ĐỊNH NGHĨA TRONG KHOA HỌC (C. G. HEMPEL, 1966)
Đưa lên mạng ngày 15-07-2021
Từ khóa: Định nghĩa (Khái niệm) ; Hempel, Carl Gustav – Trích đoạn
C1

ĐỊNH NGHĨA
TRONG
KHOA HỌC
(1966)

Tác giả: Carl G. Hempel*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Để độc giả có thể theo dõi dễ dàng và lý thú hơn bài viết này của tác giả, chúng tôi đã phân đoạn, và thêm vào bản dịch dưới đây các tiểu tựa, và một số chú thích đặt ở cuối bài.   

* 

1 – Khái niệm & Thuật từ

Loại phát biểu khoa học thường được công thức hóa bởi với những từ đặc biệt, chẳng hạn như 'khối lượng', 'lực', 'từ trường', 'entropi', 'không gian pha', v. v… Nếu những từ này muốn phục vụ cho mục đích của chúng, thì ý nghĩa của chúng phải được xác định sao cho những phát biểu mà chúng tạo ra như kết quả có thể được kiểm tra một cách thích đáng, và có thể sử dụng được nhằm đưa ra những giải thích, tiên đoán, và hồi đoán (kiểm) hay hậu kiểm (đoán)[1]. Trong chương này, chúng ta sẽ xét đòi hỏi ấy, xem chúng được thực hiện như thế nào.

Để tiến hành, điều hữu ích cho mục đích này là chúng ta phải  phân biệt một cách rõ ràng giữa các ‘khái niệm’ – như 'khối lượng', 'lực', 'từ trường' v. v… – với những từ tương ứng – những biểu đạt bằng lời hoặc ký hiệu đứng thay cho các khái niệm đó. Để nói về các từ đặc biệt này, chúng ta cần có những tên hay cách gọi cho chúng, như cho bất kỳ sự vật đặc thù nào khác. Theo một quy ước chuẩn của lô-gic học và triết lý phân tích, chúng ta tạo ra một tên hay lối gọi cho một từ bằng cách đặt nó trong các dấu nháy đơn. Theo quy ước đó, từ nay ta nói về các từ 'khối lượng', 'lực', 'từ trường' , v. v… như thuật từ, như chúng ta đã làm trong câu đầu tiên của phần này. Nghĩa là, trong chương này, chúng ta sẽ quan tâm tới các phương pháp xác định ý nghĩa của những thuật từ khoa học, và những yêu cầu mà các phương pháp ấy phải đáp ứng.

2 – Định nghĩa mô tả & Định nghĩa quy định

Định nghĩa có thể là phương pháp hiển nhiên, và có lẽ là phương pháp duy nhất thích hợp để đặc thù hóa một khái niệm khoa học. Chúng ta hãy xem xét thủ tục này. Định nghĩa được cung cấp cho  một trong hai mục đích hoàn toàn khác nhau, cụ thể là:

a) ghi nhận hoặc mô tả ý nghĩa hoặc các ý nghĩa đã được chấp nhận của một từ từng được sử dụng;

b) quy định bằng cách gán một ý nghĩa đặc biệt cho một từ nào đó; đấy có thể là một biểu đạt mới, được quy định bằng lời hoặc ký hiệu (ví dụ như 'pi-meson') hoặc một từ «cũ» được dùng với một nghĩa kỹ thuật đặc biệt (ví dụ, thuật từ 'lạ (strangeness)[2] như được sử dụng trong lý thuyết về các hạt cơ bản).

Những định nghĩa phục vụ cho mục đích đầu tiên sẽ được gọi là định nghĩa mô tả (descriptive definition); những định nghĩa phục vụ cho mục đích thứ hai sẽ được gọi là định nghĩa quy định (stipulative definition).

Định nghĩa thuộc loại đầu tiên có thể được ghi dưới dạng thức  

―― có cùng ý nghĩa với – – –

Từ được định nghĩa (definiendum) chiếm vị trí của đường liền bên trái, trong khi biểu thức để định nghĩa nó (definiens), chiếm vị trí của đường 3 khúc cắt rời. Dưới đây là một số ví dụ về loại định nghĩa mô tả như vậy:

'Cha' có cùng ý nghĩa với 'bậc cha mẹ, nam'.
'Viêm đại tràng' có cùng nghĩa với 'loét ruột già (thừa)'.
'Đồng thời' có cùng nghĩa với 'xảy ra cùng một lúc'.

Các định nghĩa thuộc loại này nhằm phân tích ý nghĩa được chấp nhận của một từ, và mô tả nó với sự hỗ trợ của những từ khác –mà ý nghĩa phải được hiểu trước, nếu định nghĩa muốn phục vụ được cho mục đích của nó. Do đó, chúng cũng sẽ được gọi là các định nghĩa mô tả và, đặc trưng hơn nữa, là các định nghĩa phân tích. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những mệnh đề có thể được gọi là các định nghĩa mô tả thuộc loại không phân tích: chúng chỉ định phạm vi ứng dụng hay ngoại diên của một từ, hơn là ý nghĩa hay nội hàm của nó. Các định nghĩa mô tả của cả hai loại đều nhằm mô tả một số khía cạnh của sự sử dụng đã được chấp nhận của một thuật từ; do đó, chúng có thể được cho là ít nhiều chính xác, thậm chí là đúng hoặc sai.

3 – DefiniendumDefiniens

Mặt khác, định nghĩa quy định là thứ định nghĩa được dùng để đưa một biểu thức vào sự sử dụng trong một ý nghĩa đặc thù nào đó, trong bối cảnh của một cuộc thảo luận, hoặc một lý thuyết, hoặc một cái gì tương tự. Các định nghĩa loại này có thể được đưa ra  dưới dạng:

―― là có cùng ý nghĩa như – – –
hoặc
Bởi ―― hãy hiểu cùng một thứ – – –

Một lần nữa, các biểu thức bên trái và bên phải vẫn được gọi là definiendumdefiniens, tương ứng với vị trí. Các định nghĩa kết quả có tính chất của những quy định hay quy ước, rõ ràng không thể được cho là đúng hoặc sai. Những ví dụ sau đây minh họa nhiều cách thức mà loại định nghĩa này có thể được xây dựng trong trước tác khoa học; mỗi cách thức đều có thể dễ dàng được đưa vào một trong các dạng tiêu chuẩn đề ra ở trên.

Hãy sử dụng từ 'acholia' như từ tóm tắt của 'thiếu tiết mật'. Từ 'mật độ' là từ tóm tắt của 'khối lượng [đo bằng] gam trên centimét khối'. Bởi  ‘axit’, ta sẽ hiểu là một ‘chất điện phân cung cấp ion hydro’. Các hạt có điện tích bằng số không, và khối lượng bằng một sẽ được gọi là nơtron.

Một thuật từ được xác định bằng một định nghĩa phân tích hay quy định luôn luôn có thể được loại bỏ khỏi một mệnh đề, bằng cách thay thế nó bởi biểu thức để định nghĩa (definiens): thủ tục này biến mệnh đề thành một mệnh đề tương đương nhưng không còn chứa thuật từ nữa. Ở một trong các định nghĩa được đưa ra ở trên chẳng hạn, mệnh đề ‘Mật độ của vàng là lớn hơn mật độ của chì' có thể được chuyển thành 'Một centimét khối vàng có khối lượng đo bằng gam lớn hơn cùng một khối lượng chì'. Theo nghĩa này, định nghĩa một từ là chỉ ra cách tránh dùng nó, như Quine từng phát biểu.

Mệnh lệnh «Hãy định nghĩa các từ bạn dùng!» mang âm vang của một châm ngôn khoa học lành mạnh; thực vậy, nói một cách lý tưởng, có vẻ như mỗi thuật từ được sử dụng trong một lý thuyết khoa học, hay trong một ngành khoa học nào đó, đều phải được định nghĩa chính xác. Nhưng đấy là điều không thể làm được; bởi vì một khi đã lập ra một định nghĩa cho một thuật từ, lúc đó chúng ta sẽ phải xác định lần lượt từng từ được dùng trong biểu thức để định nghĩa nó, và sau đó các từ được sử dụng để định nghĩa bất kỳ từ nào trong những từ sau, và cứ như thế mãi. Nhưng trong chuỗi kết quả của các định nghĩa, ta phải tránh xoay tròn, nghĩa là xác định một từ với sự trợ giúp của một số từ đã dùng trước nó trong chuỗi này. Một thứ «vòng tròn» như vậy có thể được minh họa bằng chuỗi định nghĩa sau đây, trong đó cụm từ 'là có cùng ý nghĩa như' được thay thế bằng ký hiệu viết tắt ‘= Đn':

'thân sinh' = Đn 'cha hoặc mẹ'
'cha' = Đn 'cha hoặc mẹ, nam'
'mẹ' = Đn 'cha hoặc mẹ, nhưng không phải cha'

Để xác định ý nghĩa của 'cha', chúng ta sẽ thay cụm từ 'thân sinh' trong định nghĩa thứ hai bằng cái định nghĩa nó ('cha hoặc mẹ') như đã được xác định trong câu trước. Nhưng điều này cho biểu thức 'nam (cha hoặc mẹ)', xác định thuật từ 'cha' bằng chính nó (với   từ khác), và do đó, không đạt được mục đích, bởi vì nó không cho phép ta tránh dùng từ được định nghĩa. Những rắc rối tương tự cũng nảy ra từ định nghĩa thứ ba. Cách duy nhất để thoát khỏi khó khăn này trong nỗ lực xác định mọi thuật từ của một hệ thống nhất định nào đó là, trong biểu thức để định nghĩa, không bao giờ sử dụng lại một từ đã được định nghĩa trước đó trong chuỗi. Thế nhưng, lúc đó, chuỗi định nghĩa của chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc; bởi vì dù chúng ta có thể đã đi xa đến đâu, các từ được sử dụng trong biểu thức để định nghĩa chót vẫn còn phải được xác định, bởi giả định của ta là chúng chưa hề được định nghĩa trước đó. Dĩ nhiên, một sự thoái lui (hồi quy) vô hạn như vậy sẽ đánh bại chính nó: hiểu biết của ta về một từ sẽ phụ thuộc vào sự hiểu biết từ tiếp theo, và từ sau này lại phụ thuộc vào sự hiểu biết từ tiếp theo nữa, và cứ thế vô hạn, với kết quả là không có từ nào được giải thích cả.

4 – Từ lý thuyết & Từ tiền-lý-thuyết 

Vì vậy, không phải mọi thuật từ trong một hệ thống khoa học đều có thể được định nghĩa bằng các thuật từ khác của hệ thống: sẽ phải có một tập hợp mệnh danh là các từ nguyên thủy, chúng không nhận định nghĩa nào từ bên trong hệ thống, và được dùng như cơ sở để định nghĩa mọi thuật từ khác. Trong sự công thức hóa mang tính tiên đề của các lý thuyết toán học, đòi hỏi này rõ ràng được quan tâm. Trong mỗi nỗ lực tiên đề hóa hiện đại khác nhau của hình học Eukleidēs chẳng hạn, một danh sách các từ  nguyên thủy được xác định minh bạch, và mọi thuật từ khác được đưa vào hệ thống bằng hàng loạt chuỗi định nghĩa quy định, và chúng đều dẫn trở về những biểu đạt chỉ chứa các từ nguyên thủy.

Bây giờ, hãy cùng xem xét các thuật từ được sử dụng trong một lý thuyết khoa học. Theo sự phân biệt được đề xuất trong chương trước[3], chúng ta sẽ xem chúng như được chia thành hai loại: các thuật từ lý thuyết đúng nghĩa, đặc trưng của lý thuyết này, và các từ tiền-lý-thuyết hay từ đã có sẵn. Ý nghĩa của các thuật từ lý thuyết được xác định như thế nào? Trước hết, hãy lưu ý rằng,  giống như trong một lý thuyết toán học thuần túy, trong một lý thuyết khoa học, một số thuật từ lý thuyết cũng có thể được định nghĩa bằng các thuật từ khác. Trong cơ học, vận tốc tức thời và gia tốc của một khối điểm (point mass)[4] được định nghĩa là các đạo hàm bậc nhất và bậc hai của sự xác định vị trí khối điểm; trong lý thuyết nguyên tử, một deuteron có thể được định nghĩa là hạt nhân của một đồng vị của hydro có khối lượng là 2; và v. v... Nhưng trong khi các định nghĩa như trên phục vụ một mục đích quan trọng trong việc xây dựng và sử dụng lý thuyết, chúng rõ ràng là không đủ để rỏ một nội dung thực nghiệm xác định vào các thuật từ được định nghĩa, và do đó khiến chúng trở thành áp dụng được cho chủ đề thực nghiệm. Cho mục đích sau, chúng ta cần những mệnh đề xác định ý nghĩa của các thuật từ lý thuyết thông qua các biểu thức đã được hiểu, và có thể được sử dụng mà không cần quy chiếu tới lý thuyết. Những từ chúng tôi gọi là tiền-lý-thuyết phục vụ chính xác cái mục đích này. Chúng tôi sẽ sử dụng từ 'mệnh đề diễn giải (interpretative sentence)' để chỉ các mệnh đề nhằm xác định như vậy ý nghĩa của loại thuật từ lý thuyết đặc thù, hay của những «từ đặc trưng (characteristic terms)» của một lý thuyết đã cho, thông qua những từ có sẵn trước đó hay kho từ vựng tiền-lý-thuyết. […]

Carl. G. Hempel,
Triết Lý Của Khoa Học Tự Nhiên,
Ch. 7: Sự Hình Thành Khái Niệm
(Philosophy of Natural Science,
Ch. 7: Concept Formation,
New Jersey, Prentice-Hall, 1966, tr. 85-88


[1] Retrodiction (trong bài) hay Postdiction. Có thể dịch là hồi đoán hay hậu đoán hoặc hậu kiểm hay hồi kiểm. Nói chung, hồi đoán là thao tác đánh giá một lý thuyết khoa học bằng cách dự đoán những sự kiện đã biết hơn là những sự kiện mới. Có hồi đoán khi những dữ liệu đã thu thập từ trước được giải thích một cách thuyết phục hơn, bởi một tiến bộ lý thuyết đến muộn hơn. Một ví dụ về hồi đoán là sự dịch chuyển điểm cận nhật của sao Thủy, mà cơ học Newton với lực hấp dẫn hoàn toàn không thể giải thích được, trong khi thuyết tương đối rộng của Einstein có thể giải thích một cách ngắn gọn. Trong sử học, hồi đoán (hậu kiểm) là thao tác di chuyển từng bước ngược thời gian, qua từng giai đoạn được coi là cần thiết, từ hiện tại trở lại phần quá khứ phải suy đoán, nhằm thiết lập nguyên nhân cuối cùng của một sự kiện hay biến cố cụ thể. NVK

[2] Trong vật lý hạt, tính 'kỳ lạ' là một thuộc tính của các hạt, được biểu thị dưới dạng số lượng tử, để mô tả sự phân rã của các hạt trong những tương tác điện từ mạnh xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nó được ghi chú là S và là một số nguyên tương đối, do đó có thể là dương hoặc âm. NVK

[3] Chương 6 của tác phẩm, về Các Lý Thuyết Và Giải Thích Lý Thuyết.

[4] 'Chất điểm' hoặc 'khối điểm' là một khái niệm vật lý lý thuyết, khác với 'điểm' trong toán học, vì ngoài tính chất hình học như một điểm, nó còn được gắn liền với các tính chất vật lý như khối lượng. Nói cách khác, 'chất điểm' hay 'khối điểm' là một hệ cơ học có thể được mô hình hóa bởi một điểm hình học M kết hợp với khối lượng m của nó. NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa