BẢN CHẤT & CHỨC NĂNG CỦA TRIẾT LÝ KHOA HỌC (M. BRODBECK, 1953)

LM : 15-02-2024
Từ khoá : Khoa học Triết lý

C1

TRIẾT LÝ KHOA HỌC:
BẢN CHẤT VÀ CHỨC NĂNG

(1953)

Tác giả: May Brodbeck[i],
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Cho rằng tất cả những ai nói về «triết lý khoa học» đều hiểu qua thuật từ này cùng một sự kiện là điều khá mạo hiểm. Cái tính danh «triết học của» cung cấp dấu hiệu đầu tiên rằng, bất kể nó có thể là cái gì khác, triết lý khoa học là một cách nói về khoa học, chứ không phải là một bộ phận của bản thân khoa học — như vật lý, hóa học và sinh học là các bộ phận của khoa học. Tuy nhiên, sự mơ hồ vẫn còn, bởi vì khoa học, dù như quá trình hoặc như sản phẩm, có thể được nói tới theo ít nhất bốn cách khác nhau. Và mỗi cách phản ánh một ý nghĩa khác nhau của cụm từ «triết lý khoa học».  Quyển sách này bao gồm các công trình nghiên cứu về triết lý khoa học theo chỉ một trong bốn nghĩa ấy.

Như một hoạt động, khoa học là một hiện tượng trong số nhiều hiện tượng xã hội khác — như luật pháp, phim ảnh, hệ thống chính trị... Động cơ khiến nhà khoa học làm những gì ông ta làm; tác động của các kết quả ông tạo ra trên những lĩnh vực xã hội khác; tác động ngược chiều của cấu trúc xã hội trên sự nghiệp khoa học, trên sự lựa chọn loại vấn đề tìm hiểu và các điều kiện hoạt động của khoa học; tất cả những điều này có thể trở thành chủ đề cho một ngành nghiên cứu khác — khoa học về khoa học. Chúng ta chỉ cần đặt một nhà khoa học vào việc quan sát những đồng nghiệp của mình. «Xã hội học tri thức» và «lịch sử tư tưởng» là các tên gọi đương thời của loại công trình này, thú vị và quan trọng. Tranh cãi về ngôn từ là chuyện vô ích, và đúng là khi kẻ ngoại môn suy nghĩ về những điều này, như anh ta thường làm trong thời gian gần đây, có thể anh nghĩ mình đang làm triết lý khoa học. Tuy nhiên, về mặt hệ thống, khoa học về khoa học nằm trong lĩnh vực xã hội học và tâm lý học, nghĩa là các khoa học hành vi. Đây là một cách tham gia vào hoạt động khoa học, không phải là một cách nói về thứ hoạt động ấy. Do đó, nó không phải là một bộ phận của triết lý khoa học.

Tất cả và bất kỳ hiện tượng văn hóa nào cũng đều có thể được đánh giá bởi nhà luân lý đạo đức (kẻ suy tư về hệ thống giá trị của họ hay trong xã hội của họ), về ý nghĩa nó bao hàm, và tương quan sâu sát của nó với mọi hiện tượng. Tất nhiên, khoa học không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, uy tín ngày càng tăng của các nhà khoa học, vai trò ngày càng lớn của các chuyên gia khoa học trong các vấn đề xã hội, sự sử dụng chiến lược đe dọa bằng vũ khí mới bởi các bên trong nền ngoại giao thế giới... tất cả đều khiến khoa học trở thành mối quan tâm đặc biệt cho mọi công dân và nhà khoa học nào biết suy tư. Cảm thấy sức mạnh của tác động khoa học lên cuộc sống của mình vượt xa những vật dụng và tiện nghi thông thường, ngay những công dân không chuyên cũng bắt đầu cân nhắc những gì do con người mang lại. Nhà khoa học, nay mua uy tín của mình với cái giá của một trách nhiệm lớn hơn, phải đối mặt với các nghi vấn đạo đức vượt xa những vấn đề mà ông từng chia sẻ trong tư cách công dân. Được tán dương hôm nay, ngày mai ông ta có thể trở thành đối tượng của sự nghi ngờ và oán hận. Theo nghĩa nào và tới mức độ nào, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tri thức của mình? Nhà khoa học và thứ tri thức đặc thù của ông phải được đánh giá theo những tiêu chuẩn nào?

Về cơ bản, đây là những câu hỏi đạo đức, và trong danh nghĩa này, không phải là một bộ phận của bản thân triết lý khoa học. Tuy nhiên, việc đánh giá luân lý về quan hệ của khoa học với xã hội không chỉ phải được thực hiện dưới góc độ của một hệ thống đạo đức, mà nếu không muốn bị xem là vô trách nhiệm, còn phải được thẩm định dưới khía cạnh tri thức về cấu trúc và ý nghĩa của bản thân khoa học nữa. Sản sinh ra sự hiểu biết này là chức năng của Triết lý Khoa học.

Thuật ngữ khoa học, như mọi kẻ ngoại đạo đều ý thức một cách đau lòng và chuyên gia trong một bộ môn là kẻ ngoại đạo đối với hầu hết các lĩnh vực khác — không giống như ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta. Giống như mọi người khác, nhà khoa học nói về những vật bình thường — bàn, ghế, đồng hồ, thước đo, tinh thần, cơ thể; nhưng thêm vào đấy, ngôn ngữ của ông còn có tên cho các thực thể và quy trình mà chỉ ông ta, theo cách khảo sát của mình, có lối truy cập, những cái tên mà chỉ ông ta thấy cần thiết để nói về thế giới, trong khi phần còn lại của chúng ta chẳng bao giờ thấy cần sử dụng chúng. Tuy nhiên, nhờ thành quả của chúng, chúng ta đều biết rằng các thuật từ khoa học này như «dòng điện», «nguyên tử», «nơ-tron» và «gien» không chỉ là những âm tiết vô nghĩa hay là ngôn ngữ riêng của một đẳng cấp loại trừ. Các thực thể được họ đặt tên theo một cách nào đấy đều ảnh hưởng tới những trải nghiệm mà tất cả chúng ta đã từng có, và từng nói về chúng trong ngôn ngữ thường ngày. Quan hệ của chúng với thế giới mỗi ngày này là gì? Cho những điều mọi người đều có thể nhìn thấy, hoặc nghe thấy, thì chúng có ý nghĩa gì? Biện minh  lô-gic — cái trái ngược với biện minh thực tiễn cho hành động đưa những yếu tố bí truyền này vào thế giới là gì? Việc phân tích các thuật từ khoa học đặc trưng, hay khái niệm, chiếm một mảng lớn trong các nhiệm vụ của triết lý khoa học. Tất nhiên, khi định nghĩa những từ họ sử dụng, các nhà khoa học đã tự mình làm điều này phần nào rồi. Thế nhưng định nghĩa của họ thường thuộc một loại hạn chế; bởi một từ khoa học mới thường được định nghĩa theo nghĩa của các từ cũ. Và trong khi điều này phục vụ các mục đích của họ, nó vẫn luôn luôn còn xa cách với thông kiến. Nói chung, chính triết gia khoa học mới là người cho thấy các khớp nối trong xâu chuỗi thường là rất dài, từ thứ ngôn ngữ cụ thể thường ngày đến loại thuật ngữ khoa học trừu tượng. Đặc biệt, chính triết gia khoa học đã công thức hóa cái nguyên lý qua đó xâu chuỗi trên được thể hiện: cái lô-gic của sự hình thành khái niệm khoa học.

Nhà khoa học sử dụng một cách đơn giản các khái niệm trong tầm tay về tính quy luật, tính nhân quả và tính xác suất. Bận tâm với việc tìm kiếm các quy luật đặc thù hoặc nguyên nhân riêng biệt cho các sự kiện cụ thể, ông ta để cho người khác trả lời loại câu hỏi như sau. Khi ta nói rằng một biến cố là nguyên nhân của một biến cố khác, thì điều này chính xác có nghĩa là gì? Chính xác thì cấu trúc của một định luật tự nhiên là gì?  Một định luật như vậy khác với cái gọi là định luật xác suất hoặc thống kê, đang khiến các nhà khoa học cả vật lý lẫn xã hội ngày nay bận tâm, như thế nào? Bản chất của một lý thuyết khoa học là gì? Các khái niệm và định luật liên quan với nhau và với lý thuyết ra sao, và tất cả những thứ này liên quan với thế giới kinh nghiệm như thế nào? Như chúng ta được cho biết, khoa học khi thì dùng phép quy nạp, lúc lại dùng phép diễn dịch, vậy bản chất của các phương pháp này là gì, chúng khác biệt với nhau ra sao? Việc trả lời loại câu hỏi như vậy thuộc lĩnh vực phân tích lô-gic, một phân tích nhằm làm sáng tỏ những ý tưởng và phương pháp cơ bản của khoa học. Do đó, đây là một đóng góp thiết yếu cho tri thức của ta, cho hiểu biết về khoa học, trái với những hiểu biết trong khoa học của chúng ta, mặc dù ta cần phải có rất nhiều thứ tri thức sau trước khi có thể thực hiện thứ đóng góp đầu này. Một nhà khoa học cũng có thể là một triết gia khoa học, và đôi khi còn nhất thiết phải như vậy, như  Einstein đã từng là và phải là, khi ông làm sáng tỏ trên bình diện triết học ý niệm «tính đồng thời không cục bộ (non-local simultaneity)» chẳng hạn. Nhưng, trừ phi xảy ra các cuộc «khủng hoảng» như vậy — khi một nỗ lực làm sáng tỏ một cách cơ bản là cần thiết trước khi có thể đạt được những tiến bộ xa hơn nữa, nhà khoa học làm việc bên trong cái khuôn khái niệm của mình để xác lập những công thức mới, chứ không triết lý về nó.

Hiểu như trên, triết lý khoa học hiện đại là một bộ phận chuyên biệt của triết lý phân tích. Triết lý phân tích hiện đại không giống siêu hình học truyền thống ở chỗ nó bác bỏ giả định ngầm của siêu hình học cho rằng nhiệm vụ của triết gia là đưa ra những mô tả và giải thích siêu khoa học về bản chất của hiện thực. Mặt khác, nó nối liền với siêu hình học cổ điển bởi quan tâm phân tích và làm sáng tỏ bản chất của tri thức, hiện thực, chân lý và cái tốt. Dựa trên thông kiến, nhà khoa học mặc nhiên cho rầng thế giới của mình là thế giới thực, rằng những người khác và các đối tượng vật chất tồn tại trong đó có thể được khảo sát bằng phương pháp thực nghiệm, rằng tri thức không phải là một câu đố mà là một sự kiện tự nhiên, như sự tiêu hóa hoặc tình yêu. Công việc của triết gia khoa học cũng không phải là chất vấn hay làm sói mòn sự tin tưởng động vật này, vì ông ta quan tâm mô tả cấu trúc của bản thân khoa học. Nhiệm vụ của triết gia khoa học — phân tích lô-gic các khái niệm, định luật và lý thuyết khoa học — không đồng nhất với nhiệm vụ của nhà triết học hoặc nhà nhận thức luận, nhưng liên tục với nhiệm vụ đó. Chính vì tính liên tục này mà cái gọi là «Triết học Tự nhiên», nghĩa thứ tư của «triết lý khoa học», là không phù hợp với quan niệm của chúng tôi về nghiệp vụ này.

Những suy đoán về nguồn gốc, bản chất và mục đích của vũ trụ có thể là những ngoại suy tưởng tượng, vô hại từ chính bản thân khoa học. Nhưng những giải thích khoác lác của các nhà triết học tự nhiên về vũ trụ, được cho là đi sâu hơn cách giải thích khoa học thực nghiệm đơn thuần, lại mang tính nhân hình và ẩn dụ hiển nhiên đến mức chúng xem mọi vấn đề các triết gia phải phân tích như đã có giải đáp. Bằng cách tự phán xét trước các vấn đề siêu hình như vậy, họ đi vòng quanh hơn là giải quyết các vấn đề triết học. Thứ vật lý học tư biện lộ liễu này — mọi khái quát hóa tổng thể về vũ trụ nói chung, về tính chất «sinh vật» hoặc «biện chứng» của nó — trở nên đặc biệt phi lý khi người ta đòi rút ra từ thứ khái quát chung ấy những sự kiện đặc thù, như khi Schelling làm trò gọi vũ trụ hiện lên từ A = A chẳng hạn. Thế nhưng nhiều kết luận đạo đức lại thường được «suy ra» từ những cấu tạo tưởng tượng này — như thứ đạo lý đấu tranh để sống còn của học thuyết Darwin xã hội, hoặc các kết luận chính trị khác nhau và mâu thuẫn với nhau được rút ra từ các lối giải thích «biện chứng» những quá trình tự nhiên. Khi đó, triết lý về tự nhiên không còn là vô hại nữa, bởi vì nó cung cấp sự hợp lý hóa cho một hệ tư tưởng đạo đức hoặc chính trị cụ thể. Như vậy, triết lý khoa học, trong danh nghĩa là sự phân tích, mô tả và làm sáng tỏ những nền tảng của khoa học một cách hoàn toàn trung lập về đạo lý và chính trị, không có điểm chung nào với triết lý tự nhiên, mặc dù nó có thể khảo sát các vấn đề lô-gic bao hàm trong thứ tổng hợp khoa học mà «các triết gia về tự nhiên» đôi khi làm thử. Như vậy, trong bốn nghĩa của «triết lý khoa học» — nghiên cứu tâm lý xã hội về khoa học; đánh giá vai trò và tri thức của nhà khoa học về mặt đạo đức; triết lý tự nhiên; phân tích lô-gic khoa học chỉ nghĩa cuối cùng được sử dụng ở đây.

Hầu hết các vấn đề và phương pháp đặc trưng của triết học khoa học gần đây đều bắt nguồn từ khoảng đầu thế kỷ XIX. Chủ nghĩa lãng mạn, bao gồm cả «triết học về tự nhiên», là phản ứng của thế kỷ XIX chống lại thời kỳ Khai Sáng, là sự thoái lui của nó ra khỏi cả lý trí lẫn cuộc cách mạng. Nhưng tính cách của thời kỳ này đã bị chia cắt, bởi nó cũng chứng kiến đồng thời sự củng cố của tư tưởng kinh nghiệm chủ nghĩa và khí chất của tư duy phân tích, cả hai đều là hậu duệ tinh thần của Thời đại Lý trí. Lúc đầu, khuynh hướng thứ hai này chỉ diễn ra mạnh mẽ ở Anh, với John Stuart Mill như người đại diện rõ nét nhất, bởi quyển Hệ Thống Lô-gic của ông đã đưa ra một nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về lô-gic học và các phương pháp khoa học. Nhưng vào giữa thế kỷ XIX, Lục địa đã thấy một phản ứng rời khỏi những người kế tục lãng mạn của Kant, đặc biệt là rời khỏi Schelling, Hegel, và các môn đệ của họ. Phản ứng này mang hình thức quay trở lại với truyền thống phân tích phê phán khoa học của Kant, tuy nhiên đây lại là thứ phân tích với một xung lực mới bởi sức mạnh của truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa. Trong số những người vươn lên từ một trong hai, hoặc từ cả hai truyền thống này, tự nhiên là chúng ta sẽ tìm thấy một số trí tuệ hạt giống trong lĩnh vực của mình. Sau Mill, người có ảnh hưởng nhất trong số đó có lẽ là Hermann von Helmholtz người Đức, và Ernst Mach người Áo. Sau những chấn động của thế kỷ XIX, bước ngoặt giữa hai thế kỷ là một thời kỳ quan trọng đối với triết lý khoa học. Đấy là thời kỳ «khủng hoảng» trong vật lý học và toán học; đồng thời nó cũng chứng kiến sự nổi lên của các khoa học về hành vi.

Phân tích do Helmholtz và những người khác thực hiện về bản chất của hình học, sự soi sáng các khái niệm trong cơ học của Newton từ Mach — đặc biệt là phân tích phê phán của ông ta về khái niệm không gian tuyệt đối — là những bước đi trước của cuộc cách mạng mang tên Einstein. Kết quả tiêu cực của thí nghiệm Michelson-Morley (nhằm xác định sự tồn tại của khí ê-te) đã củng cố sự phê phán của Mach, và khiến vật lý học rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tranh cãi về các hình học phi Eukleidēs dẫn tới nỗ lực làm sáng tỏ sự khác biệt giữa tính chặt chẽ, nhất quán với khả năng ứng dụng, hoặc tính chân lý, của một hệ tiên đề. Henri Poincaré, nhà toán học Pháp, là một trong những người đã nhấn mạnh rằng nếu hình học Eukleidēs là chặt chẽ, nhất quán, thì hình học phi Eukleidēs cũng vậy. Với sự ra đời của thuyết tương đối, quy chế của hình học phi Eukleidēs và quan hệ giữa hình học với vật lý học nói chung không còn là những câu hỏi hàn lâm đơn thuần nữa. Vào đầu thế kỷ XX, Planck đưa ra giả thuyết lượng tử, qua đó, còn đóng góp vào cuộc khủng hoảng vật lý học và định hình lại các vấn đề về nhân quả và xác suất sâu sắc hơn nữa.

Một trong những kết quả sâu rộng của học thuyết Darwin là, trong khi khoa vật lý học đang trong quá trình lên men, đã đưa việc nghiên cứu khoa học về con người và xã hội vào cuộc chiến. Khi trở thành khoa học về hành vi, tâm lý học đứng vào hàng ngũ các khoa học tự nhiên, khách quan. Người nghiên cứu về xã hội cũng bắt đầu những thử nghiệm tự ý thức nhằm chuyển những lĩnh vực của họ thành các ngành khoa học khách quan. Nếu con người được coi là đối tượng của nghiên cứu khoa học, thì tất nhiên các vấn đề cho đến nay chỉ liên quan sâu sát đến vật chất vô tri vô giác sẽ có những tác động trực tiếp trên con người và xã hội. Sự nổi lên của khoa học hành vi làm nảy sinh những vấn đề phức tạp đặc thù liên quan tới quyết định luận, bản chất của ý muốn kiểm soát và dự đoán. Nếu xem các khoa học xã hội như một thực tế đã rồi, thì các ý nghĩa trong đó chúng ta có thể nói về tính thống nhất của khoa học, hoặc cái hệ thống các khoa học, có thể được làm sáng tỏ. Như vậy, các khoa học hành vi đã cùng với vật lý học đặt ra nhiều vấn đề hết sức cấp bách cho các triết gia khoa học.

Cuối cùng, phương pháp và các vấn đề triết lý khoa học gần đây cũng đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những phát triển mới trong lô-gic học và toán học. Cũng vào khoảng giữa hai thế kỷ, sự khám phá ra những nghịch lý hay mâu thuẫn trong toán học, đã đặt nó vào tình trạng khủng hoảng giống như ở trường hợp vật lý, và kích thích việc nghiên cứu nền tảng của toán học. Khoa lô-gic học mới của Whitehead và Russell đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời thiết lập nền tảng của toán học trong lô-gic học. Với sự phát triển của lô-gic học mới, tiên đề hóa đã trở thành một công cụ mạnh mẽ của triết lý khoa học. Mặc dù tính hữu ích đối với triết học của những kỹ thuật lô-gic mới vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, nhiều triết gia phân tích vẫn xem chúng là một công cụ không thể thiếu để giải các nan đề triết học. Cả về mặt này nữa, triết lý khoa học cũng liên tục với triết học phân tích. Bởi vì triết lý khoa học là về khoa học, nên khi nói về tính liên tục giữa hai lĩnh vực này, ta không nói đúng hoàn toàn; thế nhưng, chính bởi triết lý khoa học về khoa học, nên khi các nhà khoa học phát minh ra những kỹ thuật mới và mở rộng tri thức của họ, thì nhiều vấn đề mới cũng nảy ra cho cả giới triết gia khoa học. Do đó, không có gì là lạ khi trong thời đại khoa học này, triết lý khoa học cũng rất phồn thịnh.

Tuyển Tập Bài Đọc Về Triết Lý Khoa Học
(Readings in the Philosophy of Science,
Ed. by Herbert Feigl & May Brodbeck,
New York, Appleton-Century-Crofts, 1953, tr. 3-7).


[i] May Brodbeck (1917-1983), triết gia khoa học người Hoa Kỳ. Chủ biên: Readings in the Philosophy of Science (với Herbert Feigl, 1953); Readings in the Philosophy of the Social Sciences (1968).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa