Đưa lên mạng ngày 15-09-2022 Từ khóa: Tư duy — độc lập ; Giáo dục — đối tượng ; Einstein, Albert — Tiểu luận |
C1 |
ĐỘC LẬP TƯ TƯỞNG
NHƯ
ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁO DỤC
(1952)
Tác giả : Albert Einstein*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Dạy con người một chuyên môn là không đủ. Bởi qua đó, hắn có thể trở thành một loại máy hữu dụng, nhưng không phải là một nhân cách được phát triển hài hòa. Điều thiết yếu là học viên phải có được một sự hiểu biết và một cảm thức sống động về giá trị. Hắn phải có được một ý thức sâu sắc về cái tốt, cái đẹp của đạo đức. Nếu không, hắn ta — với mớ tri thức chuyên môn của mình — sẽ giống một con chó được huấn luyện giỏi, hơn là một con người được phát triển hài hòa. Hắn phải học để hiểu các động cơ, những ảo tưởng và những đau khổ của người đời, để có được mối quan hệ thích hợp với mỗi cá nhân đồng loại, và với toàn thể cộng đồng người.
Những điều quý giá này phải được trao truyền đến thế hệ trẻ hơn thông qua sự tiếp xúc cá nhân với những người giảng dạy, chứ không phải qua sách giáo khoa — hay ít ra không thông qua chúng như kênh chính. Về cơ bản, đây là điều căn bản cho sự hình thành, và bảo tồn nền văn hóa của nhân loại. Đấy là điều tôi luôn mang trong tâm khảm khi đề xuất rằng các bộ môn «nhân văn» là quan trọng, chứ không phải chỉ là những chuyên ngành khô khan trong các lĩnh vực lịch sử và triết học.
Sự chú trọng quá nhiều vào hệ thống cạnh tranh, và sự chuyên môn hóa quá sớm trên cơ sở lợi ích tức thời, thường giết chết cái tinh thần trên đó tất cả đời sống văn hóa, kể cả tri thức chuyên môn, đều phụ thuộc.
Điều quan trọng sống còn cho một nền giáo dục có giá trị là tư duy phê phán độc lập phải được phát triển ở mọi thanh niên, một sự phát triển bị đe dọa rất nhiều bởi sự nhồi nhét vào đầu óc họ, những môn học vừa quá đa tạp vừa quá biến đổi. Sự quá tải nhất thiết phải dẫn đến bệnh hời hợt, sự nông cạn. Việc giảng dạy cần được thực hiện sao cho những gì nhà trường cung cấp phải được xem là một món quà có giá trị, chứ không phải là một phận sự khó nhọc.
Albert Einstein,
Education For Independant Thought,
New York Times, 5-10-1952.