CHỦ THUYẾT HÀNH VI (P. NAVILLE, 1942)
Đưa lên mạng ngày 15-04-2020
Từ khóa : Hành vi (Chủ thuyết) – Tâm lý học
C1

CHỦ THUYẾT HÀNH VI
(1942)

Tác giả: Pierre Naville[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

John [Broadus] Watson* tóm tắt các bước tiến của chủ thuyết hành vi như sau: «Ban đầu, chủ thuyết hành vi chủ yếu dựa trên một quan niệm khá mơ hồ về sự hình thành những thói quen. Công trình của Pavlov[2] và các sinh viên của ông về phản xạ có điều kiện, tuy được các nhà tâm lý học hành vi biết tới, lúc đầu cũng chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong những giải thích của họ. Lý do là chúng chủ yếu liên quan đến loại phản xạ có điều kiện của các tuyến hạch, một lĩnh vực mà các nhà tâm lý học đương thời khó thâm nhập vào. Công trình của Bekhterev* về phản xạ vận động có điều kiện, do lấy con người làm đối tượng thử nghiệm, còn có ảnh hưởng lớn hơn trên chủ thuyết hành vi ở thời điểm này. Rồi các công trình, trong khuôn khổ điều kiện hóa, về phản ứng tiết nước bọt ở người của Karl Lashley[3], về phản ứng cảm xúc ở người (sợ hãi) của John B. Watson với Rosalie R. Watson[4], cho thấy các phương pháp phản xạ có điều kiện có thể được áp dụng vào phần lớn hoạt động của con người. Các nỗ lực này đã dẫn tới thử nghiệm nghiên cứu mọi thói quen (cấu tạo, tổ chức) theo mô hình phản ứng tuyến và vận động có điều kiện. Như vậy, mặc dù chủ nghĩa hành vi đã không sử dụng ngay các phương pháp phản xạ có điều kiện, phải thừa nhận rằng chính Pavlov và Bekhterev đã cung cấp cơ sở cho việc xây dựng chủ thuyết này».

Trên hết, chủ thuyết hành vi cho rằng lĩnh vực tâm lý hiện thực  chỉ bao gồm loại vận động có thể quan sát được. Người ta chỉ có thể xây dựng định luật, thực hiện các biện pháp đo đếm, về những sự vật có thể quan sát được, trực tiếp hoặc gián tiếp. Và cụ thể, chúng ta có thể quan sát hành vi, tức là những gì sinh vật làm và nói. Hãy ghi nhận rằng, đối với Watson, lời nói là một hành động giống như mọi hành động khác: «Nói là làm, nghĩa là cư xử. Nói to lên, hoặc nói với chính mình (suy tư) là một hành vi cũng khách quan như chơi bóng chày».

Hành vi của con người luôn luôn có thể được mô tả dưới dạng «kích thích và phản ứng», khi chúng ta quan sát một mẩu, một phần xác định của nó. [...] Qua «kích thích»,  hãy hiểu «bất kỳ sự vật gì trong môi trường chung, và bất kỳ biến thái nào trong các mô, do tình trạng sinh lý của động vật thay đổi, chẳng hạn như nếu nó bị tước mất hoạt động tính dục hay thức ăn, hoặc nếu nó bị ngăn cản  làm tổ». Qua «phản ứng», hãy hiểu «bất cứ điều gì mà động vật làm, chẳng hạn như đến gần hoặc rời xa một điểm sáng, giật nảy mình vì tiếng động, hoặc các hoạt động có tổ chức cao hơn, chẳng hạn như xây một tòa nhà chọc trời, lên kế hoạch, sinh con đẻ cái, viết lách, v. v... [...]  

Như vậy, chủ thuyết hành vi là một lĩnh vực của khoa học tự nhiên, mà phạm vi và thao trường là toàn bộ những thích nghi của con người. Nó chỉ muốn sử dụng các phương pháp của mọi khoa học khách quan, như sự đo lường, và do đó, sự quan sát bên ngoài. Như chúng ta thấy, nó không chỉ là một thứ tâm lý học phản ứng, mà là một khoa học về hành vi. Hành vi giả định những thích nghi hoặc điều chỉnh liên tục. Những thích nghi này bao gồm một loạt  khía cạnh; chúng liên quan đến cả môi trường bên trong (bản thân cơ thể) lẫn môi trường bên ngoài, và môi trường này mang một đặc tính sinh lý, công nghệ, xã hội. 

Chủ thuyết hành vi cho rằng những hình thức thích nghi khác nhau của nó – nghĩa là những phản ứng đối với các kích thích hiện ra – đều liên đới; chúng bao hàm toàn thể con người, con người toàn bộ, chứ không phải chỉ một số bộ phận của hắn. Hãy ghi nhận  điểm đầu tiên này. Và đây là điểm thứ hai, cũng quan trọng không kém: người theo chủ thuyết hành vi không giả vờ là một khán giả thuần túy của sinh hoạt con người. Anh ta muốn kiểm soát và hướng dẫn , như mọi ngành khoa học tự nhiên khác đều cố gắng làm. Phản ứng của con người phải có thể được thao tác như mọi  phản ứng tự nhiên khác. Bằng cách tập hợp các sự kiện lại, đem chúng ra làm thí nghiệm, nhà tâm lý học hành vi chỉ muốn học cách kiểm soát và dự đoán; và anh ta sẽ thực hiện nó theo một công thức vốn là động lực thúc đẩy mọi công trình của Watson: hoặc, với kích thích đã cho, dự báo phản ứng sẽ đến sau; hoặc, với phản ứng đã xảy ra, nhận biết tình huống trước đó và cái kích thích nào đã sinh ra nó

Pierre Naville
Tâm Lý Học, Khoa Học Về Hành Vi
(La Psychologie, science du comportement,
Paris, Gallimard, 1942, tr. 15-16 và 20.


[1] Pierre Naville (1904-1993): nhà tâm lý, xã hội học và hoạt động chính trị  người Pháp. Tác phẩm chính: La Psychologie, science du comportement (1942), Théorie de l'orientation professionnelle (1945), Psychologie, marxisme, matérialisme (1948), La Vie de travail et ses problèmes (1954), Essai sur la qualification du travail (1956), Traité de sociologie du travail (với Georges Friedmann, 1961-1962), Vers l'automatisme social (1963), La Psychologie du comportement (1963), Autogestion et planification (1980), Sociologie d'aujourd'hui (1981), La Maîtrise du salariat (1984).

[2] Xem trên cùng trang mục này: Anton Pavlov, Phản Xạ Có Điều Kiện.      

[3] Karl Spencer Lashley (1890-1958): nhà tâm lý học theo chủ thuyết hành vi. Tác phẩm: The behavioristic interpretation of consciousness (1923), Brain mechanisms and intelligence (1929), Basic neural mechanisms in behavior (1930), Studies in the dynamics of behavior (1932), Studies of Cerebral Function in Learning (1943), The problem of serial order in behavior (1951).

[4] Rosalie Alberta Rayner (1898-1935): nhà tâm lý học, phụ tá và vợ của John B. Watson. Tác phẩm:  Conditioned emotional reactions (với J. B. Watson, Journal of Experimental Psychology, 1920).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa