DANH PHÁP HÓA HỌC VÀ HÓA HỌC KHOA HỌC (A. DE LAVOISIER, 1789)
Đưa lên mạng ngày 01-06-2021
Từ khóa: Hóa học – Thuật ngữ ;
Lavoisier, Antoine de – Trích đoạn
C1

DANH PHÁP HÓA HỌC

HÓA HỌC KHOA HỌC
(1789)

Tác giả: Antoine de Lavoisier[1]
Bản tiếng Anh: Robert Kerr
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Mục tiêu duy nhất của tôi khi viết tác phẩm này là phát triển hơn nữa bản Báo Cáo mà tôi đã đọc, tại buổi họp công cộng của Viện Hàn Lâm Khoa Học hồi tháng 4 năm 1787, về nhu cầu cải cách và  hoàn thiện bộ Danh Pháp Hóa Học.

1 – Vai trò của Ngôn ngữ trong Khoa học

Chính là khi chăm chú trên công việc này mà tôi cảm nhận được, tốt hơn bao giờ hết, sự hiển nhiên của các nguyên tắc mà Tu viện Trưởng Condillac[2] đã đặt ra trong quyển Lô-gic học[3] và trong một số tác phẩm khác của ông. Ông đã thiết lập ở đó rằng «chúng ta chỉ suy nghĩ với sự trợ giúp của ngôn từ»; rằng «ngôn ngữ là một phương pháp phân tích thực sự», rằng «môn đại số học đơn giản nhất, chính xác nhất và thích ứng nhất với đối tượng của nó, dù được phát biểu theo cách nào, là vừa một ngôn ngữ, vừa một phương pháp phân tích»; và cuối cùng, rằng «ta có thể quy giản nghệ thuật suy luận vào một ngôn ngữ được cấu tạo thích đáng»2. Và điều đã thực sự xảy ra là, trong khi tôi tưởng đối tượng của mình chỉ là đương hoàn chỉnh ngôn ngữ của khoa hóa học mà thôi, thì tác phẩm tôi đang viết đã tự biến đổi trong tay, một cách không thể nào nhận thấy, cũng không thể nào cưỡng chống được, thành một Chuyên Luận Sơ Cấp Về Hóa Học.

Điều khiến ta không thể tách biệt Danh pháp Khoa học với Khoa học về Danh pháp xuất phát từ sự kiện là mọi khoa học vật lý [về vật chất] nhất thiết phải được cấu tạo từ ba thành tố: chuỗi sự kiện tạo nên môn học; những ý tưởng gợi nghĩ tới chúng; những từ ngữ biểu đạt chúng. Từ phải làm nảy sinh ý tưởng; ý tưởng phải vẽ ra sự kiện: chúng là ba dấu ấn của cùng một con triện; và bởi vì ngôn từ lưu giữ những ý tưởng và truyền tải chúng, kết quả là chúng ta không thể hoàn chỉnh ngôn ngữ mà không cải tiến khoa học, cũng không thể cải tiến khoa học mà không hoàn chỉnh ngôn ngữ, và cho dù những sự kiện là chắc chắn đến đâu, các ý tưởng đã khai sinh ra chúng là đúng đắn đến đâu đi nữa, chúng vẫn chỉ có thể đã truyền tải những ấn tượng sai lầm, nếu ta không có thứ từ ngữ đủ chính xác để biểu đạt chúng. 

Phần đầu của Chuyên Luận này sẽ liên tục cung cấp mọi chứng cớ về các sự thật trên cho bất cứ ai muốn nghiền ngẫm thêm về chúng; tuy nhiên, do tôi tự bắt buộc phải tuân theo một trình tự về cơ bản khác với cái trật tự thường được áp dụng trong mọi tác phẩm Hóa học cho đến nay, tôi thấy cũng cần phải giải trình các lý do đã khiến tôi quyết định làm như vậy.

2 - Lộ trình tự nhiên của cái biết

Có một nguyên tắc bất biến mà tính tổng quát đã được thừa nhận rõ ràng trong toán học cũng như trong mọi ngành tri ​​thức khác, đó là chúng ta chỉ có thể xúc tiến những nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu từ cái đã biết đến cái chưa biết. Trong thời thơ ấu, ý tưởng của chúng ta xuất phát từ những nhu cầu của ta: chính cái cảm giác có nhu cầu của ta đã làm nảy sinh ý tưởng về các đối vật phù hợp cho sự thỏa mãn chúng. Rồi dần dần, từ một loạt cảm giác, quan sát và phân tích không dễ trông thấy, hình thành một chuỗi ý tưởng liên tiếp và hoàn toàn kết nối với nhau, mà đến một mức độ nào đó, một người quan sát chăm chú có thể tìm ra ngay cả đường dây phát triển cũng như những mắt xích cuốn móc. Và đấy chính là nội dung của toàn bộ những điều chúng ta biết.

Khi lần đầu tiên ta dấn thân vào nỗ lực nghiên cứu một ngành học thuật, thì đối với môn học này, chúng ta ở vào một cảnh huống rất giống với tình trạng mà đứa trẻ trải qua, và con đường chúng ta phải đi theo chính xác là cái lộ trình mà lẽ tự nhiên đã tuân thủ trong sự hình thành ý tưởng của nó. Ở đứa trẻ, ý tưởng là một hệ quả của cảm giác, nghĩa là chính cảm giác đã làm ý tưởng nảy sinh; cũng giống như vậy, ở người mới dấn thân nghiên cứu các khoa học vật chất lần đầu, ý tưởng phải là một hệ quả mà thôi, nghĩa là một chuỗi ý nghĩ nảy ra tức thì từ một kinh nghiệm hay một quan sát.

Cho phép tôi nói thêm rằng kẻ mới bước chân vào nghiệp khoa học còn ở vào một tình huống kém thuận lợi hơn nữa, so với bản thân đứa trẻ khi nó tiếp thu những ý tưởng đầu tiên; nếu đứa trẻ nhầm lẫn về các hệ quả tốt lành hoặc tai hại của những đồ vật chung quanh, thiên nhiên sẽ cấp cho nó nhiều phương tiện gấp bội để sửa sai. Ở mọi thời điểm, phán đoán mà nó đưa ra có thể được chỉnh sửa ngay nhờ kinh nghiệm. Sự thiếu mất hay đau đớn đến từ một phán đoán sai; sự hưởng thụ và khoái lạc từ một phán đoán đúng. Với một bậc thầy như vậy, ta không thể chậm trễ trở thành nhất quán;  chúng ta sẽ sớm lý luận đúng đắn, khi ta không thể lý luận cách nào khác mà không bị mất mát hay đau khổ.

Trong nghiên cứu và thực tiễn khoa học thì không giống như vậy; những phán đoán sai lầm mà chúng ta mang theo không liên quan tới sự tồn tại cũng như hạnh phúc của ta; không một quyền lợi vật chất nào buộc ta phải tự sửa sai: trái lại, trí tưởng tượng có xu hướng đưa chúng ta liên tục vượt quá sự thật; thói tự ái, và lòng tự tin từng truyền cảm hứng rất tốt cho ta, chẳng những vẫn thôi thúc ta rút ra thứ kết luận không trực tiếp xuất phát từ các sự kiện thực tế, mà một cách nào đó, còn khiến ta thích tự quyến rũ mình. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thường giả định thay vì kết luận [đúng đắn] trong các khoa học vật lý nói chung; để rồi khi những giả định được truyền tải từ thời đại này sang thế hệ khác ngày càng trở nên áp đặt hơn bởi sức nặng của quyền uy  mà chúng đạt được, cuối cùng được chấp nhận và xem như chân lý cơ bản, ngay cả bởi những đầu óc rất thông minh.

3 – Vì một môn Hoá học thực sự khoa học

Cách duy nhất để ngăn chặn những sai lệch này là xóa bỏ, hay ít ra là: đơn giản hóa, càng nhiều càng tốt, thứ lý luận vốn là của chúng ta nên mới có khả năng dẫn ta đi chệch hướng; liên tục thử thách nó bằng kinh nghiệm; chỉ giữ lại những sự kiện vốn chỉ là dữ liệu của tự nhiên, và do đó, không thể đánh lừa chúng ta; chỉ truy tìm chân lý trong chuỗi móc xích tự nhiên của những quan sát và thí nghiệm, kiểu như các nhà toán học tìm giải pháp cho một vấn đề, chỉ giản dị bằng cách sắp xếp lại những dữ liệu, quy giản chuỗi suy luận vào các phép toán đơn giản, những phán đoán  ngắn gọn, đến mức họ không bao giờ đánh mất sự hiển nhiên đã  hướng dẫn họ.

a – Một quy tắc hướng dẫn nghiên cứu Hoá học ba mặt

Vững tin chắc vào những sự thật này, tôi đã tự áp đặt cho bản thân quy tắc sau: 1) luôn luôn chỉ tiến hành từ cái đã biết tới cái chưa biết; 2) không được chấp nhận bất kỳ hệ quả nào nếu nó không được trực tiếp rút ra từ kinh nghiệm và quan sát; 3) kết chuỗi những sự kiện và chân lý hóa học theo thứ tự nào phù hợp nhất, nhằm tạo điều kiện cho kẻ mới nhập môn có thể hiểu. Tôi không thể nào tuân thủ kế hoạch này của mình mà không đi chệch ra ngoài lộ trình thông thường. Bởi vì sự thực là các giáo trình và chuyên luận về hóa học đều cùng chia sẻ một khuyết điểm chung,  đó là giả định, ngay từ các bước đầu, thứ tri thức mà người học và kẻ đọc đúng ra chỉ tiếp thu được ở những bài học sau. Hầu hết  tác giả sách giáo khoa đều khởi sự bằng cách xử lý các nguyên tố vật chất; giải thích bảng ái lực[4]… mà không nhận ra rằng họ đã phải duyệt qua những hiện tượng chính của khoa hóa học, phải sử dụng loại từ ngữ chưa được định nghĩa, phải giả định rằng những kẻ họ được đề xuất giảng dạy đã sở hữu môn học này ngay từ những ngày đầu rồi. Do đó, chúng ta phải  công nhận: rằng học sinh thu nhận được rất ít từ các bài học đầu khóa; rằng một năm là không đủ để họ tai quen với thuật ngữ, mắt quen với các thiết bị; rằng đào tạo một nhà hóa học dưới ba hay bốn năm là điều hầu như không thể.

Những bất cập này ít do bản chất của đối tượng học, hơn là do hình thức giảng dạy, và đây là điều đã quyết định tôi chọn một lộ trình khác cho khoa hóa học, có vẻ là phù hợp với lẽ tự nhiên hơn đối với tôi. Tôi đã không tự giấu giếm rằng, để tránh một loại khó khăn, tôi đang lao mình vào một thứ khó khăn khác, và sẽ không cách nào vượt qua được cả hai; nhưng tôi tin rằng những vấn đề còn lại không thuộc về trình tự tôi đã quy định cho chính mình, đúng hơn chúng là hệ quả của tình trạng không hoàn hảo còn tồn tại trong môn học. Khoa học này còn phô bày nhiều thiếu sót, khiến chuỗi sự kiện bị gián đoạn và đòi hỏi những kết nối rắc rối và khó khăn. Không giống như hình học sơ cấp, môn hóa học không có lợi thế là một khoa học hoàn chỉnh, nơi mọi bộ phận đều liên quan chặt chẽ với nhau; tuy nhiên, những bước tiến của nó hiện nay lại quá nhanh; những sự kiện được thu xếp một cách quá thuận lợi vào lý thuyết [hóa học] hiện đại, đến nỗi chúng ta có thể hy vọng nhìn thấy nó phát triển gần tới mức độ hoàn hảo mà nó có khả năng đạt tới ngay trong thời đại của chúng ta.

Cái quy tắc nghiêm ngặt mà tôi tự buộc không được đi chệch ra ngoài ấy – nghĩa là không kết luận bất cứ điều gì ngoài những sự kiện được các thí nghiệm phô bày, và không bao giờ phát biểu thay cho sự im lặng của chúng – đã không cho phép tôi bao gồm trong tác phẩm này phần hóa học, có lẽ một ngày nào đó, rất có khả năng sẽ trở thành một ngành khoa học chính xác: đấy là môn học nghiên cứu về các ái lực hóa học (affinités chimiques) hay các hấp dẫn tự chọn (attractions électives)4. Quý ông Geoffroy, Gellert, Bergman,  Scheele, de Morveau, Kirwan[5] và nhiều người khác nữa đã tập hợp sẵn nhiều sự kiện cụ thể, và chúng chỉ còn chờ đến lúc được chỉ định đúng chỗ đứng trong bộ môn; tuy nhiên, các dữ liệu cơ bản vẫn còn thiếu, hay ít ra, những thứ chúng ta có vẫn chưa đủ chính xác, chưa đủ chắc chắn, để trở thành nền tảng trên đó một phần quan trọng như vậy của khoa hóa học phải được xây dựng. Hơn nữa, đối với khoa hóa học thông thường, vị trí của môn học về các ái lực cũng giống như vị trí của hình học siêu cấp đối với hình học sơ cấp, và tôi không nghĩ rằng nay là lúc cần phải phức tạp hóa quyển các Yếu tố đơn giản và dễ dàng, mà tôi hy vọng sẽ nằm trong tầm tiếp thu của rất nhiều độc giả, bằng những khó khăn lớn như vậy.

Có lẽ còn có một tình cảm tự ái mà tôi không nhận ra nữa đã làm nặng thêm những suy nghĩ trên. Ông de Morveau hiện sắp cho ra  mục từ «Ái Lực» trên quyển Từ Điển Bách Khoa Phương Pháp, và tôi có hơn một lý do để tránh làm cái việc ông ấy đang thực hiện.

b – Xét lại ý tưởng và thuật từ «nguyên tố» trong Hoá học

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi không tìm thấy trong Chuyên Luận Hóa Học Sơ Cấp này một Chương nào về các yếu tố cấu thành cơ bản của vật chất; nhưng tôi sẽ lưu ý ở đây rằng cái xu hướng muốn thấy mọi cơ thể trong tự nhiên chỉ được cấu tạo bởi ba hoặc bốn yếu tố là do một định kiến​​ nơi ta, nó vốn đến với chúng ta từ các triết gia Hy Lạp cổ đại[6]. Sự chấp nhận rằng chỉ bốn nguyên tố đã tạo nên, theo những tỷ lệ khác nhau của chúng, mọi vật thể mà chúng ta biết, là một giả thuyết thuần túy được tưởng tượng ra từ rất lâu, trước khi chúng ta có những ý niệm đầu tiên về Vật lý thực nghiệm và Hóa học. Mặc dù chưa có sự kiện nào, người xưa  đã dựng lên các hệ thống; nhưng ngày nay, khi chúng ta đã thu thập được nhiều dữ kiện rồi, có vẻ như ta vẫn đang cố gắng đẩy chúng lùi xa, khi chúng không phù hợp với các định kiến ​​của mình; bởi quả thật là sức nặng của quyền uy từ các vị cha đẻ của nền triết học nhân loại vẫn còn đang được cảm thụ, và chắc chắn rằng nó sẽ còn đè nặng lên cả các thế hệ mai sau nữa.

Một điều rất đáng chú ý là, trong khi giảng dạy học thuyết về bốn nguyên tố, không một nhà hóa học nào lại không bị sức mạnh của những dữ kiện buộc phải thừa nhận một số lượng lớn hơn thế. Các nhà hóa học từ đầu thời kỳ đổi mới học thuật, đều xem lưu huỳnh và muối là các chất cơ bản tham gia vào sự kết hợp của một lượng lớn cơ thể: như vậy là họ công nhận sự tồn tại của sáu thay vì bốn nguyên tố. Beccher đã thừa nhận ba thứ đất, và theo ông, chính sự kết hợp của chúng, với những khác biệt về tỷ lệ, đã tạo ra sự khác biệt giữa các chất thể kim loại. Stahl đã sửa đổi hệ thống này, và tất cả các nhà hóa học kế tiếp ông đều tự cho phép mỉnh đưa ra những thay đổi, thậm chí tưởng tượng thêm các chất thể khác; nhưng tất cả đều để cho tinh thần của thế kỷ họ sống lôi cuốn, và tự bằng lòng với loại khẳng định không chứng cớ, hoặc thường lấy làm bằng chứng những xác suất rất thấp không hề được tinh thần phân tích nghiêm ngặt của triết học hiện đại bảo đảm.

Theo ý kiến ​​của tôi, tất cả những gì chúng ta có khả năng nói về số lượng và bản chất của các nguyên tố chỉ giới hạn vào thứ tranh luận thuần túy siêu hình: đây là những vấn đề không thể xác định được nhưng người ta lại muốn đem ra giải quyết, chúng có thể có vô số giải đáp, nhưng có xác suất rất cao là không cái nào phù hợp với tự nhiên cả. Do đó, tôi sẽ nói rằng nếu chúng ta muốn chỉ, bằng cái tên nguyên tố, những phân tử đơn giản và bất khả phân vốn tạo nên các cơ thể, thì có thể là ta sẽ không biết gì về chúng; nhưng ngược lại, nếu chúng ta hiểu nguyên tố hoặc nguyên lý của các cơ thể là cái ý tưởng về điểm cuối cùng mà sự phân tích đạt tới, thì mọi chất thể ta chưa thể tách phân bằng bất kỳ phương tiện nào đều là nguyên tố đối với ta; không phải là vì chúng ta có thể đảm bảo rằng tự thân những cơ thể mà ta xem là đơn giản này lại không được kết hợp từ hai hay thậm chí nhiều nguyên tố hơn nữa, nhưng do các nguyên tố ấy không bao giờ tự tách ra, hay đúng hơn do chúng ta không có cách nào để tách rời chúng, nên đối với ta chúng hoạt động như những cơ thể đơn giản, và chúng ta chỉ nên giả định rằng chúng là những cơ thể ghép khi nào kinh nghiệm và sự quan sát đã cung cấp cho ta đầy đủ bằng chứng.

c – Thử đề xuất vài nguyên tắc định danh các hoá chất…

Tất nhiên, chúng ta phải áp dụng những suy nghĩ về cách triển khai ý tưởng ở trên vào sự lựa chọn ngôn từ để diễn đạt chúng. Được hướng dẫn bởi công trình mà chúng tôi – quý Ô. de Morveau, Berthollet, de Fourcroy và bản thân tôi – đã cùng thực hiện trong năm 1787 về Danh pháp Hóa học, tôi đã định danh, trong chừng mức có thể, những chất thể đơn giản bằng các từ đơn giản, và tôi  buộc phải đặt tên cho chúng đầu tiên. Xin nhớ lại rằng chúng tôi đã cố gắng giữ lại cho tất cả những chất này các tên gọi của chúng trong xã hội, và chỉ tự cho phép mình thay đổi trong hai trường hợp. Cái thứ nhất liên quan đến những chất mới được phát hiện nên chưa hề được đặt tên, hoặc ít nữa là những chất chỉ mới được phát hiện gần đây nên các tên chưa được thừa nhận một cách phổ biến;  cái thứ hai là khi các tên, dù đã được hoặc người xưa, hoặc người  hiện đại thông qua, nhưng dường như dẫn đến những ý tưởng rõ ràng là sai lầm đối với chúng tôi – nghĩa là khi chúng có thể khiến ta nhầm lẫn cái chất thể mà họ chỉ định với các chất khác, vốn có những đặc tính khác biệt hoặc trái ngược. Lúc đó, chúng tôi không ngần ngại thay thế chúng bằng những từ khác, chủ yếu vay mượn từ tiếng Hy Lạp, đảm bảo sao cho chúng biểu đạt được cái tính chất tổng quát nhất, đặc thù nhất của chất thể. Ở đây, chúng tôi còn thấy một lợi ích khác nữa: giảm bớt phần trí nhớ cho người mới học, vốn luôn luôn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ một từ mới khi nó hoàn toàn vô nghĩa, và làm cho họ sớm có thói quen không chấp nhận bất kỳ một từ nào mà không kèm theo một ý tưởng.

Đối với các cơ thể được cấu tạo từ sự kết hợp của nhiều đơn chất, chúng tôi đã định danh chúng bằng các tên ghép giống như bản thân các chất thể; thế nhưng vì số lượng kết hợp hai nguyên tố đã rất đáng kể, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng rối loạn và nhầm lẫn nếu ta không cố gắng phân chia chúng thành các lớp. Trong trình tự tự nhiên của ý tưởng, cái tên lớp [class, classes] hay chi [genus, genres] gợi lên thuộc tính chung của một lượng lớn những cá thể; ngược lại, cái tên loài [species, espèces] đưa ý tưởng trở lại với các thuộc tính cụ thể của một vài cá thể.

Những khác biệt này không được thiết lập chỉ bởi siêu hình học mà thôi như người ta nghĩ; chúng được tự nhiên tạo ra. Tu Viện Trưởng Condillac nói: Một đứa bé gọi bằng tên ‘cây’ cái cây đầu tiên ta chỉ cho nó xem. Cái cây thứ hai mà nó nhìn thấy sau đó gợi lên cùng một ý tưởng cho đứa bé, nó đặt cho đối tượng cùng một tên; điều tương tự cũng xảy ra cho cây thứ ba, thứ tư; và thế là, dù đầu tiên được đặt cho một cá thể, với nó từ ’cây’ nay đã trở thành tên của lớp hoặc chi, một ý tưởng trừu tượng bao gồm mọi thứ cây nói chung. Nhưng khi chúng ta chỉ ra cho nó rằng tất cả các cây đều không được sử dụng cho cùng một mục đích, đều không sinh ra những quả giống nhau, nó sẽ sớm học cách phân biệt chúng bằng những cái tên cụ thể và riêng biệt. Lô-gic này là lô-gic chung của mọi ngành khoa học; đương nhiên, nó cũng áp dụng cho Hóa học.

Chẳng hạn, những axit* bao gồm hai chất thể thuộc loại mà chúng ta xem là đơn chất: một chất tạo nên tính axit và là chung cho tất cả, nên tên chung [generic, générique, của lớp hay chi] phải được mượn từ chất này; chất kia là đặc trưng cho từng thứ axit, phân biệt chúng với nhau, nên tên riêng [specific, spécifique, của mỗi loại] phải được mượn từ chất này.

Hai nguyên tắc cấu thành này, nguyên tắc axit hóa [acidifying, acidifiant] và nguyên tắc bị axit hóa [acidified, acidifié], có thể tồn tại trong hầu hết các axit với tỷ lệ khác nhau, chính chúng tạo nên các điểm cân bằng hoặc bão hòa; đây là những gì được quan sát thấy trong axit sulfuric [sulfuric, sulfurique] và trong axit sulfurơ [sulfurous, sulfureux]; và chúng ta biểu đạt hai trạng thái trên của cùng một axit bằng cách thay đổi phần cuối [-ic, -ique ; -ous, -eux] của tên gọi cụ thể.

Các chất kim loại chịu tác động kết hợp của vừa không khí vừa lửa đều sẽ mất đi ánh kim loại, tăng trọng lượng, và có vẻ ngoài giống như đất; như những axit, chúng ở trong trạng thái hợp chất này theo một nguyên tắc chung cho mọi kim loại, và theo một nguyên tắc riêng cho từng thứ: chúng tôi cũng đã phải sắp xếp chúng dưới một tên chung mượn từ nguyên tắc chung, và cái tên mà chúng tôi lấy là ôxit [oxide]; sau đó, chúng tôi phân biệt chúng với nhau bằng tên riêng của thứ kim loại mà chúng tùy thuộc.

Trong axit và trong ôxit kim loại, các chất dễ cháy là một nguyên tắc cụ thể và đặc thù, nhưng chúng cũng có khả năng trở thành nguyên tắc chung cho một lượng lớn các chất thể. Những kết hợp sulfurơ là thứ kết hợp duy nhất thuộc loại này được biết tới trong một thời gian dài: nhờ các thí nghiệm của quý Ô. Vandermonde, Monge và Berthollet, ngày nay chúng ta biết rằng than còn kết hợp với sắt và có thể với một số kim loại khác nữa, với kết quả tùy theo theo tỷ lệ của chúng là thép, plum-ba-gin, v. v… Từ các thí nghiệm của Ô. Pelletier, người ta cũng biết rằng phốt-pho kết hợp với một lượng lớn các chất kim loại. Chúng tôi đã gom những kết hợp khác nhau này lại dưới các tên chung lấy từ tên của chất thể chung, với phần cuối ghi lại sự tương tự này, và chúng tôi đã phân định chúng bằng một cái tên khác lấy từ chất thể riêng của chúng.

Danh pháp của các chất thể bao gồm ba [đơn] chất khó đặt tên hơn một chút do số lượng của chúng, đặc biệt là vì ta không thể diễn đạt bản chất các nguyên tắc kết hợp của chúng mà không sử dụng thêm các từ ghép. Chúng tôi đã phải xem xét các cơ thể hình thành lớp này, như muối trung tính chẳng hạn:  1º cái nguyên tắc axit hóa chung cho mọi chất; 2º cái nguyên tắc có thể axit hóa [acidifiable] vốn là axit riêng của chúng; 3º cái bazơ [basis, base]* muối, đất, hoặc kim loại xác định loại muối cụ thể. Ở đây, chúng tôi đã lấy tên của mỗi lớp muối từ nguyên tắc có thể axit hóa chung cho mọi cá thể trong nhóm; sau đó chúng tôi phân biệt mỗi loại, bằng tên của cái bazơ muối, đất, hoặc kim loại riêng của nó.

Một thứ muối, mặc dù được cấu tạo bởi cùng cả ba nguyên tắc, vẫn có thể ở vào các trạng thái rất khác nhau, bởi khác biệt duy nhất về tỷ lệ của chúng. Danh pháp mà chúng tôi chấp nhận sẽ sai sót nếu nó không biểu đạt các trạng thái khác nhau đó, và chúng tôi chủ yếu đạt được yêu cầu này bằng các thay đổi ở phần đuôi từ: chúng tôi đã thể hiện chúng nhất quán, cùng một cách cho cùng một trạng thái của các thứ muối khác nhau.

Cuối cùng, chúng tôi đã đạt tới điểm nhận ra tức thì, và chỉ bằng từ ngữ:  chất đốt nào đã được đưa vào tập hợp đương nói đến;  nó có được kết hợp với nguyên tắc axit hóa hay không và theo tỷ lệ nào; chất axit đó ở trạng thái nào; nó được kết hợp với bazơ nào; liệu nó có độ bão hòa chính xác không, hoặc có dư axit hay bazơ.

d – … trước nhu cầu cải cách thuật ngữ Hoá học

Rằng chúng tôi không thể nào thực hiện các quan điểm khác nhau này, mà không đôi khi xúc phạm đến những tên gọi thường dùng,  không buộc phải tiếp nhận những tên gọi mới khó nghe, thậm chí có vẻ man rợ lúc đầu, là điều có thể quan niệm được. Nhưng chúng tôi đã quan sát thấy rằng tai ta sẽ nhanh chóng làm quen với các từ mới, đặc biệt là khi chúng được kết nối với một hệ thống tổng quát, có lý luận. Hơn nữa, những cái tên từng được sử dụng trước chúng tôi, chẳng hạn như «bột Algaroth», «muối alembroth», «pompholix», «nước phagédenique», «khoáng turbith», «colcothar»,[7] và nhiều tên khác nữa… cũng không kém phần khó nghe và khác  thường; cần rất nhiều thói quen và rất nhiều trí nhớ để lặp lại các chất mà chúng biểu đạt, và nhất là để nhận ra chúng thuộc loại kết hợp nào. Những cái tên như «dầu cáu rượu non», «dầu vitriol», «bơ arsenic và antimon», «hoa kẽm»[8], v. v… còn không đúng nữa, do chúng làm nảy sinh những ý tưởng sai lầm; bởi vì, để nói một cách chính xác, trong giới [kingdom, règne] khoáng vật, và đặc biệt là kim loại, không hề có bơ, dầu, hoa; cuối cùng, bởi vì các chất được chỉ định dưới các tên gọi sai lầm này đều là các chất độc dữ dội.

Khi xuất bản quyển Tiểu Luận Về Danh Pháp Hóa Học (Essai de nomenclature chimique), chúng tôi từng bị khiển trách là đã thay đổi cái ngôn ngữ mà các bậc thầy của mình đã nói, minh họa và trao truyền; thế nhưng người ta đã quên rằng chính Bergman và Macquer cũng là những người đã kêu gọi cuộc cải cách thuật ngữ này. Giáo sư uyên bác của Đại Học Upsal, Ô. Bergman, đã viết vào những ngày cuối đời cho Ô. de Morveau: «Đừng tha thứ bất kỳ một danh xưng không phù hợp nào: người hiểu biết sẽ luôn luôn hiểu; kẻ chưa hiểu biết sẽ sớm hiểu thôi».

4 - Chuyên Luận Hóa Học Sơ Cấp : bố cục và ý hướng

Có lẽ người ta có cơ sở hơn, khi họ khiển trách tôi đã không đưa ra, trong Tác phẩm trình bày trước Công chúng này, bất kỳ một lịch sử nào về ý kiến ​​của những người đi trước, vì đã chỉ trình bày quan điểm của mình chứ không thảo luận ý kiến của người khác. Kết quả là tôi đã không luôn luôn hành xử trước các Đồng nghiệp của mình, chưa nói tới các Nhà hóa học nước ngoài, với sự công chính mà tôi dự tính công nhận nơi họ: thế nhưng tôi cũng xin Bạn đọc xét qua sự kiện là, trong một tác phẩm sơ cấp, nếu chúng ta tích lũy đầy những trích dẫn, rồi lao vào các cuộc tranh luận dông dài về lịch sử của môn học và các công trình của những người đã tác nghiệp, ta sẽ mất dấu đối tượng thực sự được đề xuất, và sẽ tạo ra một tác phẩm tẻ nhạt cho người mới bắt đầu. Trong một chuyên luận sơ đẳng, chúng ta không viết về lịch sử của khoa học, cũng không bàn về lịch sử của trí tuệ con người:  ở đây, tác giả phải tìm kiếm sự trong sáng, sự dễ hiểu, phải cẩn thận loại bỏ bất cứ thứ gì có thể làm phân tán sự chăm chú. Đây là một con đường phải được liên tục làm cho bằng phẳng, không được để lại một chướng ngại vật nào có thể gây ra một chậm trễ nhỏ nhất. Tự chúng, các bộ môn khoa học đã chứa đủ khó khăn, không nên tạo thêm những khó khăn ngoài nội dung của chúng nữa. Hơn nữa, các nhà hóa học sẽ dễ dàng nhận ra rằng, trong phần đầu của tác phẩm, tôi hầu như không sử dụng bất kỳ kinh nghiệm nào không phải của mình. Nếu đôi khi tôi vô tình sử dụng những kinh nghiệm hoặc ý kiến ​​của các ông Berthollet*, de Fourcroy, de Laplace*, Monge[9], và những người nói chung đã áp dụng cùng các nguyên tắc giống tôi, mà lại quên trích dẫn họ, thì chẳng qua là vì thói quen – cùng sống chung, thông báo những ý tưởng, các quan sát, cách nhìn của mình cho nhau – đã thiết lập giữa chúng tôi một thứ cộng đồng ý kiến ​​trong đó chính chúng tôi cũng thường cảm thấy khó phân biệt được cái gì còn là riêng của mình hơn.

Tất cả những gì vừa được trình bày, về cái thứ tự mà tôi đã cố gắng tuân theo trong sự triển khai những  bằng chứng và ý tưởng, chỉ có thể áp dụng được cho phần đầu của tác phẩm này: chỉ riêng phần này mới chứa đựng toàn bộ học thuyết mà tôi đã chấp nhận; chỉ ở phần này mà tôi có đã nỗ lực tạo cho tác phẩm cái dạng thực sự cơ bản thôi.

Phần thứ hai của tác phẩm chủ yếu được hình thành bởi các bảng danh pháp của các loại muối trung tính. Tôi chỉ kèm thêm vào đây những giải thích rất vắn tắt, với mục đích là cho biết những phương thức đơn giản nhất nhằm có được các loại axit khác nhau mà ta đã biết: phần thứ hai này không chứa đựng bất cứ cái gì là riêng của tôi; nó chỉ trình bày một bản tóm tắt rất ngắn gọn những kết quả được rút ra từ nhiều công trình khác nhau.

Cuối cùng, trong phần thứ ba, tôi đã mô tả chi tiết mọi hoạt động  liên quan tới khoa Hóa học hiện đại. Một tác phẩm như vậy dường như đã được trông đợi từ lâu, và tôi tin rằng nó sẽ có một ích lợi nào đó. Nhìn chung, việc thực hiện những cuộc thí nghiệm, và đặc biệt là các thí nghiệm hiện đại, chưa từng được phổ biến đầy đủ; và có lẽ là trong các Hồi ký khác nhau mà tôi đã trao cho Viện Hàn Lâm, nếu tôi đã triển khai thêm các hoạt động ấy trong chi tiết, thì có thể là tôi sẽ được hiểu dễ dàng hơn, và môn học sẽ tiến bộ nhanh chóng hơn. Đối với tôi, thứ tự của các chủ đề trong phần thứ ba này gần như là tùy tiện, và tôi chỉ cố gắng sắp xếp trong mỗi chương của tám chương cấu thành nó những hoạt động có sự tương tự với nhau nhiều nhất. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phần thứ ba này không thể được rút ra từ bất kỳ tác phẩm nào, và trong các mục chính tôi chỉ có thể tự hỗ trợ bằng kinh nghiệm bản thân.

Tôi sẽ kết thúc Lời Nói Đầu này bằng cách ghi lại nguyên văn vài trích đoạn của Tu Viện Trưởng Condillac, mà theo tôi có lẽ là người đã phác họa được, một cách tuyệt vời và đúng đắn nhất, tình trạng của môn Hóa Học ở các thời kỳ rất gần với thời của chúng ta. Những đoạn văn này, do chúng không được viết ra với ý hướng nhắm vào Hóa học, càng có thêm sức mạnh nếu sự áp dụng chúng ở đây hóa ra lại có vẻ là chính đáng.

«Thay vì quan sát những sự vật ta muốn biết, chúng ta lại muốn tưởng tượng chúng. Từ giả định sai này đến giả định sai khác, chúng ta đã đi lạc vào giữa vô số sai lầm; rồi khi những lầm lạc này đã trở thành định kiến, ta lại lấy chúng làm nguyên lý, vì cùng cái lý do ấy: và cứ như thế mà mỗi ngày càng đi lạc nhiều và xa hơn… Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết lý luận theo những thói xấu đã mắc phải. Nghệ thuật lạm dụng từ ngữ mà không hiểu rõ đã trở thành nghệ thuật suy luận đối với ta... Khi sự thể đã phát triển tới mức này, khi bao sai lầm đã được tích tụ kiểu này, thì chỉ còn một phương cách là lập lại trình tự của khả năng tư duy; nghĩa là quên đi tất cả những gì chúng ta đã học, lấy lại những ý tưởng của ta từ nguồn gốc, theo dõi sự phát sinh của chúng, và tổ chức lại lý trí của con người, như Bacon* từng nói.

Chúng ta càng tưởng tượng mình uyên bác bao nhiêu, thì phương thức này càng khó khăn bấy nhiêu. Chính vì vậy, những Tác phẩm trong đó các bộ môn khoa học được trình bày với một sự rõ ràng, một sự chính xác, một trật tự lớn, thường lại không nằm trong tầm tay mọi người. Những người chưa học hỏi gì sẽ hiểu chúng tốt hơn là những kẻ từng nghiên cứu sâu rộng, nhất là những kẻ đã viết nhiều về khoa học»3.

Tu Viện Trưởng Condillac còn bổ sung vào cuối chương V:

«Nhưng rồi cuối cùng các khoa học cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, bởi vì các Triết gia đã quan sát kỹ hơn, và họ đã đưa vào ngôn ngữ của họ độ chính xác và sự đúng đắn mà họ đặt nơi những quan sát của mình; ngôn ngữ đã được họ điều chỉnh, và chúng ta đã suy luận tốt hơn»3.

Antoine de Lavoisier
Chuyên Luận Hóa Học Sơ Cấp – Lời Nói Đầu
(Traité élémentaire de chimie – Discours préléminaire – 1789)


[1] Antoine Laurent de Lavoisier (1743-1794): nhà hóa học, kinh tế học và triết gia người Pháp, thường được xem là bố đẻ của khoa hóa học hiện đại. Tác phẩm hóa học:  Opuscules physiques et chimiques (1774); Mémoire sur l'existence de l'air dans l'acide nitreux, et sur les moyens de décomposer et de recomposer cet acide (1776); Sur la nature du principe qui se combine avec les métaux pendant leur calcination et augmente leur poids (1775);  Sur la combustion en général (1778); Considérations générales sur la nature des acides (1778); De l'action du feu animé par l'air vital, sur les substances minérales les plus réfractaires (1785); Méthode de nomenclature chimique (với de Morveau, Berthollet, de Fourcroy, 1787); Nomenclature chimique, ou synonymie ancienne et moderne, pour servir à l'intelligence des auteurs (với de Fourcroy, de Morveau, Cadet, Baumé, d'Arcet, Sage, 1789); Traité élémentaire de chimie, présenté dans un ordre nouveau et d'après les découvertes modernes (1789, 1965).

[2] Étienne Bonnot de Condillac (1714-1780): triết gia, nhà văn, nhà kinh tế,  nhà Hàn Lâm, Tu Viện Trưởng ở Mureau (Vosges). Tác phẩm chính: Essai sur l’origine des connaissances humaines (1746); Traité des systèmes (1749);  Traité des sensations (1754); Traité des animaux, une critique de l’Histoire naturelle de Buffon (1755); Cours d’études (13 q., 1775: Grammaire, Art d’écrire, Art de raisonner, Art de penser, Histoire); Le Commerce et le gouvernement considérés relativement l’un à l’autre (1776); La Logique ou l’art de penser (1780); La Langue des calculs (1798). Các trích dẫn của Condillac trong bài đã được rút ra từ: Étienne Bonnot de Condillac,  La Logique ou les Premiers développements de l’art de penser (1780).

[3] Xem trên trang mục -gic Học, khi có thể tham khảo: Étienne Bonnot de Condillac,  Phân Tích, Ngôn Ngữ Và Lô-gic Học, trích dịch từ: La Logique ou les Premiers développements de l’art de penser (1780).

[4] Trong vật lý hóa học và hóa học, ái lực hóa học là một thuộc tính điện tử nhờ đó các chất hóa học không giống nhau có khả năng cùng hình thành những hợp chất hóa học.

[5] Étienne-François Geoffroy (1672-1731), Christlieb Ehregott Gellert (1713-1795), Torbern Olof Bergman (1735-1784), Carl Wilhelm Scheele (1742-1786), Louis-Bernard Guyton de Morveau (1737-1816), Richard Kirwan (1733-1812).

[6] Xem trên cùng trang mục này: Paul Walden, Triết Lý Tự Nhiên Hy Lạp Và Thuật Giả Kim.

[7] Bột Algaroth (do tên người đã tạo ra nó là Vittorio Algarotti (người Ý, thế kỷ 16), giống như khi ta nói dầu bác sĩ Tín); tên và công thức hóa học: SbOCl (antimony oxychloride, oxychlorure d’antimoine, antimon oxyclorua); công dụng: làm toát mồ hôi, gây nôn mửa, tẩy xổ. Muối Alembroth (tên kế thừa từ thuật giả kim, nguồn gốc không rõ), còn được gọi là sel de sagesse (salt of wisdom, muối của sự hiền minh ý nghĩa tôn giáo: được dùng trong các thủ tục rửa tội trừ tà, muối là chất giữ cho chất ăn không hư thối, cho linh hồn không hư hỏng vì tội lỗi): hóa chất do sự kết tinh từ NH4Cl (ammonium chloride, chlorure ammoniaque, Amoni chloride) và HgCl2 (mercuric chloride, hydrochlorate de mercure, thủy ngân chloride hay chloride thủy ngân, cách gọi cũ là chất ăn mòn); công dụng: chất kích thích. Pompholix (gọi theo tên bệnh nó được dùng để chữa trị là một thứ bệnh ngoài da – pompholyx eczema hay dyshidrotic eczema ta gọi là chàm, không rõ nguồn gốc, thường xảy ra ở lòng bàn tay hay bàn chân, ngón tay hay ngón chân, chảy nước, rất ngứa); tên và công thức hóa học: ZnO (zinc oxide, oxyde de zinc, kẽm oxit); công dụng: xem Fleurs de zinc ở chú thích 8. Nước phagédénique (gọi theo tên bệnh nó được dùng để chữa trị là một thứ bệnh lở loét lan rất nhanh – phagedena, từ gốc Hy Lạp, có nghĩa là ăn ngấu nghiến – tiếng Việt gọi là bệnh sâu quảng); tên và công thức hóa học: ZnCl2 (zinc chloride, chlorure de zinc, kẽm clorua; công dụng: hủy loại nấm làm da thịt lở loét nhanh. Turbith minéral = turbith mineral = khoáng chìa vôi (turbith là cây chìa vôi, một thứ cây có rễ màu vàng được dùng làm thuốc); tên và công thức hóa học: HgSO4 (mercury sulfate, sulfate mercurique, thủy ngân sunfat (được gọi là khoáng chìa vôi hay chất kết tủa vàng (précipité jaune), do là một thứ muối được kết hợp từ axit sunfuric và thủy ngân, có màu vàng như rễ chìa vôi); công dụng: chữa trị chứng trụi tóc hay lông, và mụt vẩy nến. Colcothar (colcothar, concota); tên và công thức hóa học: Fe2O3 (iron oxide, oxyde ferrique, sắt oxit); công dụng: đánh bóng thủy tinh và kim loại, hay pha sơn dầu.

[8] Huile de tartre par défaillance (oil of tartar per deliquium, dầu cáu rượu non – tartre: sản phẩm của sự lên men rượu vang, bám vào vách thùng chứa dưới hình thức vảy muối; défaillance: tình trạng một chất rắn bị hóa lỏng do ẩm ướt); tên và công thức hóa học: K2CO3 (potassium carbonate, carbonate de potassium, muối ka-li); công dụng: trong sản xuất xà phòng và thủy tinh. Huile de vitriol = oil of vitriol = dầu vitriol, chất lỏng không màu, không mùi và sánh, hòa tan trong nước, phản ứng tỏa nhiệt cao; tên và công thức hóa học: H2SO4 (Sulfuric acid,  acide sulfurique, axit sunfuric); công dụng: sản xuất phân bón, lọc dầu, xử lý nước thải, hóa muối các kim loại, tẩy rửa, làm chất điện phân trong pin axit-chì… Beurre d'arsenic et d'antimoine (butter of arsenic and of antimony, bơ arsenic và antimony); tên và công thức hóa học: AsCl3 (arsenic trichloride, trichlorure d'arsenic, asen triclorua); công dụng: chất trung gian trong sản xuất các hợp chất asen hữu cơ. Fleurs de zinc (flowers of zinc, kẽm hoa); tên và công thức hóa học: ZnO (zinc oxide, oxyde de zinc, kẽm oxit); chất bột mịn được gọi là kẽm hoa hay kẽm trắng (do trước đây được dùng để làm chất màu trắng); công dụng: dùng trong các loại kem, thuốc mỡ bảo vệ da, điều trị da (eczecma, da khô, nhiễm khuẩn, viêm, bỏng, cháy nắng).

[9] Claude-Louis Berthollet (1748-1822), Antoine François de Fourcroy (1755-1809), Gaspar Monge (1746-1818).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa