ĐÓNG GÓP CỦA PHÂN TÂM HỌC VÀO TÂM LÝ HỌC (J. NUTTIN, 1950)
Đưa lên mạng ngày 07-01-2020
Từ khóa : Phân tâm học – Diễn giải và Phê bình
C1

ĐÓNG GÓP CỦA PHÂN TÂM HỌC
VÀO TÂM LÝ HỌC
(1950)

        Tác giả: Joseph Remi Nuttin[1],
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

* 

Phân tâm học là một hệ thống [tư duy] mà sự đóng góp vào quan niệm của chúng ta về đời sống tâm lý đã đạt được sự quan trọng tới mức là ảnh hưởng của nó trên dòng tiến hóa của toàn bộ môn tâm lý học, với thời gian, rồi sẽ trở thành rõ rệt đối với bất cứ ai.

Ảnh hưởng này chủ yếu được thực hiện thông qua tâm lý học lâm sàng[2]. Các ý tưởng của phân tâm học đã thâm nhập vào tâm lý học lâm sàng, rồi đến lượt nó, bộ môn sau cũng lại chiếm một vị trí tương tự trong toàn bộ sinh hoạt tâm lý, nên cách đặt vấn đề và định hướng của nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc nghiên cứu tâm lý nói chung.

Ảnh hưởng của tâm lý học lâm sàng trên tâm lý học thực nghiệm, và đặc biệt là tâm lý học hành vi, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. (...) Cái công lao đã làm nổi bật lên một cách hiển nhiên các yếu tố năng động trong hành vi phải được ghi nhận cho bản thân môn tâm lý học lâm sàng nói chung, nhưng đặc biệt là cho chính phân tâm học.

Cũng chính là dưới ảnh hưởng của tâm lý học lâm sàng mà ý niệm nhân cách đã tìm thấy ý nghĩa của nó trong tâm lý học Hoa Kỳ. Trong khi khái niệm này chỉ nhắm vào cá nhân, vốn chỉ được xem như điểm gặp gỡ của những kết nối và hình thức quen thuộc trước kia, thì bây giờ nó lại bao hàm lần nữa, một quy chiếu về sự thống nhất năng động có tính mục đích của con người mà từ đấy mọi hành vi của hắn xuất phát. Chính từ cái cốt lõi năng động này mà hành vi rút ra, vừa cái ý nghĩa, vừa sự thống nhất tâm lý của nó.

Ngày nay, đặc trưng của sự tiến hóa tốt đẹp đang diễn ra trong tâm lý học thực nghiệm là sự kiện chúng ta ngày càng nghiên cứu  hành vi của con người trong sự phức tạp hiện thực, và trong cấu trúc tổng thể của các hình thức bên ngoài và ý nghĩa bên trong của . Việc nghiên cứu này không còn xa lạ với sự tồn tại tâm lý của con người, [một sự xa lạ] mà thuật từ «tâm lý học phòng thí nghiệm» gợi lên đã từ quá lâu rồi nữa. Tâm lý học khoa học nay đã thành công trong việc bám sát hiện thực của đời sống tâm lý hơn.

Chúng ta phải nhận món nợ về sự tiến hóa tốt đẹp này, một phần từ sự khám phá lại tính năng động của nhân cách – được coi là điểm khởi đầu của toàn bộ hành vi và đời sống tâm lý – thông qua ảnh hưởng của tâm lý học lâm sàng. Và phần kia, từ môn tâm lý xã hội học, nhất là từ sự chấp nhận ngày càng rõ rệt quan điểm xã hội trong việc nghiên cứu hành vi [cá nhân][3]. Đời sống tâm lý của con người là một dạng hành vi trong các tình huống của đời sống xã hội, và nó biến thiên theo định hướng năng động của nhân cách chúng ta, hơn là một tập hợp các phản ứng đối với những kích thích trong phòng thí nghiệm. Chính thứ hành vi này ngày càng trở thành đối tượng của tâm lý học thực nghiệm. Ngay cả những nghiên cứu riêng biệt về các chức năng khác cấu thành hành vi này – như nhận thức, trí  nhớ, v. v. – cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm toàn thể này về hành vi như đơn vị tâm lý. Lịch sử sẽ cho thấy rằng, bên cạnh tâm lý xã hội, phân tâm học đã tạo ra một ảnh hưởng tốt đẹp theo chiều hướng đó, bằng cách nhấn mạnh trên nhân tính như một đơn vị năng động. […]

[Ở đây, tác giả đối lập «lý thuyết năng động về nhân tính bình thường» của ông với của Freud, rồi kết luận:]

Để kết thúc công trình nghiên cứu của chúng tôi về xung đột nội tại trong đời sống tâm lý của con người bình thường, chúng tôi đã thu hẹp phạm vi ứng dụng của quá trình dồn nén và ý niệm vô thức.  Thay vào đấy, chúng tôi đã cố gắng phác thảo quá trình phát triển của sự xây dựng nhân cách.

Mặt khác, đối với chúng tôi, việc quy giản những sức mạnh tâm lý vào chỉ một yếu tố năng động duy nhất có vẻ như một sự sơ lược hóa rất nghèo nàn, dựa trên những sai lầm về phương pháp và các lý thuyết được khái quát hóa quá vội vã[4]. Điều thiết yếu là phải đưa vào việc nghiên cứu động cơ của con người tất cả sự phức tạp của cuộc sống con người. Chúng ta không giải thích được gì cả bằng sự cầu viện tới những quá trình hoặc ảnh hưởng – như ảnh hưởng của văn hóa hoặc quá trình xã hội hóa, chẳng hạn – khi bản thân chúng cũng chỉ có thể được giải thích bằng cách truy tìm các tiềm năng cao hơn trong tâm lý con người cá nhân.

Trước sự quy giản mọi lực lượng xây dựng nơi con người vào ham muốn tính dục (libido), chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh, một mặt, trên sự phức tạp không thể rút gọn, và mặt khác, sự thâm nhập không thể tháo gỡ vào nhau của sự năng động nơi con người. Hệ thống nhu cầu cơ bản mà chúng tôi đã phác thảo cho thấy rõ rệt hai khía cạnh thiết yếu này nơi «động cơ» của con người. Về việc nghiên cứu nhân cách, không thể tìm kiếm sự tiến bộ trong một thử nghiệm quy giản, mà trong một phân tích, mỗi ngày một tinh tế hơn, những thành phần đa tạp đã tạo nên sự thống nhất và tính phức tạp của đời sống tâm lý con người.

Joseph Remi Nuttin,
Phân Tâm Học Và Quan Niệm Duy Linh Về Con Người
(Psychanalyse et conception spiritualiste de l'homme
,
Publications Universitaires de Louvain, 1950,
tr. 344-346 và 351-352)


[1] Joseph Remi Nuttin (1909-1988): tu sĩ và nhà tâm lý học người Bỉ. Tác phẩm:  Psychanalyse et conception spiritualiste de l'homme (1950); Psicanalisi e personalità (1953); Tendences nouvelles dans la psychologie contemporaine (1951); Tâche, échec et réussite (1953); Comportamento e personalità (1964); La structure de la personnalité (1965); Théorie de la motivation humaine (1980).

[2] Xem thêm trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Daniel Lagache, Sự Thống Nhất Của Tâm Lý Học.

[3] Xem thêm trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Henri Delacroix, Tâm Lý Học và Xã Hội Học & Eric Fromm, Phân Tâm Học Và Xã Hội Học.

[4] Xem trên trang mục này, hai đoạn cuối của bài: Joseph Nuttin, Gốc Gác Và Sự Phát Triển Của Ý Niệm Vô Thức ở Sigmund Freud (Khái Niệm Vô Thức Ở Sigmund Freud trong mục lục).  

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa