BỐN NGUYÊN LÝ LÝ TÍNH CỦA TRIẾT LÝ KHOA HỌC (A. VIRIEUX-REYMOND, 1966)

L.   LM : 15-5-2024
Từ khoá : Túc lý (Nguyên lý) – Nhân quả (Ng uyên lý)
Chất thể (Nguyên lý) – Quyết định luận – Mục đích luận

C2

BỐN NGUYÊN LÝ LÝ TÍNH
CỦA TRIẾT LÝ KHOA HỌC
(1966)

Tác giả: Antoinette Virieux-Reymond
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ngoài các nguyên lý tạo ra chính những điều kiện của tư duy[1], còn có những nguyên lý khác mà giới triết gia nói tiếng Pháp quen gọi là lý tính: trong khi các nguyên lý lô-gic liên quan tới những điều kiện của việc thực hiện tự thân tư duy, thì các nguyên lý lý tính chỉ đạo hoạt động nhận thức của chúng ta, và do đó giả định trước sự tồn tại của một cái gì đó cần được biết, của một thứ gì đó ở bên ngoài ta hoặc bên trong ta nhưng được nghiên cứu một cách khách quan, như thể nó không phải là một phần của chúng ta vậy (đây là điều kiện phải được tôn trọng để thành lập các ngành khoa học nhân văn). Tri thức đích thực từng được định nghĩa là sự tương thích giữa những sự vật và trí tuệ (adaequatio rei et intellectus): thế nhưng bên ngoài bình diện siêu hình, nơi các phán đoán của con người chúng ta không đạt tới, thì không có res (sn rei) hay intellectus thuần khiết, mà chỉ có sự thâm nhập qua lại ngay từ đầu hoạt động nhận thức của chúng ta[2]: các yếu tố ý niệm xuyên suốt sự vật res, trong khi cái intellectus trí tuệ cũng thấm đẫm những dữ liệu giác quan và cụ thể: Henri Piéron* dạy chúng ta rằng, trong một khu vườn đầy nắng, nơi một con chó đang ngủ, điều mà đứa trẻ nhỏ nhận thức được trước tiên là cái tổng thể: khu vườn-ánh nắng-con chó. Từ tổng thể này, khu vườn, con chó và mặt trời sẽ được hiện thực hóa thành những thực tại độc lập, rồi tiếng sủa, bộ lông của con chó sẽ tự cá biệt hóa[3]. Nhưng để những hiện thực này được xây dựng, điều thiết yếu là hoạt động phán đoán phải can thiệp vào ngay từ cấp độ nhận thức. Léon Meynard* đã viết như sau: «Các cảm giác chỉ cho ta thoáng thấy, một cách mơ hồ, sự tồn tại tự trị của một hiện thực khác với hiện thực chủ quan của ta... Ngược lại, chúng ta có thể nói về tính khách quan của nhận thức. Nhận thức hiển hiện thế giới bên ngoài cho ta, nó cho chúng ta biết về sự tồn tại của một thế giới mà hiện thực không thể bị nghi ngờ ở cấp độ tâm lý và thực nghiệm (không kể những khó khăn siêu hình)». Nói cho cùng, nhận thức đã là một sự nghiệp của tư duy, nó vốn là một chức năng tinh thần rất cao[4]. Như ta vừa thấy, trí tuệ thấm đẫm những dữ liệu cụ thể và cảm quan: trong khái niệm đường thẳng, vẫn còn một chút gì đó của hình ảnh cảm giác về con đường ngắn nhất giữa hai điểm. (Chúng ta còn có thể tìm thấy nhiều ví dụ khác nữa về thực tế này.)

Khoa học càng phát triển thì cái res, mà lý trí tìm cách đạt tới, càng bị thâm nhập bởi những yếu tố ý niệm, và càng xa rời loại dữ liệu cụ thể do giác quan của ta tiết lộ. (Ví dụ như cái spin[5], được nhà vật lý giả định là tồn tại do khả năng giải thích tuyệt vời của nó, thật ra chỉ là một thực thể toán học, và một giả thuyết vật lý). Do đó, res nằm giữa dữ kiện cảm giác, cái không ổn định thuần túy, và cái trí tuệ đang tìm cách xác định xem dưới những góc cạnh khác nhau nào nó được phơi bày, với một bản chất ngày càng trừu tượng hơn, biến thiên theo mức độ hình thức hoá của môn học nào nó tuỳ thuộc... Như vậy, trong khi nghiên cứu cái res này, lý trí tuân theo một số nguyên tắc lý tính nhất định, chúng bảo đảm cho công trình nghiên cứu trật tự, phương pháp, chứng cớ, tính khả tri, tính phổ quát và tính thiết yếu, cũng như một khả năng tiếp cận Chân lý ngày càng lớn hơn.

Nguyên lý đầu tiên là nguyên lý khả tri phổ quát, hay quy luật túc lý, từ đấy nảy sinh các nguyên lý nhân quả, nguyên lý thể chất, quyết định luận và mục đích luận.

a) Nguyên lý túc lý khẳng định rằng một vật gì đó không thể tồn tại một cách nào đấy trừ phi có một lý do đủ để nó tồn tại theo cách đó chứ không phải cách khác. Đây là một nguyên tắc siêu hình đã được Leibniz* phát biểu rõ ràng và được mọi triết gia duy lý ngầm thừa nhận. Nguyên tắc này phải giải thích vừa cái quy luật quản lý sự hài hòa phổ quát, vừa sự tồn tại của mỗi đơn vị[6] (trong tự nhiên). Nó mang tính siêu hình, và do đó, đoán định trước bản chất cuối cùng của Hữu thể. Ở cấp độ nhận thức luận, nó được phát biểu ở một dạng nhẹ nhàng hơn – nghĩa là không đưa ra phán đoán nào về bản chất cuối cùng của Hữu thể – như sau: «Nơi đối tượng nghiên cứu của một khoa học nhất định, đã có đủ những gì có thể được hợp lý hóa nhằm khai sinh ra một khoa học, và cái có thể hợp lý hóa ấy cũng đã được ghi nhận đầy đủ trong thế giới hiện tượng, sao cho cái khoa học được xây dựng với nó có thể dự đoán, với một xác suất đúng rất cao, những hiện tượng xảy ra trong tương lai sẽ ra sao. Hơn nữa, cùng với sự tiến bộ của khoa học, cái có thể hợp lý hóa này còn phát triển dần dần theo mức độ phát triển của cái đã được hợp lý hóa, ngay trong chừng mức chúng ta nhân lên số lượng quan điểm từ đấy chúng ta nghiên cứu cái có thể hợp lý hóa này»...

Được biểu đạt dưới hình thức trên, nguyên lý túc lý không phát biểu về câu hỏi liệu bản chất cuối cùng của Hữu thể là, hay không phải là, lý tính; nó chỉ tuyên bố rằng cái có thể được hợp lý hóa tồn tại, do đó, có thể có khoa học, và khoa học cho phép chúng ta hiểu biết hiện thực cụ thể với một độ xấp xỉ ngày càng được nâng cao...

b) Nguyên lý nhân quả, theo đó mọi hiện tượng đều có nguyên nhân (chứ không phải nguyên nhân của nó, bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể cho cùng một hậu quả (ao có thể bị làm cạn kiệt bằng máy bơm, bằng lối tiêu nước hoặc, nếu nó đủ nhỏ, bởi gió khô và nắng gắt[7]). Đầu tiên, nguyên lý này có tầm với siêu hình, khi chúng ta coi Thượng Đế là Nguyên Nhân đầu tiên của mọi hiện tượng, là Đấng Sáng Tạo ra vạn vật, hoặc ít ra là những định luật tổ chức của Vũ trụ[8].

Nếu chúng ta thừa nhận quan điểm này, thì nói đúng ra, chỉ có một Nguyên Nhân duy nhất, mọi nguyên nhân khác đều chỉ là ngẫu nhiên (occasionnelles = cơ hội), nói theo Malebranche[9]. Triết gia về nhận thức không bắt buộc phải giải quyết vấn đề siêu hình, do đó, ông ta sẽ chỉ quan tâm đến sự can thiệp của những nguyên nhân phụ này (các nguyên nhân mà bản thân chúng là hệ quả của Nguyên Nhân đầu tiên nói trên) và hậu quả của chúng. Cần bổ sung phát biểu về Nguyên lý nhân quả nêu trên, rằng trong cùng những điều kiện, cùng các nguyên nhân tạo ra cùng những hiệu ứng giống nhau.

Aristotelēs từng phân biệt bốn loại nguyên nhân[10]:

1) Nguyên nhân vật chất: chất liệu từ đó một vật được tạo ra (ví dụ như đá cẩm thạch, gỗ hoặc vật liệu khác, khi chúng ta muốn làm một pho tượng);

2) Nguyên nhân hình thức (hình dáng mà nhà điêu khắc muốn tạo cho pho tượng của mình);

3) Nguyên nhân thực hiệu: cái làm ra vật đó (trong trường hợp pho tượng, nhà điêu khắc);

4) Nguyên nhân cuối cùng hoặc mục đích theo đuổi (trong ví dụ đã chọn: làm cho pho tượng biểu trưng điều này hay chuyện nọ).

Ngôn ngữ khoa học vẫn tiếp tục viện dẫn các loại quan hệ nhân quả khác nhau này (nguyên nhân hình thức trong lý thuyết Gestalt*, nguyên nhân cuối cùng trong sinh học, v. v.)[11], tuy nhiên, nguyên nhân thực hiệu vẫn là loại thông dụng nhất trong ngôn ngữ khoa học (sự hiện diện của axit là nguyên nhân khiến mảnh giấy quỳ đổi màu)[12]. Kể từ khi điều khiển học ra đời, khái niệm phản hồi (có thể dịch là nguyên nhân hồi quy) đã xuất hiện: nó vừa là nguyên nhân thực hiệu (vì nó tạo ra hiệu ứng) vừa là nguyên nhân cuối cùng (vì nó liên quan tới các mục tiêu cần hoàn thành).

Nguyên lý nhân quả cho phép ta phát hiện ra thứ liên hệ hợp nhất những hiện tượng thoạt nhìn có vẻ là trái nguợc: một vật nổi trên mặt nước hay chìm xuống dường như là hai hiện tượng khác nhau, tuy nhiên chúng lại có thể được giải thích bởi cùng một nguyên nhân (định luật Arkhimēdēs về lực đẩy). Sự đồng nhất mà nó đưa vào tính đa dạng của hiện thực cụ thể cho phép ta phân loại và sắp xếp các hiện tượng theo từng quy luật một cách khoa học. Đây là lý do khiến nguyên lý nhân quả đóng một vai trò quan trọng như vậy trong các khoa học quy nạp[13].

Vốn đã đóng một vai trò tích cực trong việc cấu tạo nên vũ trụ khả giác[14], khi thống nhất với các chức năng về không gian, thời gian và thể chất, chức năng về quan hệ nhân quả được dùng để tạo ra khoa học[15].

Phát biểu nói lên sự kiện này tốt nhất là: «Có một vũ trụ». Về tương quan giữa các ý niệm quy luật và nhân quả, chúng ta không thể làm gì tốt hơn là trích dẫn vài dòng sau đây của Léon Brunschvicg: «Định luật là một thực thể. Chúng ta tiến tới định luật từ những ngoại hiện của cảm giác, và chúng đều là cụ thể theo một nghĩa nào đấy; nhưng khi từ quy luật chúng ta quay ngược về với một cái gì đó cụ thể, thì lại theo một nghĩa hoàn toàn khác, sâu sắc hơn và chân thật hơn vô cùng, cái nghĩa của sự liên tục mật thiết, của sự mở rộng vô hạn. Do đó, định luật không phải là một dạng mà chúng ta rút ra từ vũ trụ (và một khi đã được rút ra, tự bản thân nó là đầy đủ), mà chúng ta sẽ phải bảo vệ trước sự tỉ mỉ của sự kiểm soát thực nghiệm. Nó là một công cụ kết nối nhân quả mà ta sử dụng để đạt được tri thức, đạt tới chính cái vị trí của một vũ trụ»[16].

Lúc đầu, chúng ta đã thấy trong nguyên lý nhân quả một liên hệ trước sau không đổi, nhưng định nghĩa này thiếu rõ ràng, bởi vì có nhiều sự kiện xảy ra trước nhưng không phải là nguyên nhân. Sét luôn đi trước tiếng sấm: nhưng từ đó kết luận rằng sét là nguyên nhân của sấm sẽ là một sai lầm, vì cả hai đều là biểu hiện của cùng một hiện tượng điện. Do đó, chúng ta sẽ không giữ lại ý niệm về trước sau nữa, mà chỉ giữ lại cái ý tưởng về quan hệ cố định, một ý tưởng chính xác là ý niệm về định luật. [Auguste] Comte và các nhà thực chứng đã ngăn cấm việc truy tìm nguyên nhân ; theo các vị, khoa học chỉ cần khám phá ra những quy luật xác định. Thế nhưng khoa học vẫn bước qua ngăn cấm này, và tìm cách phát hiện, không chỉ loại liên hệ không thay đổi giữa các vật thể (định luật) mà cả các nguyên nhân nữa. Chúng tôi mạn phép nhắc lại ở đây những suy nghĩ của Armand Cuvillier[17]: «Tôi muốn giải thích vì sao một thanh sắt lại dãn ra khi ta hâm nóng nó chẳng hạn. Nếu nhà vật lý chỉ trả lời tôi bằng định luật về sự dãn nở tuyến tính

l = Io (I + lt)

thì tôi hoàn toàn có quyền nghĩ tới câu nói đùa của Molière*: “Đấy, vì vậy mà con gái của ngài bị câm đấy![18]“ Định luật chỉ giải thích cho tôi tại sao thanh sắt đã dài hơn từng ấy milimét, nhưng không hề giải thích cho tôi vì sao nó dài ra. Lời giải thích thật sự sẽ là lời chỉ ra cho tôi rằng sự tăng nhiệt độ đã thay đổi cấu trúc phân tử của thanh sắt như thế nào. Và đấy là một giải thích thuộc trình tự nguyên nhân tìm thấy trong các lý thuyết về cấu trúc của vật chất».

Tuy nhiên, sự khám phá ra nguyên lý bất định[19] của Werner Heisenberg* trong vật lý học đã gây ra, khoảng ba mươi năm trước, một cuộc khủng hoảng mới trong ý niệm về quan hệ nhân quả. Từ đấy một lý thuyết xác suất về cơ học lượng tử đã được đề xuất và bảo vệ bởi nhiều nhà khoa học lừng danh như Bohr, Heisenberg, Dirac, Born, Pauli và von Neumann, nhưng nó cũng đặt ra nhiều khó khăn đã được chỉ rõ, đặc biệt là bởi Albert Einstein: «Khó khăn nghiêm trọng nhất của cách diễn giải này là nó đối lập trực tiếp với nguyên lý nhân quả, và điều này lại xảy ra ngay trong phạm vi giới hạn nơi nó hoạt động suôn sẻ là hành vi của những hệ thống vật chất do các phương thức chuẩn bị và đo lường điều khiển»[20].

Năm 1953, Louis de Broglie* đã tự hỏi liệu vật lý lượng tử sẽ còn tính bất định chăng, và năm 1956 đề xuất một «thử nghiệm diễn giải nhân quả Cơ học sóng»[21]  có giá trị là không còn vi phạm nguyên lý nhân quả nữa; điều này là đặc biệt quan trọng, vì «động lực của Khoa học là nguyên lý phổ quát về quan hệ nhân quả»[22]. Jean Ullmo* viết về kết quả này như sau: «Một trong các chiến thắng chính của đòi hỏi về quan hệ nhân quả chính xác là sự tìm thấy lời giải thích, về sự không hoàn hảo của hiểu biết thực tiễn trong cơ học lượng tử, nơi sự xen vào giữa không thể tránh khỏi của các công cụ. Như vậy, thông qua sự tương tác với loại đồ vật (công cụ) này, khía cạnh  ... của các hiện tượng tinh tế đã được lý giải. Đồng thời, việc xây dựng được một lý thuyết có khả năng thể hiện trung thành sự không hoàn hảo này cũng là một chiến thắng của lý tính»[23].

Tuy nhiên, nếu nguyên lý nhân quả là động lực của các khoa học thực nghiệm, thì sự phát hiện ra mọi nguyên nhân đã can thiệp thực hiệu vào sự sản xuất ra một hiện tượng đã cho thường là rất khó khăn. Trong toàn bộ những nguyên nhân can thiệp vào hiện thực cụ thể, ta có thể trừu tượng rút ra một số yếu tố nhất định đã cùng phối hợp để tạo ra một hiệu quả nào đó, mà không bận tâm tìm hiểu xem liệu các tác nhân khác có can thiệp vào đấy hay không trong hiện thực cụ thể. Như Gaston Bachelard* từng viết, quyết định luận khoa học bắt đầu bằng những lựa chọn và trừu tượng, tự xác minh trên những hiện tượng đơn giản hóa và củng cố. Tính quyết định của vật lý học được chứng minh trên những hiện tượng được xếp thứ bậc, bằng cách tăng các biến số cá biệt. Khi nhà vật lý phát biểu định luật Boyle-Mariotte liên quan đến khí lý tưởng: ở nhiệt độ không đổi, pv = cte, thì định luật này, được xác định một cách hoàn hảo, chỉ đúng cho một loại khí lý tưởng, trong ý nghĩa là không tồn tại trong thiên nhiên. Tương tự như vậy, trong hóa học, tính quyết định của các định luật được chứng minh trên các cơ thể được tinh khiết hóa, trong ý nghĩa có thể là chúng không tồn tại trong thiên nhiên: Dường như không có trong tự nhiên một thứ nước tương ứng chính xác với H2O và không chứa một dấu vết nhỏ nào của các chất thể khác... Như thế, những cơ thể được thanh lọc này đều là những kiến tạo hóa học thực sự. Nếu đúng như vậy, chúng ta chỉ có thể bị ấn tượng bởi đặc tính kỹ thuật của quyết định luận khoa học, đến mức có thể nói «trật tự thực sự của Tự nhiên, đấy chính là cái trật tự mà chúng ta đặt lên Tự nhiên về mặt kỹ thuật»[24].

Như vậy, quyết định luận khoa học là một kiến tạo. Và có nhiều thứ quyết định luận khác nhau[25]. Cho nên sự phân biệt giữa quyết định luận khoa học với thuyết tất yếu siêu hình hay thuyết định mệnh – theo đó điều gì xảy ra nhất thiết phải xảy ra là có cơ sở. Tất nhiên, có những xác định trong tự nhiên, nếu không thì các dự đoán mà quyết định luận khoa học cho phép chúng ta đưa ra sẽ không được xác minh thường xuyên như thế. Nhưng những xác định này cũng đối chọi với nhau, và kết quả của sự xung đột này thường khác biệt. Nếu tôi trồng đào thì hiển nhiên là tôi sẽ không thu hoạch được dâu hay mơ mà là đào; nhưng điều có thể xảy ra là, hoặc một chuỗi ngày mưa và lạnh đúng vào thời điểm đơm hoa, hoặc một thứ dịch bệnh nào đấy tấn công vườn cây, khiến cho sự kết trái không thành... Mỗi sự kiện đều được quy định bởi một chuỗi sự kiện có tính quyết định trước đó, nhưng khi chúng xung đột với nhau, và kết quả của sự đối chọi không được ấn định trước, thì chúng không dẫn đến thuyết định mệnh trên quy mô của Vũ trụ, cũng như không dẫn tới quyết định luận khoa học chỉ là sự xây dựng của trí tuệ ta phần nào...

c) Mục đích luận được biểu đạt như sau: mọi sinh vật đều có một cứu cánh (mục đích). Đây là nguyên lý đối trọng của nguyên lý nhân quả.

Nhiều tác giả từ chối cho mục đích luận bất kỳ một giá trị khoa học nào, cho dù họ vẫn chỉ ra tầm quan trọng của nó trên bình diện siêu hình. Hơn nữa, ngay cả khi thừa nhận rằng mục đích luận là có cơ sở, họ vẫn lưu ý  rằng nó chỉ là một thứ quan hệ nhân quả: mục đích khi đó sẽ chính là nguyên nhân, trong danh nghĩa là nó tự tạo ra các phương tiện nhằm tự thực hiện; cuối cùng, có vẻ như khoa học đương đại đã thay các ý niệm về nhân và quả bằng một cái tổng quát hơn về tính chức năng (fonctionnalité), không còn quan tâm đến các nguyên nhân hay hệ quả nữa, tuy vẫn giữ ý niệm về quan hệ hợp nhất hai hiện tượng, mà không cần bận tâm tìm hiểu xem cái gì là nhân, cái gì là quả, hoặc cái gì là mục đích nhắm tới. Nhưng có vẻ như sinh học không thể bỏ qua ý niệm mục đích: trong một luận văn rất thuyết phục về vấn đề, Georges Canguilhem* kết luận như sau: «Như vậy, theo chúng tôi, dường như cái ý nghĩ tống mục đích ra khỏi sinh vật, bằng cách đồng hóa nó với một tổ hợp các cơ chế tự động, cho dù phức tạp tới mức như ta mong muốn, cũng chỉ là một ảo tưởng[26]». Mục đích luận thậm chí dường như còn xuất hiện trở lại ngay cả dưới ngòi bút của một nhà vật lý học; xin gửi quý độc giả về một công trình nghiên cứu của Costa de Beauregard* mà chúng tôi chỉ trích dẫn kết luận ở đây: «Về Vũ trụ, cái mà một số lý thuyết gia cho rằng dường như đã xuất hiện trong một vụ nổ kinh khủng bởi quan hệ nhân quả, lẽ nào nó lại không thể kết thúc, trong một vụ nổ khổng lồ khác, bởi quan hệ mục đích?[27]»

d) Nguyên lý thể chất là cái cuối cùng trong số các nguyên lý lý tính được chấp nhận theo truyền thống; nó thường được phát biểu dưới dạng sau:: «Mọi phẩm chất đều thuộc về một thể chất» hay nói cách khác: «Mọi thứ đang có, đều tồn tại hoặc như một chất thể (hay hiện thực chỉ cần «sự giúp đỡ của Thượng Đế» để tồn tại), hoặc như những phẩm chất hoặc thuộc tính của những thể chất này[28]». Tuy nhiên, vì nguyên lý trên thuộc về cả siêu hình học lẫn  nhận thức luận, ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại nó.

Nếu sinh học – và có lẽ cả vật lý học – chưa loại bỏ được mục đích luận trong việc giải thích các hiện tượng sống (hiện tượng làm thay (vicariance) chẳng hạn – hiện tượng các bộ phận lành hoạt động thay thế các bộ phận bệnh khác, v. v... – khiến chúng ta nghĩ rằng có một ý thức bao trùm toàn bộ sinh vật nhằm một số mục đích nhất định: giữ cho nó sống hoặc đảm bảo con cái cho nó), Étienne Wolff* quả quyết với chúng tôi: «như phương pháp, cơ học luận (lý luận cơ học)[29] không hề là một thất bại». «Trong danh nghĩa học thuyết, nó đẩy chúng ta đi xa hơn nữa vào phân tích và tổng hợp, nó tìm cách giảm bớt khoảng cách giữa chúng, giảm thiểu phạm vi của những cái không thể biết... Điều tạo nên giá trị của một học thuyết là giá trị khám phá, chứ không phải là sự thật tuyệt đối của nó – điều ta không thể đánh giá trong hiện tại. Như vậy, cơ học luận đã chứng minh giá trị của nó một cách dứt khoát trong sinh học. Nếu mục đích luận có thể đóng góp vào những khám phá, thì nó không thể bị loại bỏ như giả thuyết làm việc, như Lucien Cuénot* gợi ý trong một trường hợp cụ thể»[30]. Và nếu, như ông Canguilhem* đã chỉ ra một cách đúng đắn, cơ học luận có thể giải thích mọi thứ, ngoại trừ việc chế tạo máy móc, thì không còn lý do nào để đối lập cơ học luận với mục đích luận. «Chẳng ai nghi ngờ rằng phải có một cơ cấu để bảo đảm sự thành công của một mục đích, và ngược lại, mọi cơ chế cũng đều phải có một ý nghĩa»[31].

Antoinette Virieux-Reymond,
L’Épistémologie,
Paris, PUF, 1966, tr. 62-74


[1] Xem trên trang mục Lôgic Học và Toán Học khi có thể tham khảo : Antoinette Virieux-Reymond, Ba Cơ Sở Lô-gic Của Khoa Học.

[2] Về sự thâm nhập qua lại này, xem Paul Césari, La valeur de la connaissance scientifique, passim. (Paris, Flammarion, 1960)

[3] Henri Piéron, La sensation, guide de vie (Paris, Gallimard, 1955).

[4] Léon Meynard, Cours de psychologie (Paris, Belin, 1960, tr. 260).

[5] Spin là một thuộc tính nội tại của các hạt trong vật lý lượng tử, tương tự như khối lượng hoặc điện tích. Nó liên quan tới các đặc tính quay của hạt, và đóng vai trò quan trọng trong các hiện tượng vật lý. NVK

[6] Xem André Robinet, Leibniz, tr. 39 sq. (Paris, Seghers, 1963).

[7] Xem các mục từ liên quan trong André Lalande, Vocabulaire technique et critique  de la philosophie (1927) André Lalande, Les théories de l'induction et de l' expérimentation (1929).

[8] Léon Meynard, Logique et philosophie des sciences (Paris, Belin, 1955, tr. 202).

[9] Chẳng một thay đổi nào mà lại không có nguyên nhân trực tiếp và hiệu lực từ ý chí linh thiêng. Xem: Nicolas Malebranche, Entretiens sur la métaphysique et sur la religion, VII, 11-13 (1688).

[10] Xem trên cùng trang mục này, khi có thể tham khảo: Aristotelēs, Bốn Loại Nguyên Nhân. NVK

[11] Paul-Emile Pilet, Adaptation enzymatique et finalité de fait (Revue générale des sciences, t. 68, số 5-6, tr. 151-161, 1960).

[12] Xem trên trang mục này loạt bài về định nghĩa thao tác khi có thể tham khảo, đặc biệt là bài của Carl G. Hempel. NVK

[13] Léon Brunschvicg, L'expérience humaine et la causalité physique, tr. 58 (Paris, Alcan, 1922).

[14] Sđd., tr. 468-469.

[15] Sđd., tr. 472.

[16] Sđd., tr. 538-539.

[17] Armand Cuvillier, Nouveau précis de philosophie, I  (Paris, A. Colin, 1963, tr. 448).

[18] Câu kết luận, sau một cuộc chẩn bệnh của nhân vật y sĩ trong hài kịch Médecin malgré lui = Y sĩ bất đắc dĩ của Molière (1666): vừa dài dòng, vừa thiếu sức thuyết phục, và chẳng ai hiểu.

[19] Nguyên lý theo đó ta không thể xác định đồng thời vừa vị trí vừa động lượng của một hạt. Đây là một trong các đặc điểm cơ bản của cơ học lượng tử, nhấn mạnh trên sự hạn chế trong việc đo lường những đặc tính của các hạt lượng tử.

[20] Về cuộc khủng hoảng này, xem : Jean Ullmo, La Pensée scientifique moderne, Ch.  V et VI (1957).

[21] Louis de Broglie, Étude critique des bases de l'interprétation actuelle de la mécanique ondulatoire (Paris, Gauthier-Villars, 1965).

[22] Louis de Broglie, Une tentative d'interprétation causale de la mécanique ondulatoire (Paris, Gauthier-Villars, 1957)

[23] Jean Ullmo, sđd., tr. 176.

[24] Gaston Bachelard, Le nouvel esprit scientifique, tr. 107.

[25] Arnold Reymond phân biệt nhiều loại quyết định luận. Xem : Philosophie spiritualiste, tr. 356 sqq.

[26] Georges Canguilhem, La connaissance de la vie (Paris, Hachette, 1952, tr. 150).

[27] Olivier Costa de Beauregard, Le second principe de la science du temps (Paris, Seuil, 1963, tr. 142).

[28] René Descartes, Principes, ph. I, tr. 47 (ấn bản Adam-Tannery) và Discours de la Méthode (ấn bản do   Meynard bình luận, I, tr. 25, II, tr. 6 (Paris, Foucher, 1953).

[29] Một cơ cấu (mécanisme) là một thiết bị được cấu thành từ nhiều bộ phận kết nối với nhau nhằm thực hiện một chức năng cụ thể (truyền hoặc ngăn một chuyển động chẳng hạn). Một cơ chế (mécanisme) chỉ sự tổ chức các bộ phận, của một cơ quan hoặc một cơ thể chẳng hạn, để cùng hoạt động hướng tới một kết quả. Trong triết học, lý luận cơ học hay cơ học luận (mécanisme) là một quan điểm duy vật, nó xem xét mọi hiện tượng theo mô hình nguyên nhân-điều kiện hay quan hệ nhân quả, và đã từng quan niệm cả vũ trụ lẫn con người như một cỗ máy.

[30] Étienne Wolff, Les Chemins de la vie (Paris, Hermann, 1963, tr. 26)

[31] Georges Canguilhem, La connaissance de la vie (Paris, Hachette, 1952, tr. 143).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa