ĐỊNH NGHĨA THAO TÁC (C. G. HEMPEL, 1966)
Đưa lên mạng ngày 15-11-2021
Từ khoá : Định nghĩa thao tác ;
Hempel, Carl Gustav 
 Trích đoạn
C2

ĐỊNH NGHĨA THAO TÁC
(1966)

Tác giả: Carl G. Hempel*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trích đoạn dưới đây là phần tiếp theo của bài:  Carl Gustav Hempel, Định Nghĩa Trong Khoa Học, đã được dịch và đưa lên trang mục này.

*

Một quan niệm rất chuyên biệt về đặc trưng của loại mệnh đề diễn giải* đã được trường phái thao tác luận trong tư duy triển khai và đề xuất, từ các nỗ lực về phương pháp của nhà vật lý học Percy W. Bridgman*. Ý tưởng trung tâm của thao tác luận là: ý nghĩa của mỗi thuật từ khoa học chuyên biệt phải được xác định bằng cách chỉ ra một thao tác kiểm tra nhất định có khả năng cung cấp một tiêu chuẩn cho sự áp dụng nó. Các tiêu chuẩn như vậy thường được gọi là «định nghĩa thao tác». Liệu chúng có phải là những định nghĩa theo một nghĩa nghiêm ngặt hay không là vấn đề mà chúng ta sẽ cân nhắc sau. Trước hết, hãy xem xét một số ví dụ.

Trong một giai đoạn xưa sớm của nghiên cứu hóa học, thuật từ 'axit' có thể nhận «định nghĩa thao tác» sau: để xác định liệu từ 'axit' có thể áp dụng cho một chất lỏng nào đó hay không – xét xem chất lỏng đã cho có phải là axit hay không – hãy nhúng một mảnh giấy quỳ màu xanh vào đấy; chất lỏng là một axit, nếu và chỉ nếu mảnh giấy quỳ ấy chuyển sang màu đỏ. Tiêu chuẩn này chỉ ra một thao tác thử nghiệm xác định – nhúng mảnh giấy quỳ màu xanh – nhằm tìm hiểu xem liệu thuật từ 'axit' có áp dụng cho một chất lỏng nhất định hay không, và đưa ra cái kết quả thử nghiệm cụ thể – mảnh giấy quỳ chuyển sang màu đỏ – được xem như đã chỉ ra rằng thuật từ này áp dụng cho chất lỏng đã cho ấy.

Tương tự, thuật từ 'rắn hơn' có thể được mô tả về mặt thao tác như sau, khi áp dụng cho khoáng vật: để xác định xem khoáng chất k1 có cứng hơn khoáng chất k2 hay không, hãy nhấn một điểm nhọn ở mảnh k1 lên bề mặt của mảnh k2, và vạch mạnh một đường (thao tác thử nghiệm); k1 sẽ chỉ được cho là rắn hơn hơn k2 trong trường hợp một vết xước được phát sinh (kết quả thử nghiệm cụ thể).

Một số định nghĩa không đề cập rõ rệt tới các thao tác, nhưng kết quả vẫn có thể được đưa vào dạng đặc tả thao tác một cách dễ dàng. Hãy lấy sự đặc trưng hoá một thanh nam châm làm ví dụ: một thanh sắt hoặc thép được gọi là nam châm, nếu những mạt giũa của sắt bị thu hút bởi các đầu của nó và bám vào chúng. Một phiên bản thao tác rõ ràng có thể được đọc lên như sau: để tìm hiểu xem thuật từ 'nam châm' có áp dụng được một thanh sắt hoặc thép đã cho hay không, hãy đặt những mạt giũa của sắt vào gần nó. Nếu chúng bị hút vào các đầu của thanh kim loại và bám vào chúng, thanh kim loại là một nam châm.

Ở đây, các thuật từ được xem xét trong ba ví dụ của chúng tôi – 'axit', 'rắn hơn', 'nam châm' – được hiểu như các khái niệm không định lượng; do đó, tiêu chuẩn thao tác không đưa ra dự phòng nào về độ axit, hoặc độ cứng, hoặc độ mạnh của sự từ hóa. Tuy nhiên, phương châm thao tác có ý nghĩa xác định là nó sẽ được áp dụng nhằm đặc trưng hoá những từ như 'chiều dài', 'khối lượng', 'vận tốc', 'nhiệt độ', 'điện tích', và các thứ tương tự, vốn đứng thay cho những khái niệm định lượng thừa nhận loại giá trị biểu thị bằng số. Ở đây, định nghĩa thao tác được quan niệm như phân biệt riêng ra một thủ tục nhằm xác định giá trị bằng số của một đại lượng đã cho, trong các trường hợp cụ thể: nghĩa là định nghĩa thao tác đảm nhận đặc tính của các quy tắc đo lường.

Như vậy, một định nghĩa thao tác về 'độ dài' có thể chỉ định một thủ tục riêng bao gồm sự sử dụng các thanh đo cứng để xác định chiều dài của khoảng cách giữa hai điểm; một định nghĩa thao tác về 'nhiệt độ' có thể chỉ định một thủ tục riêng để xác định nhiệt độ của một cơ thể – một   chất lỏng chẳng hạn – phải được đo bằng nhiệt kế thủy ngân như thế nào, v. v…

Thủ tục thao tác được gợi ra trong bất kỳ định nghĩa thao tác nào đều phải được chọn sao cho nó có thể được thực hiện một cách rõ ràng, bởi bất kỳ người quan sát có khả năng nào, với kết quả về cơ bản có thể được xác định một cách khách quan chứ không phụ thuộc vào người thực hiện trắc nghiệm. Như vậy, khi định nghĩa thuật từ 'giá trị thẩm mỹ' trong quy chiếu về hội hoạ, ta sẽ không được phép sử dụng chỉ dẫn thao tác này: hãy chiêm ngưỡng bức tranh, và cho nó điểm nào đối với bạn có vẻ là tốt nhất để chỉ ra vẻ đẹp của bức tranh, bằng cách ghi vị trí của nó trên một thang điểm từ 1 đến 10.

Một mục đích của nhà thao tác luận khi nhấn mạnh trên tiêu chuẩn rõ ràng của thao tác, trong áp dụng cho mọi thuật từ khoa học, là nhằm đảm bảo tính có thể kiểm chứng một cách khách quan cho mọi phát biểu và báo cáo khoa học. Hãy xét giả thuyết sau đây, chẳng hạn: 'Độ giòn của băng tăng với sự giảm xuống của nhiệt độ; hoặc chính xác hơn, cho bất kỳ hai mảng băng có nhiệt độ khác nhau nào, cái có nhiệt độ thấp hơn là giòn hơn so với cái kia'. Giả sử rằng các thủ tục thao tác thích hợp đã được quy định để xét xem một chất nào đó có phải là băng hay không, và để đo hoặc cuối cùng so sánh nhiệt độ của các mảng băng khác nhau. Tuy nhiên, giả thuyết vẫn không có ý nghĩa rõ ràng – nó không cung cấp những kết quả xác định mà cuộc trắc nghiệm bao hàm – trừ phi một tiêu chí rõ ràng để so sánh độ giòn đã có sẵn. Sự kiện các cụm từ như 'giòn hơn' hay 'tăng tính giòn' dường như là rõ ràng đối với trực giác ta không đủ để biến chúng thành có thể chấp nhận được cho sử dụng khoa học. Nhưng nếu một quy tắc thao tác dứt khoát cho sự áp dụng các thuật từ này được cung cấp, giả thuyết thực sự trở thành có thể kiểm chứng theo cái nghĩa mà chúng ta đã xem xét trước đó. Như vậy, khi được lựa chọn một cách thích đáng cho một tập hợp các thuật từ, cái tiêu chuẩn thao tác của sự áp dụng sẽ đảm bảo tính có thể kiểm chứng của những phát biểu trong đó chúng xuất hiện[1].

Tương liên với sự kiện trên, các nhà thao tác còn cho rằng việc sử dụng những thuật từ thiếu định nghĩa thao tác, cho dù chúng rõ ràng đối với trực giác và quen thuộc như thế nào, đều có thể dẫn đến những câu hỏi và tuyên bố vô nghĩa. Như vậy, phát biểu ta đã xem xét trước đây, rằng lực hấp dẫn là do một quan hệ thu hút tự nhiên tiềm ẩn sẽ bị tuyên bố là vô nghĩa, bởi vì không một thao tác nào từng được đưa ra làm tiêu chuẩn cho khái niệm ái lực tự nhiên. Tương tự, trong sự thiếu vắng một tiêu chí thao tác cho chuyển động tuyệt đối, câu hỏi liệu Trái Đất hoặc Mặt Trời (hoặc cả hai) có  «thực sự» chuyển động hay không sẽ bị bác bỏ như một câu hỏi vô nghĩa[2].

Những ý tưởng cơ bản của thao tác luận đã ảnh hưởng đáng kể đến phần tư duy về phương pháp trong tâm lý học và các khoa học xã hội[3]; sự cần thiết phải cung cấp những tiêu chuẩn thao tác rõ ràng cho loại thuật từ được sử dụng trong các giả thuyết hay lý thuyết ở đây đã được quyết liệt nhấn mạnh. Chẳng hạn, các giả thuyết cho rằng người thông minh có khuynh hướng kém ổn định về mặt cảm xúc hơn kẻ ít thông minh, hoặc, khả năng toán học có tương quan mạnh mẽ với khả năng âm nhạc, đều không thể được kiểm tra một cách khách quan, trừ phi có các tiêu chí rõ ràng áp dụng được cho nội dung những từ cấu tạo khẳng định. Một hiểu biết trực quan mơ hồ là không đủ cho mục đích này, mặc dù nó có thể gợi ý cho cách xác định những tiêu chuẩn khách quan.

Trong tâm lý học, loại tiêu chuẩn như vậy thường được phát biểu trong các bộ trắc nghiệm (về sự thông minh, sự ổn định cảm xúc, khả năng toán học, v. v…). Nói chung, mỗi quy trình thao tác bao gồm việc quản lý bộ trắc nghiệm theo các đặc điểm và chi tiết kỹ thuật riêng; kết quả của cuộc trắc nghiệm bao gồm những câu trả lời của các đối tượng tham dự, hoặc như một quy luật, trong một số bản tóm tắt định tính hoặc định lượng, hay sự đánh giá các phản ứng đó qua một thủ tục có thể ít nhiều khách quan, ít nhiểu chính xác. So với bộ trắc nghiệm Stanford-Binet về sự thông minh chẳng hạn, thì sự thẩm định những câu trả lời của một đối tượng trong bộ trắc nghiệm Rorschach dựa nhiều hơn trên khả năng phán đoán thu đạt được của người diễn giải, và ít hơn trên các tiêu chí chính xác được đưa ra rõ rệt; do đó, từ quan điểm của nhà thao tác luận, bộ trắc nghiệm Rorschach là ít thỏa mãn hơn so với bộ trắc nghiệm Stanford-Binet.

Một số phản đối chính từng được đưa ra chống lại phân tâm học lý thuyết đều liên quan tới sự thiếu vắng các tiêu chuẩn thích ứng cho phần ứng dụng những thuật từ phân tích tâm lý, và những khó khăn đồng phát trong việc rút ra các bộ trắc nghiệm nhất quán từ những giả thuyết trong đó chúng hoạt động.

Như vậy, những cảnh báo mà các nhà thao tác luận gửi tới chúng ta ở trên đều mang tính kích thích rõ ràng cho công cuộc nghiên cứu triết học và phương pháp luận khoa học. Chúng cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới những thủ tục nghiên cứu trong tâm lý học và các khoa học xã hội. Thế nhưng, như chúng ta sẽ thấy, một lối diễn giải thao tác luận quá hạn hẹp về tính thực nghiệm của khoa học cũng có khuynh hướng làm lu mờ các khía cạnh hệ thống và lý thuyết của những khái niệm khoa học, và sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau của hai vấn đề, sự hình thành khái niệm và sự hình thành lý thuyết.

Carl. G. Hempel,
Triết Lý Của Khoa Học Tự Nhiên,
Ch. 7: Sự Hình Thành Khái Niệm
(Philosophy of Natural Science,
Ch. 7: Concept Formation,
New Jersey, Prentice-Hall, 1966, tr. 88-91).


[1] Khẳng định trên tùy thuộc vào một số điều kiện nhất định liên quan tới hình thức lô-gic của những phát biểu được đề cập, nhưng chúng có thể được bỏ qua trong phần thảo luận tổng quát về thao tác luận này. CGH

[2] Về điểm này, phần 3 và 4 của chương 13 trong quyển Nền Tảng Khoa Vật Lý Học Hiện Đại của Holton và Roller đã cung cấp nhiều hình ảnh minh họa và nhận xét thú vị (Gerald Holton & D. H. Duane Roller, Foundations of Modern Physical Science, Reading (Mass.), Addison-Wesley, 1958). Và người đọc có thể thấy hứng thú khi xem xét, từ các lợi điểm của thao tác luận và đòi hỏi về tính có thể làm trắc nghiệm, ý nghĩa khoa học của những câu hỏi kích thích mà Bridgman đã đưa ra ở gần cuối chương 1 quyển Lô-gic của Vật Lý Học Hiện Đại (P. W. Bridgman, The Logic of Modern Physics, New York, MacMillan, 1927). CGH

[3] Xem các bài liên quan trên trang mục này khi có thể tham khảo. NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa