Đưa lên mạng ngày 15-08-2020 Từ khóa : Vật lý học – Thế kỷ 17 ; Cách mạng khoa học (Khái niệm) ; Koyré, Alexandre – Trích đoạn |
C2 |
CUỘC CÁCH MẠNG CỦA GALILEO
TRONG VẬT LÝ HỌC Ở THẾ KỶ XVII|
(1943)
Tác giả: Alexandre Koyré*
Bản tiếng Pháp: Georgette P. Vignaux
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Nếu khái niệm tiến bộ tuyến tính[1] dường như rất «có vấn đề» trong sự phát triển của lịch sử nói chung, thì nó vẫn có vẻ như hoàn toàn thích hợp, ít nhất ở một lĩnh vực là lịch sử các khoa học. Sự sàng lọc và tinh tế hóa dần dần tri thức của ta, những tiến bộ kỹ thuật nhờ vào, đồng thời thúc đẩy trở lại, các bước tiến của khoa học, đã có thể cho phép chúng ta bênh vực và duy trì lâu năm một quan điểm như vậy.
Nhưng nghiên cứu lịch sử khoa học thời Phục Hưng, rồi sau đó của thời Galileo-Newton*, Alexandre Koyré (1882-1964) cho thấy tính thích đáng của khái niệm cách mạng nhằm phân tích sự phát triển của khoa học. Ở Pháp, cùng với Gaston Bachelard*, Georges Canguilhem*, ông đã góp phần đẩy lui ý tưởng tiến bộ tuyến tính trong khoa học vào hậu trường. Ý tưởng «cách mạng» là thích đáng, nếu ta nghĩ tới trọng lượng của những «yếu tố ngoài lô-gic» đã giải thích sự thành công cả nghìn năm của truyền thống nhân danh Aristotelês: mặc dù đầy sai trật, thứ vật lý học định tính của ông ta hiển nhiên là vừa gần gũi với các giác quan của chúng ta hơn, vừa gắn kết hết sức chặt chẽ với quan niệm triết học về thế giới làm nền tảng cho nó; đấy là chưa kể tới tầm vóc bác học của bản thân Aristotelês. Để lật đổ nó, cần cả một sự tẩy não, một sự lột xác, một sự cải đạo.
Trong trích đoạn dưới đây, Koyré đã đặc trưng hóa, một cách khó lòng rõ ràng hơn, cuộc cách mạng vật lý học trong thế kỷ XVII, đồng thời và qua đó, khái niệm cách mạng khoa học nói chung. Và ở đây, nếu ông đặt dấu nhấn trên sự thay đổi não trạng của cả một thời kỳ, ông cũng không quên gắn liền nó với tên họ của những cá nhân tiêu biểu nhất. Bởi đặc trưng của lịch sử khoa học, ngoài nghĩa vụ đánh giá mà G. Bachelard đã đề cập tới, và chúng tôi đã dịch đăng ở trang mục khác, là nghĩa vụ ghi nhận vai trò của những cá nhân xuất sắc – dù không quên biện chứng qua lại giữa ảnh hưởng của tinh thần thời đại (Zeitgeist) với vai trò của cá nhân trong lịch sử, dù không quên rằng ngay cả các cá nhân xuất sắc nhiều khi vẫn còn là những Janus hai mặt (như Newton*, vừa là nhà cách mạng vật lý học, vừa là người đam mê thuật giả kim)! Dù sao, chỉ trong lịch sử khoa học, và hơn ở bất kỳ lĩnh vực nào khác – trừ tôn giáo có lẽ – và hơn trong lịch sử chính trị nhiều, mà chúng ta có thể nói, một cách thích đáng nhất, tới các cuộc cách mạng mang tên cá nhân, như những tên Kopernik*, Galileo*, Newton, Einstein*, v. v...
*
Tên họ của Galileo Galilei đã gắn liền, không thể tách rời, với cuộc cách mạng khoa học của thế kỷ XVII, một trong những cuộc cách mạng sâu sắc nhất, nếu không phải là cái sâu sắc nhất của tư duy con người, kể từ khi tư tưởng Hy Lạp phát hiện ra [ý tưởng] Vũ Trụ (Kosmos)[2]. Bởi cuộc cách mạng này bao hàm một sự đột biến trí tuệ triệt để mà khoa học vừa là biểu hiện, vừa là thành quả[3].
Cuộc cách mạng này đôi khi được đặc trưng hóa, đồng thời giải thích, bằng một cuộc trỗi dậy tinh thần, thông qua một biến đổi toàn diện trong thái độ cơ bản của trí tuệ con người: lối sống năng động (vita activa) từ nay chiếm chỗ của theoria[4], cách sống chiêm nghiệm (vita conlemplativa) từng được xem là hình thức cao nhất của nó. Con người hiện đại tìm cách thống trị thiên nhiên, trong khi con người Trung Cổ hay Cổ Đại dồn mọi nỗ lực vào việc chiêm nghiệm nó trước hết và trên hết. Như vậy, chúng ta phải giải thích, bằng mong muốn hành động và ý muốn thống trị, cái xu hướng cơ học của vật lý học cổ điển – thứ vật lý học của Galileo, Descartes, Hobbes* –, một khoa học tích cực, thao tác (scientia activa, operativa), thứ vật lý học phải biến con người thành «chủ nhân và người sở hữu thiên nhiên»[5] – nghĩa là chúng ta phải xem nó như đã xuất phát đơn thuần từ thái độ này, như thể đây chỉ là sự áp dụng các phạm trù tư tưởng của loại người chế tác (homo faber)[6] vào thế giới tự nhiên. Khoa học của Descartes – hay của Galileo còn đúng hơn nữa – chính là thứ khoa học của nhà công nghệ và kỹ sư[7] chứ chẳng là gì khác.
Xin thú thực rằng giải thích trên không thỏa mãn tôi hoàn toàn. Tất nhiên, đúng là triết học hiện đại, cũng như đạo đức và tôn giáo hiện đại, đều nhấn mạnh trên hành động, trên thực tiễn hơn là tư tưởng Cổ Đại và Trung Cổ từng làm. Điều này cũng đúng cho khoa học hiện đại: tôi nghĩ tới vật lý học của Descartes, tới những đối chiếu của nó với nào ròng rọc, nào dây, nào đòn bẩy. Tuy nhiên, thái độ mà chúng ta vừa mô tả được thấy nhiều hơn ở Bacon – người mà vai trò trong lịch sử khoa học không thuộc cùng một trật tự[8] – hơn là ở Galileo hay Descartes. Khoa học của họ không phải là công việc của các nhà kỹ sư hay thợ thủ công[9], mà là của những người mà sự nghiệp hiếm khi vượt quá trình tự lý thuyết[10]. Khoa đạn đạo mới được phát triển không phải bởi các tay bắn pháo hoa hay pháo binh, mà chống lại họ. Và Galileo đã không học nghề của mình từ những người làm việc trong các kho vũ khí và xưởng đóng tàu của Venezia. Trái lại, ông dạy họ cái nghề của họ. Hơn nữa, lý thuyết trên đã giải thích vừa quá nhiều, vừa quá ít. Nó giải thích sự phát triển phi thường của khoa học trong thế kỷ XVII bằng sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, sự phát triển của cái sau lại vô cùng ít ấn tượng hơn của cái trước. Ngoài ra, nó còn bỏ quên những thành tựu kỹ thuật của thời Trung Cổ. Nó coi thường thèm muốn quyền lực và sự giàu có đã truyền cảm hứng cho thuật giả kim qua suốt lịch sử của kỹ thuật này.
Nhiều học giả khác đã nhấn mạnh trên cuộc chiến của Galileo chống lại chính quyền, chống lại truyền thống, đặc biệt là từ Aristotelês: chống lại cái truyền thống khoa học và triết học được Giáo Hội duy trì, bảo vệ và đem ra dạy tại các trường đại học. Họ nhấn mạnh trên vai trò của sự quan sát và kinh nghiệm trong nền khoa học mới về tự nhiên[11]. Tất nhiên, quan sát và thí nghiệm là phần nội dung đặc trưng nhất của khoa học hiện đại, điều này là hoàn toàn đúng. Và chắc chắn rằng trong số tác phẩm của Galileo, chúng ta tìm thấy vô số lời kêu gọi hãy quan sát và thử nghiệm, và một sự mỉa mai cay đắng đối với những người không dám tin vào chứng cứ của cặp mắt mình, bởi điều họ nhìn thấy là trái ngược với lời dạy của quyền uy [Giáo Hội], hoặc tệ hơn nữa, những kẻ, như Cesare Cremonini[12], không muốn nhìn vào kính viễn vọng của Galileo vì sợ nhìn thấy điều gì đó mâu thuẫn với các lý thuyết và niềm tin truyền thống của họ. Và trên thực tế, chính xác là nhờ sự chế tạo ra và sử dụng một kính viễn vọng, bằng cách chăm chú quan sát Mặt Trăng và các hành tinh, nhờ sự phát hiện ra các vệ tinh của Sao Mộc, mà Galileo đã giáng một đòn chí mạng vào khoa thiên văn học và vũ trụ học trong thời đại ông.
Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng quan sát hoặc kinh nghiệm, theo nghĩa kinh nghiệm bộc phát của thông kiến, không đóng một vai trò lớn lao nào – hoặc nếu có, thì đấy là cái vai trò tiêu cực của chướng ngại – trong nền móng của khoa học hiện đại[13]. Theo Paul Tannery* và Pierre Duhem[14], thứ vật lý học của Aristotelês[15], và còn đúng hơn nữa, thứ vật lý học của các nhà duy danh chủ nghĩa ở Paris, như Jean Buridan và Nicole Oresme[16], đều gần gũi với kinh nghiệm của thông kiến hơn là của Galileo và Descartes[17] rất nhiều. Chính là «thí nghiệm», chứ không phải «kinh nghiệm», mới có một vai trò tích cực đáng kể, nhưng cũng chỉ sau này mà thôi. Nội dung của thí nghiệm là tra hỏi thiên nhiên có phương pháp; và sự truy vấn này vừa giả định, vừa bao hàm một thứ ngôn ngữ trong đó những câu hỏi được đặt ra, cũng như một thứ từ điển cho phép chúng ta đọc và diễn giải các câu trả lời. Chúng ta đều biết rõ rằng, đối với Galileo, chính là bằng những đường cong, hình tròn và hình tam giác, bằng thứ ngôn ngữ toán học hoặc chính xác hơn nữa là hình học[18] – chứ không phải là ngôn ngữ của thông kiến hoặc biểu tượng thuần túy – mà chúng ta phải nói với thiên nhiên để nhận được những câu trả lời từ nó. Sự lựa chọn, cũng như quyết định sử dụng cái ngôn ngữ này hiển nhiên là không thể được quy định bởi một thứ kinh nghiệm đã trở thành khả thi bởi ngay chính việc sử dụng nó, mà phải đến từ các nguồn khác.
Nhiều sử gia và triết gia khoa học khác[19] đã thử đặc trưng hóa nền vật lý hiện đại, trong danh nghĩa khoa học vật lý, một cách khiêm tốn hơn, bằng một số nét nổi bật của nó như vai trò của nguyên lý quán tính[20] ở đây chẳng hạn. Lại cũng chính xác, lần nữa: nguyên lý quán tính chiếm một vị trí cao trội trong khoa cơ học cổ điển, so với môn cơ học của người xưa. Ở đây, nó là định luật cơ bản của chuyển động, và ngự trị trên lý thuyết vật lý một cách mặc nhiên ở Galileo, hiển nhiên ở Descartes và Newton. Nhưng theo ý kiến của tôi, dừng lại trên đặc trưng này là hơi hời hợt, bởi chỉ đơn giản xác lập sự kiện thôi không thể được xem là đã đầy đủ. Chúng ta còn phải hiểu và giải thích nó – giải thích vì sao vật lý học hiện đại lại có khả năng thu nhận nguyên lý này; hiểu vì sao và như thế nào, nguyên lý quán tính – một nguyên lý có vẻ đơn giản, rõ ràng, hữu lý, thậm chí hiển nhiên như vậy đối với chúng ta – đã đạt được quy chế của sự hiển nhiên và chân lý tiên nghiệm này, trong khi đối với người Hy Lạp, cũng như đối với các nhà tư tưởng thời Trung Cổ, cái ý tưởng rằng một cơ thể, một khi đã được đưa vào chuyển động, sẽ tiếp tục di chuyển mãi mãi, dường như là hoàn toàn sai lầm, thậm chí phi lý[21].
Tôi sẽ không cố gắng giải thích ở đây những lý do và nguyên nhân đã kích động cuộc cách mạng tinh thần của thế kỷ XVII. Chỉ cần mô tả, đặc trưng hóa thái độ tinh thần hay trí tuệ của khoa học hiện đại bằng hai tính năng thống nhất sau đây là đủ để làm rõ quan điểm của chúng tôi. Đó là: 1) sự triệt hạ [ý tưởng] Vũ Trụ, [Kosmos] nghĩa là sự biến mất trong khoa học của mọi suy tư dựa trên ý niệm[22] này; 2) sự hình học hóa không gian – nghĩa là sự thay thế quan niệm một không gian vũ trụ cụ thể và khác biệt về phẩm chất trong vật lý học trước Galileo, bằng quan niệm không gian đồng nhất và trừu tượng trong hình học của Eukleidês. Chúng ta có thể tóm tắt và biểu đạt hai đặc trưng trên như sau: toán học (hình học) hóa tự nhiên, và như hệ quả, toán học (hình học) hóa khoa học.
Sự giải thể của Vũ Trụ có nghĩa là sự hủy diệt của một ý tưởng: ý tưởng một thế giới có cấu trúc hữu hạn, được sắp xếp theo cấp bậc, một thế giới khác biệt về phẩm chất theo quan điểm bản thể học; nó được thay thế bằng ý tưởng một Vũ trụ mở, bất định và thậm chí là vô hạn, được hợp nhất và cai quản bởi cùng những quy luật phổ quát; một Vũ trụ trong đó vạn vật thuộc về cùng một cấp bậc Hiện Hữu, trái với quan niệm truyền thống vốn phân biệt và đối lập hai thế giới Trời và Đất [Sublunarius= dưới Mặt Trăng, chỉ Trái Đất và không gian gần với nó]. Các quy luật của Trời và quy luật của Đất giờ đây tan chảy vào nhau. Thiên văn học và vật lý học trở thành tương thuộc, thậm chí thống nhất và hợp nhất[23]. Điều này hàm nghĩa rằng mọi cân nhắc đặt trên giá trị, sự hoàn hảo, sự hài hòa, ý nghĩa và mục đích[24] đều biến khỏi quan điểm khoa học. Chúng tan biến vào không gian vô tận của Vũ trụ mới. Chính là trong Vũ trụ mới này, trong thế giới mới này của khoa hình học biến thành hiện thực, mà các định luật của khoa vật lý học cổ điển tìm được giá trị và ứng dụng.
Xin nhắc lại, chính sự triệt tiêu Vũ Trụ mới có vẻ là cuộc cách mạng khoa học, và theo tôi là cuộc cách mạng sâu sắc nhất mà trí tuệ con người từng thực hiện hoặc hứng chịu, kể từ khi người Hy Lạp phát minh ra [ý tưởng] Kosmos. Đây là một cuộc cách mạng thâm sâu, với những hệ quả vươn xa, tới mức mà suốt nhiều thế kỷ và ngoài một số ngoại lệ hiếm hoi, trong đó có Pascal*, con người đã không nắm bắt được hết tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của nó; thậm chí cả ngày nay nữa, nhiều khi cũng còn bị ngộ nhận và đánh giá thấp.
Như vậy, điều mà các nhà sáng lập của nền khoa học hiện đại như Galileo phải làm, không chỉ là phê phán và chống lại những lý thuyết sai lầm nhất định, nhằm chỉnh sửa hay thay thế chúng bằng những học thuyết tốt hơn. Họ phải làm một cái gì đó hoàn toàn khác. Họ phải phá hủy một thế giới, và thay thế nó bằng một thế giới khác. Họ phải cải tổ ngay chính cấu trúc của trí tuệ chúng ta, xây dựng lại và sửa đổi những khái niệm của nó, suy xét cái tồn tại theo một cách nhìn mới, xây dựng một khái niệm mới về tri thức, một khái niệm mới về khoa học – thậm chí thay thế một quan điểm khá tự nhiên, quan điểm của thông kiến, bằng một quan điểm khác không tự nhiên chút nào[25].
Điều này giải thích tại sao việc phát hiện ra những vật thể, các định luật, mà ngày nay có vẻ đơn giản và dễ dàng tới mức ta có thể dạy chúng cho trẻ em được – các quy luật về sự chuyển động, về sự rơi của những cơ thể – lại đòi hỏi một nỗ lực lâu dài, gian khổ, dù thường là vô hiệu đến như vậy, ở một số thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, một Galileo hay một Descartes[26]. Đến lượt nó, sự kiện này dường như cũng bác bỏ các nỗ lực hiện đại nhằm hạ thấp, thậm chí phủ nhận tính độc đáo hay ít ra là tính cách mạng của tư tưởng Galileo; nó cũng cho thấy rằng tính liên tục rõ ràng trong sự phát triển của vật lý học từ thời Trung Cổ đến thời Hiện Đại – thứ tính liên tục mà Raffaello Caverni[27] và Pierre Duhem14 từng quyết liệt nhấn mạnh – chỉ là ảo tưởng[28]. Tất nhiên, đúng là có một truyền thống không gián đoạn dẫn chúng ta đi từ trước tác của các nhà duy danh chủ nghĩa ở Paris đến các tác phẩm của Giambattista Benedetti[29], Giordano Bruno[30], Galileo và Descartes. (Bản thân tôi cũng từng thêm một khâu vào lịch sử của truyền thống này[31]). Nhưng kết luận mà Duhem rút ra từ đấy là sai trật: một cuộc cách mạng đã được chuẩn bị kỹ dù sao vẫn là một cuộc cách mạng, và bất chấp thực tế là bản thân Galileo khi còn trẻ (như ngay cả Descartes nữa đôi khi) từng chia sẻ nhiều quan điểm và dạy lại các học thuyết của những tác giả phê phán Aristotelês thời Trung Cổ, nền khoa học hiện đại – thứ khoa học phát sinh từ những nỗ lực và khám phá của ông – không hề lấy cảm hứng từ «những tiền bối của Galileo ở Paris»16 mà đã tức thì tự đặt mình ở một cấp độ hoàn toàn khác – cấp độ Arkhimedês[32], theo lối gọi ưa thích của tôi. [...]
Alexandre Koyré
Galileo and Plato
(Journal of the History of Ideas,
t. IV, số 4, 1943, tr. 400-428);
Galilée et Platon,
(Études d’histoire de la pensée scientifique,
Paris, Gallimard, 1964, tr. 166-172).
[1] Xem thêm các bài về khái niệm tiến bộ, nhất là tiến bộ tuyến tính, ở nhiều mục khác nhau trên trang mạng này khi có thể tham khảo. NVK
[2] Kόσμος (Kósmos). Từ có thể được dịch là Vũ Trụ hay Thế Giới. Do trong thế giới quan Hy Lạp cổ đại, kόσμος đối lập với χάος (khaos = hỗn mang, do từ χαίνω = kainô = mở toác hoác), vốn là cái nguyên thủy trong Thần Phả (Theogonia) của Hêsiodos, nên Kósmos chỉ một vũ trụ có tổ chức, có trật tự, có giới hạn. Thế nên, Sôkratês nói với Kalliklês: «Cứ theo lời các hiền giả thì, Trời và Đất, Thượng Đế và con người, được kết hợp với nhau bởi những quan hệ thứ bậc, thân thiện, tiết độ và công chính; và chính vì vậy mà, ông bạn ạ, Vũ Trụ này được gọi là Kosmos, hay cái được sắp xếp có trật tự, chứ không phải là cái vô trật tự, cái hỗn loạn, cái không luật lệ» (Platôn, Gorgias, 507e - 508a). Xem tiếp giải thích và đánh giá của A. Koyré về khái niệm Kósmos trên ở các đoạn sau của bài này. NVK
[3] Xem: J. H. Randall Jr., The Making of the Modern Mind, Boston, 1926, tr. 220 và tt, 231 và tt. Xem thêm: A. N. Whitehead, Science and the Modern World, New York, 1925.
[4] θεωρία = theôría, do từ theôrô = tôi nhìn, tôi chiêm ngưỡng. Do đó, không nên hiểu theôria theo nghĩa theory (lý thuyết) ngày nay, mà theo từ La-tinh dùng để dịch theôria là contemplatio (do templum, nơi dùng cho sự thờ phụng), dù vẫn có rắc rối là contemplatio xưa hay contemplation nay đều mang hàm nghĩa tôn giáo. Nếu bỏ ra ngoài ý nghĩa tôn giáo này, thì theôría hay contemplatio chỉ sự tập trung tinh thần vào việc nhìn hay quan sát một số hiện tượng nào đấy. Ở Platôn, chính là thông qua sự chiêm nghiệm mà tinh thần vươn tới hiểu biết về Ý thể cái Thiện và các Ý thể khác. Ở Aristotelêslês, hạnh phúc cũng tùy thuộc vào sự chiêm nghiệm, vốn là năng lực (energeia) cao cấp nhất cho phép trí tuệ ta đạt được những tri thức bởi loại nỗ lực nghiên cứu thuần lý, bởi «hoạt động tìm hiểu những nguyên nhân và các nguyên lý của hiện thực». NVK
[5] [...] «et ainsi nous rendre comme maîtres et possesseurs de la nature», câu văn nổi tiếng của René Descartes trong Discours de la méthode. NVK
[6] Đừng nhầm quan điểm được phổ biến rộng rãi này với quan điểm của H. Bergson*. Theo tác giả sau, vật lý học của Aristotelês cũng như của Platôn, nói cho cùng, đều là sản phẩm của loại người chế tác.
[7] Xem L. Laberthonnière, Études sur Descartes, Paris, 1935, II, tr. 288, 297, 304: «Physique de l'exploitation des choses». AK. Lucien Laberthonnière (1860-1932): tu sĩ, nhà thần học và triết học người Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Théorie de l'éducation (1901); Le réalisme chrétien et l'idéalisme grec (1904); Le catholicisme et la société (1907); Positivisme et catholicisme (1911); Sur le chemin du catholicisme (1913); Études sur Descartes (2 q., 1935); Étude de philosophie cartésienne et Premiers écrits philosophiques (1937); Esquisse d'une philosophie personnaliste (1945); Critique du laïcisme (1948); La notion chrétienne de l'autorité (1955). NVK
[8] F. Bacon là người thổi tù và để loan báo, hơn là một trong những người tạo dựng khoa học hiện đại. AK. Xem: Robert Blanché, Francis Bacon: người báo hiệu phương pháp mới trên trang mục Nhà Khoa Học & Triết Gia. NVK
[9] «Descartes nhà tiểu công nghệ» là quan điểm về chủ thuyết Descartes mà
Maxime Leroy đã triển khai (Descartes social, Paris, 1931), và được Franz Borkenau đẩy tới mức phi lý (Der Uebergang vom feudalen zum bürgerlichen Weltbild, 1934). Borkenau giải thích sự ra đời của triết học và khoa học của Descartes từ một hình thức doanh nghiệp kinh tế mới là công xưởng. Xem thêm bài đánh giá của Henryk Grossman («Die gesellschaftlichen Grundlagen der mechanistischen Philosophie und die Manufaktur», Zeitschrift für Sozialforschung, 1935), thú vị và bổ ích hơn chính tác phẩm của Borkenau rất nhiều.
Về phần Galileo, ông được kết nối với truyền thống của các nhà thủ công, thợ xây dựng, kỹ sư thời Phục Hưng,… bởi Leonardo Olschki (Galileo und seine Zeit, Halle, 1927), và gần đây hơn bởi Edgar Zilsel (The sociological roots of sciences, trg The American Journal of Sociology, XLVII, 1942). Zilsel nhấn mạnh trên vai trò của những «thợ thủ công lành nghề» thời Phục Hưng trong sự phát triển của não trạng khoa học hiện đại. Tất nhiên, đúng là các nghệ sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư thời Phục Hưng, … đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại truyền thống Aristotelês và một số người trong số họ – như Leonardo da Vinci* và Giambattista Benedetti (1530-1590)29 – thậm chí còn cố gắng phát triển một môn động lực học mới chống lại Aristotelês15; tuy nhiên, như Duhem đã chỉ ra một cách rõ ràng, môn động lực học này, trong những nét chính, là của những nhà duy danh chủ nghĩa ở Paris, thứ động lực học đà đẩy (impetus) của Jean Buridan (khg 1301-1362) và Nicole Oresme (khg 1320-1382)16. Và nếu Benedetti – người đáng chú ý nhất trong số những «người báo trước» này của Galileo – đôi khi vượt qua trình độ động lực học của trường phái Paris đi nữa, thì đấy không phải là nhờ công việc của ông như kỹ sư và pháo thủ, mà bởi vì ông đã từng nghiên cứu Arkhimedês, và quyết định áp dụng «triết lý toán học» vào cuộc tra hỏi thiên nhiên.
[10] Tất nhiên, nền khoa học hiện đại của Descartes và Galileo là cực kỳ quan trọng cho giới kỹ thuật gia và kỹ sư, bởi cuối cùng nó đã thúc đẩy cả một cuộc cách mạng kỹ thuật. Tuy nhiên, nó không hề được tạo ra và triển khai bởi các kỹ sư và nhà kỹ thuật, mà bởi các triết gia và lý thuyết gia.
[11] Gần đây, một nhà phê bình đã thân thiện trách rằng tôi đã bỏ qua khía cạnh này trong học thuyết của Galileo (Xem: L. Olschki, «The Scientific Personality of Galileo», Bulletin of the History of Medicine, XII, 1942). Dù tôi tin sâu sắc rằng khoa học chủ yếu là lý thuyết, chứ không phải là sự sưu tập «những sự kiện», cũng xin thú nhận rằng tôi không đáng phải nhận lãnh lời khiển trách trên.
[12] Cesare Cremonini hay Cesare Cremonino (1550-1631, thường ký tác phẩm bằng tiếng La-tinh là Cæsar Cremoninus hay Cæsar Cremonius): triết gia tự nhiên học người Ý. Ông dạy suốt 30 năm tại Ferrara (Ferrare) và Padua (Padoue) các học thuyết của Aristotelês, Alexandros ở Aphrodisias (Alexandre d'Aphrodise), và Averroes. Bên trong Nhà Trường Kinh Viện, Cremonini cho thấy một mặt sáng và một mặt tối. Mặt sáng là ông đã đề cao chủ nghĩa duy lý (chống thuyết thần khải) và chủ nghĩa duy vật của Aristotelês (chống thuyết linh hồn bất tử của phái nhị nguyên), nên từng bị kết tội là theo chủ nghĩa vô thần. Mặt tối của ông là đã bị đời sau vĩnh viễn ghi nhớ như một trong hai nhà bác học đã từ chối nhìn vào kính viễn vọng của Galileo Galilei. NVK
[13] Xem: E. Meyerson, Identité et réalité, 3e éd., Paris, 1926, tr. 156. Ở đây, tác giả cho thấy một cách rất thuyết phục, sự không ăn khớp giữa «kinh nghiệm» với các nguyên lý của vật lý học hiện đại. AK. Émile Azriel Meyerson (1859-1933): triết gia và triết gia khoa học người Pháp gốc Ba Lan. Tác phẩm chính: Identité et réalité (1908, 1912, 1926, 2001); De l’explication dans les sciences (1921, 1995); La Déduction relativiste (1925); Du cheminement de la pensée (3 q., 1931, 2011); Réel et déterminisme dans la physique quantique (1933). NVK
[14] Pierre [Maurice Marie] Duhem (1861-1916): nhà vật lý, hóa học, sử gia và triết gia khoa học người Pháp. Tác phẩm chính về lịch sử và triết lý khoa học: Les Théories de la chaleur (1895), Les théories électriques de J. Clerk Maxwell (1902), L'évolution de la mécanique (1905), Les Origines de la statique (2 q., 1903), Études sur Léonard de Vinci (3 q., 1903-1913); La Théorie physique (1906, 2007), Sauver les phénomènes (1908, 1992, 2005), Le Mouvement Absolu et le Mouvement Relatif (1909); Le Système du Monde: Histoire des Doctrines Cosmologiques de Platon à Copernic (10 q., 1913-1959); La Science Allemande (1915). NVK
[15] Trong vật lý [động lực] học của Aristotelês, có hai loại chuyển động, chuyển động tự nhiên (mọi vật thể đều trở về sở cứ của nó, vật nặng như hòn đá sẽ rơi xuống, trong khi vật nhẹ như khói sẽ bay lên – xem: Aristotelês, Vật Thể Rơi Xuống Hoặc Bay Lên Theo Định Hướng Tự Nhiên trên trang mục này), và chuyển động do tác động của một lực từ bên ngoài. Ở trường hợp sau, chuyển động (hòn đá ném lên không trung) sẽ ngừng, khi lực tác động lên nó ngừng – nghĩa là chuyển động của vật thể chỉ được duy trì bởi tác động của một động lực bên ngoài, hoàn toàn trái với nguyên lý quán tính. Mặt khác, trong quan điểm trên, vấn đề phải giải thích là sự kiện hòn đá ném lên không trung không rơi xuống ngay, mà vẫn tiếp tục di chuyển một thời lượng. Theo Aristotelês, chính không khí đảm bảo cho sự liên tục của chuyển động: hòn đá để lại một khoảng trống đằng sau khi di chuyển, khoảng trống này sẽ được lấp đầy tức thì bởi không khí, và lượng khí mới đó sẽ vừa đẩy hòn đá về phía trước vừa tạo ra một khoảng trống thứ hai, và cứ như thế cho đến khi sức đẩy của những khoảng không khí kế tiếp nhau giảm dần, tới mức không còn đủ sức tác động nữa, thì hòn đá sẽ rơi xuống theo lẽ tự nhiên.
[16] Vào thế kỷ thứ VI, Joannes Philoponus (Jean Philippon, khg 490-570, triết gia thuộc trường phái tân-Platôn tại Alexandreia) cho rằng cái lực tác động lên hòn đá lúc đầu (người ném hòn đá lên không) đã truyền cho nó một impetus (đà đẩy) khiến sự chuyển động được duy trì cho đến khi nó mất hết sức đẩy do sự tương tác với không khí – nghĩa là, ở đây, chuyển động được duy trì bởi một đặc tính trong vật thể –, lúc đó hòn đá sẽ theo lẽ tự nhiên mà rơi xuống. Đến thế kỷ XIV, thuyết impetus đã được chấp nhận rộng rãi và được đưa vào giảng dạy tại Đại học Paris khoảng năm 1320, với Jean Buridan* và Nicole Oresme* như những người quảng bá chính. So với Philoponus, học thuyết của Buridan bao hàm một số ý kiến độc đáo: impetus là nguyên nhân khiến một vật thể chuyển động; impetus của một vật thể tăng lên với vận tốc khiến nó chuyển động và với lượng vật chất trong nó; impetus chỉ ngừng vì lực cản của không khí và sức nặng của vật thể, thay vì tự suy yếu dần rồi biến mất một cách bộc phát; sự chuyển động «sẽ tiếp tục khi nào impetus còn mạnh hơn kháng lực, và có thể kéo dài vô tận nếu không bị suy giảm và hủy hoại bởi một lực trái ngược chống lại nó, hay một cái gì đó quay nó về một chuyển động ngược chiều = and would continue to be moved as long as the impetus remained stronger than the resistance, and would be of infinite duration were it not diminished and corrupted by a contrary force resisting it or by something inclining it to a contrary motion» (Questions on Aristotle's Metaphysics, XII.9: 73ra). Có lẽ do ý kiến cuối cùng này mà Buridan được xem là một trong «những tiền bối của Galileo ở Paris».
[17] «Thực vậy, thứ động lực học này dường như thích ứng một cách hoàn hảo với những quan sát thường ngày, tới mức là nó không thể không tự áp đặt, trước hết cho những người đầu tiên suy đoán về lực và chuyển động chấp nhận... Để các nhà vật lý học tiến tới sự vất bỏ động lực học của Aristoteles và xây dựng khoa động lực học hiện đại, họ phải hiểu được rằng những sự kiện mà họ chứng kiến hàng ngày không hề là những sự kiện đơn giản, sơ đẳng, mà các quy luật cơ bản của động lực học phải áp dụng vào được tức thì: rằng sự kiện con tàu trôi tới do có người kéo, sự kiện cỗ xe có đóng ách lăn bánh trên tuyến đường… phải được xem là những chuyển động cực kỳ phức tạp; nói tóm lại, để hiểu cái nguyên lý của khoa học về sự chuyển động, chúng ta phải xem xét, thông qua sự trừu tượng hóa, một động tử chuyển động trong chân không dưới tác động của một lực duy nhất. Thế nhưng, từ môn động lực học của mình, Aristotelês đã đi xa tới mức kết luận rằng một chuyển động như vậy là không thể có». (P. Duhem, Le Système du monde, Paris, 1913, I, tr. 194 và tt).
[18] Xem trên trang mục này: Galileo Galilei, Ngôn Ngữ Của Tự Nhiên. NVK
[19] Xem: Kurd Lasswitz, Geschichte der Atomistik, Hamburg, 1890, II, tr. 23 tt.; E. Mach, Die Mechanik in ihrer Entwicklung, xb lần 8, Leipzig, 1921, tr. 117 tt.; E. Wohlwill, «Die Entdeckung des Beharrunggesetzes», Zeitschrift fur Volkerpsychologie und Sprachwissenschaft, q. XIV et XV, 1883 và 1884 ; E. Cassirer, Das Erkenntnisproblem in der Philosophie und Wissenschaft der neueren Zeit, xb lần 2, Berlin, 1911, I, tr. 394 và tt.
[20] Xem trên trang mục này: Albert Einstein & Leopold Infeld, Vai Trò Của Trực Giác Và Suy Luận Trong Sự Hình Thành Của Luật Quán Tính. NVK
[21] Xem: E. Meyerson, sđd, tr. 124 và tt.
[22] Ý niệm Kosmos biến mất, nhưng từ kosmos vẫn còn. Newton không ngừng nói về vũ trụ và trật tự của nó (như ông vẫn nói về impetus16), nhưng trong một nghĩa hoàn toàn mới.
[23] Như tôi đã cố gắng chỉ ra, khoa học hiện đại là kết quả của sự thống nhất thiên văn học với vật lý học, và sự kiện này đã cho phép ta áp dụng các phương pháp toán học, cho đến lúc đó chỉ được dùng để nghiên cứu những hiện tượng thấy trên bầu trời, vào việc nghiên cứu những hiện tượng thấy trên mặt đất. (A. Koyré, Études galiléennes, III, Galilée et la loi d'inertie, Paris, 1940).
[24] «Descartes đã giải thoát khoa vật lý học khỏi nỗi ám ảnh của Vũ Trụ Hy Lạp hóa, nghĩa là khỏi hình ảnh của một trạng thái ưu đãi nào đó phù hợp với nhu cầu mỹ học của chúng ta… Không có trạng thái nào được ưu đãi hết, bởi vì mọi trạng thái đều tương đương. Như vậy là không có chỗ cho sự truy tìm những lý do mục đích, và sự cân nhắc xem trạng thái nào là tốt nhất trong vật lý học» (E. Bréhier, Histoire de la philosophie, q. II, t. l, Paris, 1929, tr. 95).
[25] «Để đánh giá hệ thống động lực học của Aristotelês, nếu chúng ta gác bỏ được những thành kiến phát xuất từ nền giáo dục hiện đại của ta, và nếu chúng ta tìm được cách tự đặt mình vào não trạng mà một người suy nghĩ độc lập vào đầu thế kỷ XVII có thể có, thì ta khó lòng không nhận biết rằng hệ thống ấy là phù hợp với sự quan sát trực tiếp những sự kiện hơn là hệ thống của chúng ta rất nhiều» (P. Tannery, «Galilée et les principes de la dynamique», Mémoires scientifiques, VI, Paris, 1926, tr. 399).
[26] Xem: A. Koyré, Études galiléennes, II, La loi de la chute des corps, Paris, 1940.
[27] Raffaello Caverni (1837-1900): sử gia khoa học người Ý. Tác phẩm: Storia del metodo sperimentale in Italia (5 q., 1891-1896). NVK
[28] Xem : R. Caverni, Storia del metodo sperimentale in Italia, 5 q., Firenze, 1891-1896, đặc biệt các q. IV et V. – P. Duhem, Le Mouvement absolu et le mouvement relatif, Paris, 1905; «De l'accélération produite par une force constante», Congrès international de l'Histoire des Sciences, lần III, Genève, 1906; Études sur Léonard de Vinci: Ceux qu'il a lus et ceux qui l'ont lu, 3 vol., Paris, 1909-1913, đặc biệt q. III: Les précurseurs parisiens de Galilée. Gần đây thôi, luận điểm về tính liên tục còn được John Herman Randan Jr. bênh vực trong một bài báo xuất sắc: «Scientific method in the school of Padua», Journal of the History of Ideas, l, 1940; ở đây, Randan cho thấy một cách thuyết phục sự xây dựng dần dần các phương pháp phân tích và tổng hợp («résolution et composition») trong giảng dạy của các nhà lô-gic học thời Phục Hưng. Tuy nhiên, cũng chính Randan lại tuyên bố rằng: a) «không có [thiếu] một yếu tố trong phương pháp do Zabarella thiết lập: ông ta không đòi hỏi rằng các nguyên lý của khoa học tự nhiên phải là toán học» (tr. 204), và b) rằng quyển Tractatus de paedia của Cremonini «ngân vang như lời cảnh cáo long trọng cho các nhà toán học đầy vẻ đắc thắng của truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa lý tính» (sđd). Thế nhưng, theo tôi, chính sự nhấn mạnh trên vai trò của toán học cộng thêm vào phương pháp lô-gic của Zabarella mới chính xác tạo ra nội dung của cuộc cách mạng khoa học của thế kỷ XVII, và vạch ra đường phân thủy giữa phe theo Platôn và bên theo Aristotelês trong ý kiến của người đương thời.
[29] Giambattista Benedetti, hay, Giovanni Battista Benedetti (1530-1590): nhà toán học và vật lý học người Ý. Tác phẩm: Resolutio omnium Euclidis problematum aliorumque (1553), Consideratione d'intorno al discorso della grandezza della terra e dell'acqua (1579), De gnomonum umbrarumque solarium usu (1574), Diversarum speculationum mathematicarum et physicarum liber (1585). NVK