Đưa lên mạng ngày 15-06-2022 Từ khoá: Nguyên tử luận – tk I tCn ; Nguyên tử – chuyển động lệch ; Titus Lucretius Carus (khg 94-49 tCn) – Trích đoạn |
C2 |
CHUYỂN ĐỘNG LỆCH CỦA NHỮNG NGUYÊN TỬ
VÀ
BẤT ĐỊNH LUẬN CỔ ĐẠI
(khg 60 tCn)
Tác giả: Titus Lucretius Carus*
Bản tiếng Pháp: Henri Clouard
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Về vấn đề trên, tôi còn muốn Ngài[1] biết thêm điều này nữa. Bị lôi kéo bởi sức nặng của chúng, những hạt nguyên tử rơi xuống trong chân không, nhưng ta không thể nói từ khoảng nào hoặc từ khi nào, chúng lại đi lệch một chút so với đường thẳng đứng, dù là quá ít đến mức chúng ta có thể nói là chỉ hơi bị chênh[2].
Nếu không có sự chênh lệch này, thì mọi vật sẽ không ngừng rơi qua khoảng trống mênh mông như những giọt mưa; sẽ không có những gặp gỡ, các va chạm, và thiên nhiên không bao giờ có thể tạo ra bất cứ cái gì.
Nếu ta nghĩ rằng trong số những nguyên tử này, các hạt nặng hơn rơi từ trên cao xuống các hạt nhẹ nhờ chuyển động nhanh hơn theo đường thẳng xuyên qua chân không, và tạo ra những va chạm mà kết quả là loại chuyển động sinh ra cái gì khác, thì chúng ta đã lạc ra ngoài sự thật rất xa. Những gì rơi vào nước hoặc vào không khí tất nhiên phải tăng tốc độ rơi tương ứng với sức nặng của chúng, bởi vì các phần tử li ti của nước và không khí không thể đưa ra cùng một lực cản đối với mọi cơ thể, và nhượng bộ nhanh hơn trước sức đè của những vật nặng hơn. Nhưng trước bất kỳ cơ thể nào, vào lúc nào, ở điểm nào, chân không cũng luôn luôn nhượng bộ, như bản chất của nó buộc phải như thế. Thế nên, bất chấp sức nặng không ngang bằng của chúng, mọi nguyên tử phải được vận chuyển trong chân không trơ với một tốc độ bằng nhau. Không bao giờ các nguyên tử nặng hơn sẽ rơi xuống những nguyên tử nhẹ hơn, cũng không tự chúng tạo ra bằng các va chạm những chuyển động khác nhau qua đó tự nhiên có thể thao tác.
Vì vậy, tôi nhắc lại, những nguyên tử phải lệch một chút so với đường thẳng đứng, nhưng chỉ chút đỉnh thôi, ít nhất có thể. Đừng ra vẻ gán cho chúng những chuyển động xiên, để sẽ bị hiện thực cải chính. Điều hiển nhiên mà mắt trần cho thấy là các cơ thể có trọng lực đều không thể tự chuyển động nghiêng khi rơi, nhưng ai có thể nhận ra rằng không gì có thể lệch một chút so với đường thẳng đứng?
Cuối cùng, nếu bản chất của mọi chuyển động là đều móc nối vào nhau; nếu từ một chuyển động đầu tiên, cái thứ hai luôn luôn được sinh ra theo một trật tự chặt chẽ ; [nghĩa là] nếu những nguyên tử không gây ra một chuyển động phá vỡ các quy luật bất di bất dịch bằng độ nghiêng của chúng, và ngăn cản cùng những nguyên nhân liên tiếp tác động đến vô tận; thì sự tự do ban bố cho những sinh vật trên mặt đất này đến từ đâu, thì cái tự do – tôi nói là rứt ra từ định mệnh – và cho phép ta đi khắp mọi nơi ý chí dẫn chúng ta tới này đến từ đâu[3]? Những chuyển động của ta có thể đổi hướng, nhưng chúng không bị quy định bởi thời gian hoặc địa điểm, mà tùy thuộc vào cách chính tinh thần của ta truyền cảm hứng cho chúng ta. Bởi vì, chắc chắn rằng những hành động đó đều bắt nguồn từ trong ý chí của ta, rồi chính từ đấy mà chuyển động lan xuống các chi. Ngài không thấy rằng khi rào cản mở ra, bầy ngựa không thể phóng nhanh ngay như chúng muốn trong đầu sao? Khối vật chất trong thân mình chúng phải được kích thích cùng với toàn bộ cơ thể, rồi được nhanh chóng vận chuyển mạnh mẽ khắp châu thân, hợp nhất với ý muốn và tuân theo đà thúc đẩy của nó. Thế thì Ngài thấy đấy, chính từ nơi thâm sâu mà chuyển động có nguyên lý của nó ; chính là từ ý chí của tinh thần mà nó bắt đầu trước tiên, rồi mới từ đó lan truyền đến toàn bộ cơ thể và các chi.
Không có gì xảy ra giống như vậy, khi ta bị một cú sốc đập vào, và bị sức mạnh của một lực từ bên ngoài đẩy về phía trước. Trong trường hợp này, thực ra tất cả khối lượng vật chất của cơ thể ta hiển nhiên đã bị kéo tới, lôi đi, bất chấp chúng ta, và cuối cùng chỉ ngưng lại trong mọi chi bởi chiếc phanh của ý chí. Bây giờ hẳn Ngài đã thấy rằng, bất chấp thứ ngoại lực thường buộc chúng ta phải cất bước dù bản thân ta muốn hay không, nó lôi ta đi và đẩy ta tới, vẫn có một cái gì đó trong ta có năng lực kháng cự và chiến đấu. Nó là một cái gì đó mà mệnh lệnh sai khiến được khối lượng vật chất trong cơ thể và trong tay chân chúng ta, chuyển động, kiềm chế được nó trong hoạt động, và đưa được nó trở lại trạng thái nghỉ.
Chính vì vậy mà chúng ta cũng phải thừa nhận cùng một thuộc tính cho những nguyên tử : cả chúng nữa cũng có một nguyên nhân chuyển động khác, ngoài lực hấp dẫn và những va chạm, một nguyên nhân từ đấy sức mạnh bẩm sinh của ý chí xuất phát, bởi vì chúng ta đều đã thấy rằng không gì có thể được sinh ra từ hư vô. Trên thực tế, lực hấp dẫn đối lập với sự kiện là mọi thứ đều xảy ra do những va chạm, nghĩa là bởi một lực từ bên ngoài. Nhưng điều phải có nữa là tinh thần không mang trong bản thân nó một thiết yếu nội tại nào trói buộc nó trong mọi hành vi, điều cần thiết là nó phải thoát khỏi sự chuyên chế này, và không bị thu vào thế thụ động. Và đấy là hệ quả của một độ lệch nhỏ khi chuyển động của nguyên tử, ở những nơi và thời gian không xác định.
Titus Lucretius Carus,
Về Tự Nhiên = De Natura Rerum - khg 60 tCn
(De la Nature, Garnier-Flammarion, 1964, tr. 58-59).
[1] Caius Memmius. Xem trên trang mục Hoá Học: Titus Lucretius Carus, Nguyên Tử Luận Cổ Đại, và các chú thích.
[2] Đây là cái ý tưởng clinamen, định đề nổi tiếng của Epikouros về một độ lệch nhỏ cho phép các nguyên tử gặp nhau khi rơi trong khoảng không. (Clinamen là từ La-tinh, không thấy các tài liệu nói Epikouros đã chỉ phát biểu ý tưởng trên mà không dùng một từ Hy Lạp đặc biệt nào ở đây, hoặc cũng đã dùng một thuật từ địa phương nhưng đã mất dấu vết; dù sao, ở đây một hai từ Hy Lạp có thể hữu quan là: ekklisis, d. t «sự tránh», klinein đ. t. «nghiêng».)
[3] Về chuyển động lệch của những nguyên tử như nền tảng của tự do tinh thần, một ghi chú tuyệt vời của Félix Blanchet cần được trích dẫn toàn bộ: «Chúng ta ngạc nhiên, và tự hỏi liệu chuyển động lệch này là thiết yếu hay chỉ là tình cờ. Nếu thiết yếu, làm thế nào tự do có thể là kết quả? Nếu tình cờ, nó được xác định bởi cái gì? Nhưng có lẽ ta nên tự hỏi: lý do nào đã khiến cho cái ý tưởng làm sao để con người được tự do trong một hệ thống giả định cả một chuỗi nhân quả thiết yếu đã đến với Epikouros thì hơn, bởi đây là một truy vấn khá kỳ lạ, nó có thể biến ông thành vị thánh tông đồ của tự do. Không tìm thấy lý do này trong các nguyên lý của Epikouros, tôi phải tìm nó bên ngoài hệ thống của ông thôi; và tôi tin có thể hé thấy một số dấu vết của nó trong định nghĩa mà Lucretius đưa ra ở đây về tự do, và đặc biệt trong câu thơ sau: ‘cái ý chí rứt ra từ định mệnh này (Fatis avolsa voluntas)’»
«Mục đích của Epikouros là làm cho con người độc lập với số mệnh: định mệnh, cái hữu thể trừu tượng, nửa triết học và nửa thần học, mà kẻ ngoại đạo chỉ có những ý tưởng rất bối rối về nó, còn nếu phải tin Senecca thì người đời còn xem nó, đôi khi là một vị thần, đôi khi chính là tự nhiên; nhưng trong mọi tôn giáo cổ đại, đây là một ác thần hủy diệt ý chí tự do, kẻ vừa quy định ý chí của con người một cách không thể cưỡng lại, vừa trừng phạt với mức độ nghiêm khắc dã man những tội ác mà chính hắn đã khiến con người phạm phải. Chính là để chuyển đổi cái số phận ấy mà con người đã thiêu sống bao nạn nhân, dựng lên bao bệ thờ, xây bao đình đền, thiết lập thêm mỗi ngày các nghi lễ tôn giáo mới, tuy vẫn tin chắc rằng họ không thể nào thay đổi những mệnh lệnh không thể rút lại của số mệnh với những hiến tế của mình. Như vậy, chúng ta đều đã từng là nô lệ trong tất cả các tôn giáo này. Đấy là lý do khiến Epikouros xem tín điều tự do là một trong những giáo điều phân biệt của chủ nghĩa vô thần, và muốn giật lấy chiến thắng trên số phận bằng cách giành lại tự do của con người mà nó đã tóm thu, có thể nói như vậy. Qua ba chữ ‘Fatis avolsa voluntas’ Lucretius đã không nói gì khác» (Œuvres de Lucrèce, trad. Par Joseph Lagrange, éd. par Félix Blanchet, Paris, Garnier Frères, 1922).