữa về trí tuệ mà nó không thể vất bỏ. Vì lý do này, xã hội phải áp đặt quyền uy và sức mạnh của mình lên mọi thành viên, nhằm ngăn chặn mọi mầm mống bất đồng hay ly khai (...) Dường như đấy chính là nguồn gốc của thứ thẩm quyền rất đặc biệt vốn có trong lý trí; chính nó đã khiến chúng ta tin tưởng chấp nhận mọi đề xuất của trí tuệ.

Émile Durkheim,
Những Hình Thức Sơ Đẳng Của Đời Sống Tôn Giáo
(Les Formes élémentaires de la vie religieuse, 1912 -
Paris: PUF, 1937, xb lần thứ 3, tr. 21-24).


[1] Octave Hamelin, Essai sur les éléments principaux de la représentation, 1907, tr. 75. ED. Octave Hamelin (1856-1907), triết gia Pháp. Tác phẩm: Essai sur les éléments principaux de la représentation (1907); Le Système de Descartes (1911); Le Système d'Aristote (1920); La Théorie de l'intellect d'après Aristote et ses commentateurs (tb 1981); Les Philosophes présocratiques (giáo trình 1905-19077, xb 1978); Le Système de Renouvier (xb 1927). NVK

[2] Nếu không phải do xã hội thì, để giải thích đồng thuận này, ta cần phải thừa nhận rằng mọi cá nhân, do sự cấu tạo tâm sinh lý của họ, đã có những giá trị cảm xúc giống nhau trước các phần khác biệt của không gian một cách bộc phát; điều này càng khó tin hơn nữa, bởi vì tự bản thân chúng, các khu vực không gian khác nhau là hoàn toàn phiếm định về giá trị cảm xúc. Mặt khác, sự phân chia không gian thay đổi theo xã hội; đấy là bằng chứng cho thấy rằng nó không chỉ độc nhất dựa trên bản chất bẩm sinh của con người. ED.

[3] Ít ra trong chừng mức là có những biểu tượng thuần túy cá nhân, và do đó, hoàn toàn kinh nghiệm. Nhưng thật ra, có vẻ đúng là chúng ta không gặp trường hợp nào ở đó hai loại yếu tố trên lại không được gắn kết chặt chẽ vào nhau. ED.

[4] Cũng không nên hiểu tính không thể quy giản này trong nghĩa tuyệt đối. Chúng tôi không muốn nói rằng trong loại biểu tượng kinh nghiệm chẳng chút gì có thể báo hiệu những biểu tượng lý tính, cũng như trong cá nhân chẳng chút gì có thể báo hiệu đời sống xã hội. Nếu kinh nghiệm là hoàn toàn xa lạ với lý trí, thì lý tính sẽ không thể bám vào kinh nghiệm; cũng vậy, nếu bản chất tâm lý cá nhân là hoàn toàn trơ ỳ với đời sống tập thể, thì không thể nào xã hội có thể thành hình. Do đó, một phân tích trọn vẹn các phạm trù sẽ phải truy tìm tận trong ý thức cá nhân những mầm mống  của lý tính. ED.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa