BỐN THAO TÁC CỦA TRÍ TUỆ (A. ARNAULD & P. NICOLE, 1662)

Cập nhật ngày 15-09-2022
Từ khóa : Trí tuệ – Hoạt động ; 
Lô-gic Học – Port Royal des Champs (Tu Viện)  tk 17

C1

BỐN THAO TÁC CỦA TRÍ TUỆ
(1662)

Tác giả : Antoine Arnauld & Pierre Nicole

 Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Antoine Arnauld[1] và Pierre Nicole[2] đã viết và bổ sung tác phẩm Lô-gic Học Hay Nghệ Thuật Tư Duy (La Logique ou l’Art de pensée) suốt từ 1662 đến 1683. Dưới tên gọi tắt là Lô-gic học Port Royal[3], đây là một quyển sách giáo khoa; nó cho rằng lô-gic học bao gồm những quy tắc nhằm dẫn dắt lý trí ta đạt hiệu quả tốt nhất trong bốn thao tác trí tuệ do thiên nhiên phú bẩm. Như vậy, trong quan niệm này, Lô-gic học cơ bản là một khoa học quy phạm, trái với Tâm lý học nói chung và Tâm lý học Nhận thức nói riêng, là một khoa học thực chứng nhằm phát hiện ra các định luật.

Từ trang mở đầu của tác phẩm, chúng tôi chỉ trích và dịch dưới đây đoạn liên quan đến các thao tác của trí tuệ. Để biết thêm về quan điểm quy phạm hay chuẩn tắc, có thể đọc bản dịch các trích đoạn của R. Descartes và I. Newton trên cùng trang mục này.

*

Lô-gic học là nghệ thuật dẫn dắt lý trí của bạn tới những kết quả tốt trong sự hiểu biết vạn vật, vừa để tự giáo dục bản thân mình, vừa nhằm giáo dục kẻ khác.

Nghệ thuật này bao gồm những suy nghĩ mà con người từng thực hiện về bốn thao tác trí tuệ chính yếu của mình, đó là quan niệm, phán đoán, lý luận và bố trí.  

Chúng ta gọi quan niệm (concevoir)[4] sự đơn giản nhìn thấy những sự vật hiện lên trong trí tuệ ta, như khi chúng ta thể hiện bằng lý trí một Mặt Trời, một Trái Đất, một cái cây, một vòng tròn, một hình vuông, sự suy tưởng, sự tồn tại... chẳng hạn, mà không làm bất kỳ một phán đoán cố ý nào về chúng. Cái hình thức qua đó chúng ta thể hiện những sự vật này được gọi là ý tưởng[5].

Chúng ta gọi là phán đoán (juger) thao tác trí tuệ qua đó, bằng cách kết hợp các ý tưởng khác nhau, lý trí ta khẳng định về ý tưởng này rằng nó là ý tưởng kia, hoặc phủ nhận về ý tưởng này rằng nó là ý tưởng kia, như khi có ý tưởng về Trái Đất và ý tưởng về hình tròn, tôi khẳng định về Trái Đất rằng nó là (có) hình tròn, hoặc tôi phủ nhận rằng nó có () hình tròn[6].

Chúng ta gọi là lý luận (raisonner) thao tác trí tuệ qua đó lý trí của ta hình thành một phán đoán từ nhiều phán đoán khác, như một khi đã phán đoán rằng đức hạnh thực sự phải được đặt trong liên hệ với Thượng Đế, rằng đức hạnh của người đời không được đặt trong liên hệ với Ngài, lý trí ta kết luận rằng đức hạnh của người đời không phải là một đức hạnh đích thực[7].

Chúng ta gọi bố trí (ordonner)thao tác trí tuệ qua đó, khi có những ý tưởng, phán đoán, và lý luận khác nhau về cùng một chủ đề, như thân thể con người chẳng hạn, lý trí ta sắp xếp chúng theo cách nào thích hợp nhất để làm cho chủ đề này được hiểu biết thấu đáo. Sự bố trí này còn được gọi là phương pháp.

Tất cả bốn thao tác trên được thực hiện một cách tự nhiên, và đôi khi còn tốt hơn bởi những người chưa từng học bất kỳ một quy tắc lô-gic nào, so với những người từng học hỏi chúng. Như vậy, nội dung của lô-gic học không nằm trong việc tìm kiếm phương tiện để thực hiện các thao tác này, bởi vì chỉ tự nhiên mới cung cấp bốn thao tác ấy cho ta được, khi nó ban cho chúng ta lý trí ; trái lại, nó bao gồm những suy nghĩ về điều thiên nhiên khiến ta làm, nhằm phục vụ chúng ta trong ba mục đích sau:      

Đầu tiên là nhằm bảo đảm rằng chúng ta sử dụng tốt trí tuệ của mình, bởi vì ở đây việc xem xét, tuân thủ quy tắc khiến chúng ta vận dụng lý trí với một sự chăm chú mới.     

Thứ hai là nhằm phát hiện và giải thích dễ dàng hơn các sai lầm hoặc khiếm khuyết có thể gặp phải trong những thao tác của trí tuệ, bởi vì điều thường xảy ra là chúng ta có thể nhận thấy một lập luận là sai chỉ nhờ ánh sáng tự nhiên thôi, tuy nhiên vẫn không phát hiện ra được tại sao nó sai – giống như các tay mơ về hội họa có thể bị một khiếm khuyết của bức tranh gây sốc, nhưng vẫn không giải thích được cái lý do gây sốc ấy là gì.

Thứ ba là làm cho chúng ta hiểu biết rõ hơn về bản chất của trí tuệ ta nhờ những suy nghĩ về các thao tác nói trên: ở đây, khi chỉ nhìn dưới khía cạnh tư biện thuần túy, tri thức này tự nó là xuất sắc hơn mọi tri thức về những sự vật có hình thể, vốn luôn luôn là thấp kém hơn những sự vật tinh thần.

Nếu sự suy nghĩ của chúng ta về những tư tưởng của ta bao giờ cũng chỉ liên quan đến chính ta thôi, thì xem xét ngay chính bản thân những tư tưởng ấy là đủ: ta không cần phải bao bọc chúng dưới những lời lẽ hoặc dấu hiệu nào khác[8]. Thế nhưng, bởi vì chúng ta, người này chỉ có thể làm cho người kia hiểu những suy tư của mình, bằng cách kèm theo chúng những dấu hiệu bên ngoài; và thói quen này thậm chí còn mạnh mẽ đến nỗi, khi ta suy nghĩ một mình, mọi sự vật chỉ hiện ra trong đầu chúng ta dưới những từ mà ta đã quen dùng để bao bọc chúng khi trò chuyện với người khác, nên trong Lô-gic học, chúng ta cần phải xem xét những ý tưởng trong sự kết nối với các từ, và các từ trong sự kết nối với những ý tưởng[9].

Từ tất cả những gì vừa phát biểu, ta có thể suy ra rằng Lô-gic học có thể được chia ra làm bốn[10] Phần, dựa trên những tư tưởng mà chúng ta thực hiện trên bốn thao tác kể trên của trí tuệ.

Antoine Arnauld & Pierre Nicole
Lôgic Học Hay Nghệ Thuật Tư Duy
(La Logique ou L’Art de penser,
Paris, Flammarion, 1970, tr. 59-60).


[1] Antoine Arnauld (1612-1694): tu sĩ, nhà thần học, triết học và toán học người Pháp. Tác phẩm chính: Grammaire générale et raisonnée (với Claude Lancelot, 1660); La logique ou L'art de penser (với Pierre Nicole, 1663); các trước tác khác được tập hợp trong Œuvres complètes, 42 q., 1775-1781.

[2] Pierre Nicole (1625-1695), tu sĩ, nhà thần học, lô-gic học và triết học người Pháp. Tác phẩm chính: La logique ou L'art de penser (với Antoine Arnauld, 1663); Traité de la foi humaine (1664); Lettres sur l'hérésie imaginaire (1667); Traité de la Comédie (1667); Essais de Morale (1671).

[3] Port-Royal-des-Champs là tên của một tu viện theo giáo phái Jansenisme (gọi theo tên của Giám mục Hà Lan Cornelius Jansen hay Jansenius, 1585-1638), theo đó sự giải thoát của mỗi cá nhân hoàn toàn là do ân sủng tiền định của Thượng Đế. Đây là một trung tâm tôn giáo và học thuật rất quan trọng ở Pháp trong thế kỷ XVII, nơi lui tới thường xuyên của giới học thức đương thời. Trong số các tác phẩm được lưu truyền rộng rãi của Tu Viện, ngoài Logique de Port RoyalGrammaire de Port Royal (xem chú thích 9 bên dưới), còn phải kể tới quyển Bible de Port-Royal, một bản dịch  Thánh Kinh mới (do Louis-Isaac Lemaître de Sacy điều khiển, với sự cộng tác của Blaise Pascal, Robert Arnauld d'Andilly, Nicole và Pierre Thomas du Fossé, từ 1657 đến 1696) mà văn phong đã ảnh hưởng tới nghệ thuật sáng tác ở một số nhà văn thơ Pháp lớn như Voltaire, Victor Hugo, Gustave Flaubert, Arthur Rimbaud. Mặt khác, Pascal dường như cũng có đóng góp đáng kể vào nhiều đoạn của quyển La Logique ou l’Art de pensée.  

[4] Trong nghĩa trên, ngày nay chúng ta nói là nhận thức (perceive = percevoir).

[5] Tương ứng với phần lô-gic ý (khái) niệm (term logic = logique des termes) trong lô-gic học truyền thống. Term hay terme đến từ terminus, có nghĩa là giới hạn, ranh giới. Trong các văn bản tiếng Việt trên mạng, term trong lô-gic học, hoặc được phiên âm là téc, hoặc được dịch là hạn từ (với nghĩa hạn là giới hạn, do quy chiếu về các ý niệm tiểu từ, đại từ, tiền đề nhỏ, tiền đề lớn, chủ ngữ, vị ngữ trong thuật ngữ tam đoạn luận?) hay hạng từ (tương ứng với số hạng ở một chuỗi số trong toán học?) hoặc hạng tử (trong một ngữ cảnh khác hơn, ý chỉ một phần tử trong một chuỗi gì đó bất kỳ?); do người sử dụng thuật từ không giải thích, ở đây tôi chỉ có thể đoán mò!

Đúng là dưới dạng lô-gic học của nó, termmột từ hay một cụm từ có thể tự đứng như chủ ngữ (subject) hoặc vị ngữ (predicate) hay, bất kỳ cái gì ta có thể nghĩ hoặc nói tới như chủ ngữ hoặc vị ngữ, trong một mệnh đề.  Nghĩa là từ «con chó», nói hay viết trống trơn, là một từ (word, mot) nhưng không phải là một hạn(g) từ (term, terme); ngược lại, «con chó» trong «con chó đuổi kẻ trộm» là một hạn(g) từ lô-gic (logic term, terme logique), bởi vì nó đề xuất một điều gì, và mệnh đề lô-gic chỉ bắt đầu khi có một điều gì đó được đề xuất.  Đấy là sự phân biệt về mặt lý thuyết. Trên thực tế, nhiều tác giả hiểu và dịch đơn giản logic term ý niệm lô-gic, cái có một nội hàm và một ngoại diên. Tại đây và từ đây, chúng tôi cũng theo cách dịch term hạn(g) từ, nhưng term logic lô-gic ý niệm (bởi vì thật ra nó chỉ liên quan đến các loại ý tưởng phổ quát, phức hợp, đơn giản trong tác phẩm bàn ở đây). 

[6] Tương ứng với phần lô-gic mệnh đề (propositional logic = logique des propositions) trong lô-gic học truyền thống.

[7] Tương ứng với phần lô-gic suy diễn (inference logic = logique des inférences) trong lô-gic học truyền thống.

[8] La Logique ou l’Art de pensée được xem là quy chiếu chính trong các lĩnh vực lô-gic học và triết lý ngôn ngữ cho đến thế kỷ XX, nhờ lý thuyết về dấu hiệu và biểu trưng mà hai tác giả đã đưa ra về sau trở thành cổ điển. Theo họ, chức năng của ngôn ngữ là hoạt động biểu đạt sự vật và sự việc thông qua một chuỗi dấu hiệu (ý tưởng là dấu hiệu của sự vật, từ là dấu hiệu của ý tưởng, văn bản là dấu hiệu của từ). Hơn nữa, quan niệm của họ về dấu hiệu bao gồm không chỉ các dấu hiệu ngôn ngữ (lời nói, văn bản), mà cả những dấu hiệu gọi là «tự nhiên» (khói là dấu hiệu của lửa), và các dấu hiệu thần học (bánh mì là dấu hiệu của nhân thân Đấng Ki-Tô trong lễ ban Thánh T hể). Như vậy, lô-gic học, ngôn ngữ học, thần học đều được kết nối ở đây từ bên trong. Mặt khác, tác phẩm còn là một nhận thức luận lấy nhiều yếu tố từ triết học của Descartes và Pascal, được cấu trúc hóa dọc theo bốn thao tác trí tuệ kể trên: mọi tri thức của ta đều thành hình thông qua những ý tưởng phản ánh sự vật, và những phán đoán về sự vật được thể hiện thông qua các mệnh đề mà giá trị còn tùy thuộc vào sự suy diễn theo đúng các quy tắc của tam đoạn luận, để cuối cùng dẫn đến tri thức khoa học nhờ sự tiến hành có phương pháp. Trong số những đóng góp khác của Lô-gic Học Port Royal, ngoài ý đồ đưa toán học vào mọi lĩnh vực tri thức như mô hình lý tính duy nhất, còn phải kể đến sự phân biệt nội hàm (comprehension, nay gọi là intension) và ngoại diên (extension) của một ý niệm, và sự xác nhận vai trò của các yếu tố phi lý (tự ái, lợi quyền, đam mê, v. v...) trong lý luận.  

[9] Sự kiện cho thấy rõ hơn nữa tương quan chặt chẽ giữa lô-gic học với ngôn ngữ trong quan điểm của Port Royal là, năm 1660, Antoine Arnauld và Claude Lancelot (1615-1695) đã xuất bản quyển Grammaire générale et raisonnée contenant les fondements de l'art de parler, expliqués d'une manière claire et naturelle (gọi tắt là Ngữ Pháp Học Port-Royal), được xem hầu như là tác phẩm sinh đôi với quyển Logique ou l’Art de pensée. Đây là một thứ ngữ pháp không đặt nền trên sự tương hợp với cách sử dụng ngôn từ phổ biến nhất, mà trên lý trí: từ «générale» trong tựa có nghĩa rằng đối tượng của nó là ngôn ngữ nói chung chứ không phải là một ngôn ngữ đặc thù nào cả; từ «raisonnée» có nghĩa là nó nhằm giải thích sự vận hành của ngôn ngữ thông qua lý trí. Cho rằng mỗi ngôn ngữ chỉ biểu hiện trong hệ thống riêng của nó những cơ cấu lô-gic phổ quát, nghĩa là giả định có một thứ ngữ pháp phổ quát, tác phẩm được đánh giá là một công trình tiên phong về triết lý ngôn ngữ: do chịu ảnh hưởng sâu đậm từ quyển Règles pour la direction de l’esprit của Descartes, nó được Noam Chomsky xem là tác phẩm điển hình của ngôn ngữ học cartesian (cartésien-ne), do tên của Descartes xưa có thể viết là Des Cartes). Xem trên trang mục Ngôn Ngữ & Hiệp Thông Học khi có thể tham khảo: Antoine Arnauld & Claude Lancelot, Quan Niệm Cổ Điển Về Hiệp Thông.

[10] Lô-gic học truyền thống chỉ phân biệt ba thứ lô-gic tương ứng với ba thao tác của trí tuệ kể trên (xem các ct 3, 4, 5). Do ảnh hưởng của chủ thuyết Descartes, Antoine Arnauld đã thêm vào tác phẩm một phần thứ tư, bao gồm những nhận định về «phương pháp» (phân tích và tổng hợp chẳng hạn) có khả năng mở vào triết lý khoa học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa