BỐN THẦN TƯỢNG CẢN TRỞ TRI THỨC KHÁCH QUAN (F. BACON, 1620)
Cập nhật ngày 13-3-2019
Từ khóa: Chướng ngại khoa học (Khái niệm) ;
Khoa học – Triết lý ; Bacon, Francis – Trích đoạn
C1

BỐN THẦN TƯỢNG CẢN TRỞ
TRI THỨC KHÁCH QUAN
(1620)

Tác giả: Francis Bacon*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

39 – Có bốn loại Thần Tượng[1] vây hãm trí tuệ con người. Để phân biệt rõ ràng, chúng tôi đã đặt cho chúng bốn tên khác nhau, gọi loại thứ nhất là Thần Tượng Bộ Lạc, loại thứ hai là Thần Tượng Hang Động, loại thứ ba Thần Tượng Hội Chợ, và loại thứ tư là Thần Tượng Rạp Tuồng.

40 - Sự rút tỉa [từ hiện thực] những ý niệm và định luật[2] bằng phép quy nạp đúng đắn là biện pháp thích hợp nhất để tránh gặp phải các thần tượng và loại trừ chúng. Tuy nhiên, sự nhận diện và tố cáo các loại thần tượng [của trí tuệ] này vẫn là điều vô cùng hữu ích, bởi vì trong việc diễn giải thiên nhiên, học thuyết về thần tượng cũng đóng một vai trò giống như học thuyết về các ngụy lý[3] cần phải phản bác trong lô-gic học phổ thông.

41 - Thần tượng Bộ Lạc[4] có nền tảng ngay từ bản chất con người, từ bộ lạc, hay chủng loại người. Nói rằng giác quan của con người là thước đo của vạn vật[5] là một khẳng định sai lầm; ngược lại, mọi nhận thức của ta, bằng giác quan cũng như bằng tinh thần, đều biến thiên theo kích thước của mỗi cá nhân, chứ không phải theo kích thước của vũ trụ. Và sự hiểu biết của con người cũng giống như một tấm gương biến dạng, nó tiếp nhận những tia sáng từ mọi vật, rồi làm cho chúng méo mó và mất sắc màu, bằng cách trộn lẫn bản chất con người vào với bản chất của sự vật.

42 - Thần Tượng Hang Động[6] bắt nguồn từ mỗi cá thể người. Bởi vì, bên cạnh những sai lầm chung do bản chất con người nói một cách tổng quát, mỗi cá nhân còn có một thứ hang hay động riêng, và nó cũng làm cho ánh sáng của thiên nhiên bị méo mó và mất sắc màu, do nhiều nguyên nhân khác nhau: từ bản chất riêng và độc đáo của mỗi người; từ giáo dục và quan hệ với người khác; từ việc đọc sách và uy quyền của các tác giả được đương sự tôn trọng và ngưỡng mộ; hoặc còn từ sự khác biệt của các ấn tượng nữa – tùy theo chúng đã xảy tới cho một tâm trí băn khoăn, vướng bận hay hờ hững, ổn định, v. v… Như vậy, tùy theo cách sắp xếp của nó nơi mỗi người, rõ ràng tinh thần con người là một biến số, đầy xáo trộn và hầu như tùy thuộc vào sự ngẫu nhiên. Từ đó mà có nhận định rất đúng của Hêrakleitos, rằng con người đi tìm khoa học trong thế giới bé nhỏ của họ, chứ không phải trong cái thế giới lớn mà họ có chung.

43 - Cũng có những thần tượng được hình thành từ sự giao tiếp và kết hợp giữa con người với nhau mà, do sự trao đổi và mua bán này, chúng tôi gọi là Thần Tượng Hội Chợ[7]. Vì người đời giao dịch và liên kết với nhau bằng ngôn từ, thế nhưng những lời nói mà họ áp đặt qua lại chỉ luôn luôn được lĩnh hội ở trình độ của kẻ tầm thường, nên sự hiểu biết của con người đã bị cản trở, đến một mức độ đáng kinh ngạc, bởi loại từ ngữ không thích hợp và độc hại. Và những định nghĩa, giải thích mà kẻ học thức đôi khi hay điều chỉnh, để tự bảo vệ và vượt thoát tác hại của chúng, cũng không cách nào khôi phục nổi tình huống. Ngược lại, rõ ràng là ngôn từ đã thống trị trên sự hiểu biết; sự thể này ném tất cả vào tình trạng hỗn loạn, và đẩy con người vào hàng tá các cuộc tranh luận và những võ đoán vô ích vì không căn cứ.

44 - Cuối cùng, còn có những thần tượng đã len lỏi vào, lan tỏa và bám rễ trong tâm trí con người, từ đủ loại giáo điều triết học cũng như quy tắc chứng minh sai sót. Chúng tôi gọi chúng là Thần Tượng Rạp Tuồng[8]. Bởi vì theo đánh giá của chúng tôi, bao nhiêu hệ thống triết lý được thừa nhận là bấy nhiêu vở tuồng sân khấu, theo nghĩa là chúng chỉ tiêu biểu cho những thế giới do chúng tạo ra, theo kiểu dàn dựng   tuồng diễn trên sân khấu. Ở đây, chúng tôi không chỉ nói về các hệ thống đang thịnh hành, hay những triết gia và triết phái cổ xưa: người ta thật sự vẫn có thể còn tiếp tục sáng tác và cho công diễn nhiều kịch bản khác cùng loại, nhưng những sai lầm có dạng khác biệt nhất vẫn luôn luôn là hệ quả của hầu như cùng một số nguyên nhân. Và điều chúng tôi nói phải được áp dụng, không chỉ cho toàn bộ các hệ thống triết lý, mà thậm chí còn cho cả một số lớn những nguyên tắc và định luật2 khoa học, những gì được thừa nhận nhờ sức mạnh của truyền thống, sự cả tin và sự sơ suất.

Nhưng về các loại thần tượng khác nhau này, chúng tôi còn cần phải phân tích sâu rộng và chính xác hơn nữa[9], để sự hiểu biết của con người càng được cảnh báo và bảo vệ.

( … )

68 – Đấy là các loại thần tượng và tùy tùng khác nhau. Tất cả phải bị  dứt khoát chối bỏ và vất xa, với một quyết tâm vững chắc và trang trọng. Trí tuệ cần phải được giải phóng và thanh tẩy vĩnh viễn. Sự bước vào vương quốc dựa trên khoa học của con người cũng không khác mấy với sự vươn lên vương quốc trên trời: không ai có thể bước vào, trừ phi trong phong thái của một đứa trẻ [Matthew, 18: 2].

Francis Bacon,
Novum Organum, 1620,
đ. 39-68


[1] Những thần tượng của trí tuệ = Idols of the mind. Idol do từ Hy Lạp eidôlon (s. n. eidola), và La-tinh Idolum (s.n. idola), chỉ ảo ảnh, ảo tưởng, đồ vật mô phỏng, hành động giả vờ, bóng ma. Nghĩa thông thường về sau của idol trong các sinh ngữ như Anh, Pháp… là thần tượng.

Có lẽ Francis Bacon là người đầu tiên đã dùng từ «thần tượng» để chỉ những ý tưởng và quan điểm đã trở thành chướng ngại cho sự tiến bộ của tri thức, do đã được duy trì, thậm chí tôn thờ suốt một thời gian dài. Nhưng sau ông, từ này và với ý nghĩa trên đã trở thành phổ biến, như ta có thể thấy trong văn bản của nhiều tác giả – chẳng hạn như của nhà xã hội học Simiand (1873-1935). Xem: François Simiand, Những Thần Tượng Của Bộ Lạc Sử Gia (Les idoles de la tribu des historiens, 1903) ở mục Sử Học của chuyên trang.

[2] Axiomes, Định luật. Bacon gọi tất cả mọi định luật (lois) là axiomes, bất chấp mức độ tổng quát của chúng. Xem thêm ở mục Triết Lý Khoa Học của chuyên trang: Robert Blanché, Francis Bacon (1561-1626): Sự Báo Hiệu Phương Pháp Mới.   

[3] Quy chiếu về tác phẩm Sophistikoì Élenkhoi (Sophistical Refutations = Réfutations sophistiques), quyển thứ 6 và cuối cùng trong bộ Organon, bộ chuyên luận của Aristotelês về lô-gic học.

[4]  Idola tribus = Idols of the Tribe = Idoles de la tribu.

[5] Quy chiếu về câu tuyên bố của Protagoras: «Con người là thước đo của vạn vật».

[6] Idola specus = Idols of the Cave = Idoles de la caverne. Quy chiếu về huyền thoại cái hang của Platôn.

[7] Idola fori = Idols of the Market Place = Idoles du forum hay Idoles de la place publique.

[8] Idola theatri = Idols of the Theater = Idoles du théâtre.

[9] Các phần triển khai này cũng sẽ được dịch và đăng tại đây sau.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa