CÓ CHĂNG MỘT PHÉP MÀU HY LẠP ? (J.-F. DORTIER, 2000)

LM : 15-01-2024
Từ khoá : Khoa học – Hy Lạp – tk V tCn

C1

CHĂNG MỘT PHÉP MÀU HY LẠP?
(2000)

Tác giả: Jean-François Dortier[i]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Phép màu Hy Lạp. Đấy là cách Ernest Renan[2] đánh giá sự phát triển văn hóa phi thường ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ V tCn. Một cuộc cách mạng văn hóa chưa từng thấy đột ngột diễn ra tại một vài thành quốc trên bán đảo Hy Lạp. Không hẹn mà các kiến trúc sư, nhà điêu khắc và họa sĩ bỗng nhiên cùng tạo ra những tác phẩm đặc biệt đẹp đẽ: ngôi đền Parthenōn và pho tượng Diskobolos là những kiệt tác nổi tiếng nhất. Sự khai hoa văn học cũng rực rỡ không kém, với thời kỳ vĩ đại của bi kịch (Aiskhylos*, Sophoklēs*, Euripidēs*) hay hài kịch (Aristophanēs*). Về phần mình, Hērodotos* và Thoukydidēs* đã phát minh ra thể loại lịch sử: Hērodotos bằng cách kể lại phong tục của các dân tộc ngoài Hy Lạp, và lịch sử các cuộc chiến tranh với Persia trong quyển Điều Tra; còn Thoukydidēs thì với tác phẩm Cuộc Chiến Tranh Peloponnēsos của ông.

Trong cùng thời kỳ này, một bộ môn trí tuệ khác xuất hiện: triết học. Theo chính người Hy Lạp, nó sinh ra ở Ionia cùng với Thalēs* thành Milētos. Nhưng phải một thế kỷ sau, tuy vẫn trong thời kỳ mấu chốt ấy, bộ môn mới mới thực sự toả rộng, với các nhà tư tưởng tiền-Sōkratēs (Hērakleitos*, Parmenidēs*, Zēnōn xứ Elea*, Empedoklēs*, Anaxagoras*, v. v.), rồi sau đó là Sōkratēs và Platōn. Triết học là một cách chất vấn thế giới mới. Nó đặt câu hỏi về những nguyên tắc đầu tiên của vạn vật – con người, xã hội, vũ trụ – và cách tiếp cận của nó dựa trên lập luận và sự truy tìm bằng chứng.

Vào thời điểm đó, thứ triết học này không thực sự tách biệt khỏi cái mà chúng ta gọi là khoa học ngày nay. Bởi vì triết gia cũng là một nhà bác học, quen thuộc với hình học, toán học, và thiên văn học. Người ta nói rằng Platōn từng muốn khắc trên trán Học viện của mình: «Không ai được vào đây trừ khi là nhà hình học».

Như vậy, vào khoảng thế kỷ thứ V tCn, chúng ta chứng kiến sự triển khai một số lĩnh vực khoa học ở các thành quốc Hy Lạp: từ toán học thuần túy (hình học và số học), qua toán học ứng dụng – vào thiên văn học, âm nhạc, quang học, địa lý – đến tận một môn y học mới vừa được xây dựng thành trường phái quanh Knidos hoặc Kōs.

Lý trí không phải là một phát minh[3] của Hy Lạp

Đâu là nguyên nhân của cuộc cách mạng tinh thần xảy ra ở Hy Lạp giữa thế kỷ thứ VI và thứ V tCn? Đặc trưng cho lối suy nghĩ mới này là gì?

Giới sử gia từng tranh luận về các câu hỏi này trong hơn một thế kỷ. Suốt một thời gian dài, lịch sử tư tưởng Hy Lạp được mô tả như quá trình chuyển đổi từ thần thoại sang lý trí[4]. Trước đây, ở những thời kỳ cổ xưa hơn, con người sống dưới sự thống trị của các vị thần, thần thoại, tín ngưỡng ma thuật. Rồi đột nhiên, với sự ra đời của triết học và khoa học, con người đã tiếp cận được tư duy lý tính...

Câu chuyện hay đẹp này ngày nay không còn được chấp nhận dễ dãi nữa. Bernard Vitrac[5], chuyên gia về toán học cổ đại, khẳng định: «Luận điểm cho rằng các nền văn hóa trước Hy Lạp là không có lý tính không thể được chấp nhận nữa». Các nền văn minh lớn trước văn minh Hy Lạp, Babylon(ia)* hay Ai Cập*, từng phát triển một kho tri thức đồ sộ về y học, thiên văn học, toán học và thực vật học.

Ông nói thêm: «Lượng tri thức này không phải là những tín điều, cũng không đơn thuần là những hiểu biết kinh nghiệm». Ví dụ, người Babylon(ia) là những nhà thiên văn học vĩ đại. Họ biết mô tả chuyển động của các ngôi sao một cách chính xác, và dự đoán vị trí của chúng tại một thời điểm nhất định. Trong hình học, họ cũng từng có nhiều khám phá: họ đã biết các đặc tính của tam giác vuông (bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông), rất lâu trước khi Pythagoras chứng minh chúng. Người Babylon(ia) cũng biết cách giải các phương trình đại số, như các phương trình bậc nhất hay bậc hai chẳng hạn. Họ còn có nhiều tri thức khác nữa, về y học và thực vật học. Một phần tri thức của người Hy Lạp phụ thuộc vào các nền văn minh Ai Cập và Babylon(ia).

Như vậy, các nền văn minh đi trước người Hy Lạp từng thu thập được nhiều thứ tri thức phức tạp, không thể bị quy giản vào một số tín ngưỡng hoặc bí quyết kỹ thuật. Như hầu hết các nền văn minh khác của nhân loại. «Không nền văn minh nào lại không có tri thức», Maurice Caveing[6], một chuyên gia khác về toán học cổ đại khẳng định. Từ khi Claude Lévi-Strauss* xuất bản quyển Tư Duy Hoang Dã (La Pensée sauvage)[7] năm 1962, các nhà nhân học đã chỉ ra rõ ràng rằng trong mọi xã hội «sơ khai» đều có những kho tri thức – về thực vật, động vật, y thuật, kỹ thuật, v. v. – không thể bị hạ xuống cấp bậc những tin tưởng, huyền thoại.

Khoa học Hy Lạp là gì?

Do đó, chúng ta nên truy tìm nguồn gốc của khoa học từ người Babylon(ia) hay người Ai Cập chăng? Đây không phải là ý kiến của các nhà nghiên cứu. Đối với B. Vitrac, «người Babylon(ia) rất trí tuệ, nhưng tôi từ chối dùng từ khoa học để mô tả những hiểu biết của họ». Quả thực, người Babylon(ia) đã tích lũy được một lượng lớn tri thức, nhưng họ chưa bao giờ tự hỏi về nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng họ quan sát được. Trong thiên văn học chẳng hạn, họ biết chính xác chuyển động của các ngôi sao. Nhưng ở họ không có gì tương đương với các hệ thống vũ trụ học của Hy Lạp, vốn được xây dựng nhằm tìm ra một trật tự vũ trụ chi phối chuyển động của các sao. Trong y học, người Babylon(ia) biết nhiều thứ bệnh và phương pháp điều trị, nhưng họ không truy tìm nguyên nhân của chúng. Để ướp xác, người Ai Cập cũng thu thập được rất nhiều hiểu biết về giải phẫu và sinh lý, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ từng tìm cách giải thích sự vận hành của cơ thể sinh vật.

Điều đánh dấu chính xác tính độc đáo của người Hy Lạp nằm ở chỗ họ  đã vượt, từ việc thấy biết sự kiện sang sự truy tìm nguyên nhân, từ việc nắm vững một số hiểu biết nhất định đến sự chứng minh chặt chẽ giá trị của chúng. Và điều này được quan sát thấy trong mọi lĩnh vực tri thức: thiên văn học, toán học, y học, sử học và tất nhiên là triết học. Không bằng lòng với việc chỉ kể lại các cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp và người Man Di[8], Hērodotos* – sử gia đầu tiên – truy tìm nguyên nhân của chúng. Từ câu đầu tiên trong quyển Điều Tra, ông viết: «Hērodotos xứ Halikarnāssos trình bày ở đây kết quả cuộc điều tra của mình, để thời gian không xóa bỏ những công trình của con người, để các chiến công vĩ đại mà người Hy Lạp hoặc người Man Di đạt được không rơi vào quên lãng; và ông ta đặc biệt đưa ra lý do đã dẫn đến cuộc xung đột khiến hai dân tộc này đối đầu nhau». Hippokratēs xứ Kōs*, người được coi là cha đẻ của y học phương Tây, không chỉ lập danh sách các bệnh và liệt kê những triệu chứng của chúng, ông còn là người lần đầu tiên truy tìm nguyên nhân của các căn bệnh này, khai sinh môn bệnh căn học.

Trong toán học, việc tìm kiếm nguyên nhân được thực hiện dưới hình thức chứng minh. Trong khi người Babylon(ia) biết các tính chất của góc và đường tròn... thì người Hy Lạp muốn chứng minh chúng. Toàn bộ công trình viết ra quyển Cơ Sở (Elements) của Eukleidēs* khác hẳn với sự tập hợp đơn giản những khám phá hình học của người Babylon(ia) ở chỗ tác giả của nó muốn chứng minh từng mệnh đề một. Quyển Cơ Sở là đỉnh hoàn tất của cả một công trình đã được các nhà hình học Hy Lạp bắt đầu gần hai thế kỷ trước.

Bernard Vitrac nhấn mạnh:  dù là trong thiên văn học, toán học, y học, sử học hay triết học, «một điểm trí thức chung ngự trị trên mọi hoạt động trí tuệ khác nhau này – người ta thấy ở đây cùng một cách tiếp cận: nỗ lực truy tìm nguyên nhân».

Việc tìm kiếm bằng chứng

Như vậy, đây mới là nét đặc trưng của khoa học Hy Lạp: một tư duy hướng đến việc tìm kiếm nguyên nhân thông qua chứng cớ. Nhưng phải giải thích sự xuất hiện đột ngột của cuộc cách mạng tinh thần này như thế nào? Tại sao lại ở Hy Lạp, vì sao lại vào thời điểm này? Một số nhân tố đã được viện dẫn để giải thích «phép lạ Hy Lạp» nói trên.

Theo Maurice Caveing, nhân tố giải thích đầu tiên liên quan tới bản chất của nền văn minh Hy Lạp. «Ở đây, chúng ta chứng kiến sự hiện diện của một giống dân du hành; họ dọc ngang Địa Trung Hải, xây dựng thuộc địa, đẩy các cuộc thám hiểm vượt quá eo biển Gibraltar. Một tầng lớp tinh hoa – nào thương nhân, hoa tiêu, nào chủ tàu, doanh nhân – thành hình trong lòng các thành quốc gốc và các thuộc địa. Những con người này có tầm nhìn bao quát về thế giới». Một thời kỳ có thể so sánh với thời Phục Hưng: những phát hiện vĩ đại, những cuộc gặp gỡ với các dân tộc khác, những lối sống khác, các ngôn ngữ khác, những phong tục khác. Ông Caveing nhấn mạnh: «Tất cả những khám phá này giúp họ mở mang đầu óc».

Nhân tố kỹ thuật xã hội có lẽ cũng đóng góp vào đấy: sự phát triển các thành phố ở lưu vực Địa Trung Hải đặt ra nhiều vấn đề cụ thể: các công trình thủy lực và việc xây dựng hệ thống cầu máng chắc chắn đã đóng một vai trò trong sự xuất hiện tinh thần vật lý và hình học. Jean-Pierre Vernant* lưu ý: «Ngay từ thế kỷ thứ V tCn, một công trình như kênh dẫn nước được Eupalinos thành Megara* xây dựng ở Samos đã đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp đạc tam giác rất khó»[9].

Tổng quát hơn, sự phát triển của các kỹ thuật cần thiết cho việc chế tạo những cỗ máy hoặc tàu bè nhằm phục vụ chiến tranh có thể cũng đã đóng một vai trò kích thích đối với  khoa học Hy Lạp. Ảnh hưởng của thứ công nghệ này từng được các sử gia như Benjamin Farrington[10] hay Maurice Daumas[11] đưa ra. Cho dù người ta từng lưu ý rằng người Hy Lạp không đổi mới nhiều trong các vấn đề kỹ thuật, và giới tinh hoa trí thức ở đây ít quan tâm đến nó, thì theo ông Caveing, thực tế vẫn là có lẽ chúng ta đã giảm thiểu yếu tố kỹ thuật này quá đáng. Khi Arkhimēdēs* chế tạo những cỗ máy chiến tranh, phát minh ra những cỗ máy vận hành với ròng rọc, đòn bẩy, ốc vít, v. v..., ông đã vượt xa khuôn khổ kỹ thuật thủ công đơn giản để thực hiện một công nghệ thực sự, tức là một lý thuyết toán học và vật lý học áp dụng vào các vấn đề thực tiễn. Ông Caveing lưu ý: «Hãy nghĩ rằng họ thậm chí còn biết cách lắp ráp và tháo rời các cỗ máy chiến tranh thành những bộ phận riêng biệt». Tương tự, sự phát hiện ra định luật lực đẩy nổi tiếng của Arkhimēdēs rõ ràng là có liên quan tới vấn đề các điều kiện nổi của một con tàu mà ông đặt ra.

Một giải thích khác cho sự xuất hiện của khoa học Hy Lạp là nhân tố chính trị xã hội. Ở các đế chế Ai Cập hay Babylon(ia) láng giềng, quyền lực có thứ bậc, và được phân cấp theo hình kim tự tháp. Trái lại, người Hy Lạp có truyền thống lâu đời về một cơ cấu chính trị trong đó Đại Hội Quốc Dân giữ vai trò trung tâm. Ở thành quốc, quyền lực chính trị xoay quanh Đại Hội và luôn luôn có tranh luận. Ông Caveing nhắc lại: «Đại Hội Quốc Dân có thể mang tính quý tộc hoặc dân chủ, cuộc tranh luận có thể diễn ra trong một nhóm ưu tú hoặc mở rộng ra cho tất cả mọi người. Nhưng trong mọi trường hợp, các quyết định chỉ được lấy sau khi mọi người đã phát biểu (logos) và lập luận ủng hộ luận điểm này hoặc luận điểm kia. Cuộc thảo luận luôn luôn đi trước việc lấy quyết định»[12].

Thời Hy Lạp cổ điển, chúng ta chứng kiến sự biến mất của chế độ các vị vua-tư tế (rois-prêtres). Chính trị thuộc thế giới thế tục. Do đó không có Giáo Hội và một tầng lớp giáo sĩ nắm giữ một giáo điều duy nhất nào. Mỗi người đều có thể hết lòng thờ phụng Apollōn, Athēna hoặc Dēmētēr. Tình trạng đa thần cho phép tự do lựa chọn đối tượng tôn thờ. Nếu thực sự có một thần thoại chung, thì nó cũng chưa bao giờ mang tính chất giáo điều bè phái, và tín ngưỡng chính thống. Do đó, không có tư tưởng độc khối ở các thành quốc, như ở trường hợp các đế quốc láng giềng, nơi việc giảng dạy vẫn còn là độc quyền của giới ghi chép kinh sách.

Khoa học là con đẻ của thể chế dân chủ chăng? 

Khoa học phải chăng là con đẻ của chế độ dân chủ? Đây là luận điểm trọng tâm được Geoffrey Lloyd[13], tác giả của nhiều công trình về nguồn gốc của khoa học Hy Lạp đưa ra. Theo sử gia người Anh này, việc «truy tìm bằng chứng» gắn liền với cơ cấu chính trị của các thành quốc Hy Lạp. Ở Athēnai, tranh luận ý tưởng diễn ra thường xuyên trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo hoặc tư pháp. Có thói quen tranh luận giữa những người tự xem họ là bình đẳng. Không một biểu văn uy quyền nào có thể tồn tại. Để thuyết phục, phải lập luận, chứng minh, đưa ra chứng cớ. Ông Caveing ghi lại cả một bộ vũ khí gọi là «kỹ thuật ngôn luận»: thuật hùng biện, biện hộ, biện chứng, tranh biện (là nghệ thuật nhốt đối thủ trong những mâu thuẫn của hắn). Bằng chứng nào cho thấy Sōkratēs là có tội? Điều gì chứng tỏ là Trái Đất tròn? Tại sao Athēnai phải tấn công Sparta? Ở khắp nơi, phải «trưng ra lý do» cho những điều mình nói; và lý do là cái bằng chứng phải tìm kiếm.

Bernard Vitrac lưu ý: «Ở đây có ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động pháp lý». Trong lĩnh vực tư pháp, tòa án hoạt động với những bồi thẩm đoàn lấy quyết định từ các cuộc điều trần tranh tụng». Điều này cũng giả định rằng người bào chữa và bị cáo tranh luận và đưa ra bằng chứng, bởi vì ở đây không có công lý linh thiêng. Ông Vitrac nhớ lại: «Trong tiếng Hy Lạp, Aitia có nghĩa là nguyên nhân, nhưng nó cũng chỉ thủ phạm của hành động». Thói quen tranh luận phê phán, và những kỹ thuật nói liên quan tới tranh luận sẽ phát triển trong các lĩnh vực chính trị, pháp lý và triết học. Ý thức lô-gic, tinh thần nói có sách, mách có chứng phát triển mạnh.

Geoffrey Lloyd từng nỗ lực thiết lập một liên hệ chặt chẽ giữa thói quen tranh luận dân chủ với sự xuất hiện của khoa học. Luận điểm hấp dẫn... nhưng đáng tranh cãi. Thứ quyết định luận xã hội học giữa hình thức xã hội với hình thức tư duy như vậy không phù hợp với một phân tích chi tiết. Bởi vì đối với chính người Hy Lạp, «lập luận không hề là chứng minh». Platōn và Aristotelēs hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt giữa thuật hùng biện – nhằm mục đích thuyết phục – và sự chứng minh thực sự – nhằm mục đích chứng minh; và điều cũng không hề rõ ràng là tinh thần đi tìm bằng chứng là một chuyển vị trực tiếp từ các hình thức tranh luận dân chủ vào toán học.

Đối với Bernard Vitrac, cho dù quả thực có sự phát triển liên hợp giữa triết lý toán học với thuật hùng biện đi nữa, kết hợp chúng một cách quá máy móc  sẽ là một sai lầm.

Vai trò của chữ viết

Phải chăng chữ viết là một nhân tố khác trong sự phát triển của khoa học Hy Lạp? Sự trùng hợp của các sự kiện dường như là một gợi ý cho điều này. Vào khoảng thế kỷ thứ VII tCn, người Hy Lạp đã áp dụng hệ thống bảng chữ cái do người Phoenicia* phát minh ra. Và sự xuất hiện của một nền văn xuôi đích thực ở đây – triết học, toán học, y học, sử học – trùng hợp hoàn toàn với thời điểm xảy ra phép lạ Hy Lạp. Chính vào thời điểm này mà triết học đã chuyển từ hình thức đối thoại miệng (Sōkratēs từ chối viết) sang dạng chuyên luận bằng văn bản (các bản Đối Thoại đầu tiên của Platōn). Trong sử, chữ viết chắc chắn cũng là điều kiện để chuyển từ những sử thi truyền khẩu vĩ đại (được Homēros chép lại qua hai văn bản Ilias và Odysseia) sang dạng lịch sử viết bằng văn xuôi (Hērodotos và Thoukydidēs). Những chuyên luận đầu tiên về toán học và y học cũng xuất hiện vào thời điểm ấy. Đối với nhà nhân học người Anh Jack Goody[14], chữ viết đánh dấu sự bước vào một phương thức tư duy mới: nó cho phép một sự hệ thống hóa tư duy chặt chẽ hơn, sự ghi nhớ sâu rộng hơn, và sự lưu chuyển ý tưởng trên một quy mô rộng lớn.

Ngày nay, giới sử gia đánh giá chừng mực hơn những đóng góp thực sự của chữ viết. Dù có chữ viết, người Babylon(ia) và người Ai Cập vẫn không phát triển được một nền khoa học tương đương với khoa học Hy Lạp. Mặt khác, người ta cũng thừa nhận rằng một phần lớn của tư tưởng Hy Lạp vẫn bị giới hạn trong khuôn khổ truyền miệng. Nếu chữ viết có ảnh hưởng đến tư tưởng Hy Lạp, thì đấy cũng không phải như một nhân tố duy nhất và mang tính quyết định (như sử gia Eric Havelock[15] từng lập luận), mà đúng hơn chỉ như một nhân tố bên cạnh những cái khác trong một cấu hình tổng quát hơn.

Phép màu Hy Lạp hay sự truy tìm kiếm bằng chứng

Ngày nay, chúng ta đều chấp nhận rằng khoa học và triết học đã ra đời ở Hy Lạp trong thời kỳ cổ điển. Nhưng không phải nhờ sự siêu hiện huyềndiệu – như phép lạ – của một thứ trí tuệ đặc thù mà ta gọi là lý trí, tiếp nối và thay thế cho não trạng huyền thoại. Khoa học Hy Lạp dựa vào những thành tựu trước đây của người Babylon(ia) và người Ai Cập. Nhưng người Hy Lạp đã phát minh ra một cách tiếp cận trí tuệ mới: tìm kiếm bằng chứng một cách có hệ thống.

Suốt nửa thế kỷ nay, toàn bộ giới sử gia Anglo-Saxon đã nỗ lực kết nối sự xuất hiện của khoa học Hy Lạp này với một nhân tố xã hội hoặc kỹ thuật: nền kinh tế tiền tệ đối với G. Tomson[16], công nghệ đối với B. Farrington, ngôn ngữ chữ cái theo E. Havelock, chế độ dân chủ theo G. Lloyd. Ngày nay, các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng hơn. Nếu họ thừa nhận ảnh hưởng của những nhân tố kỹ thuật xã hội, thì xu hướng chung là chấp nhận sự đa dạng của các nguyên nhân. Rất nhiều nhân tố đã góp phần xóa bỏ một phần bí ẩn bấy lâu nay vẫn bao quanh phép lạ Hy Lạp.

Jean-François Dortier
Histoire et Philosophie des Sciences,
Sciences humaines – Hors-série, n° 31, 2000-2001


[i]  Jean-François Dortier (1956-....), tác giả và nhà xuất bản người Pháp. Giám đốc các tạp chí Les Sciences humaines, Le Cercle Psy và nhà xuất bản Les Sciences humaines. Tác phẩm: Les Sciences humaines (2e éd. 2009);  L'homme, cet étrange animal (2012); Les Humains, mode d'emploi (2009); Après quoi tu cours ? (2016); Travail, guide de survie (2017). Chủ biên: Philosophies de notre temps (2000); Le Langage, nature, usage et histoire (2001); Familles: permanence et métamporphoses (2002); Le Dictionnaire des sciences humaines (2004); Le Cerveau et la pensée, la révolution des sciences cognitives (2e éd. 2004); La Communication, état des savoirs (với P. Cabin, 2005); Une Histoire des sciences humaines (2006); La Religion, Unité et diversité (với L. Testot, 2005); Le Dictionnaire des sciences sociales (2013); Révolutions dans nos origines (2015).

[2] Joseph Ernest Renan (1823-1892): nhà văn, sử gia và triết gia Pháp. Tác phẩm chính: Histoire générale et systèmes comparés des langues sémitiques (1855); Études d'histoire religieuse (1857); Essais de morale et de critique (1859); Histoire des origines du christianisme (8 q., 1863-1881); Qu'est-ce qu'une Nation? (1882); Islam and Science (1883); Histoire du peuple d'Israël (5 q., 1887-1893); L'Avenir de la science, pensées de 1848 (1890).

[3]  Xem trên trang mục Triết Lý Khoa Học : Goldman (Steven Louis),  Sự Phát Minh Ra Lý Trí và Tri Thức.

[4] Xem các bài theo quan điểm trên khi có thể tham khảo ở cùng trang mục này.

[5]  Bernard Vitrac (1926-2014): nhà khoa học sử, chuyên gia về khoa học cổ đại. Tác phẩm: Médecine et philosophie au temps d’Hippocrate (1989); Euclide – Les Éléments (4 q., 1990-2001); Héron d’Alexandrie, Metrica (với Fabio Acerbi, 2014)

[6]  Maurice Louis Frederich Emile Caveing (1923-2019): triết gia và chuyên gia về toán học cổ đại. Tác phẩm chính: Épistémologie et marxisme (với Jacques Monod, Francis Halbwachs, Jacques Roger, 1972); Raison, mythe et société dans la Grèce antique (với Jean-Pierre Vernant, Maurice Godelier, 1975); Le Sens de l'axiomatisation euclidienne (1980); À propos d'une récente traduction de l'Introduction arithmétique de Nicomaque de Gérase (1980); Zénon d’Élée (1982); Le Matin des mathématiciens, entretiens sur l'histoire des mathématiques (với Jean Dhombres, Guy Beaujouan, 1985); La Constitution du type mathématique de l'idéalité dans la pensée grecque (3 q., 1994-1998); Le Problème des objets dans la pensée mathématique (2004).

[7]  Trong quyển La Pensée Sauvage, Lévi-Strauss nói rõ rằng: Tư duy hoang dã «không chỉ trí tuệ của những kẻ man rợ, cũng không phải là của người sơ khai hay của nhân loại thời nguyên thủy, mà đúng hơn là thứ trí tuệ ở trạng thái chưa được thuần hóa, khác biệt với thứ trí tuệ được thuần hóa hoặc trau dồi, nhằm đạt mục đích là năng suất».  Tư duy đã thuần hóa hay tư duy khoa học là lối suy nghĩ của người kỹ sư, kẻ đặt ra những câu hỏi và nỗ lực thiết kế một giải pháp tối ưu hay hoàn chỉnh; tư duy hoang dã giống với lối mò mẫm của kẻ loay hoay thử sửa chữa hoặc chế tạo mọi thứ, bằng bất kỳ vật liệu nào có trong tay (bricoleur). Như vậy, thông qua một chủ đề của truyền thống nhân học, tác giả muốn mô tả cơ cấu của tư duy như đặc trưng phổ quát của trí tuệ con người, nhằm chứng minh rằng chỉ có một khác biệt về mức độ thuần hóa, chứ không có một khác biệt về bản chất nào giữa tư duy «hoang dã» với tư duy «văn minh», như khẳng định rằng sự khác biệt giả định ấy nằm ở khả năng nắm bắt sự phức tạp và những hiện tượng phức tạp của thứ tư duy hiện đại.  

[8]  Man Di : từ nhìn từ quan điểm Hy Lạp, chỉ người không nói tiếng Hy Lạp, không phải là người Hy Lạp.

[9]  Về hầm dẫn nước của Eupalinos, xem trên trang mục này bài của Paul Valéry, Trừu Tượng Hoá Trong Kỹ Thuật, chú thích thứ 2.

[10] Benjamin Farrington (1891-1974): sử gia khoa học, chuyên gia về cổ sử Hy La người Ireland. Tác phẩm: Science in Antiquity (1936, 1969); The Civilisation of Greece and Rome (1938); Science and Politics in the Ancient World (1939, 1946); Greek Science: Its Meaning for Us (2 q., 1944-1949, 1953);  Head and Hand in Ancient Greece: Four Studies in the Social Relations of Thought (1947); Francis Bacon, Philosopher of Industrial Science (1951, 1973); Francis Bacon, Pioneer of Planned Science (1963); The Philosophy of Francis Bacon (1964); What Darwin Really Said (1966, 1996); The Faith of Epicurus (1967); The Philosophy of Francis Bacon: An Essay on Its Development from 1603 to 1609 (1970); Samuel Butler and the Odyssey (1974).

[11] Maurice Daumas (1910-1984): nhà hóa học và sử gia chuyên về lịch sử kỹ thuật người Pháp. Tác phẩm: Les Matières plastiques (1941); Lavoisier: Théoricien et expérimentateur (1941, 1955); Arago : 1786-1853 (1943, 1987); L’Acte chimique: Essai sur l’histoire de la philosophie chimique (1945); Les Instruments scientifiques aux XVIIe et XVIIIe siècles (1953) = Scientific Instruments of the Seventeenth and Eighteenth Centuries and Their Makers (1972);  L'archéologie industrielle en France (1980); Les Grandes étapes du progrès technique (1981); Le Cheval de César ou le Mythe des révolutions techniques (1985, 1991). Chủ biên: Histoire de la Science (1957); Histoire Générale des Techniques (5 q., 1962– 1979).

[12] Quan điểm hơi quá lý tưởng về nền dân chủ ở Athēnai. Xem thêm các bài về cùng chủ đề.

[13]  Geoffrey Ernest Richard Lloyd (1933-....), sử gia về khoa học cổ đại người Anh. Tác phẩm: Polarity and Analogy: Two Types of Argumentation in Early Greek Thought (1966); Aristotle: The Growth and Structure of his Thought (1968); Early Greek Science: Thales to Aristotle (1970); Greek Science after Aristotle (1973); Aristotle on Mind and the Senses (1978); Hippocratic Writings (với J. Chadwick, 1978); Magic Reason and Experience: Studies in the Origin and Development of Greek Science (1979); Science, Folklore and Ideology (1983); The Revolutions of Wisdom: Studies in the Claims and Practice of Ancient Greek Science (1987); Demystifying Mentalities (1990); Methods and Problems in Greek Science (1991); Adversaries and Authorities: Investigations into ancient Greek and Chinese Science (1996); Aristotelian Explorations (1996); The Ambitions of Curiosity: Understanding the World in Ancient Greece and China (2002); The Way and the Word: Science and Medicine in Early China and Greece (với Nathan Sivin, 2002); In the Grip of Disease: Studies in the Greek Imagination (2003); Ancient Worlds, Modern Reflections: Philosophical Perspectives on Greek and Chinese Science and Culture (2004); The Delusions of Invulnerability: Wisdom and Morality in Ancient Greece, China and Today (2005); Principles And Practices in Ancient Greek And Chinese Science (2006); Cognitive Variations: Reflections on the Unity and Diversity of the Human Mind (2007); Disciplines in the Making (2009); Being, Humanity and Understanding (2012); The Ideals of Inquiry (2014); Analogical Investigations: Historical and Cross-Cultural Perspectives on Human Reasoning (2015); The Ambivalences of Rationality: Ancient and Modern Cross-Cultural Explorations (2017); Intelligence and Intelligibility: Cross-Cultural Studies of Human Cognitive Experience (2020).

[14]  Jack Goody. John Rankine Goody (1919-2015): nhà nhân học người Anh. Ông giải thích cấu trúc và sự tiến hóa xã hội chủ yếu qua 3 nhân tố: 1) sự phát triển của các hình thức nông nghiệp thâm canh: nó đã cho phép một sự tích lũy thặng dư xã hội có thể giải thích nhiều khía cạnh của thực tiễn văn hóa (hôn lễ, tang lễ) cũng như sự phân cách giữa các xã hội ở Phi châu với các xã hội ở Âu và Á châu;  2) sự đô thị hóa và phát triển của loại thiết chế quan liêu: nó đã khiến cho các hình thức tổ chức xã hội truyền thống (như gia đình, bộ lạc) thay đổi và suy tàn, đồng thời đồng hóa sự văn minh với thứ văn hóa đô thị; 3) vai trò của các công nghệ truyền thông như công cụ của những thay đổi tâm lý và xã hội (ông gắn liền thời bắt đầu của chữ viết với trách nhiệm quản lý nguồn thặng dư, và trong một bài viết với Ian Watt năm 1963, đưa ra luận điểm là sự nổi lên của khoa học và triết học ở Hy Lạp cổ đại lệ thuộc vào sự phát minh ra bảng chữ cái). Tác phẩm chính: Death, Property and the Ancestors (1962), Technology, Tradition, and the State in Africa (1971), The Myth of the Bagre (1972); Production and Reproduction (1976); The Domestication of the Savage Mind (1977); Cooking, Cuisine and Class (1982); The Development of the Family and Marriage in Europe (1983); The Logic of Writing and the Organisation of Society (1986); The Interface Between the Written and the Oral (1987); The Oriental, the Ancient and the Primitive (1990); The East in the West (1996); Representations and Contradictions (1997); Food and Love (1998); The European Family (2000); The Power of the Written Tradition (2000); Islam in Europe (2004); Capitalism and Modernity (2004); Comparative Studies In Kinship (2004); The Theft of History (2006); Family and Inheritance: 1200-1800 (2008); Myth, Ritual and the Oral (2010); Renaissances: The One or the Many? (2010); Metals, Culture and Capitalism (2012).

[15]  Eric Alfred Havelock (1903-1988): nhà cổ học người Anh, chủ yếu giảng dạy ở Canada và Hoa Kỳ với luận thuyết cho rằng toàn bộ tư tưởng phương Tây đã hình thành từ sự chuyển biến sâu sắc của khối ý tưởng hữu dụng ở vào thời điểm tư tưởng Hy Lạp cũng chuyển dạng từ lời nói sang văn viết. Tác phẩm chính: The Lyric Genius of Catullus (1939); The Crucifixion of Intellectual Man (1950); The Liberal Temper in Greek Politics (1957); Preface to Plato (1963); Prometheus (1968); Prologue to Greek Literacy (1971); The Greek Concept of Justice (1978); The Literate Revolution in Greece and its Cultural Consequences (1981); The Muse Learns to Write (1986).

[16]  G. Tomson (?). Có lẽ là George [Derwent] Thomson (1903-1987): nhà cổ học theo chủ nghĩa Marx, người Anh sau trở thành người Ireland (tên: Seoirse Mac Tomáis). Tác phẩm: Aeschylus and Athens (1941), Marxism and Poetry (1945); The Prehistoric Aegean (Studies in Ancient Greek Society I, 1949); The First Philosophers (Studies in Ancient Greek Society II, 1955); From Marx to Mao (1971); Capitalism and After (1973); The Human Essence (1974).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa