CUỘC CÁC MẠNG 1789 VÀ XÃ HỘI HỌC PHÁP (R. NISBET, 1943)
Đưa lên mạng ngày 01-11-2020
Từ khóa : Xã hội học – Pháp – tk 18-20
C2

CUỘC CÁCH MẠNG PHÁP
VÀ SỰ CẤT CÁNH CỦA
XÃ HỘI HỌC PHÁP
(1943)

Tác giả: Robert A. Nisbet[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

I – KHÁI NIỆM TRUNG TÂM CỦA XÃ HỘI HỌC ĐỐI LẬP VỚI TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA THẾ KỶ XVIII

Ảnh hưởng của cuộc Đại Cách mạng Pháp trên nền móng của bộ môn xã hội học quốc gia là một sự kiện lẽ ra phải được quan tâm nhiều hơn là nó đã nhận được trên thực tế. Bởi vì trong lịch sử của phần lý thuyết xã hội học ở Pháp, đây là một sự kiện nặng ý nghĩa, và điều này có thể được suy ra từ những quy chiếu về cuộc Cách mạng, đầy dẫy trên bao trang viết của các nhà xã hội học buổi đầu. Thật vậy, mãi đến năm 1864, ta vẫn còn thấy Frédéric Le Play* viện dẫn cuộc Cách mạng 1789 như nguồn gốc của những khó khăn mà tác phẩm đồ sộ của ông phải đối mặt. Và trong trước tác của nhiều tác giả đã khởi nghiệp sớm như De Bonald[2] và Auguste Comte*, những hậu quả của cuộc Đại Cách mạng là hiển nhiên đến mức chúng đã buộc ta phải thấy nó như một ảnh hưởng mạnh mẽ trên các tác phẩm của họ.

Tuy nhiên, chỉ gợi ý rằng các nhà xã hội học tiên phong đã bị ảnh hưởng bởi biến cố này chưa phải là đã rọi được chút ánh sáng nào trên những ý tưởng cơ bản của xã hội học. Lịch sử của bất kỳ khoa học xã hội nào cũng đều là một nỗ lực nghiên cứu về sự xuất hiện và phát triển của các khái niệm trung tâm của bộ môn, hơn là sự kết nối lỏng lẻo những sự kiện tiểu sử của các tác giả trong chuỗi thời gian.  Điều quan trọng ở đây là phải chỉ cho thấy sự siêu hiện* của mối quan hệ giữa cuộc Đại cách mạng Pháp với những khái niệm đã từng là đề tài riêng biệt của xã hội học ngay từ đầu. Điều chúng ta phải quan tâm là, trong sự tương phản với những yếu tố chỉ đơn thuần thuộc phần ngoại vi, và chung cho mọi khoa học xã hội khác, phần cốt lõi của môn xã hội học đã ra đời như thế nào.

1 – Nhóm xã hội: khái niệm cốt lõi trong xã hội học

Trong trường hợp xã hội học, trung tâm này – hạt nhân của mọi suy đoán và tư biện của nó – là khái niệm nhóm xã hội; và bất kỳ cuộc nghiên cứu nào về nguồn gốc của xã hội học hệ thống, nói cho cùng, đều là một cuộc điều tra về những điều kiện xã hội và trí tuệ đã dẫn đến sự xuất hiện của khái niệm này. Ngay từ đầu, quan tâm về các nhóm xã hội, đặc biệt là về những nhóm trung gian giữa cá nhân và nhà nước, đã luôn luôn là đặc điểm nhận dạng của tư tưởng xã hội học. Từ hạt nhân này mà những quan tâm đặc thù khác đã xuất phát, như được hiện thân trong chuỗi  nghiên cứu về gia đình, giai cấp, cộng đồng và hiệp hội. Những vấn đề xã hội học nổi cộm về kiểm soát xã hội và rối loạn tổ chức xã hội – những vấn đề đã trở thành cơ bản từ thời Comte – cũng bắt nguồn từ đây. Về mặt lịch sử, loại vấn đề và quan tâm như trên chỉ thuộc về môn xã hội học mà thôi trong số tất cả các khoa học xã hội, và sự nổi lên của chúng trong phần lý thuyết xã hội gắn bó chặt chẽ với cuộc Cách mạng Pháp.

Nói chung, giới sử gia về tư tưởng xã hội học thường có khuynh hướng xem xã hội học như kết quả lô-gic và liên tục của những ý tưởng đã điều khiển cảnh quan trí tuệ suốt các thế kỷ XVII và XVIII. Một quan điểm như trên – kết quả của một sự lệ thuộc không phê phán vào học thuyết liên tục* – là một sự sai lầm, vì sự vươn lên của xã hội học thật ra bao hàm một sự lệch hướng sâu sắc ra khỏi hầu hết những ý tưởng về xã hội và con người đã chiếm ưu thế suốt thời Khai Sáng. Tầm quan trọng trung tâm mà các nhà xã hội học buổi đầu đã dành cho khái niệm nhóm xã hội và những vấn đề phái sinh từ khái niệm này đứng trong thế đối lập đáng chú với lý thuyết xã hội của thế kỷ thứ XVIII[3].

2 - Cá nhân, Nhà nước: hai thực thể thống trị thời Khai sáng

Hai thực thể thống trị tư tưởng xã hội của thời Khai Sáng là cá nhân và nhà nước, và bất chấp cuộc chiến giữa chủ nghĩa tự do với chủ nghĩa cực quyền là mãnh liệt tới mức nào, cả hai bên đều nhất trí với nhau về sự tuyệt diệt của các nhóm trung gian giữa cá nhân và nhà nước. Nước Pháp trong thế kỷ XVIII vẫn còn sở hữu, trong một chừng mức khá lớn, những điều kiện Trung cổ – một hiện thực được phản ánh trong cơ cấu pháp lý đa tạp, trong các phường hội mạnh mẽ, trong các công xã của nó, trong các nhà thờ, trường đại học, và chế độ gia trưởng. Chính cái tập hợp những nhóm – lĩnh vực của xã hội trung gian – này mà các triết gia* náo nức ra sức triệt hạ trong hiện thực, và loại bỏ khỏi lý thuyết về luật tự nhiên của xã hội trong tư tưởng. Điều họ mong muốn là một trật tự thuần lý trong đó tính năng động của cá nhân sẽ không bị một hạn chế nào, trừ phi bởi những mệnh lệnh khôn ngoan của một nhà nước có chủ quyền[4].

Với sự giảm giá trị của các nhóm xã hội trung gian, nhà nước lý tính là giải đáp chính yếu cho vấn đề trật tự trong lý thuyết xã hội của thế kỷ XVIII. Quyền lực của lĩnh vực chính trị bắt đầu nơi nào  năng lực và các quyền của cá nhân chấm dứt. Cưỡng chế theo ý thức phường hội truyền thống, theo nghĩa của sự kiểm soát bởi hội, không có chỗ đứng trong lý thuyết về luật tự nhiên của thế kỷ XVIII. Các triết thuyết tự do của Quesnay*, Helvetius*, Turgot* và Rousseau* đều không được định hướng về ý tưởng [chống] nhà nước mà về các nhóm trung gian, và họ đều nhận diện những quan hệ của chúng với cá nhân như một thứ bạo quyền phong kiến. Quan điểm của họ là một thứ chủ nghĩa cá nhân trong đó quyền lực nhà nước xuất hiện như một công cụ có thể giúp cho lý tưởng của họ được thực hiện. Thậm chí cả gia đình cũng không được buông tha. Sự thống nhất về kinh tế của nó bị cho là lỗi thời, cấu trúc gia trưởng là một cơ chế độc tài, và tính vĩnh viễn ràng buộc của hôn nhân là một sự vi phạm luật tự nhiên[5].

Trong trước tác của Rousseau, sự thù địch với xã hội truyền thống và các nhóm xã hội đã trở thành chủ đề trung tâm. Lý tưởng của ông là tự do cá nhân – tuy nhiên, tự do không phải theo nghĩa là được miễn trừ quyền uy chính trị, mà theo nghĩa là thoát khỏi sự áp bức của xã hội. Mục đích chính của Rousseau là tìm ra một hình thức chính phủ trong đó sự tự do của cá nhân trước xã hội truyền thống có thể đạt tới mức tuyệt đối. Khế Ước Xã Hội có thể được coi là một bản cáo bạch thuộc trình tự này. Ở đây, ông tuyên bố rằng «mỗi cá nhân phải hoàn toàn độc lập với các thành viên khác trong xã hội và hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước, bởi chỉ nhờ sức mạnh của nhà nước mà sự tự do của các thành viên có thể được bảo đảm»[6]. Những hàm ý của một tuyên bố như vậy là rõ ràng, và Rousseau không chùn bước trước chúng: phải vất bỏ thứ xã hội tách rời khỏi nhà nước. «Điều cốt yếu là nếu nguyện vọng chung có thể tự biểu đạt một cách đầy đủ thì không nên có một xã hội cục bộ bên trong nhà nước nữa»[7]. Những cưỡng chế nằm trong các nhóm tạo thành xã hội trung gian phải được hòa tan trong ý chí tối cao của nhà nước. Mọi tập hợp hay cấp bậc xã hội phải bị tán nhỏ, mọi biểu hiện của xã hội truyền thống phải bị hủy bỏ, cá nhân và nhà nước mới là những thực thể tối cao[8].

II – CUỘC CÁCH MẠNG 1789 NHƯ HIỆN THÂN CỦA DÒNG TRIẾT HỌC KHAI SÁNG

1 – Sự triệt hạ xã hội trung gian

Hơn bất kỳ biến cố nào khác, chính cuộc Đại Cách mạng vào cuối thế kỷ thứ XVIII, đã dẫn đến một sự đoạn tuyệt [với quá khứ] nhờ những giả định chính của các triết gia*, và tạo ra cái phản ứng từ đấy những khái niệm cơ bản của xã hội học đã xuất hiện. Trong hệ quả của nó đối với xã hội truyền thống, cuộc Cách mạng có thể được tiếp cận một cách hữu ích như hiện thân của những ý tưởng tiềm ẩn trong dòng triết học của thời Khai Sáng. Các nhà lập pháp cũng thể hiện tận tình không khác các quyền cá nhân và tính đơn nhất của nhà nước tại Quốc Hội. Cùng một sự đánh giá thấp những quan hệ xã hội nhằm đoàn kết mọi thành viên trong các tập hợp, và cùng một lòng tin giống hệt nhau đặt vào nhà nước như phương tiện kết hợp chính. Đạo luật Le Chapelier[9] năm 1791 tuyên bố: «không còn một hiệp hội nào bên trong nhà nước nữa, chỉ có sự quan tâm đặc biệt tới quyền lợi của mỗi cá nhân và lợi ích chung» – một tuyên bố phản ánh rõ ràng ảnh hưởng của J. J. Rousseau[10]. Trong thái độ của Quốc Hội đối với các đoàn thể xã hội, nếu quyền lợi cá nhân là thúc đẩy cơ bản, thì cùng một lúc sự đánh giá cao tính đơn nhất của nhà nước cũng không thể thiếu như động lực. Đạo luật còn triển khai: «Một quốc gia thực sự tự do không thể phải chịu đựng trong lòng nó bất kỳ một phường hội nào, ngay cả thứ tổ chức có công lao xứng đáng như một hội đoàn cống hiến cho nền giáo dục công cộng»[11]. Đúng như [Roger] Saleilles từng nhận định: «Đối với các nhà Cách mạng, sự tồn tại của các cơ cấu xã hội, với những thẩm quyền biệt lập, là một điều dị thường về mọi mặt, cả triết học lẫn tư pháp và chính trị»[12].

Khi nhóm Jacobin[13] nắm được quyền lực, ác cảm đối với các hiệp hội tư nhân và đẳng cấp lên đến tột đỉnh. Chủ nghĩa dân tộc kiểu Jacobin «đã ra sức đánh trốc gốc và tận diệt bất kỳ phe nhóm nào có vẻ thiếu sự trung thành tuyệt đối, không chỉ đối với nước Pháp nói chung, mà còn cả đối với thứ nước Pháp đặc thù trong Giấc mơ Jacobin nữa – thứ nước Pháp là một và bất khả phân, dân chủ và cộng hòa, bình đẳng và thế tục.  Nó đã nhận thức có một kẻ thù nguy hiểm trong mỗi con người hoặc khuynh hướng có khả năng thực hiện bất kỳ một loại mơ ước nào khác cho nước Pháp. Nó tuyên chiến với chủ nghĩa địa phương, ‘chế độ liên bang’, và mọi khuynh hướng nhắm tới thứ quyền tự chủ tỉnh lẻ, tách xa khỏi chính sách tập quyền đầy kỷ luật của nhà nước»[14].

Nếu cuộc Đại Cách mạng trở nên nghiệt ngã ở một vài thời điểm, thì nói cho cùng, đấy cũng chỉ là «bạo quyền của tự do chống lại chủ nghĩa chuyên chính mà thôi», nói theo ngôn từ của Robespierre*. Tất cả những gì đang cản trở bước tiến của cá nhân tự do và nhà nước thống nhất phải bị hủy  bỏ đẳng cấp, phường hội, hiệp hội, nhà thờ, thậm chí cả gia đình nữa. Dưới tác động của cuộc Cách mạng, nhà thờ như một tổ chức xã hội riêng biệt đã bị phá hủy và hàng giáo sĩ bị tuyên bố là công chức của nhà nước, lệ thuộc vào sự bầu chọn của toàn thể công dân. Đất đai của Giáo hội bị chiếm đoạt, tu viện và trường học bị đạp đổ, và nhiều khía cạnh xã hội khác của tôn giáo cũng bị bãi bỏ. Các phường hội bị  tiêu diệt dưới danh nghĩa tự do lao động, và việc tái lập các hiệp hội kinh tế «dưới bất kỳ lý cớ hay hình thức nào» đều bị cấm ngặt[15]. Giáo dục bị tuyên bố là chức năng độc quyền của nhà nước; các trường đại học và trung học, hầu hết đều có quyền tự trị rộng rãi dưới chế độ trước, nay bị quy hoạch lại, và trên thực tế, đặt dưới độc quyền rộng lớn của chính quyền dưới thời Napoléon. Các chính phủ liên tiếp của cuộc Cách mạng, do đều tin tưởng với Danton* rằng «sau bánh mì, giáo dục là nhu cầu chính yếu của nhân dân», nên đều tìm cách bảo đảm rằng người dân phải nhận được loại giáo dục đúng đắn. Quyền sở hữu cũng bị sửa đổi mạnh mẽ không kém về những điều khoản liên quan tới luật thừa kế. Cho rằng tài sản thuộc về cá nhân chứ không phải gia đình, chính quyền công bố luật cưỡng bách phân chia (partage forcé), theo đó người cha buộc phải để lại cho mỗi đứa con một khoản kế thừa bằng nhau[16].

Bản thân gia đình cũng trải qua nhiều biến đổi dưới tay các nhà lãnh đạo bình quyền của Cách mạng. Những lần phản kháng được ghi nhận dồi dào của các triết gia* chống tính vĩnh viễn ràng buộc của hôn nhân và những «lạm dụng» quyền hạn gia trưởng đã ảnh hưởng tới các nhà lập pháp. Cho rằng các lý tưởng về tự do và bình đẳng phải được lưu hành trong gia đình cũng như ở mọi nơi khác, các nhà lập pháp thấy có rất ít lý do để khuyến khích phát tán tổ chức gia đình truyền thống. Như các triết gia*, họ thấy những tập tục của chế độ gia trưởng là «phản tự nhiên và ngược với lý trí». Trong bộ luật tháng 9 năm 1792, hôn nhân được gọi rõ ràng là một hợp đồng dân sự, và rất nhiều cơ sở cho việc ly hôn đã lần đầu tiên có hiệu lực trong lịch sử nước Pháp. Như [Marcel] Rouquet từng chỉ ra, những lập luận nhằm bênh vực các biện pháp trên đều rõ ràng dựa trên một quy chiếu về luật tự nhiên[17]. Những hạn chế nghiêm ngặt đã được áp đặt lên quyền hành của người gia trưởng, và trong mọi trường hợp, quyền hạn của người cha đã bị vô hiệu hóa khi đứa trẻ lên tới tuổi trưởng thành hợp pháp. Dựa trên các huấn lệnh của J. J. Rousseau, những người như Le Pelletier và Robespierre[18] nhấn mạnh rằng nhà nước phải có quyền ưu tiên trên cuộc sống của trẻ em; thực vậy, chúng phải sớm được tách khỏi gia đình từ lúc còn thơ, và được nuôi dưỡng chung, nhằm khắc sâu vào tinh thần chúng những đòi hỏi của quốc gia trên cuộc đời của chúng[19]. Nếu những phát biểu như vậy là cực đoan, thì dù sao cũng đúng là cuộc Cách mạng đã làm suy yếu mạnh mẽ tình đoàn kết trong gia đình, phù hợp với chính sách chung của nó đối với tất cả mọi nhóm trung gian. Gia đình không được coi là ngoại lệ đối với nguyên tắc chung: xem cá nhân là đơn vị thực sự của nhà nước, và đòi hỏi mọi uy quyền xã hội phải được chuyển giao cho cấu trúc hình thức của nhà nước.

2 – Chủ nghĩa Cá nhân và Chủ nghĩa Nhà nước

Điều này có nghĩa là nhà nước đã chiến thắng những quan hệ truyền thống như tôn giáo, phường hội, và gia đình; uy quyền của xã hội đã chuyển thành chủ quyền chính trị. Tính bất khả phân của nhà nước, uy quyền tối cao của quyền lực nhà nước, sự lệ thuộc của mọi cá nhân vào nó và chỉ vào nó mà thôi tất cả đều được các nhà cách mạng chấp nhận như định đề. Sự toàn thắng của Nhà nước đại chúng mang theo nó ngọn lửa của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa bình đẳng; chúng nung chảy sự kiềm chế và kiểm soát của xã hội truyền thống. Vai bên vai, Cá nhân và Nhà nước nổi lên như những thực thể tối cao, cái gì bổ ích cho cá nhân cũng hữu ích cho nhà nước và ngược lại; kẹt giữa hai thực thể này, những yêu sách của các nhóm xã hội chẳng còn bao hiệu quả. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên từ cuộc cách mạng, sự tôn thờ Nhà nước một và bất khả phân là công thức biểu đạt mối quan hệ mới giữa nhà nước với cá nhân. [Roger] Soltau từng viết: «sự phá huỷ tất cả các nhóm trung gian ném cá nhân về phía nhà nước nếu, như hầu hết mọi người, hắn ta cảm thấy nhu cầu có một cái gì đó lớn hơn cá nhân mình  mà hắn ta có thể đánh mất bản thân trong đó»[20]. Đối với nhiều trí thức Pháp đương thời, trật tự mới là một tương phản may mắn với chế độ cũ. Mọi trở ngại từ chủ nghĩa phong kiến ​​đều đã bị xóa sổ, và kết quả là một quốc gia thống nhất của những cá nhân tự do.

Tuy nhiên, trong mắt của một ít người, thành quả của cuộc Cách mạng chẳng có gì khác hơn là sự đảo lộn về tổ chức ở một số lĩnh vực thiêng liêng trong xã hội, khác xa với sự tiến bộ. Có suy nghĩ rằng sự tước đoạt tài sản của nhà thờ song song với sự xuống giá của tôn giáo, sự loại trừ các hiệp hội kinh tế, những luật định về giáo dục, và trên hết, sự suy yếu của gia đình… sẽ dẫn đến tình trạng hoàn toàn vô chính phủ. Một trong thiểu số những người hiếm hoi này là Auguste Comte. 

III – ĐÓNG GÓP XÃ HỘI HỌC CỦA AUGUSTE COMTE : ĐẶT NHÓM XÃ HỘI VÀO LẠI TƯ TƯỞNG XÃ HỘI HỌC

Qua sự va đập của cuộc Cách mạng trên các nhóm xã hội truyền thống, ta có thể thấy nảy ra nhiều thứ thực sự thuộc phần nền móng xã hội trong sự trỗi dậy của xã hội học Pháp. Về mặt lịch sử, xã hội học, trong cái hình thức hệ thống hóa của nó, vẫn dựa trên khái niệm nhóm xã hội và vấn đề xáo trộn tổ chức xã hội. Ngay từ đầu, Comte đã bị ấn tượng bởi sự rối loạn mà theo đánh giá của ông đã phát sinh từ sự nguyên tử hóa gia đình, nhà thờ, và hiệp hội. Từ những tiểu luận đầu tiên, Comte đã để lộ những đích nhắm sẽ hướng dẫn phần còn lại trong đời sống trí tuệ của ông. Ở đấy, ông đã báo trước những điềm xấu về «trào lưu gây rối loạn tổ chức» đang làm xã hội đảo lộn. Ông kêu gọi chú ý đến «tình hình giông bão», đến «tình trạng vô chính phủ ngày càng xâm chiếm xã hội». Theo ông, «cách duy nhất để chấm dứt tình hình giông bão này, chặn đứng tình trạng vô chính phủ đang chiếm lĩnh xã hội mỗi ngày này... là thuyết phục các quốc gia từ bỏ thái độ tiêu cực, và chấp nhận một thái độ hữu cơ»[21].

Thứ mà Comte gọi là thái độ «tiêu cực» hiện lên rõ ràng đối với bất cứ ai đọc quyển Essays. Chủ nghĩa phủ định (negativism) bao gồm mọi ý tưởng cá nhân đã nảy nở trong thời kỳ Khai Sáng, và là động lực của cuộc Cách mạng. Ông đề cập tới J. J. Rousseau và các môn đệ như «những học giả máy chém (docteurs en guillotine)» và mô tả học thuyết của họ là «trạng thái vô chính phủ mọi rợ». Trước những giáo điều của chủ nghĩa cá nhân, Comte không cảm thấy gì khác hơn là sự ngờ vực và lòng khinh miệt. Ông kết án ý tưởng về các quyền tự nhiên là «vô luân và vô chính phủ». Ý tưởng chủ quyền nhân dân cũng không kém ngụy tạo, nó chắc chắn sẽ dẫn tới sự cắt rời mọi bộ phận của cơ thể xã hội. Giáo điều về sự bình đẳng là phản khoa học và nhất định sẽ đưa tới sự cô lập cá nhân này với cá nhân kia. Thậm chí ngay cả quyền tự do tư tưởng cũng không thoát khỏi bản yếu lược về những sai lầm được Comte triển khai. Tự do tư tưởng là một lý tưởng vô lý và «xứng đáng nhận lãnh cáo buộc vô chính phủ mà những nhà bảo vệ thần học hữu hiệu nhất của trường phái ban tặng»[22].

Phê phán về cuộc Đại Cách mạng và chủ nghĩa cá nhân của Comte không chứa trong nó một sự tán thành nhà nước vô hạn nào. Bởi như ông biết, niềm tin vào chủ nghĩa cá nhân đã, tay trong tay, song hành với sự chấp nhận nhà nước toàn năng xuyên suốt cuộc Cách mạng. Mỗi nguyên tắc đều gây tổn hại như nhau cho lĩnh vực hiệp hội trung gian giữa nhà nước với cá nhân. Như vậy, ông khẳng định rằng một trong những tai hại lớn đi kèm theo sự suy tàn của uy quyền tinh thần trong thế giới hiện đại chính là sự tóm thu mọi chức năng từng chính đáng thuộc về các quyền lực khác bởi nhà nước. Đạt tới cực điểm trong cuộc Cách mạng, quá trình này đã dẫn tới một «chế độ cực quyền hành chính», đến một chính quyền tập trung tới mức không thể nào chấp nhận được, và nó chỉ đẩy nhanh tốc độ của sự rối loạn đạo đức mà thôi. Theo tin tưởng sắt đá của Comte, điều thiết yếu bây giờ là nhà nước phải giao lại các chức năng tinh thần, giáo dục, và xã hội cơ bản cho những cơ cấu khác, phù hợp hơn[23].

Comte không quan tâm chính yếu đến cả nhà nước lẫn cá nhân  trong hệ thống xã hội học của ông. Cuộc Cách mạng đã chứng minh rằng cả hai đều không có thực chất như nền móng của một hệ thống xã hội đích thực. Bởi nền pháp chế nghiêm ngặt chống các nhóm xã hội, chống xã hội, Cách mạng đã làm suy cạn nguồn chảy của nền đạo lý và sự đoàn kết xã hội. Như tự nó đã gợi ý cho Comte, vấn đề thiết yếu không phải là chính trị hay kinh tế. Đó là xã hội – [vấn đề] xã hội theo nghĩa chính xác đó là kết quả của một sự phá vỡ những quan hệ sơ yếu kết hợp con người với nhau trong xã hội phi chính trị. Comte cảm nhận rằng những rối loạn cơ bản của nước Pháp đã nảy sinh một cách không thể tránh khỏi từ sự cô lập của cá nhân sau thứ pháp chế quyết liệt chống lại nhà thờ, gia đình và hội đoàn. Chính hy vọng xây dựng lại xã hội, theo nghĩa là xã hội trung gian, đã đưa ông đến việc xây dựng Hệ thống Thực chứng của mình. Không phải vì ông đã thất bại trong mục đích chính, vì nhiều đề xuất thực tiễn của ông thường có vẻ lố bịch, mà chúng ta phải tự bịt mắt trước đóng góp đầy ý nghĩa của ông. Nói ngắn gọn, điều Comte đạt được là việc đặt các nhóm xã hội vào lại trong tư tưởng xã hội.

Sự kiện xã hội học đã vươn lên lúc đầu như một phong trào đậm chất bảo thủ là rất ấn tượng. Có thể nói rằng,  thông qua De Bonald và Comte, xã hội truyền thống đã trở thành một khu vực chính trong quan tâm xã hội học[24]. Trong khi triết lý Khai Sáng thờ ơ với giá trị của các tập hợp như gia đình và nhà thờ, với các yếu tố như tính cưỡng bách của luân lý và truyền thống, cũng như với toàn bộ mạng lưới các nhóm xã hội nhỏ, thì những hiện tượng này nay trở thành trung tâm của khoa xã hội học. Chúng có thể được xem là phần nền của những bận tâm xã hội học về kiểm soát xã hội và sự xáo trộn tổ chức xã hội. Vấn đề trật tự xã hội trong thế kỷ XVII và XVIII đã được phân tích và diễn giải qua ngôn ngữ của luật tự nhiên về cá nhân và nhà nước. Cú đập lập pháp của cuộc Cách mạng gần như đã triệt hạ mọi biểu hiện của phần xã hội trung gian giữa hai thực thể này. Thành tựu to lớn đầu tiên của nhà xã hội học là phải biểu đạt lại vấn đề trật tự sao cho không chỉ có sự quan trọng đạo đức của các nhóm trung gian, mà còn cả giá trị lý thuyết của chúng trong việc nghiên cứu con người nữa, cũng được đưa vào trí trung tâm. Nói chính xác thì, chính các lĩnh vực về sự liên kết con người, phần từng bị đối xử lý tàn nhẫn nhất bởi cuộc Cách mạng, phải trở thành phần quan trọng về mặt khái niệm trong xã hội học. Sự tôn trọng rõ ràng của Comte đối với các đoàn thể tôn giáo, gia đình và tổ chức cộng đồng, cũng như những phương thức kiểm soát mà các nhóm này thể hiện, là nguồn gốc của sự quan tâm vô tư hơn hơn đối với những thực thể trên trong phần cốt lõi của xã hội học đương đại[25].

Không đánh giá thấp định hướng thận trọng hơn mà các khái niệm  kiểm soát xã hội và xáo trộn xã hội đã nhận được trong trước tác  của những tác giả như Durkheim, [Charles] Cooley* và [William] Thomas*, những ý tưởng trên [của Comte] phải được thừa nhận chính là phần nội dung gốc của xã hội học. Sự đóng góp của xã hội học vào việc nghiên cứu con người đã đặt dấu nhấn của nó một cách có ý nghĩa nhất trên sự thực là người đời phụ thuộc vào, và được khuôn đúc bởi các nhóm xã hội trong đó họ sống. Chính dưới ánh sáng này mà sự khác biệt giữa xã hội học với các khoa học nhân văn khác có thể được nhìn thấy rõ rệt nhất. Lý thuyết chính trị học, kinh tế học và tâm lý học đã nảy sinh trước cuối thế kỷ thứ XVIII, trong một thời đại khi những quan tâm kích thích  nhất là nhà nước, tài chính quốc gia, và công dân cá biệt. Chỉ đến khi chuỗi xã hội truyền thống với sự đa dạng của nó phải gánh  chịu cú đập tàn phá của của cuộc Cách mạng 1789, thì sự quan tâm có hệ thống về các nhóm xã hội mới nảy sinh[26].

IV – XÃ HỘI HỌC SAU AUGUSTE COMTE

1 – Xáo trộn xã hội, hỗn loạn tổ chức

Để kết luận, ta thể quan sát rằng sự tiếp tục, thậm chí sự gia tăng tầm quan trọng của những công trình nghiên cứu về nhóm xã hội và sự xáo trộn xã hội là một thực tế chắc chắn có liên quan tới cuộc Cách mạng Pháp. Hơn bất kỳ sự kiện nào khác, chính biến cố này đã khiến cho sự phát triển và lan truyền của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa quốc gia trong thế giới hiện đại trở thành điều không thể nghi ngờ. Và chính là để chống lại những lực lượng thiết định mạnh mẽ này mà gia đình, nhà thờ, và các nhóm xã hội đã đứng lên nghênh chiến và nói chung, đã bị chúng đánh bại. Việc nghiên cứu những vấn đề đa dạng do sự suy yếu của các nhóm xã hội tạo ra đã là mối quan tâm đặc thù của xã hội học –  một mối quan tâm từng được biểu lộ xuyên suốt từ thời Comte cho đến nay qua số lượng công trình nghiên cứu ngày càng tăng.

Các khuynh hướng chính của thế giới hiện đại đều nhắm tới việc giải phóng cả cá nhân lẫn nhà nước khỏi những ức chế của xã hội truyền thống. Nếu trong thế kỷ thứ XIX, cá nhân có vẻ như kẻ thừa hưởng mối lợi chính của lịch sử, thì thế kỷ XX đã cho thấy rằng thẩm định này là một chiều. Trên thực tế, cả Le Play lẫn Durkheim đều nhận thức rõ ràng mối quan hệ thân thuộc mầu mỡ giữa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa nhà nước. Sự toàn thắng của nhà nước trong các thập kỷ mới đây đã gây nhiều tổn hại cho sự kết hợp kiên định trong các nhóm xã hội hơn là những tổn thất cho cá nhân. Và sự tương tác định mệnh giữa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể, vốn đã nổi cộm lên như một nét đặc trưng của cuộc Cách mạng, vẫn còn là một khía cạnh đập vào mắt trong lịch sử kinh tế xã hội của Âu châu sau đó, như một thời trang kéo dài.

Sự đột nhập của chủ nghĩa cá nhân kinh tế và đạo đức vào các nhóm xã hội và gia đình đã để lại một khối lượng lớn, và ngày càng tăng thêm, những người mà sự thiếu an toàn và chuẩn tắc từ mức căn bản bỗng xuất hiện trong các chỉ số về sự xáo trộn xã hội một cách bi đát. Phản ứng của những người theo chủ nghĩa tự do hiện đại, về tổng thể, được thể hiện trong ngôn ngữ nhà nước. Tuy nhiên, bản thân nhà nước cũng không phải là một hiệu chỉnh đầy đủ cho những quá trình cạn kiệt xã hội. Nó có thể gia tăng lực lượng cảnh sát, trợ cấp kinh tế, thậm chí phân phối lại tài sản quốc gia; nhưng nhà nước không thể tự mình thay thế cho cái cảm giác thuộc về một cái gì, một nơi chốn nào đó, vốn là nền tảng của trật tự xã hội. Dù những hoạt động phúc lợi của nó rộng khắp đến đâu, nhà nước chính trị không có khả năng cung cấp các khoản đền bù tâm lý xuất phát từ vai trò thành viên của một nhóm xã hội – ít ra là trừ phi nó mạo hiểm thử nghiệm những khả năng của loại chế độ toàn trị.

Sự suy giảm của các nhóm cơ bản là một khía cạnh đáng lo ngại của lịch sử gần đây, và là một sự suy yếu chưa từng được kiểm tra bởi các biện pháp chính trị được sử dụng cho đến bây giờ. Do sự suy yếu của các nhóm xã hội, do sự nới lỏng những quan hệ tập tục truyền thống, sự gia tăng của khối lượng người bị nguyên tử hóa đã có thể thành hình, và môi trường thực hiệu của chủ nghĩa toàn trị ít nhiều nằm ở đây. Thực tế này là một kinh nghiệm mà nước Đức đã cho thấy: loại lãnh tụ toàn trị tung hoành trên cơ sở của các đám đông mất gốc rễ, những cá nhân mà sự mất mát vị thế và bản sắc xã hội đã biến họ thành con mồi cho những kẻ hoạt đầu. Chính là trong thứ nhà nước toàn trị mà mức suy yếu tột cùng của các nhóm xã hội đã xảy ra, để lại nhà nước như phương tiện chính yếu – gần như là duy nhất – của sự liên kết. Trong nhà nước toàn trị, không nhóm nào, không kết hợp nào, có thể xen vào giữa cá nhân với con Thủy Quái; thật vậy, thước đo của sự ổn định là mức độ mà các tập hợp xã hội như thế đã bị lệ thuộc hóa [vào nhà nước], thậm chí bị xoá sổ.

2 – Trách nhiệm của xã hội học sau chiến tranh

Như vậy, trách nhiệm của xã hội học đối với thế giới sau chiến tranh sẽ là rõ ràng và cấp bách. Những vấn đề nảy sinh từ sự hỗn loạn tổ chức sẽ còn bị hành động của chiến tranh làm đậm nét hơn. Chỉ nhờ áp lực chiến tranh, nhà nước sẽ phát triển mạnh mẽ; các cá nhân sẽ còn bị cô lập hóa hơn nữa, tách rời xã hội cùng các quy tắc của nó. Chiến tranh thúc đẩy sự mất trật tự xã hội bởi vì nó tạm thời rút khỏi xã hội cả một thế hệ những người trẻ tuổi, và bởi vì, do nhu cầu nội tại mạnh mẽ của nó, kiểm soát quân sự phải thay thế những cưỡng bách thường tình của xã hội dân sự. Một dân tình đã quen với thứ kỷ luật bảo vệ của nhà nước chiến tranh có khi còn thích nó hơn là những bấp bênh bất ổn của một xã hội công dân suy yếu. Nhưng đây là con đường dẫn tới chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta nay đang tham gia triệt phá. Làm thế nào một xã hội tự do có thể được duy trì, trừ phi trên cơ sở của những đơn vị nhỏ mang trong lòng chúng loại giá trị văn hoá mà con người muốn được tự do theo đuổi? Tự do là một giá trị tích cực chứ không phải tiêu cực, đấy là điều phải được ghi nhận.

Bất kể xã hội học tương quan như thế nào với chiến tranh, tiềm năng đóng góp của nó cho hòa bình là chắc chắn. Trong mọi ngành khoa học xã hội, đây là bộ môn liên quan trực tiếp nhất tới lĩnh vực xã hội phải gánh chịu nặng nề nhất dấu ấn của chiến tranh. Do thẩm quyền lịch sử, cũng như từ những quan tâm hiện tại, xã hội học là bộ môn liên quan sâu sắc nhất tới các nhóm xã hội. Chế độ dân chủ sẽ thoát khỏi những đe dọa hiện nay chăng, điều đó tùy thuộc không ít vào mức độ chúng ta có thể trả lại hay không cho các đơn vị xã hội nhỏ những sinh hoạt và ý nghĩa của chúng.

Nếu đơn vị cơ bản của tập thể trở nên quá lớn để cảm giác thân cận có thể tác động xuyên suốt mọi thành viên của nó, thì dân chủ sẽ bị thủ tiêu và chế độ bạo quyền sẽ nảy sinh, không tránh khỏi… Con Thủy Quái không thể được cai trị bởi những người tốt, trừ phi chính Thủy Quái được xây dựng trên những nhóm nhỏ hơn, xuống tận các nhóm  nhỏ nhất, sao cho quyền lực, trách nhiệm và tập quán hành động xã hội dựa trên tư tưởng được phổ biến thẳng qua các thành viên của nó[27].

Đây là thách thức của thế giới sau chiến tranh đối với xã hội học. Và trách nhiệm của xã hội học đối với dân chế độ dân chủ – một trách nhiệm mà nó đã ngầm cưu mang kể từ thời khởi đầu, ngay những năm sau cuộc Cách mạng Pháp.

Robert A. Nisbet,
Cuộc Cách Mạng Pháp Và Sự Cất Cánh Của Xã Hội Học Ở Pháp
(The French Revolution and the Rise of Sociology in France,
In: The American Journal of Sociology, 49
(9-1943), tr. 156-164.


[1] Robert Alexander Nisbet (1913-1996): nhà xã hội học Hoa Kỳ.  Tác phẩm chính: The Quest for Community (1953);  The Sociological Tradition (1966); Social Change and History (1969); The Social Bond (1970); The Social Philosophers (1973); The Sociology of Emile Durkheim (1974); The Twilight of Authority (1975); History of the Idea of Progress (1980); The Making of Modern Society (1986); Conservatism  (1986); The Present Age (1988); Teachers and Scholars (1992). NVK

[2] De Bonald (Louis-Gabriel-Ambroise, Tử tước de Bonald, 1754-1840), triết gia, nhà chính trị chống cách mạng Pháp, được Durkheim xem là một trong những người đã góp phần xây dựng xã hội học. Tác phẩm tiêu biểu: Théorie du pouvoir politique et religieux (1796); Théorie de l'éducation sociale (1796); Essai analytique sur les lois naturelles de l’ordre social (1800); Recherches philosophiques sur les premiers objets des connaissances morales (1818); Démonstration philosophique du principe constitutif de la société (1820); Opinion sur la loi relative à la censure des journaux (1821); De la chrétienté et du christianisme (1825); De la famille agricole et de la famille industrielle (1926); Discours sur la vie de Jésus-Christ (1834). NVK

[3] Tiểu luận này chỉ liên quan đến tư tưởng xã hội ở Pháp. Một phân tích  tương đương về nước Anh hoặc Đức sẽ đòi hỏi phải xem xét những vấn đề khác hơn ở đây. Đặc trưng của khoa xã hội học ở Pháp là, dưới một số khía cạnh, nó đã bắt nguồn từ sự quay lại với những ý tưởng từng thịnh hành suốt thời Trung cổ. Do sự ngưỡng mộ sâu sắc thời kỳ này ở Comte, nền văn minh của nó đã gợi hứng không ít cho tư tưởng xã hội của ông, như ta có thể thấy trong những ghi chú của tác giả. Xem: Système de politique positive (1852, II, 113).

[4] Xem: Otto von Gierke, Das deutsche Genossenschaftsrecht (Berlin, 1868-1913), IV, 490 f.

[5] Có thể đọc những phát biểu điển hình về sự đối kháng với các nhóm xã hội trong: Encyclopédie (Lausanne, 1781, XIV, 892-897); Sieyes, Qu’est-ce que le tiers etat? (ch. 5); Helvetius, Oeuvres (Paris, 1795, V, 219-220); Condillac, Oeuvres (Paris, 1798, IV, 388); và Diderot, Oeuvres completes (Paris, 1876, XVIII, 7 f). Về các quan điểm tương tự ở Đức đương thời, xem: Fichte, Werke (Berlin, 1845, IV, 403); và Kant, Werke (Leipzig, 1868, VII, 120-121, 144 ff). Về toàn bộ chủ đề này, xem: J. Paul-Boncour, Le Fédéralisme économique (Paris, 1901, đặc biệt tr. 47 f); và Gierke, sđd.

[6] Du contrat social, II, 12.

[7] Ibid., tr. 3.

[8] Về khía cạnh này trong tư tưởng của Rousseau, xem: phần Dẫn nhập trong bản dịch Du contrat social (Manchester, 1918) của C. E. Vaughan; và R. Nisbet, Rousseau and Totalitarianism (The Journal of Politics, 1943).

[9] Isaac-René-Guy Le Chapelier (1754-1794): nhà chính trị Pháp. Đại biểu của Đẳng Cấp Thứ Ba tại Hội Nghị Các Đẳng Cấp năm 1789, Chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến, ông là người đã khởi xướng đạo luật Le Chapelier, dẹp bỏ và ngăn cấm tham gia các phường hội, cuối cùng bị xử chết chém năm 1794. NVK

[10] Xem: Les Associations professionelles ouvrières (Paris, Office du Travail,  1899, I, 11 f.); Etienne Martin Saint-Léon, Histoire des corporations de métiers (Paris, 1922, tr. 623 f).

[11] Trích dẫn bởi F. W. Maitland, Collected Papers (Cambridge: Cambridge University Press, 1911, III, tr. 311).