ĐỒNG CẢM (B. BETTELHEIM, 1988)
Cập nhật ngày 12-3-2019
Từ khóa : Đồng cảm (Khái niệm)
C1

ĐỒNG CẢM
(1988)

Tác giả: Bruno Bettelheim[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Từ tương đương với đồng cảm là empathy (Anh) hay empathie (Pháp). Dù xuất phát từ empatheia của Hy Lạp cổ đại (với nghĩa khác là đam mê, nhiệt tình), hay chỉ mới được nhà tâm lý học Anh-Mỹ Edward B. Titchener (1867-1927)[2] dịch từ Einfühlung của Đức khoảng thế kỷ XIX-XX, empathy chỉ sự hiểu biết người khác thông qua cảm thông nhờ cùng chia sẻ những tình cảm chung của con người, hay phương thức tìm hiểu kẻ khác bằng cách tự đặt mình vào chỗ của họ. Ngày nay, đồng cảm là khái niệm nền tảng của nhiều triết phái, cũng như của hầu hết các bộ môn khoa học nhân văn và xã hội.

*

Freud nói về sự cảm thông giữa cái vô thức của một người với vô thức của người khác; ông còn cho rằng chúng ta có thể hiểu cái vô thức của một bên thứ ba nữa mà chỉ cần thông qua vô thức của chính ta.  Người đời không thể diễn giải thích đáng, bằng lời, thế nào là tình yêu, giận dữ, ghen tuông, lo lắng,… và ngay cả lời nói cũng không thể nào biểu đạt nổi cái gọi là «trầm cảm» và «hưng phấn» có nghĩa là gì đối với họ. Nhưng nếu ta đã trải qua các trạng thái sống ấy, chúng ta đều biết những gì kẻ khác có thể phải cảm thấy. Khi sống đồng cảm với một ai đó, chúng ta rất gần gũi với người ấy, ta hiểu rõ kẻ ấy hơn là nếu chỉ phải bằng lòng với những gì kẻ ấy nói. Ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải cầu viện đến loại ngôn ngữ biểu tượng để chuyển tải những cảm xúc sâu sắc của họ đến độc giả. Họ nói bằng ẩn dụ, phúng dụ, bởi vì không một phát biểu trực tiếp nào có đủ sức biểu nghĩa cho mục đích của họ. Để phát hiện ra ý nghĩa của chúng, ta cần phải đọc giữa các dòng, và nhận thức được điều mà ngôn ngữ biểu tượng gợi lên trong vô thức của chính ta.

Chúng ta không nên tin rằng con em của ta có khả năng nói lên những gì chúng cảm nhận từ thâm sâu, bởi vì chúng hoàn toàn không có khả năng biểu đạt những gì đang xảy ra trong vô thức. Để hiểu được những động cơ ẩn của trẻ con, chúng ta phải dựa vào loại phản ứng đồng cảm; tinh thần duy lý của ta phải vận hành như thế nào để tìm hiểu những gì chúng đang cố nói với ta, qua lời nói và động thái, trong khi vô thức của chính ta, nhờ sự «phóng chiếu vào đối tượng chiêm nghiệm của mình», cũng nỗ lực nhận biết chúng trong quan hệ với những kinh nghiệm nội tâm của mình, hiện nay và đã qua. Bằng cách đó, chúng ta vừa hiểu con em của mình, vừa tự hiểu bản thân mình hơn. Vì vậy mà cách đây có hơn hai nghìn năm, Menandros[3]* từng nói:  «Hãy tự biết mình» là điều rất tốt, nhưng chắc chắn không tốt cho mọi tình huống. Thường thì tốt hơn nên nói: «Hãy biết người khác».

Bruno Bettelheim,
Để Là Cha Mẹ Có Thể Chấp Nhận Được
(Pour être des parents acceptables,
Paris, R. Laffont, 1988,
tr. 100-101)


[1] Bruno Bettelheim (1903-1990) là nhà tâm lý, phân tâm, tâm thần học và giáo dục trẻ em mắc bệnh tự kỷ người Mỹ gốc Áo. Sau khi mất, ông là đối tượng của rất nhiều lời cáo buộc liên quan đến vừa tư cách nhà khoa học (đạo văn), vừa vai trò người chữa bệnh (tàn nhẫn với bệnh nhân) của ông.   Tác phẩm tiêu biểu: Love Is Not Enough (1950), Symbolic Wounds (1954),   Truants From Life (1955), The Informed Heart (1960), Dialogues with Mothers (1962), The Empty Fortress (1967), The Uses of Enchantment (1976), Surviving and Other Essays (1979), Freud and Man's Soul (1982),  A Good Enough Parent (1987), Freud's Vienna and Other Essays (1990).

[2] Edward Bradford Titchener (1867-1927) nhà tâm lý học người Anh từng theo học Wilhelm Wundt (1832-1920) nhiều năm ở Leipzig (Đức) trước khi trở thành giáo sư tại Cornell University và định cư ở Hoa Kỳ. Tác phẩm:  An Outline of Psychology (1896); A Primer of Psychology (1898); Experimental Psychology (4 q., 1901-1905); Elementary Psychology of Feeling and Attention (1908); Experimental Psychology of the Thought Processes (1909); A Textbook of Psychology (2 q., 1909-1910); A Beginner's Psychology (1915).

[3] Menandros (Μένανδρος = Menander = Ménandre, khg 342-290 tCn) nhà hài kịch Hy Lạp cổ đại, tác giả của khoảng 108 hài kịch (nay chỉ còn dưới hình thức mảnh rời), từng đoạt giải thưởng nhiều lần tại các ngày lễ hội vinh danh thần Dionysos ở Athênai.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa