DẤU HIỆU NGÔN NGỮ VÀ CHỨC NĂNG BIỂU TRƯNG (H. WALLON, 1942)
Đưa lên mạng ngày 15-04-2020
Từ khóa : Dấu hiệu (Khái niệm)
C1

DẤU HIỆU

CHỨC NĂNG BIỂU TRƯNG
(1942)

Tác giả: Henri Wallon[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Thuyết liên kết và nguyên tử của ngôn ngữ[2] cuối cùng đã bị từ bỏ, không chỉ bởi vì nó không phù hợp với, vừa các rối loạn ngôn ngữ đã được nghiên cứu tốt nhất, vừa những gì quan sát được trong việc học ngôn ngữ, mà còn bởi vì nó giả định sự tồn tại của hình ảnh như yếu tố của từ, đặc biệt là các hình ảnh cơ động, trong khi những hình ảnh này gần như là không thể tưởng tượng được, hoặc ít ra là hoàn toàn xa lạ với việc thực hiện các chuyển động trong thực tế. Được tạo ra từ những hình ảnh ít nhiều bị đồng hóa với các cấu trúc, hoặc thậm chí các yếu tố của hệ thần kinh, chính bản thân từ lại hóa thành một loại cá thể không thể thay đổi, trở thành nền tảng tuyệt đối của ngôn ngữ.

Không hề là yếu tố đầu tiên và cuối cùng của ngôn ngữ, các từ trái lại chỉ là hệ quả. Chúng có một tồn tại phần nào là ngẫu nhiên ở đây, điều cơ bản là cái chức năng cho phép ta thay thế nội dung hiện thực của những ý định, tư tưởng, hoặc những hình ảnh thể hiện chúng, bằng các âm thanh, động thái hoặc thậm chí cả vật thể, vốn không có với chúng một quan hệ nào khác hơn là hành động qua đó sự thay thế này diễn ra. Chức năng biểu trưng rút gọn vào cái khả năng thay thế này. Nó không đơn giản chỉ là tổng số những động thái xác định. Nó là tác nhân của sự thiết lập một kết nối giữa bất kỳ một động thái nào đó như cái biểu đạt, với một vật thể, một hành động hoặc một tình huống… như cái được biểu đạt. Nó cũng không phải là một sự bổ sung, mà là một sự phân đôi. Nó không phải là sự liên kết của hai hiện thực lúc đầu là rời rạc. Sai lầm của thuyết kết hợp là ý muốn, ngay từ đầu, dựng lại đời sống tâm lý với những yếu tố chỉ có thể được phân lập dưới hình thức cá thể ở phần kết thúc của quá trình tiến hóa và phân biệt của chúng. Chức năng biểu trưng là cái khả năng tìm ra cho một vật thể một biểu hiện của nó, và cho biểu hiện của nó một dấu hiệu.

Chắc chắn là các ngôn ngữ thiết định đều có vẻ như tự áp đặt từ bên ngoài. Chúng ta phải học cách kết hợp mỗi từ với ý niệm tương ứng. Nhưng điều khiến cho việc học này là có thể làm được chính là chức năng biểu trưng. Khi thiếu nó, sự kết hợp từ-ý niệm này là cục bộ và bấp bênh. Đây sẽ đơn giản là một sự  luyện tập giới hạn chặt chẽ vào các trường hợp đã khiến nó nảy sinh, và từ đó mọi ý nghĩa đều vắng mặt. Các ví dụ về người tàn phế tâm lý mà không suy thoái trí tuệ cho ta thấy rõ điều này: ta có khả năng hướng dẫn kẻ tàn phế thốt ra một số âm tiết nhất định khi chỉ cho anh ta thấy một vật gì đó; nhưng khiến anh ta tìm được vật này khi nghe cùng những âm tiết tương tự thì khó hơn nhiều, nhất là kết quả này sẽ nhanh chóng mất đi nếu nó không được gìn giữ, và nếu bản thân anh ta không khái quát hóa nó thành công, cũng không làm được thao tác thay thế vật bằng từ [...]

Phụ thuộc các dấu hiệu vào chức năng biểu trưng là giải thích tính tương đối của chúng. Ý nghĩa của dấu hiệu vượt quá sự tồn tại thuần túy hình thức của chúng. Trong một số giới hạn nhất định, dấu hiệu có thể được trao đổi, sửa đổi, thay đổi mà tư tưởng không nhất thiết phải chịu một sự ngưng đọng hoặc biến dạng. Từ có thể nhường chỗ cho một cử chỉ đơn giản. Ngôn ngữ  diễn tả bằng tay thậm chí có thể đã đi trước ngôn ngữ nói. Bàn tay có thể là công cụ đầu tiên để biểu đạt các quan hệ, và Frank Cushing[3] đã tìm thấy ở người nguyên thủy dấu tích của các khái niệm có nguồn gốc từ tay. Giọng nói ban đầu có thể chỉ để cho những động thái mô tả bằng tay một dấu nhấn cảm xúc. Trong việc sử dụng ngay chính các từ, vẫn còn một biên độ tương đối rộng lớn. Chắc chắn là đối với người trưởng thành, vốn đã gắn bó với một hệ thống tiếng nói nhất định, thì việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dường như diễn ra theo nghĩa đen, như thể với sự trợ giúp của một quyển từ điển. Nhưng trong trường hợp này, sự hiểu biết và việc sử dụng ngôn ngữ vẫn còn đầy khó nhọc và không thích hợp. Điều lý tưởng là «suy nghĩ» trong ngôn ngữ đang được sử dụng, nghĩa là ở đây từ phải lui về hàng sau, phải đi theo tư tưởng một cách hầu như tự động.  Ở một đứa trẻ song ngữ thì, đối với nó, cùng một người luôn luôn sử dụng cùng một ngôn ngữ; Jules Ronjat[4] đã có thể ghi nhận rằng hai ngôn ngữ này cùng tồn tại mà đứa trẻ thậm chí không nhận ra. Tùy theo người nó đang nói chuyện, các từ đã đổi khác mà nó vẫn tưởng là đang lặp lại chính xác những gì bố vừa nói với nó, trong khi thực ra nó đang dịch chúng lại cho mẹ nghe. Đấy là hiện tượng dấu hiệu bị xóa nhòa trước ý nghĩa.

Henri Wallon
Từ Hành Động Đến Tư Tưởng
(De l'Acte à la Pensée,
Paris, Flammarion, 1942, tr. 198-201).


[1] Henri Wallon (1879-1962), nhà y học, tâm lý học (chuyên về tâm lý trẻ em) và hoạt động chính trị người Pháp. Tác phẩm chính: Délire de persécution (1909), La Conscience et la vie subconsciente (1920-1921), L'Enfant turbulent (1984), Les Origines du caractère chez l'enfant (1934), Principes de psychologie appliquée (1938), La Vie mentale (1938), L'Évolution psychologique de l'enfant (1941), De l'acte à la pensée (1942), Les Origines de la pensée chez l'enfant (1945), Psychologie et dialectique: écrits de 1926 à 1961 (1990).

[2] Học thuyết cho rằng ngôn ngữ là sự kết hợp từ những nguyên tử của nó, và những nguyên tử này là các từ.  

[3] Frank Hamilton Cushing (1857-1900): nhà nhân học và dân tộc học người Mỹ. Trước tác của ông được tập hợp trong:  Zuni: Selected Writings of Frank Hamilton Cushing (1978); và Cushing at Zuni: The Correspondence and Journals of Frank Hamilton Cushing, 1879-1884 (1990).  Các bài về loại khái niệm có nguồn gốc từ tay đã được đăng trong American Anthropologist, t. V (1892) và t. VII (1894).

[4] Jules Ronjat (1864-1925):  nhà ngôn ngữ học người Pháp. Tác phẩm: Essai de syntaxe des parlers provençaux modernes (1913); Le développement du langage chez un enfant bilingue (1913); Grammaire istorique des parlers provençaux modernes (1930-1941).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa