Cập nhật ngày 01-11-2020 Từ khóa: Xã hội học – phân tích xã hội học |
C2 |
DẪN VÀO
XÃ HỘI HỌC VỀ XÃ HỘI HỌC
(1971)
Tác giả: Edward Ashod Tiryakian[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Xã hội học về xã hội học (Sociology of Sociology) là tên gọi một chuyên ngành của xã hội học, tương tự như xã hội học về tôn giáo, xã hội học về tri thức, v. v…
Mặc dù đối với sinh viên Việt Nam, cụm từ «xã hội học về xã hội học» có thể là hơi chói tai vì nghe không quen, nhưng thật ra biểu nghĩa của nó chỉ đơn giản là việc áp dụng phân tích xã hội học (lý thuyết, phương pháp, khái niệm…) vào ngay chính bộ môn xã hội học – phân tích xã hội học về xã hội học –, và một trong những câu hỏi mấu chốt của nó là: vì sao xã hội Pháp lại sinh ra một khoa xã hội học như nó hiện tồn tại ở Pháp, khác với xã hội học ở Đức hay ở Hoa Kỳ, chẳng hạn?
Bài viết dưới đây của Edward Tyriakian là một dẫn nhập rất bổ ích, vì ngoài giải đáp cho câu hỏi trên, nó còn bao gồm nhiều khía cạnh đáng chú ý khác của xã hội học về xã hội học. Xin ân cần giới thiệu với các giáo sư và sinh viên Việt Nam trong khoa học này.
Chúng tôi có thêm vào ở đầu mỗi đoạn các tựa nhỏ để giúp bạn đọc theo dõi bài viết dể dàng hơn, và ở phần cước chú một số cước chú ký tên NVK mà chúng tôi nghĩ là cần thiết cho học sinh và sinh viên người Việt.
Nguyễn Văn Khoa
*
I - TỪ XÃ HỘI HỌC ĐẾN XÃ HỘI HỌC VỀ XÃ HỘI HỌC
Câu hỏi «Xã hội học là gì?» hay cái hệ luận của nó «Thế nào là nhà xã hội học?» là một trong những câu hỏi quen thuộc từng chiếm diễn đàn nghiệp vụ một thời gian dài rồi, như độc giả có thể ghi nhớ từ bài viết của Albion Small[2]*, một tiểu luận cổ điển bao trùm hơn sáu mươi năm tồn tại của bộ môn. Tuy nhiên, «xã hội học về xã hội học là gì?» là một câu hỏi dễ gây bối rối hơn, và quyển sách này là một nỗ lực để chỉ ra rằng ta đang trăn trở với một truy vấn lớn. Quá nhiều khi chúng ta xem những gì quen thuộc nhất là hiển nhiên, và đối với nhà xã hội học, thì đấy chính là bộ môn xã hội học. Ở đây, tôi không nói về xã hội học như một trong nhiều môn học hàn lâm – một sự trừu tượng bao gồm những trừu tượng khác – mà nói về xã hội học như một tập hợp những hoạt động và quan niệm đa dạng và đa chiều, đã từng có và vẫn còn có tầm quan trọng lớn lao rất hiện sinh đối với những người suy nghĩ về chính thân phận của họ như nhà xã hội học. Bởi cả các nhà xã hội học nữa, họ cũng là những sinh vật xã hội mà thôi[3], y hệt như chính môn xã hội học cũng là một sự kiện xã hội. Về cơ bản, quyển sách này[4] sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau chỉ để minh họa điều ấy.
1- Cuộc khủng hoảng bản sắc của khoa xã hội học hiện nay
Sự xuất bản quyển sách này đã được gợi ý bởi sự nhập nhằng ngày càng tăng của tình hình bộ môn xã hội học hiện nay. Một mặt, chúng ta có thể nói trắng trợn là nó chưa bao giờ tốt hơn cho môn học: từ khởi đầu khiêm tốn, lại phải liên tục đối mặt suốt với nhiều chống đối hàn lâm (tự nó, đây là một vấn đề xã hội học đáng được nghiên cứu), xã hội học đã phát triển nhảy vọt về số lượng người tác nghiệp và sinh viên. Điều này là đáng chú ý nhất tại Hoa Kỳ, mặc dù định hướng giá trị của xã hội [Mỹ] thiên về chủ nghĩa cá nhân có vẻ như là một trở lực cho việc nghiên cứu đời sống tập thể. Trong những năm gần đây, ảnh hưởng và tác động của xã hội học đã truyền xa hơn khuôn viên đại học nhiều, lan tới chính phủ, các doanh nghiệp, và ngay cả tới nhiều chủng viện thần học. Tuy nhiên, trước uy tín công cộng mới đạt được và sự chấp nhận ngày càng rộng rãi, khoa xã hội học cũng đang triển khai nhiều phân hóa nội bộ với mức độ ngày càng nghiêm trọng, để lại những vết nứt rất dễ nhìn thấy trong các hội nghị nghiệp vụ hàng năm của môn học! Ít nhất như một đề xuất phỏng chừng đầu tiên, tôi cho rằng môn xã hội học đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng tăng trưởng, hay nói đúng hơn nữa, một cuộc khủng hoảng bản sắc trong quá trình phát triển tăng tốc. Mặc dù, giống như tiền giấy, giá trị của thuật từ «khủng hoảng» đang bị xói mòn một cách đáng báo động, ta vẫn không nên dễ dãi gạt bỏ nó, bởi nội dung sâu sát của xã hội học về xã hội học chính là một hàm số của cuộc khủng hoảng bản sắc nơi môn học này.
Tại sao lại có tình trạng trên? Một phần vì số lượng các nhà xã hội học đã có xu hướng mở rộng theo cấp số nhân từ khoảng hơn ba mươi năm qua, song song với sự gia tăng đủ thứ lĩnh vực xã hội học, với nào lý thuyết chuyên ngành, nào kỹ thuật, nào ứng dụng – thậm chí có cả các phân khu hành chính riêng bên trong cấu trúc của Hiệp Hội Xã Hội Học Hoa Kỳ* [The American Sociological Association] – khiến cho cơ sở của sự nối kết các lĩnh vực xã hội học lại với nhau ngày càng trở nên khó khăn. Vậy thì cái gì sẽ tạo cho chúng ta ý thức về một sự đồng nhất có thể cảm nhận được đây, trong tương lai gần? Cái gì sẽ cho ta ý thức về một sự hiệp nhất không đến nỗi vô nghĩa đây, giữa những khác biệt ngày càng hiện thực hơn bao giờ hết? Có thể nào một lý thuyết xã hội học tổng quát sẽ trở thành cái lực tích hợp chung, và qua đó cung cấp cho ta một cơ sở đồng thuận để tác nghiệp chăng? Thế nhưng, dù chỉ mới một thập kỷ trước đây thôi, chúng ta còn có thể nói rằng có một đồng thuận rộng rãi trong sự thừa nhận «phân tích cấu trúc-chức năng (structural-functional analysis)*» như lý thuyết xã hội học tổng quát, một đồng thuận như vậy nay đã rơi vào nguy cơ bị phản bác[5]. Ở một mức độ, sự kiện này là do thách thức của một cánh tân-Marxist đang hồi sinh, nhưng ở một mức độ khác, đây có lẽ là tình trạng điển hình của mọi môn học, khi sự phát triển nhanh chóng của nó đi đôi với sự phân mảnh và vẽ lại các đường ranh. Tuy nhiên, giống như ở các thời kỳ lịch sử trước, chắc chắn đây không phải là điểm kết thúc của con đường dẫn tới lý thuyết tổng quát chung, mà đúng hơn là một trạm nghỉ giữa đường, đau đớn nhưng cần thiết cho một nỗ lực khái niệm hóa và lý thuyết hóa hiện thực xã hội mạnh mẽ hơn nữa.
2 – Xã hội học như «hiện tượng xã hội toàn diện»
Ở buổi giao thời quan trọng này, chúng ta có thể lấy một chủ đề làm cơ sở cho nỗ lực suy tư tập thể, thậm chí làm một cơ sở mới cho sự đồng nhất nghiệp vụ. Lực hướng tâm tiềm năng này là sự nghiên cứu bản thân xã hội học như một «hiện tượng xã hội toàn diện (phénomène social total)»*, nói theo thuật từ của Marcel Mauss[6]*. Chúng ta đều sẵn sàng chấp nhận xã hội học như một môn học hàn lâm, nhưng nghĩ về nó như một hiện tượng xã hội lại là một vấn đề khác. Vậy thì cái hàm nghĩa đằng sau cụm từ đơn giản «hiện tượng xã hội học» là gì?
Về cơ bản, nó có nghĩa rằng xã hội học là một bộ phận khăng khít của xã hội như một tồn tại tổng thể, và trong tư cách một hiện tượng xã hội, nó dự phần vào tính chất lịch sử của xã hội hiện đại. Hoặc nói hơi khác một chút, xã hội học có thể được xem xét như một mô hình vi mô của cái vĩ mô là xã hội hiện đại; những biểu hiện của xã hội học trong các quốc gia khác nhau không phải là ngẫu nhiên: thật ra, chúng đều là một phần của dòng diễn biến lịch sử xã hội của cái thế giới xã hội lớn hơn mà xã hội học được gắn vào bởi nhiều dây nối phức tạp. Đấy là luận điểm cơ bản của một bài viết trong phần I của Raymond Aron[7]*, một gương mặt hàng đầu trong giới trí thức đương đại Pháp. Cả ở Cựu cũng như ở Tân Thế giới, không nơi đâu xã hội học đã tình cờ siêu hiện, và trong những bối cảnh xã hội khác nhau, cũng không nơi đâu nó phát triển theo một quá trình tổ chức hàn lâm nào đó một cách máy móc và/hoặc liên tục (mặc dù sự kiện sau này vẫn là một biến số mang tính cấu trúc quan trọng trong sự phát triển của xã hội học, đúng như giáo sư Aron đã gợi ý). Xã hội học bắt đầu trong một môi trường lịch sử-xã hội, vào nửa đầu của thế kỷ XIX, mà đặc trưng là các biến động chính trị, kinh tế, văn hóa… đều đã được khởi động do và từ thế kỷ trước. Những thách thức của hệ tư tưởng tự do, của kinh tế thực dụng, của chủ nghĩa khoa học như một định hướng và diễn giải triệt để về hiện thực cho thế gian này, thậm chí của trào lưu văn hóa từ chủ nghĩa Lãng mạn ở châu Âu[8] đều là các thành tố quan trọng trong quá trình sản sinh ra ý thức xã hội học. Và sự triển khai sau đó của xã hội học, với những biểu hiện khác biệt ở các quốc gia khác nhau, chắc chắn cũng dự phần vào những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử-xã hội đã để lại nhiều dấu ấn đặc thù trên mỗi xã hội lớn hơn.
3 – Xã hội học về xã hội học và lịch sử xã hội học
Tuy nhiên, xã hội học về xã hội học và lịch sử của xã hội học không phải là một, dù có nhiều điểm chung. Một mặt, lịch sử của xã hội học có xu hướng tập trung trên sự mô tả mang tính trần thuật dòng phát triển trí tuệ của tư tưởng xã hội học, như nó đã được chuyển tải bởi các cá nhân hay có thể là cả các trường phái xã hội học hình thức nữa. Mặt kia, trong khi vẫn nhất trí về ý nghĩa của sự phát triển lịch sử của bộ môn xã hội học, sự nghiên cứu xã hội học về «xã hội học như một hiện tượng» lại có khuynh hướng không xem xã hội học như một tập hợp những ý tưởng trừu tượng, mà như kết quả của một ý thức liên chủ quan – nghĩa là của một (thậm chí nhiều) hiện thực xã hội được sản sinh ra do sự tương tác giữa những con người đã cùng hành động với nhau, trong hoặc sự đồng thuận hoặc sự xung khắc. Cơ sở hạ tầng của xã hội học là một tập hợp những khát vọng, lý tưởng, ý chí của con người, cũng nhiều như nó là một tập hợp các khái niệm hay kỹ thuật; nó có những cấu trúc xã hội và tổ chức riêng biệt của nó, và chúng biến đổi trong thời gian. Khoa xã hội học và các nhà xã hội học chưa bao giờ hiện hữu bên ngoài xã hội lịch sử hết; cả hai đều là những bộ phận của xã hội lịch sử trong tồn tại máu thịt của nó, ngay cả khi cả hai cùng nỗ lực phấn đấu nhằm phát triển một ngành học có khả năng quay lại mô tả một cách khách quan môi trường xã hội2. Trong khi phát triển môn học, cả hai đã làm giàu thêm cho hiện thực xã hội, bằng cách đưa vào đấy một tập đoàn mới, với các phân nhóm của nó. Cả hai cũng đã làm cho hiện thực xã hội phong phú hơn, bằng cách giúp cho mọi người suy nghĩ và nhận thức về xã hội theo phương cách nhà xã hội học làm.
Như vậy, từ cái toàn thể phong phú và cụ thể là «xã hội học như một hiện tượng xã hội» đó, chúng ta có thể phân định ra ba chiều kích chính, đặt trong ba phần chính của quyển sách này4.
II - XÃ HỘI HỌC TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI
Kích thước đầu tiên liên quan tới những quan hệ bên ngoài của xã hội học với môi trường xã hội lớn hơn. Ý thức xã hội học – trong ý nghĩa là ý thức về nhu cầu có một khoa học về sự kiện xã hội và về xã hội như một hiện thực riêng biệt – đã nảy sinh ở Pháp trong các biểu thức[9] của Claude-Henri de Saint-Simon* và của Auguste Comte* (cũng như trong các nỗ lực của Frédéric Le Play*, người sáng lập ra xã hội học thực nghiệm) như một giải đáp cho những cuộc khủng hoảng toàn xã hội trong nửa đầu thế kỷ thứ XIX, cho sự «giải cấu trúc» của chế độ cũ và các xã hội tiền công nghiệp, đồng thời mở đường cho những bước «tái cấu trúc» của xã hội hiện đại, công nghiệp, và thế tục.
Trong Phần I này, bài khởi dẫn của Robert Nisbet[10] đã đặt hệ tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp vào vị trí quan trọng trung tâm, như một kích thích lớn đối với Auguste Comte, người cha được thừa nhận của khoa xã hội học. Phần lớn pháp chế xã hội của cuộc Cách mạng đều hướng tới việc thế tục hóa và san bằng những bất bình đẳng xã hội, nên đã gây ra sự tan rã của nhiều nhóm xã hội (như các phường hội) và đe dọa sự tồn tại của những nhóm khác (như các tổ chức tôn giáo). Nisbet đã cho thấy đến mức nào Comte (và xã hội học Pháp sau đó) phải bận tâm đối phó với những hiểm nguy bao hàm trong sự nguyên tử hóa xã hội, song song với sự tập trung hóa không kiềm chế quyền lực nhà nước; và đây là một đề tài có nhiều âm vang trong xã hội học Pháp, từ Alexis de Tocqueville* đến Émile Durkheim*, thậm chí xuống tới cả Georges Gurvitch*. Điểm nhấn ở đây là: để biết nền xã hội học của một nước nào đó tập trung trên những vấn đề nào như bộ phận chính yếu, ta phải liên hệ các tên tuổi chính của bộ môn với môi trường xã hội lớn bao quanh; và để theo dõi sự phát triển của môn học theo nhãn quan xã hội học, ta cũng phải lần mò mở ra những quan hệ giữa xã hội học với cấu trúc xã hội.
Bài phân tích của Durkheim[11] – lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh ở đây – là một bổ sung thích hợp cho bài của Nisbet, ở chỗ nó cung cấp cho người đọc một tài liệu về các nhân tố bao hàm trong sự vươn lên của nền xã hội học Pháp. Loạt bài còn lại trong phần I cũng cung cấp nhiều chất liệu so sánh cho độc giả, về sự phát triển của khoa xã hội học trong những bối cảnh xã hội khác nhau: quan tâm của Leon Bramson[12]* là Hoa Kỳ, của Karl Mannheim[13]* là Đức quốc, của Gino Germani là châu Mỹ La-tinh, của Santosh Kumar Nandy là Ấn Độ, và của Georg Fischer là Liên Bang Xô Viết.
1 – Xã hội học về xã hội học & Xã hội học [về] tri thức
Ta có thể ghi nhận rằng sự tổng hợp nhóm tài liệu so sánh này với các nhóm khác thuộc một trình tự tương đương, có thể sẽ dẫn ngành xã hội học về xã hội học tới một điểm hội tụ phong phú với ngành xã hội học về tri thức (sociology of knowledge), trong việc tìm hiểu xem cách đặt vấn đề và quan điểm của các nhà xã hội học bị điều kiện hóa như thế nào bởi thời gian và đặc trưng đạo nghĩa (ethos)* của nơi họ sống. Đây là một chủ đề đã chiếm phần lớn bài viết của Georges Gurvitch[14], nhà xã hội học hàng đầu ở Pháp vào thời điểm ông mất (1965). Liên hệ xã hội học với bối cảnh hiện đại của nó, tác giả cũng đặt vấn đề cần tìm hiểu xem môn học này có thể thoát khỏi nguy cơ mất chủ quyền chăng, khi nó tự hiến thân bằng cách hướng giới kỹ thuật gia (nếu không phải là kỹ phiệt, kỹ trị) của mình vào nhiệm vụ nai lưng ra làm trụ chống cho các xã hội hiện đại. Trong mấy năm gần đây, câu hỏi này đã mau chóng trở thành một bức xúc nóng bỏng bên trong nền xã hội học Hoa Kỳ.
Tất nhiên, những quan hệ bên ngoài của xã hội học với xã hội còn có nhiều khía cạnh đáng để nghiên cứu cẩn thận khác, và chúng là quá nhiều để có thể được giới thiệu trong phần I, dù vẫn đủ quan trọng để được đề cập ngắn gọn trong bài dẫn này. Ví dụ, trong khi nghiên cứu hiện tượng xã hội học, có thể ta cũng nên xem xét hình ảnh của bộ môn và các bộ phận của nó nói chung (xã hội học được nhận thức ra sao như một hiện tượng?), những biến thiên của hình ảnh này giữa các nước, và bên trong cùng một quốc gia xuyên qua thời gian, cũng như ngược lại, các hình ảnh của xã hội và những lĩnh vực của nó (chính trị, kinh tế, v. v…) trong mắt nhà xã hội học. Dấn thân vào nỗ lực nghiên cứu hình ảnh của khoa xã hội học trong mắt xã hội cũng có nghĩa là xem xét cách các nhà xã hội học khác nhau tự nhìn vai trò của mình khi tác nghiệp trong xã hội ra sao. Ông ta có phải là người quan sát đầy thiện cảm đối với xã hội của mình không? Ông ta có tự nhìn mình như nhà phê phán hàn lâm của xã hội trong đó ông sống chăng, và trong trường hợp này, liệu ông đã chọn ra mặt nào trong nhiều mặt của đời sống xã hội để phê phán, mặt nào không phê phán? Hoặc nhà xã hội học sẽ xem vai trò của mình như nghĩa vụ của người hoạt động xã hội, với cả một giàn định hướng, từ kẻ đả phá những cấu trúc xã hội đương tồn, đến người tự vác lấy cái gánh nặng tạo tác ra một trật tự xã hội mới, nghĩa là làm một nhà xã hội trị (sociocrat) theo truyền thống của Comte? Biến số xã hội nào giải thích sự khác biệt về định hướng của các nhà xã hội học trong bối cảnh xã hội của họ? Như một lĩnh vực nghiên cứu, xã hội học có nhiều tiềm năng khác nhau trong tương quan với trật tự xã hội đương tồn – nó có thể rất bảo thủ và quen thói hỗ trợ hiện trạng của một xã hội nào đó, nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho các chương trình cải tổ, hoặc tự do và cải cách, hoặc cấp tiến và cách mạng (những kẻ cầm đầu phong trào sinh viên cực đoan năm 1968 ở Pháp đều là sinh viên xã hội học tại Đại học Nanterre-Paris).
Rốt cuộc, trong bối cảnh này, vai trò của ngành xã hội học về xã hội học có thể là điều tra xem một định hướng lý thuyết đã thay đổi sự áp dụng chính nó vào xã hội như thế nào, khi nó chuyển từ một bối cảnh xã hội này sang một bối cảnh xã hội khác? Như khi Gurvitch gợi ý ngắn gọn rằng lý thuyết xã hội học của Marx đã có một định hướng phê phán và cấp tiến ở phương Tây, nhưng bên trong một nhà nước Cộng Sản (thí dụ, Liên Xô) thì lại trở thành trụ chống tư tưởng hệ cho thứ trật tự xã hội đó chẳng hạn. Hay tương tự, như chủ nghĩa thực chứng của Comte (một thứ «Cơ Đốc giáo không mang tính Cơ Đốc = Catholicism minus Christianity», trong cụm từ của Thomas Henry Huxley*) lúc đầu được những người tự do chủ nghĩa ở Anh (John Stuart Mill* và Herbert Spencer*)[15] và ở miền Bắc Hoa Kỳ hoan nghênh, trong khi những người bảo thủ ở miền Nam Hoa Kỳ trước cuộc nội chiến lại cũng sử dụng Comte nhằm bênh vực chế độ nô lệ.
III - XÃ HỘI HỌC VỀ XÃ HỘI HỌC VÀ HỆ TƯ TƯỞNG
Điều này dẫn chúng ta đến một lĩnh vực liên quan tới xã hội học của xã hội học – cái lĩnh vực là cơ sở cho các bài được chọn đăng trong Phần II – là tương quan của xã hội học với những giá trị được phát biểu công khai hoặc ngầm chứa trong khung nghiên cứu hiện tồn của bộ môn. Có nhiều mức độ liên quan, một trong số đó là lĩnh vực trung tâm của xã hội học, bởi nó xoay quanh vấn đề hệ tư tưởng hay hệ ý thức. Và nếu chúng ta hiểu hệ tư tưởng là những giá trị và quan niệm về hiện thực đã tạo nên cơ sở, rõ ràng hay tiềm ẩn, của các chương trình hành động xã hội bao quát, nghĩa là loại chương trình định hướng cho sự thay đổi xã hội trong tương quan với hiện trạng xã hội, thì hiển nhiên và chắc chắn rằng rất nhiều khía cạnh của xã hội học, như hiện tượng xã hội toàn diện, liên quan tới hệ ý thức. Ở nhiều giai đoạn khác nhau trong sự phát triển của xã hội học[16], và chắc chắn là ngay từ buổi bình minh của nó cũng như trong tình hình hiện nay, sự thực đúng là như vậy.
Bài viết của Robert Nisbet trong Phần I nhấn mạnh trên mức độ mà hệ tư tưởng của các triết gia[17] và thời Khai Sáng «đã tạo ra cái phản ứng từ đấy những ý niệm cơ bản của xã hội học đã siêu hiện*». Theo một nghĩa nào đó, hệ tư tưởng này – cái đã đánh dấu sự ra đời của trí thức như một nhóm, thậm chí như một giai cấp có ảnh hưởng lớn trong xã hội – chủ yếu là một biểu thức của chủ nghĩa tự do hiện đại, bởi nó mang lại cho cá nhân và các quyền tự do cá nhân – chính trị và kinh tế – thế ưu thắng trên toàn xã hội. Nó đẻ ra định đề rằng, trong trạng thái «tự nhiên» và như một sinh vật có lý trí, con người có khả năng tự hoàn thiện bằng hành động của chính hắn. Nếu có vấn đề, đấy chính là vì xã hội và các thiết chế của nó đã làm cho con người bị hư đốn, rồi xiềng xích và tước mất quyền tự do của hắn. «Con người đạo đức và xã hội không đạo lý» từng là hòn đá tảng của hệ tư tưởng tự do chủ nghĩa chiến đấu (như từng được diễn tả bởi Jean-Jacques Rousseau*, Jean-Paul Marat*, Nicolas de Condorcet*, Denis Diderot*, William Godwin*, Thomas Paine*, James Mill*, v. v…). Trong thực tế, hệ tư tưởng này là lời kêu gọi rũ bỏ mọi ràng buộc và kiểm soát của xã hội hiện tồn, lời tố cáo tính không chính thuận của tôn ti trật tự xã hội, một cuộc tấn công vào ngay cái nguyên tắc về tính chính đáng của thứ quyền uy được thiết định của nó.
Một khía cạnh nổi bật của ý thức xã hội học trong bối cảnh châu Âu ngày nay là một thái độ nước đôi, sâu và rộng, đối với hệ tư tưởng tự do. Thái độ này có thể được nhìn thấy nơi hai dòng tư duy xã hội học chính của lục địa, mà tôi sẽ gọi là trường phái «tái thiết» (reconstructionist) và trường phái «cách mạng».
a) Xã hội học «tái thiết» và Xã hội học «cách mạng»
Khuynh hướng thứ nhất là điển hình của truyền thống xã hội học thống trị tại Pháp, được đặc biệt đại diện bởi Claude-Henri de Saint-Simon, Auguste Comte, Frédéric Le Play và tất nhiên cả Émile Durkheim nữa; dù chắc chắn là một phối cảnh «tái thiết» cũng tồn tại ở nơi khác (ví dụ, trong tư tưởng xã hội học Đức, đặc biệt ở Karl Mannheim* và Max Scheler*). Xã hội học «tái thiết» đã rút nhiều cảm hứng từ phản ứng của cánh hữu bảo thủ chống lại các triết gia17, đặc biệt từ những trước tác[18] sắc bén của Edmund Burke*, Louis De Bonald*, Joseph De Maistre*. Sự bác bỏ hệ tư tưởng của các nhà tự do cánh tả được tập trung trên tính toàn thể của xã hội, với những đặc trưng riêng được đặt trên các nền tảng có tính quy phạm do Thượng Đế ban cho (nên có giá trị vĩnh cửu), rồi từ đấy những trách nhiệm của cá nhân đối với trật tự xã hội mới lan tỏa. Thay vì phân tích, đây là lối tiếp cận tổng hợp; thay vì thuyết duy danh xã hội của trào lưu Khai Sáng, đây là quan điểm hiện thực (trật tự xã hội được xem là một thực tế đặc thù tự tại = sui generis). Không xem hiện tại chủ yếu như phần mở đầu vào tương lai – một quan điểm thời gian tạo ra đường chân trời của tư tưởng tự do –, phản ứng bảo thủ lại nhìn hiện tại như phần kết của quá khứ. Hoặc nói khác đi, trong khi ý nghĩa thiết yếu của hiện tại được đặt nơi tương lai đối với phe tự do, thì nó bị nhốt trong quá khứ đối với phe bảo thủ.
Saint-Simon, Comte, và Durkheim (không giống như Le Play ngoan đạo) chắc chắn đứng bên ngoài vòng rào của Giáo hội; tuy nhiên, trước tác của họ từng phản ánh nhiều khía cạnh của hệ tư tưởng bảo thủ (trong khi lập trường của hệ thống này cũng bắt nguồn từ đạo đức xã hội Ki-tô giáo và từ quan niệm Trung cổ chính thống về xã hội). Yếu tố có ý nghĩa trung tâm ở đây là vai trò của luân lý đạo đức trong việc tổ chức xã hội. Thế nên Saint-Simon, mặc dù là người sáng lập chủ nghĩa xã hội và là nhà vận động ủng hộ sự công nghiệp hóa nhiệt thành, cũng thừa nhận rằng thời Trung Cổ đã đóng một vai trò tiến bộ trong sự hiện đại hóa xã hội phương Tây (trong khi đối với thời Khai Sáng, Châu Âu trước Cải cách chỉ là một vùng đất hoang vu của tăm tối và mê tín); hơn nữa, mặc dù cay đắng chống đối thành phần tăng lữ, ông vẫn nhìn thấy nơi đạo Ki-tô cái nguyên tắc luân lý cần thiết để bôi trơn bộ máy khổng lồ của xã hội công nghiệp mới (xem quyển Nouveau Christianisme = Nền Ki-tô giáo mới của ông). Comte còn đi xa hơn khi cho luân lý đạo đức vị thế mấu chốt trong công cuộc tái thiết xã hội; cần lưu ý ở đây rằng Comte đã tìm thấy ở thời Trung Cổ Trung kỳ cái ví dụ rõ ràng nhất về sự đồng thuận có tính quy phạm, điều đối với ông là chất xi-măng sống còn của trật tự xã hội. Hệ tư tưởng bảo thủ cũng được phản ánh nhiều trong xã hội học của Durkheim, vốn là thứ xã hội học «tái thiết» tiêu biểu nhất, bởi nó đặt vấn đề phải tái thiết toàn bộ xã hội trong ý nghĩa một sự chuyển đổi tinh thần như thế nào; ở đây, vị trí trung tâm mà ông giao cho đạo đức và tôn giáo trong tổ chức xã hội là chỉ dấu của ảnh hưởng từ tư tưởng bảo thủ. Hơn nữa, điều này cũng được chỉ ra trong các ý niệm của ông về «tình đoàn kết hữu cơ» (có lẽ lấy cảm hứng từ ý niệm về sự khôi phục «tính thống nhất hữu cơ» của xã hội nơi các nhà truyền thống, hơn là từ mô hình cơ học của sinh học), và của nhu cầu đổi mới những nhóm chuyên nghiệp hay phường hội thành những tập hợp xã hội có khả năng phục vụ như liều thuốc giải độc cho các khuynh hướng phân mảnh của xã hội hiện đại – những ý niệm tương tự gợi nghĩ rằng có sự cầu tìm tới, ít ra là một vài khía cạnh nào đấy, của tư tưởng xã hội và xã hội thời Trung cổ[19].
Nếu ảnh hưởng của tư tưởng bảo thủ trên truyền thống «tái thiết» trong xã hội học là đáng chú ý trong những quan điểm và biểu thức lý thuyết của nó, như nhiều tác giả khác[20] cũng đã lưu ý, thì điều này vẫn không cho phép ta bảo đảm rằng các nhà xã hội học chính của truyền thống này, như Saint-Simon, Comte, và Durkheim (và các nhân vật thuộc khuynh hướng «tái thiết» gần đây hơn, như Mannheim, Scheler, và Pitirim Sorokin* chẳng hạn) đều là những nhà bảo thủ về mặt chính trị. Các nhóm tập hợp quanh Saint-Simon, Comte, và ngay cả Durkheim đã không lôi kéo thành viên của họ từ cánh phải; thật ra, để lấy một ví dụ, Durkheim thường bị tấn công từ cánh phải[21] hơn là cánh trái trong suốt cuộc đời của ông. Tôi cho rằng có một nghịch lý quan trọng ẩn chứa trong lòng của truyền thống xã hội học trung tâm này: các đại diện của nó – và điều này chắc chắn áp dụng cho mọi tác giả đã nêu tên ở trên – đều là những người theo chủ nghĩa tự do, nhưng lại bài bác hệ tư tưởng tự do trong chừng mức là nó phủ nhận, thậm chí còn lên án, giá trị của đạo đức, và uy quyền của xã hội đã được thiết lập. Trong một nghĩa nào đó – và điều này chắc chắn là một chủ đề mà ngành xã hội học về xã hội học cần gỡ mối và rọi sáng một cách sâu xa hơn là chúng tôi đã có thể thực hiện ở đây –, đó là ý thức xã hội học từng là một cầu nối, quan trọng, nhưng có lẽ đã bị đánh giá thấp, giữa các hệ tư tưởng tả và hữu trong xã hội hiện đại. Những tác giả chính của nó đều đã từng hòa điệu với các dòng tư tưởng đối cực của xã hội hiện đại, và cũng đã từng, tuy có thể là vô thức, tìm phương cách tổng hợp chúng trong bộ môn xã hội học.
Có thể là sâu sát khi gợi ý rằng dòng tư tưởng xã hội học rất ảnh hưởng thứ hai – khuynh hướng phân tích cách mạng kiểu Karl Marx – cũng là một phản ứng chống lại chủ nghĩa tự do, nhưng không phải là chủ nghĩa tự do chính trị mà là chủ nghĩa tự do kinh tế. Bởi vì chủ nghĩa Marx cũng đại diện cho một thứ chủ thuyết hiện thực xã hội (chưa vội nói là một thứ thuyết quyết định xã hội), khi nó xem cấu trúc xã hội như một tồn tại độc lập với ý chí của cá nhân và với sự thao túng của lý trí; nó coi xã hội là một chỉnh thể và hoạt động như một toàn thể (mặc dù không phải là một tổng thể hài hòa). Trong những giả định cơ bản này, Marx và De Bonald đều nằm cùng một bên, và đối lập với mô hình nguyên tử (atomistic) của chủ nghĩa tự do; không hề có ở Marx, De Bonald hay De Maistre một ý niệm nào về trật tự xã hội dựa trên các hợp đồng xã hội được ký kết bởi những tác nhân tự do. Nếu đối với những người theo chủ nghĩa Marx, cơ sở hạ tầng của xã hội được chứa đựng trong những cấu trúc kinh tế khách quan của sản xuất và phân phối, và do đó, rất khác với cách khái niệm hóa của Comte và Durkheim, thì dẫu sao cả hai bên đều có nhiều điểm tương đồng với nhau hơn là bên này hay bên kia với chủ nghĩa tự do.
Phần lớn sự phê phán xã hội tư sản của Marx cần được xem như một cuộc tranh luận chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế và các nguyên lý phó mặc (laissez-faire) của nó; chủ nghĩa Marx là sự phủ nhận ý tưởng tiến bộ thông qua tiến hóa kinh tế và chính trị của hệ tư tưởng tự do. Nó cũng bao gồm cả sự phê phán ý niệm con người kinh tế như một con người thuần lý tự thể hiện (self-fulfilling) của chủ nghĩa vị lợi, bởi vì nó nhấn mạnh trên một ý thức được quy định bởi giai cấp hơn là trên động cơ cá nhân. Sự thực là, không giống như phản ứng bảo thủ nhìn vào chủ nghĩa tư bản với sự ngờ vực, do mất tin tưởng vì sự ly dị của nó với đạo đức, Marx đã hoan nghênh sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, vì nó đã vất khỏi sân khấu lịch sử những phụ tùng không cần thiết, và vì nó đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại và công nghiệp. Tuy nhiên, sự kiện ông nhấn mạnh trên sự giải thể các quan hệ xã hội và sự tha hóa lao động trong chế độ tư bản đã đặt ông không xa cách lắm, trong bối cảnh này, với dòng tư tưởng chính trị xã hội kia – cũng như với một số khía cạnh nào đó của đạo đức xã hội Ki-tô giáo (như có thể thấy trong thông điệp Rerum Novarum = Tân Sự nổi tiếng của Leo XIII[22]* chẳng hạn). Điểm khác biệt giữa hai khuynh hướng là dòng xã hội học của Marx trông đợi vào sự thanh tẩy triệt để một xã hội thối nát thông qua một cuộc cách mạng toàn diện mà bạo lực sẽ thổi bay mọi chướng ngại đặt trước cuộc chiến tranh giai cấp tiềm tàng; trong khi dòng tư tưởng tái thiết trong xã hội học được chủ yếu hướng tới việc xây dựng lại toàn thể xã hội trên cơ sở của một thứ đạo đức không bạo lực. Đối với cả hai, những tồi tệ của xã hội hiện đại không thể được vá víu bằng băng dán: bởi những vấn đề xã hội không tồn tại riêng lẻ, mà bắt nguồn từ các điều kiện cấu trúc tổng quát hơn – ở Marx, từ sự bất bình đẳng giữa các giai cấp xã hội; ở Durkheim, từ sự thiếu hụt một thứ đạo lý chung, xuyên giai cấp, và được phản ánh trong những thiết chế xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, nếu hệ tư tưởng xã hội của chủ nghĩa tự do đi ngược lại xu hướng chủ đạo của xã hội học (nơi cả hai dòng tư tưởng xã hội học tái thiết và cách mạng được xử lý như dòng hợp lưu), thì phần lớn các nhà xã hội học tác nghiệp ở Mỹ vẫn tự xác định họ là người tự do và kẻ đề xuất chủ nghĩa tự do (trên các vấn đề như gia nhập chính đảng, nhà nước phúc lợi, các quyền và tự do dân sự, tổ chức nghiệp đoàn… chẳng hạn) hơn là người cấp tiến hoặc bảo thủ. Một số bằng cớ cho khẳng định này có thể được thu góp từ các bài của Erdman Palmore, Henry Turner, và vài tác giả khác trong Phần II. Khuynh hướng này chiếm ưu thế, bất chấp sự kiện là hầu hết hành trang trí tuệ của nền xã hội học Hoa Kỳ – dù là các ý niệm «địa vị xã hội», «chủ thuyết chức năng», «sự phân tầng xã hội» hay «giai cấp xã hội» – tất cả đều xuất phát từ hai hệ tư tưởng lục địa truyền thống mà chúng ta đã thảo luận ngắn gọn. Phải giải thích như thế nào điều có vẻ như câu đố này (mà một số người có thể nghĩ là do «ý thức giả dối (false consciousness)» của các nhà xã hội học) là một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn trong lĩnh vực xã hội học về xã hội học, một đề tài cũng liên quan tới chủ đề của phần thứ nhất trong tập sách này, là quan hệ giữa xã hội học (và những người hành nghề này) với cái khung xã hội của nó.
Quan hệ giữa hệ tư tưởng với xã hội học cũng quan trọng như thế trong việc thẩm định xem những giá trị và lý tưởng đã điều kiện hóa nghiệp vụ xã hội học như thế nào, từ mức độ của những giả định mà các nhà xã hội học đưa ra (về một số tập hợp, hoặc về những phạm trù hay biến số có ý nghĩa trong đời sống xã hội), cho đến mức độ diễn giải hay «lý giải» những dữ liệu đã thu thập được. Hơn nữa, trong khi có xác suất cao là hầu hết các nhà xã hội học đều sẽ nhất trí rằng, như một khoa học, xã hội học phải chính thức tránh mọi lối tiếp cận mang tính chất quy phạm tiên thiên khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội, thì dù sao họ vẫn cùng chia sẻ những phán đoán giá trị, những quan điểm về cái gì là đáng hay không đáng mong muốn, về cái gì là tốt lành hay xấu ác, cho cả xã hội lẫn nghiệp vụ xã hội học.
b) Tính khách quan, sự dấn thân và vấn đề giá trị
Câu hỏi gai góc về «tính khách quan» và mặt đối lập của nó, «sự dấn thân» hay «óc bè phái» là một vấn đề đã xưa cũ trong xã hội học; có lẽ đây là vấn đề dễ kích nổ và gây chia rẽ nhất mà nghiệp vụ xã hội ngày nay đang phải đối mặt. Nó từng được điều trị sâu sắc trong bài luận nổi tiếng của Max Weber, «Tính khách quan» trong Khoa học Xã hội và Chính sách Xã hội[23], một tiểu luận về vai trò của phán đoán giá trị trong các cuộc điều tra của những nhà khoa học xã hội (đã được trích dẫn và tranh cãi cũng nhiều như bị hiểu lầm). Mục đích chính của Weber, như ông đã nói với chúng ta vào cuối cuộc thảo luận, «là theo dõi cái quá trình mỏng như đường tơ kẽ tóc đã tách rời khoa học khỏi tín ngưỡng, và nêu rõ ý nghĩa của việc truy tìm tri thức về xã hội, kinh tế[24]». Weber đã vừa dấn thân triệt để vào sự phát triển toàn diện đời sống trí tuệ trong bối cảnh hàn lâm, vừa đồng thời phản đối mạnh mẽ việc sử dụng nó cho tuyên truyền chính trị; thế nhưng ông không hề có ý định nói rằng nhà nghiên cứu hàn lâm phải tự cắt đứt với mọi quan tâm thực tiễn, kể cả sinh hoạt chính trị. Ông muốn chúng ta phải nhận thức được trách nhiệm khác biệt của mỗi vai trò [nhà khoa học và nhà chính trị], chứ không trộn lẫn chúng vào nhau một cách không phê phán – và qua đó bảo vệ ngay chính sự chính trực của người trí thức. Tuy nhiên, đối với các nhà thực chứng triệt để (những người chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa thực chứng lôgic* hơn là từ Comte), thì tính khách quan trong xã hội học bỗng đồng nghĩa với sự vắng mặt của bất kỳ một sự xử lý và thảo luận nào về giá trị: chẳng những các nhà xã hội học phải không bị vướng víu gì với giá trị, mà họ còn không được nghĩ tới giá trị (và hệ tư tưởng) như một đề tài chính đáng cho việc nghiên cứu xã hội học nữa. Và bóp méo ý nghĩa của quan điểm nói trên nơi Max Weber, họ đã chưng ông ta ra như một uy quyền khoa học hàng đầu trong chủ trương biến môn học này thành một thứ «xã hội học phi giá trị» (một quan điểm mà nhiều người cảm nhận là chẳng khác mấy với một thứ xã hội học «vô giá trị»).
Trong một nghĩa nào đó, xóa bỏ mọi giá trị khỏi bộ môn xã hội học có thể là một lập trường thích hợp, tùy theo quan niệm của mỗi người về đối tượng của khoa học là gì. Tuy nhiên, nhân danh sự chính thống của xã hội học theo Max Weber để làm như vậy là sai lầm, dù chỉ vì một lý do duy nhất: nhiệm vụ trung tâm của công trình nghiên cứu so sánh rộng lớn mà Weber thực hiện [về các tôn giáo][25] chính là để chỉ ra tầm quan trọng của những giá trị tôn giáo trong tổ chức xã hội. Nhưng còn có một hạn chế nghiêm trọng hơn, và đấy chính là lập luận nhằm đòi hỏi một thứ xã hội học «phi giá trị» cũng có thể che giấu một vị trí ý thức hệ. Trong những năm gần đây, các nhà xã hội học từng đề cao «tính khách quan» nghiêm ngặt, và sự kiêng cữ mọi đánh giá đạo đức như vai trò nội tại của các nhà xã hội học thường bị trách mắng rằng thực ra họ chỉ phục tùng một hệ tư tưởng «bảo thủ», nhằm hỗ trợ và duy trì một hệ thống xã hội rập khuôn theo chuẩn mực của giai cấp trung lưu Mỹ[26]. Đối với tôi, dường một cáo buộc như vậy có phần đúng, tuy chắc chắn rằng ta còn cần phải xác định thêm là quan niệm nào về xã hội
Mỹ phải được coi là «bảo thủ» ở đây. Bởi các nhà xã hội học thường bị cáo buộc đã che giấu một hệ tư tưởng bảo thủ trong lập trường «khách quan» của họ – và cáo buộc này có xu hướng tập trung trên các tác giả thuộc trường phái cấu trúc-chức năng (structural-functionalist) như Talcott Parsons*, Robert K. Merton*, Kingsley Davis* – chắc chắn không hề được biết tới như đã từng có quan hệ gắn bó nào với những đòi hỏi chính trị của cánh hữu, ví dụ như hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao, tước bớt quyền hạn của Chính phủ Liên bang, v. v...
Tôi nghĩ rằng xem lập trường «phi giá trị» như thể là một hệ tư tưởng ngụy trang, hoặc đại diện cho một ý thức hệ, có thể là đáng được cân nhắc, nhưng ở một mức độ rất khác so với những nhận định ở trên. Nếu những giá trị thống lĩnh của xã hội ở một thời điểm nào đó đi ngược lại với các giá trị của một số nhà xã hội học, thì đối với những người này, nói rằng xã hội học, trên nguyên tắc, phải tránh mọi thẩm định giá trị trong nghiên cứu và giảng dạy, là một vị trí chiến thuật được thiết kế nhằm che chở cho những nỗ lực nghiệp vụ của họ trước quyền tài phán về giá trị của xã hội đương tồn, hơn là đại diện cho một sự dấn thân chân thực vào một thứ khoa học xã hội «phi giá trị». Sự kiện là ngày nay, một số nhà xã hội học trước đây không bao lâu còn đưa ra những khẳng định đầy nhiệt tình và tin tưởng vào sự tách rời triệt để mọi giá trị khỏi công việc nghiên cứu và giảng dạy xã hội học (đồng thời cũng kiên quyết chống lại việc thiết lập một bộ luật đạo lý nghiệp vụ cho các nhà xã hội học nữa), bây giờ lại phát biểu nhân danh một nền «xã hội học dấn thân», có thể cho thấy một tình cảm tự tin nơi họ, rằng các định hướng giá trị của họ nay đã có nhiều khả năng được chấp thuận (và hỗ trợ về mặt thể chế) khoảng hơn một thế hệ trước. Ở đây, như một phản khuynh hướng cũng rất thú vị để suy ngẫm, chúng ta có trường hợp của một nhà xã hội học nổi tiếng, người đã tấn công, trong một bài luận rực rỡ, cái «huyền thoại» về một học thuyết khoa học xã hội phi giá trị (ông ta cũng đã từng giúp khởi động một tạp chí được thiết kế nhằm đưa các thẩm định giá trị và những vấn đề về chính sách xã hội thẳng lại đấu trường xã hội học), để rồi mới đây phải đau đớn đánh giá lại trường hợp của đòi hỏi về tính khách quan[27]. Ít nhất, những thay đổi vị trí trong việc sử dụng và cáo buộc liên quan đến hệ tư tưởng và giá trị trong xã hội học cũng là một chủ đề đáng được nghiên cứu của xã hội học về xã hội học.
Trong biểu hiện tích cực của nó, sự căng thẳng nội tại giữa «tính khách quan» và «sự dấn thân» là một nguồn sáng tạo cho nhà xã hội học, bởi nó buộc ông ta phải chú ý tới các vấn đề và quan tâm xã hội được chia sẻ trong xã hội vĩ mô. Nó không chỉ là cái chỉ thị phải đặt chúng dưới một thứ ánh sáng mới, thông qua một khả năng giám định chuyên môn mà người ngoại cuộc không nắm trong tay, nó còn làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về vai trò của một nhà xã hội học trong xã hội hiện đại, những nét có thể đã bị bỏ qua nếu không có sự căng thẳng ấy. Tuy nhiên, nếu nó không được giữ [trong giới hạn] và để cho «sự dấn thân», «tính đảng» hay «quan tâm xã hội» trở thành thước đo nhằm đánh giá nỗ lực của mỗi đồng nghiệp xã hội học, thì một Frankenstein có thể được kích hoạt lại, rồi hắn sẽ phân chia xã hội học thành nhiều phe phái ý thức hệ có ranh giới, và không còn bao nhiêu liên hệ với nhau nữa, như «xã hội học cách mạng Mác-xít», «xã hội học bảo thủ Ki-tô giáo», «xã hội học xã hội chủ nghĩa dân chủ», «xã hội học da đen», v. v… Các bài viết của Raymond Aron và George Fischer* về sự căng thẳng giữa các nhà xã hội học phương Tây và Liên Xô ở mức độ hệ tư tưởng gợi lên loại nguy cơ liên hệ ở đây. Như vậy, đây là một vấn đề nan giải mấu chốt liên quan tới hệ tư tưởng, những giá trị xã hội, và xã hội học: nếu bị chính trị hóa và quá tải về ý thức hệ, xã hội học có thể sẽ đánh mất định hướng khoa học là theo đuổi chân lý và sự uyên bác trí tuệ, rồi nổ tung thành nhiều mảng phe đảng loại trừ lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu không thừa nhận các giá trị và hệ tư tưởng, không đấu vật với chúng, thì xã hội học có thể sẽ bị trì trệ trong loại nghiên cứu cằn cỗi và ấu trĩ, thiếu vắng các khía cạnh thú vị đáng đam mê, và đầy náo động của tồn tại xã hội.
Sự căng thẳng có tính hiện sinh này nằm ngay ở trung tâm của nỗ lực xã hội học. Từng được Weber luận giải xuất sắc, nó là bàn đạp cho cuộc đối thoại giữa Reinhard Bendix*, một học giả hàng đầu theo quan điểm của Weber, với Robert Merton*, cũng là một nhà xã hội học về khoa học hàng đầu (trong số những thành tựu khác của họ) ở Phần II[28]. Vấn đề khách quan cùng các giới hạn của nó, và mối quan hệ của nó với các giá trị tiềm ẩn hay minh bạch đã cấu trúc hóa vai trò và hoạt động của các nhà xã hội học, cũng được khảo sát trong các bài viết từ nhiều bối cảnh khác nhau của Paul Furfey*, Charles Wright Mills*, và Gideon Sjoberg với Ted Vaughan. Chúng tôi cũng đã chọn đưa vào đây một bài báo của Stuart Queen, mặc dù ra đời năm 1941, có thể được xem như vẫn giữ được sự liên quan sâu sát của nó[29]: cuộc chiến tranh Việt Nam đã tạo ra nhiều căng thẳng và xung đột ngay trong Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ, về tư thế công khai của các nhà xã hội học cũng như hiệp hội nghề nghiệp của họ; bài viết của Queen có thể cung cấp một bối cảnh lịch sử và một ít «tính khách quan» nào đấy cho tình huống đương đại, bằng cách thảo luận phản ứng của các nhà xã hội học đối với một cuộc khủng hoảng chiến tranh trước đấy (thế chiến thứ hai).
Cũng trong phần II, trích đoạn từ Thời Trang Và Nhược Điểm Trong Xã Hội Học Hiện Đại Và Các Khoa Học Liên Hệ (Fads and Foibles in Modern Sociology and Related Sciences) của Pitirim Sorokin* là một phê phán khác cho những gì được chấp nhận là dữ liệu «khách quan», đồng thời chỉ ra cái chiều kích ngầm trong cấu trúc-giá trị của nghiên cứu xã hội học, như nó có liên quan tới cái đạo nghĩa* văn hoá rộng lớn hơn. Đó là sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu cực, và sự lượng hóa rỗng tuếch mà Sorokin cho là một phần của bệnh thích «gây ấn tượng» ở giới hàn lâm và các định chế quyền uy, mà theo cảm nhận của ông, được đa số các nhà xã hội học đã nên danh phận chấp nhận một cách không phê phán. Cuối cùng, bài viết chót của Gerald M. Platt* và Fred Weinstein* trong phần này đã dùng phân tích tâm lý để đưa vào đây một sự xét lại cơ bản về vấn đề tha hóa[30], cái mà Nisbet gọi là «đơn vị-ý tưởng» (unit-idea) của xã hội học cổ điển. Có thể gợi ý rằng bài đóng góp của Platt và Weinstein nên được đọc kết hợp với bài viết của Seymour Leventman* trong Phần III, bởi nếu chủ đề của bài trước là xã hội học về sự tha hóa, thì bài sau liên quan chủ yếu tới sự tha hóa của xã hội học.
Lĩnh vực giá trị và hệ tư tưởng còn mở ra một phân khu nghiên cứu khác cho xã hội học về xã hội học mà một số độc giả của tập sách này có thể xét nghĩ tới việc bắt tay thực hiện. Vì sao, và dưới điều kiện nào, những giá trị biểu hiện hoặc chứa đựng trong một số lý thuyết hoặc phương pháp xã hội học được chấp nhận hơn các giá trị khác, và dưới những điều kiện nào chúng bị thất sủng? Những yếu tố xã hội nào giải thích cho sự kiện một số nhóm hoặc trường phái xã hội học ở một quốc gia nhất định đạt được sự thống trị trí tuệ trên các nhóm hay trường phái đối lập? Những tài nguyên và thuận lợi quan trọng nào từ cả hai nguồn, nghiệp vụ xã hội học và xã hội vĩ mô, đã khiến cho sự thành công này là có thể? Phải chăng đây chỉ là trường hợp có được những nhân cách mạnh mẽ hơn, hoặc giả còn có những yếu tố cấu trúc nào khác đáng được khảo sát? Bài viết của Jack Douglas* thẩm định sự thành công của tác phẩm Le Suicide của Durkheim, và cùng với quyển sách, sự thành công của cách tiếp cận thông qua thống kê, đã gợi ý về sự hữu hiệu của loại công cụ điều tra trước đây chỉ nhận được rất ít quan tâm trên.
IV - CÁC VẤN ĐỀ NỘI BỘ VÀ CẤU TRÚC NGHỀ NGHIỆP
Phần III của tập sách này4 liên quan chủ yếu đến chiều kích thứ ba của xã hội học về xã hội học trong quan hệ với hai khía cạnh trước, cụ thể là các khía cạnh nội bộ và những cấu trúc nghề nghiệp. Nhiều bài viết đề cập tới vấn đề hệ tư tưởng trong các cấu trúc nội bộ của khoa xã hội học. Chẳng hạn, bài của Julius Gould* xem hệ thống khái niệm của xã hội học như một cái khung cơ bản, bao gồm cả yếu tố ý thức hệ trong ngôn từ của chúng ta. Trong một cái nhìn khái quát về nghề nghiệp, Talcott Parsons – có lẽ là nhân vật có ảnh hưởng nhất trên xã hội học Mỹ suốt ba thập kỷ qua – đã xác định, không những chỉ những thành tựu của nó, mà cả các vấn đề về cơ cấu nó đang phải đối mặt suốt quá trình thiết chế hóa, trong đó tất nhiên có vấn đề hệ tư tưởng. Cũng về quá trình định chế hóa môn xã hội học ở Hoa Kỳ, Seymour Leventman đưa ra một cái nhìn tương phản trong đóng góp của ông vào tác phẩm4.
Nhìn từ bên trong, xã hội học còn đặt ra nhiều vấn đề khác. Chúng ta đào tạo và phải đào tạo sinh viên, chưa tốt nghiệp cũng như đã tốt nghiệp, như thế nào – nghĩa là chương trình học xã hội học phải được cấu trúc hóa ra sao và hướng tới mục đích gì – nói theo kiểu của Robert Lynd là «Xã hội học để làm gì?». Những bài được chúng tôi chọn đăng ở đây của Elbridge Sibley và Amitai Etzioni tập trung trên vấn đề này, và do được nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau, sẽ cung cấp cho độc giả một cuộc đối thoại khác trong chuyên ngành xã hội học về xã hội học.
Liên quan đến vấn đề trên là toàn bộ các câu hỏi bao quanh quá trình xã hội hoá các nhà xã hội học, và việc tuyển dụng nhân sự trong các bộ phận khác nhau của nghề xã hội học. Loại người nào quan tâm đến việc trở thành chuyên gia xã hội học, và hành nghề xã hội học như một công việc trọn đời?, những «đặc điểm nhóm» của các nhà xã hội học là gì, và có thể so sánh chúng như thế nào với các đặc trưng nhóm của những nghề nghiệp khác? Nhiều thông tin có giá trị về vấn đề này đã được cung cấp trong một tác phẩm của Elbridge Sibley[31], nhưng chúng còn cách xa với mức độ đầy đủ. Ví dụ, khi các công trình xã hội học được thực hiện bởi những tác giả có khung nền xã hội (social backgrounds) khác nhau – về giai cấp, sắc tộc, tôn giáo, đô thị hay nông thôn – thì chúng sẽ có những hàm ẩn và hệ quả nào cho chính bản chất của nỗ lực nghiên cứu? Bài viết của C. Wright Mills* trong Phần II chỉ ra rằng đây không phải là một câu hỏi tầm thường, mặc dù nội dung bài phân tích của ông ta đã cũ. Chúng ta cũng cần có thêm tài liệu so sánh: nhân viên xã hội học Mỹ trong các cơ quan điều khiển đã được tuyển dụng như thế nào, về khung nền xã hội và tri thức, so sánh với các nước khác? Sự đào tạo theo quy trình khác nhau như thế nào, trong nội địa Hoa Kỳ và giữa các quốc gia với nhau? Nói cách khác, ở đây, những khác biệt lớn trong quá trình xã hội hóa và tuyển dụng các nhà xã hội học là gì? Như một đề tài nghiên cứu cụ thể, phải chăng chỉ là tình cờ mà phần lớn các nhân vật nổi bật nay được xác định như thuộc trường phái cấu trúc-chức năng (hay «mô hình đồng thuận») đều là sinh viên tốt nghiệp từ Harvard trong những năm 1930, trong khi hầu hết các nhà lý thuyết tiếng tăm của «mô hình tranh chấp» (Lewis A. Coser*, Irving L. Horowitz*, Alvin W. Gouldner*, v. v…) thì đều đã hoàn tất các quy trình đại học cao cấp của họ tại Columbia vào những năm 1940 hoặc 1950 – phải chăng đây chỉ là một phản ảnh về ảnh hưởng của Sorokin và Parsons trong vai trò giáo sư một bên, của Mills và Lynd ở bên kia, hay còn có những khía cạnh đáng chú ý nào khác về cấu trúc xã hội trong mỗi bối cảnh?
Tổng quát hơn, các loại cấu trúc và quan hệ không chính thức nào, những mạng lưới xã hội nào đã kết nối các phe nhóm khác nhau trong cùng ngành nghề này? Trên cơ sở so sánh, nghiên cứu xã hội học được thực hiện ở đâu, dưới sự bảo trợ của ai, và những hệ quả nào đã xuất phát từ các tổ chức có cấu trúc khác nhau đó trong xã hội học? Bài viết của Gurvitch trong Phần I đề cập ít nhiều đến một số vấn đề cấu trúc của xã hội học ở Pháp (đặc biệt là sự thiếu thốn cơ hội tác nghiệp sau khi được đào tạo ở đại học), và bài đóng góp của Coser trong Phần III, về hoàn cảnh phải đứng bên lề môi trường hàn lâm Đức của Georg Simmel*, đã cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu hữu quan khác. Trong lĩnh vực cấu trúc nội bộ của khoa xã hội học này, mạng lưới truyền thông giữa những người nghiên cứu được trình bày trong hai bài viết. Giáo sư Nan Lin cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu thực nghiệm liên quan tới sự phát tán thông tin chênh lệch giữa các nhà xã hội học, trong khi bài đóng góp của Tiryakian nhìn thẳng vào mặt chính của cái có vẻ như sự thiếu nhận biết và thiếu liên lạc giữa Durkheim với Weber.
Các cấu trúc đa dạng của xã hội học, giống như bất kỳ hiện tượng lịch sử-xã hội nào khác, không luôn luôn ở trong trạng thái tĩnh mà phải chịu nhiều sửa đổi và biến đổi theo thời gian. Do đó, nghiên cứu về thay đổi xã hội [ở mức độ vĩ mô] cũng có thể được áp dụng cho xã hội học về xã hội học. Ví dụ, yếu tố gì có thể giải thích cho những thay đổi cấp bậc giữa các phân khoa được xem là tiên phong trong xã hội học, hoặc nói một cách thô bạo hơn, cho các cuộc dọn nhà «tới những nơi có sinh hoạt» trong xã hội học? Các bài viết của Richard Simpson và James McCartney dẫn chúng ta tới một câu hỏi hữu quan khác: trong nghiên cứu xã hội học, lý do nào giải thích những đề tài thời trang được các nhà xã hội học quan tâm nghiên cứu, hay những chủ đề thời trang được ưu tiên hỗ trợ tài chính?
Để kết luận bài dẫn nhập «xã hội học về xã hội học» ngắn gọn này, có lẽ không cần phải chỉ thêm ra rằng cả ba khía cạnh của lĩnh vực nói trên – quan hệ bên ngoài của xã hội học với bối cảnh xã hội rộng lớn hơn, vấn đề giá trị và hệ tư tưởng trong môn học, và cấu trúc nội bộ của xã hội học – đều là những khía cạnh phân tích của hiện tượng cụ thể gọi là xã hội học. Tôi phải nhấn mạnh rằng không có gì là giáo điều hoặc vĩnh viễn trong cách tôi đã khái niệm hóa nó, và tôi cũng không hề có ý muốn bao quát toàn diện mọi vấn đề cần được nêu ra, bởi điều này đòi hỏi phải đẩy cuộc nghiên cứu đi xa hơn nữa. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới, nó không mới theo nghĩa chưa từng có ai đặt chân tới, như đóng góp kết luận của Charles Peek cho thấy (và cung cấp cho độc giả nhiều nguồn thông tin về nhân sự cần được hệ thống hóa hơn nữa). Sự cần thiết phải có một diễn đàn liên tục cho ngành xã hội học về xã hội học là điều có ý nghĩa sống còn, và đã được giải quyết phần nào, nhờ sự xuất hiện một ấn phẩm mới của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ là tập san The American Sociolologist. Hy vọng rằng tuyển tập các bài đọc đăng ở đây sẽ tiếp tục đẩy xa hơn nữa sự nối khớp trong lĩnh vực này. Nếu tuyển tập của chúng tôi thành công trong việc giúp cho những sinh viên mới tiếp xúc lần đầu tiên với bộ môn có được một cảm giác cụ thể hơn về sự phong phú của hiện tượng xã hội học, nếu nó thành công trong việc truyền đạt lại và đổi mới nhiệt tình cùng óc tò mò của người thực hành đã cằn cỗi trong nghề, và nếu nó làm giảm đi sự xa cách của các nhà xã hội học với nhau,… thì chúng tôi coi như đã được đền bù và tặng thưởng rất nhiều.
Edward Ashod Tiryakian,
Hiện Tượng Xã Hội Học
(The Phenomenon of Sociology,
New York, Appleton-Century-Crofts, 1971, tr. 1-15).
[1] Edward Ashod Tiryakian (1929-….): nhà xã hội học người Mỹ. Tác phẩm: Sociologism and Existentialism (1979); Ethnicity, Ethnic conflicts, Peace processes: Comparative perspectives (2004); For Durkheim: Essays in historical and cultural sociology (2009). Chủ biên: Sociological theory, Values and Sociocultural change (1963); The Phenomenon of sociology (1971); On the Margin of the Visible (1974). NVK
[2] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Albion W. Small, What is a Sociologist? (The American Journal of Sociology 8, 1-1903, tr. 468-477). NVK
[3] Xem trong tuyển tập này: Charles W. Peek, The Sociology of Sociologists: a Bibliographical Evaluation, tr. 442-469. Phần đầu của bài (tr. 442-451) sẽ được dịch và đăng ở đây. NVK
[4] The Phenomenon of Sociology : A Reader in The Sociology of Sociology, Ed. by Edward Tiryakian (New York : Meredith Corporation, 1971). NVK
[5] Như bằng chứng hỗ trợ hiển nhiên, xem: Mihailo Popovich, Các Nhà Xã Hội Học Người Mỹ Nghĩ Gì Về Khoa Học Của Họ Và Những Vấn Đề Của Nó?, The American Sociologist I, 5-1966, tr. 133. Popovich cho thấy rằng chỉ có 6/30 nhà xã hội học nổi tiếng mà ông phỏng vấn (1963-1964) nghĩ rằng có một lý thuyết xã hội học tổng quát thống trị ở Hoa Kỳ.
[6] Xem: Marcel Mauss, Luận Về Biếu Tặng [Essai sur le don] bản dịch của Nguyễn Tùng (Hà Nội, nxb Tri Thức, 2011). Xin trân trọng giới thiệu. NVK
[7] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Raymond Aron, Société moderne et sociologie (Trg: Transactions of the Fourth World Congress of Sociology, vol. 1, 1959, tr. 1-19). NVK
[8] Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Lãng mạn trên xã hội học không được quan tâm mấy, nhưng nó xứng đáng được nhận ít ra là một bình luận qua loa. Jean-Jacques Rousseau là nhà lãng mạn mà các bài viết về xã hội đã sớm là một bóng ma buộc các nhà xã hội học tới sau phải chật vật đương đầu như với bất cứ một đồng nghiệp nào khác. Comte và Marx, đầu nguồn của hai truyền thống xã hội học cách biệt và sẽ được chủ yếu thảo luận sau trong phần giới thiệu này, cũng phản ánh ảnh hưởng lan rộng của Chủ nghĩa Lãng mạn. Comte cho thấy điều đó trong các tác phẩm về sau của ông (Hệ thống Chính Trị Thực Chứng = Système de politique positive, Lời Kêu Gọi Các Nhà Bảo Thủ = Appel aux conservateurs), với sự nhấn mạnh trên con tim, tình cảm, tình yêu, sự thần thánh hóa người nữ (để có một phân tích xuất sắc, xem: Ernest Seillière, Auguste Comte, Paris: Librairie Felix Alcan, 1924). Về phần Marx, những trước tác đầu tay về «tha hóa» – một chủ đề đại chúng của giới lãng mạn – và về cuộc cách mạng mạt thế huyền bí của ông – biến cố sẽ khiến con người tìm lại được cái ta «tự nhiên» của mình – đều là những chỉ dấu rằng quan điểm của ông về cuộc sống là một phần (mặc dù không thể bị giản lược vào đấy) của tinh thần và thế giới quan thời đại (Zeitgeist), như ở các nhà lãng mạn dễ nhận diện hơn kiểu Byron và Heine, vốn cũng là những người đầy nhiệt tình trước chủ nghĩa triệt để trong chính trị. Để có một cái nhìn tổng quan hữu ích, xem: H. G. Schenk, Tinh Thần Của Trào Lưu Lãng Mạn Châu Âu = The Mind of the European Romantics (New York, Frederick Ungar, 1966).
[9] Formulations, thường được dịch là «công thức». Ở đây, chúng tôi mạn phép dịch là «biểu thức», trên cơ sở ta đã có «biểu đồ», «biểu văn», «biểu nghĩa» để chuyển tải cụm từ «cách trình bày bằng ngôn từ hay phương thức biểu đạt», và tuy cả «công thức» lẫn «biểu thức» đều xuất phát từ toán học, chúng tôi chủ quan nghĩ rằng «biểu thức» dễ nghe hơn trong các ngữ cảnh ngoài toán học. NVK
[10] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Robert A. Nisbet, The French Revolution and the Rise of Sociology in France (The American Journal of Sociology 49, 9-1943, tr. 156-164). NVK
[11] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Émile Durkheim, Các Tôn Chỉ Năm 1789 Và Xã Hội Học (Les Principes de 1789 et la sociologie, Revue Internationale de l’Enseignement, 19, 1890, tr. 450-456) & Émile Durkheim, Tổng Quan Xã Hội Học Pháp (1815-1915). NVK
[12] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Leon Bramson, The Rise of American Sociology (Trg : The Political Context of Sociology, Princeton, Princeton University Press, 1961). NVK
[13] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Karl Mannheim, German Sociology (1918-1933) (Trg: Essays on Sociology and Social Psychology, London, Routledge and Kegan Paul, 1953). NVK.
[14] Xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Georges Gurvitch, Les cadres sociaux de la connaissance sociologique (Cahiers Internationaux de Sociologie, 26, 1959, tr. 165-172). NVK
[15] Câu này cần được giải thích. Mill và Spencer chỉ công nhận phần đầu của chủ nghĩa thực chứng – cách tiếp cận khoa học những hiện tượng xã hội của Comte – và bác bỏ phần sau – những yếu tố siêu nghiệm và đạo lý, chẳng hạn như sự nhấn mạnh trên chủ nghĩa vị tha, mà bản thân Comte cho là phần bổ túc thiết yếu của chủ nghĩa thực chứng. Theo tôi, nếu hai tác giả Anh này đã không tiêu hóa nổi phần lớn học thuyết của Comte, đấy căn bản là vì một va chạm về hệ tư tưởng, hơn là vì bất cứ lý do nào khác (Comte là đại biểu của một thứ chủ nghĩa tập thể tôn giáo mới, trong khi Mill và Spencer đều theo chủ nghĩa tự do cá nhân). Với ý tưởng này trong đầu, độc giả có thể đọc Auguste Comte Và Chủ Nghĩa Thực Chứng (Auguste Comte and Positivism, Philadelphia, J. B. Lippincott, 1866) của John Stuart Mill với nhiều thích thú.
[16] Để có một nghiên cứu mới về nhận định này, xem: Irving M. Zeitlin, Ideology and the Development of Sociological Theory (Englewood Cliffs, N. J. : Prentice-Hall, 1968).
[17] Thuật từ chỉ nhóm tác giả mà đối tượng tư duy tập trung trên các vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo trong thế kỷ XVIII, và đã có ảnh hưởng sâu sắc sắc trên cuộc Đại cách Mạng Pháp năm 1789: Montesquieu (1689-1755), Voltaire (1694-1778), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Denis Diderot (1713-1784). NVK
[18] Để có một tranh luận sâu rộng hơn, xem: Robert A. Nisbet, Conservatism and Sociology (American Journal of Sociology 58, 9-1952, tr. 167-175.
[19] «Đúng là các phường hội không được bao gồm trong những biểu văn lý thuyết của Cơ Đốc giáo, nhưng chúng lại chính là biểu hiện chân thực của đạo Cơ Đốc hữu cơ = Guilds, it is true, were not included in formulated Catholic theory, but they were a genuine manifestation of organic Catholicism», N. E. Egerton Swann, Is There a Catholic Sociology? (New York: The Macmillan Co., 1922, tr. 30).
[20] Xem: Nisbet, Conservatism and Sociology chẳng hạn, và Lewis A. Coser, Durkheim's Conservatism and its Implications for his Sociological Theory (Trg: Kurt H. Wolff, Ed., Emile Durkheim 1858-1917, Columbus, Ohio State University Press, 1960, tr. 211-232).
[21] Chẳng hạn, hai phê phán cánh hữu nổi bật nhất đến từ Charles Maurras và Simon Deploige. Chủ yếu, cả hai đều xem Durkheim như kẻ đã du nhập những ý tưởng ngoại bang, tệ hơn nữa là loại ý tưởng «làm ở Đức». Xem: Deploige, Le Conflit de la morale et de la sociologie (Paris, Nouvelle Librairie Nationale, 1927, tr. 137 và ở nhiều trang khác).
[22] Trong thông điệp ngày 15-5-1891 này, Giáo hoàng Leo XIII (1810-1903, nhiệm kỳ 1878-1903) đã đưa ra một số hướng dẫn về vấn đề xã hội: ông kết án chủ trương tự do kinh tế vô hạn, yêu cầu các chính quyền can thiệp vào việc phân phối hoa lợi, bênh vực quyền lợi của giới công nhân (số giờ làm việc, quyền nghỉ ngơi mỗi tuần, lương bổng), và cổ võ cho các tổ chức nghiệp đoàn. Đây là lần đầu tiên Giáo hội Cơ Đốc đưa ra một học thuyết xã hội, được trình bày có hệ thống nhằm đương đầu với những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cuộc cách mạng kỹ nghệ. Thông điệp này thúc đẩy tín đồ Cơ Đốc giáo không thu mình trốn tránh vào quá khứ nữa, mà dấn thân tranh đấu cho quyền lợi của người lao động trong các tổ chức chính trị và công đoàn. Leo XIII được gọi là vị «Giáo hoàng của giới công nhân», và thông điệp Tân Sự ngày nay vẫn còn là bản văn quy chiếu của giáo huấn xã hội Cơ Đốc giáo. NVK
[23] Trg: Max Weber, The Methodology of the Social Sciences (Edward A. Shils và Henry A. Finch dịch và xuất bản, New York, The Free Press of Glencoe, 1949, tr. 49-112). ET. Max Weber, Essais sur la théorie de la science, Julien Freund dịch và dẫn nhập, Paris, Plon, 1965, tr. 119-213. NVK
[24] Ibid., tr. 110 (bản tiếng Anh).
[25] Bộ sách đồ sộ này (1920-1921) đã được dịch sang tiếng Anh trong 4 quyển: The Sociology of Religion, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus), The Religion of China: Confucianism and Taoism (Konfuzianismus und Taoismus), The Religion of India: The Sociology of Hinduism and Buddhism (Hinduismus und Buddhismus) và Ancient Judaism (Das antike Judentum). Công trình nghiên cứu của Weber về các tôn giáo khác (Ki-tô giáo buổi đầu và Hồi giáo) bị gián đoạn khi ông bất ngờ mất năm 1920. Ba chủ đề của các tác phẩm đã xuất bản là: hệ quả của tư tưởng tôn giáo trên sinh hoạt kinh tế, tương quan giữa tư tưởng tôn giáo với sự phân tầng xã hội, và đặc trưng của nền văn minh Tây phương. Quyển Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus đã được dịch sang tiếng Việt, xin trân trọng giới thiệu: Max Weber, Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Tư Bản, bản dịch tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang (Hà Nội, nxb Tri Thức, 2008). NVK
[26] Để tìm hiểu thêm, xem một trong những trước tác đáng kể nhất về mạch suy nghĩ này: John Horton, The Dehumanization of Anomie and Alienation: A Problem in the Ideology of Sociology (The British Joumal of Sociology 15, 12-1964, tr. 283-300).
[27] Alvin W. Gouldner, Anti-Minotaur: The Myth of a Value-Free Sociology, (Social Problems 9, số Mùa đông, 1962, tr. 199-213); và The Sociologist as Partisan: Sociology and the Welfare State (The American Sociologist 3, 5- 1968, tr. 103-116).
[28] Xem các tiểu luận trên (đăng trong tuyển tập The Phenomenon of Sociology này: Rheinhard Bendix, Sociology and Ideology ; Robert K. Merton, The Precarious Foundations of Detachement in Sociology: Observations on Bendix’s «Sociology and Ideology»; Reinhart Bendix, Comment) tại đây, khi có thể tham khảo. NVK
[29] Stuart A. Queen, Sociologists in the Present Crisis (Social Force 20, 10-1941, tr, 1-7). Bài tranh luận về vai trò của các nhà xã hội học Hoa Kỳ trong cuộc Thế chiến thứ II.
[30] Theo Robert Nisbet*, «đơn vị-ý tưởng» của xã hội học là thứ ý tưởng mấu chốt đã hình thành ở vùng hợp lưu của ba dòng tư tưởng triết học chính trị truyền thống (bảo thủ, tự do và cấp tiến) trước những thách thức từ hai cuộc cách mạng lớn của thời hiện đại (Cách mạng Pháp và cách mạng công nghiệp). NVK. Xem: Robert A. Nisbet, The Sociological Tradition (New York, Basic Books, 1966, tr. 264-312).
[31] Xem: Elbridge Sibley, The Education of Sociologists in the United States (New York, Russell Sage Foundation, 1963).