LM : 15-05-2024 |
C1 |
CHỦ NGHĨA TIẾN BỘ NHƯ MỘT TÔN GIÁO
(1923)
Tác giả : Nikolaj Aleksandrovič Berdjaev[1]
Bản tiếng Pháp : Samuel Jankélévitch,
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Nếu sự tiến bộ trong các khoa học[2] là điều không thể chối cãi, chủ nghĩa tiến bộ là một hệ tư tưởng, một huyền thoại đối với nhiều nhà sử học, triết học, khoa học. Trong trích đoạn dưới đây, từ quan điểm Ki-tô giáo, N. A. Berdjaev bác bỏ chủ nghĩa tiến bộ như một huyền thoại. Theo ông, đây chỉ là một hình thức thế tục hoá lời hứa về sự sống lại vào ngày tận thế, của tất cả những người đã chết, trong Vương Quốc của Thiên Chúa; thế nhưng, do nó chủ trương hy sinh mọi thế hệ người đời trong quá khứ và hiện tại cho một thế hệ tương lai được ưu đãi một cách bất công, hệ tư tưởng tiến bộ là một Thượng Đế mạo xưng. Hơn nữa, khi hứa hẹn Vương Quốc của Thiên Chúa ngay trên mặt đất, huyền thoại này còn tước mất mọi hy vọng người đời đặt nơi tôn giáo.
*
Liệu niềm tin vào sự tiến bộ này có cơ sở chăng? Liệu ta có lý do gì để chia sẻ nó chăng? Trong trường hợp sau, liệu nó có xứng đáng với sự dấn thân đạo đức, với nhiệt tình của chúng ta chăng? Nhưng tại sao niềm hy vọng này lại khiến ta phải vui mừng cơ chứ? Chẳng có gì biện minh cho tất cả những câu hỏi ấy, ngoại trừ sự thật, có lẽ, là sự tin tưởng này mang một tính chất tôn giáo — điều mà những kẻ đặt lòng tin vào nó không hề nhận ra. Trên thực tế, nó liên quan tới niềm hy vọng rằng tấn bi kịch của lịch sử sẽ kết thúc một ngày kia, và đấy chính là lý do khiến các nhà tư tưởng thực chứng của học thuyết ở thế kỷ XIX đã cố tình bóp nghẹt cái ý tưởng [niềm tin vào chủ nghĩa tiến bộ mang tính chất tôn giáo] này, bởi vì họ muốn tước khỏi quan niệm về tiến bộ của họ bất cứ điều gì có khả năng phủ lên nó một tính chất tôn giáo. Thế nhưng trong trường hợp này, còn lại gì trong chủ nghĩa tiến bộ xứng đáng với sự dấn thân đạo đức của chúng ta? Lý thuyết thực chứng nói rằng tiến trình lịch sử của loài người là một chuỗi những thế hệ, xuyên qua đó con người mỗi ngày một tiến gần hơn tới một đỉnh cao chưa từng thấy, một mục tiêu không kẻ hiện đang sống nào biết — nghĩa là nhân loại không ngừng tiến lên một trạng thái cao hơn, so với nó mọi thời đại trước đây đều chỉ là những trung gian tạm thời, trong khi mỗi thế hệ đến trước chỉ là một phương tiện, một công cụ lót đường cho mục tiêu phải đạt tới này. Đích đến cuối cùng sẽ là một trạng thái của sự hoàn hảo, của sức mạnh, của hạnh phúc; nhưng chỉ nhân loại của ngày mai mới hưởng lợi được từ nó, chứ bản thân tôi, kẻ thuộc thế hệ này, sẽ không có chút phần nào. Hiểu như vậy, ý tưởng về sự tiến bộ không xứng đáng có được sự dấn thân từ thâm sâu của chúng ta, nó là không thể chấp nhận được từ quan điểm đạo đức và tôn giáo; bởi vì, như được giải trình, nó không thể giải thoát con người khỏi những đau khổ của cuộc sống, không thể giải quyết những mâu thuẫn và xung đột bi thảm cho toàn thể nhân loại, trong mọi thời đại. Để nói với tất cả lương tri và lương tâm, chủ thuyết này chỉ có nghĩa là cái chết và phần mộ cho khối lượng khổng lồ của vô tận những thế hệ đã phải sống trong tình trạng đau khổ, bất toàn; bởi vì chỉ khi lên đến đỉnh chót của lịch sử, một thế hệ người được hạnh phúc mới xuất hiện, để hưởng thụ một cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ tiện nghi, cực kỳ hạnh phúc, hoàn hảo tột cùng, trên đống xương vô định của bao kiếp người đi trước. Như vậy, tất cả bao người đã sống trước đấy đều chỉ là một phương tiện để đi tới sự thực hiện cái cuộc sống siêu hạnh phúc này, sự xuất hiện của cái thế hệ được Thượng Đế chọn lọc trong một tương lai xa lạ mà chúng ta không thể biết. Thứ tôn giáo về sự tiến bộ này xem tất cả các thời đại người đời không phải như mục đích tự thân, mà chỉ như những công cụ để xây dựng tương lai.
Đấy là cái mâu thuẫn chủ yếu của chủ nghĩa tiến bộ đã khiến nó trở thành không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Nó là cơ sở của một thứ tôn giáo của sự chết chứ không phải của sự hồi sinh, nó không cho những kẻ đang sống một lời hứa nào về cuộc sống đời đời. Ta không có lý do gì để ưu ái cái thế hệ một ngày kia sẽ xuất hiện ở đỉnh điểm của lịch sử này, và dành hết mọi hạnh phúc lớn nhỏ cho nó, bằng cái giá là sự hy sinh của bao thế hệ đi trước, bao kiếp người từng phải sống giữa vô số đớn đau, khổ ải, bất toàn. Lương tâm và lương tri của chúng ta từ chối chấp nhận những chuyện như vậy. Đặt trên sự thần thánh hoá cái thế hệ có diễm phúc được tuyển chọn, những kẻ duy nhất được ngồi vào bàn tiệc của Đấng Thiên Sai, cái tôn giáo của sự tiến bộ này đã tỏ ra cực kỳ tàn nhẫn với hiện tại và quá khứ, khi nó kết nối một niềm lạc quan vô hạn trước tương lai vào nỗi bi quan cùng cực trước những gì đã qua. Như vậy, nó hoàn toàn trái ngược với lời hứa về sự hồi sinh của tất cả những người đã chết, của mọi cha ông và tổ tiên. Ki-tô giáo được đặt trên niềm hy vọng rằng, cuối cùng rồi lịch sử cũng sẽ thoát ra khỏi tất cả những mâu thuẫn và bi kịch trong đó có phần đóng góp của mọi thế hệ người đời, rằng sự sống lại sẽ được mở rộng đến tất cả những ai từng sống trên cõi đời này, và nhờ vậy sẽ được gọi mời vào cõi sống vĩnh hằng. Ở các lý thuyết gia của chủ nghĩa tiến bộ như nó được hiểu trong thế kỷ XIX, bữa tiệc thiên sai sẽ được những kẻ cực kỳ diễm phúc xa lạ của thời tương lai tổ chức trên mộ phần của tổ tiên mình; vai trò mà họ buộc thế hệ cuối cùng này phải giữ — vai trò ma cà rồng — khó có thể truyền cho chúng ta một hứng thú hay nhiệt tình lớn lao, hoặc nếu không phải như vậy, thì đây sẽ là một điều thực sự không lành mạnh...
Nếu xét quá trình lịch sử trong toàn bộ, ta thấy như đập vào mắt, rằng thất bại chính của chủ nghĩa tiến bộ là chẳng những nó đã không thể nào thực hiện được Vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất, mà thậm chí còn chưa bao giờ có khả năng tiến đến gần nhiệm vụ ấy một ly nào. Nếu chỉ xét các thời kỳ lịch sử đặc thù với những vấn đề cụ thể của chúng, ta thấy ngay rằng chúng cũng chịu một bất lực nội tại trong việc giải quyết mọi vấn đề mà mỗi giai đoạn phải đối mặt. Ta có thể nói rằng toàn bộ lịch sử nhân văn hiện đại chỉ là một chuỗi thất bại, rằng thời Phục Hưng đã không thành công, vì mọi thứ nó tạo ra đều không phù hợp với kế hoạch và ý định của nó; trong ngắn hạn, nó đã tự chứng minh không thể tồn tại trong thế giới Ki-tô giáo mắc bệnh nhị trùng bản ngã, và nội dung không thể khoác một hình thức cổ đại. Thời Cải Cách cũng chịu một thất bại tương tự, bởi thay vì thực hiện cái nhiệm vụ lớn lao tự áp đặt là tăng cường tự do tôn giáo, nó đã chỉ thành công trong việc hủy hoại tôn giáo. Cuộc Cách mạng Pháp cũng thế, thay vì tự do, bình đẳng và tình huynh đệ, nó đã tạo ra xã hội tư sản của thế kỷ XIX, và làm xuất hiện những hình thức mới của sự bất bình đẳng và hận thù giữa người với người. Chúng ta đã cảm nhận hệ quả của những mâu thuẫn mà thời kỳ đó chứa chấp trong suốt thế kỷ XIX, và chúng đã vạch trần những thiếu sót của toàn bộ hệ tư tưởng này. Thậm chí ta còn có thể dự đoán, một cách chắc chắn, rằng những ý tưởng chính trong thời đại này — chẳng hạn như cái chủ nghĩa xã hội đang đóng một vai trò lớn lao trong giai đoạn lịch sử chúng ta đang bước vào, và đang được nỗ lực thực hiện — nhất định sẽ thất bại, và sẽ mang lại thứ kết quả hoàn toàn khác với những gì trông đợi. Trào lưu này sẽ làm xuất hiện trong cuộc sống người đời nhiều mâu thuẫn mới, khiến cho việc thực hiện những nhiệm vụ nó đã tự áp đặt cho mình trở thành không thể đạt được. Có thể người ta sẽ thành công trong việc cải thiện tình trạng vật chất của người lao động, nhưng chương trình sẽ không thể nào được hoàn tất trọn vẹn. Chủ nghĩa vô chính phủ — trào lưu chống chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, đồng thời là đối thủ của chủ nghĩa xã hội — cũng nhất định sẽ thất bại; nó sẽ không bao giờ đạt tới thứ tự do không phanh, không giới hạn mà nó rao giảng; ngược lại, nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng nô lệ. Về cơ bản, không một cuộc cách mạng nào đã thành công bên trong lịch sử, bởi vì nếu chúng đều là những sự kiện quan trọng do tính thiết yếu của tình hình nội bộ đương thời gây ra, vừa như kết quả của những biến cố đã qua, vừa như khởi điểm của những sự kiện sắp tới, chúng chưa bao giờ giải quyết được các nhiệm vụ đề xuất. Trong tương lai cũng sẽ như thế mà thôi.
Nikolaj Berdjaev
Ý Nghĩa Của Lịch Sử
(Le Sens de l'Histoire - 1923)
[1] Nikolaj Aleksandrovič Berdjaev (1874-1948): nhà triết học và thần học Nga. Tác phẩm chính: Le Sens de la création (1916); De l'inégalité (1918); Le Sens de l'Histoire (1923); L'Esprit de Dostoïevski (1923); Le Nouveau Moyen Âge (1924); De la dignité du christianisme et de l'indignité des chrétiens (1931); L'Homme et la Machine (1933); Problèmes du communisme (1933); Le Destin de l'Homme dans le monde actuel (1934); Solitude et Société (1934); De la destination de l'homme (1934); Cinq méditations sur l'existence (1936); Les Sources et le sens du communisme russe (1936); Esprit et Réalité (1937); De l'esclavage et de la liberté de l'homme (1946); Essai de métaphysique eschatologique (1946); L'Idée russe (1946); Au seuil de la nouvelle époque (1947); Dialectique existentielle du divin et de l'humain (1947); Essai d'autobiographie spirituelle (1949); De l'esprit bourgeois (1949).
[2] Xem thêm các bài khác về sự tiến bộ và chủ nghĩa tiến bộ trên trang mạng này khi có thể tham khảo.