CON NGƯỜI TRƯỚC KHOA HỌC (S. FREUD, 1917)
Cập nhật ngày 12-3-2019
Từ khóa : Con người trước Khoa học
C1

THÓI TỰ CHIÊM NGƯỠNG
CỦA CON NGƯỜI
TRƯỚC KHOA HỌC
(1917)

Tác giả: Sigmund Freud*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Lịch sử khoa học có thể được trình bày như một chuỗi những cuộc điều chỉnh về hình ảnh mà con người đã tự tạo ra về thế giới và về bản thân mình. Ở đây, Sigmund Freud giải thích những phản kháng mà con người từng đưa ra nhằm chống lại một số khám phá khoa học, do thứ cảm thức nhục nhã mà hắn đã cảm thấy khi bị khoa học giáng vào thói tự chiêm ngưỡng của mình những chùy phủ định. Trong chiều hướng này, phân tâm học là chùy cuối cùng và nghiêm trọng nhất trong số những cảm thức nhục nhã đó.

*

Trong dòng trôi của bao thế kỷ qua, khoa học đã nện vào thói tự chiêm ngưỡng ngây thơ của con người nhiều đòn phủ định nghiêm trọng. Đòn đầu tiên xảy ra khi khoa học chỉ ra rằng, còn cách xa vô cùng với cái hình ảnh trung tâm Vũ Trụ được gán cho nó, Trái Đất này [và con người trên đó] chỉ là một mảnh vô nghĩa của hệ thống vũ trụ – cái Vũ Trụ mà ta khó có thể hình dung nổi tầm cỡ vĩ đại tới mức nào. Đối với chúng ta, đấy là cuộc chứng minh thiên văn mang tên Kopernik (1473-1543)*, mặc dù nền khoa học của thành Alexandreia[1]* cũng đã công bố một cái gì đó giống như vậy.

Đòn thứ hai đã được ngành sinh học giáng xuống thói tự lấy mình làm trung tâm này, khi nó triệt tiêu kỳ vọng của loài người rằng con người chiếm một vị thế đặc biệt trong trật tự sáng tạo, thông qua vừa sự thiết lập nguồn gốc xuất phát của con người từ giới động vật, vừa sự chứng minh rằng cái bản chất thú vật ở con người là không thể bị hủy diệt. Cuộc cách mạng này đã được hoàn tất ngay trong thời đại của chúng ta, sau những công trình của [Charles] Darwin (1809-1882)*, của [Alfred Russell] Wallace (1823-1913)[2]* và các nhà khoa học đã đi trước họ, mặc dù những tác phẩm ấy cũng từng phải đối phó với sự phản kháng quyết liệt nhất của người đương thời.   

Đòn thứ ba sẽ được nện xuống chứng vĩ đại ngông cuồng của con người bởi công cuộc nghiên cứu tâm lý hiện đại, khi nó chỉ ra cho cái tôi thấy, rằng hắn chỉ đơn giản không phải là ông chủ trong chính ngôi nhà riêng của mình, rằng hắn buộc phải tự bằng lòng với những mảnh thông tin hiếm hoi và sơ sài về những gì đang xảy ra trong cuộc sống tâm lý của mình, bên ngoài ý thức.

Các nhà phân tâm học không phải là những người đầu tiên, cũng không phải là những kẻ duy nhất, đã đưa ra lời kêu gọi khiêm tốn và tĩnh niệm, nhưng việc mở rộng quan điểm này dường như đã được giao cho họ, như một sứ mệnh cần được làm với nhiều nhiệt tình hơn, đồng thời dựa trên những vật liệu vay mượn từ kinh nghiệm và dễ tiếp cận cho mọi người hơn. Chính vì vậy mà, nhằm đả phá môn học của chúng tôi, cả một dàn khiên giáo đã được giơ cao, hàng loạt động thái đối đầu dữ dội đã bùng nổ, làm rung chuyển mọi rào cản của lô-gic phê phán không thiên vị, bất chấp mọi quy tắc học thuật lịch sự.

Freud, Sigmund
Dẫn Vào Khoa Phân Tâm Học
(Introduction à la psychanalyse
Paris, Payot, 1965, tr. 266).


[1] Thành phố được xây để vinh danh Alexandros III (Alexandros Đại Đế) năm 331 tCn ở Ai Cập. Khi ông qua đời, Ptolemaios (một cựu tướng của ông) hùng cứ ở đây và lập ra nhà Ptolemaios, Alexandreia trở thành thủ đô Ai Cập, rồi một trung tâm văn hóa thời cổ đại, nhờ chính sách kiến thiết và những công trình xây dựng của triều đại Ptolemaios (lăng Alexandros Đại Đế, thư viện, hải đăng, và nhiều kiến trúc khác). Khi Ai Cập bị La Mã chiếm năm 30 tCn, Alexandreia trở thành thủ phủ của tỉnh Ai Cập trong đế quốc La Mã. Sau khi bị tàn phá 2 lần do chiến tranh (năm 115 sCn) và sóng thần (năm 365), Alexandreia được tiếp thu từ tay đế quốc Đông La Mã năm 641, trở về dưới sự kiểm soát của người Ả Rập, và được gọi là Iskandariya (Iskandar = Alexandros). Do các chính quyền Ả Rập đặt thủ đô ở Fustat và Cairo, Alexandreia lùi về vị trí thành phố thứ nhì của Ai Cập, và nói chung giữ ngôi vị này cho đến nay. Về lịch sử hiện đại của Alexandreia, có thể xem thêm bằng tiếng Việt trên Wikipedia.

[2] Alfred Russel Wallace (1823-1913): nhà thám hiểm, nhà tự nhiên học, địa lý, nhân chủng và sinh học người Anh. Ông được xem là người cũng đã đề xuất ra, nhưng độc lập với Charles Darwin, học thuyết tiến hóa thông qua sự chọn lọc tự nhiên (các bài viết của ông về chủ đề này đã được công bố cùng với một số báo cáo của Darwin năm 1858; có thể đấy là nguyên do đã thúc đẩy Darwin cho xuất bản quyển On the Origin of Species năm 1859). Tác phẩm : Palm trees of the Amazon and their uses (1853); The Malay Archipelago (1869); Contributions to the Theory of Natural Selection (1870); The Geographical Distribution of Animals (1876); Tropical Nature, and Other Essays (1878); Island Life (1881); Darwinism: An Exposition of the Theory of Natural Selection, with Some of Its Applications (1889); Travels on the Amazon and Rio Negro (1889); Man's Place in the Universe (1903); My Life (1905).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa