Cập nhật ngày 13-3-2019 Từ khóa : Sử học – Triết lý ; Sử học – Lịch sử |
C1 |
BA THẦN TƯỢNG CỦA
BỘ LẠC SỬ GIA
(1903)
Tác giả: François Simiand*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Như mọi suy tư đã tạo ra các cuộc cách mạng về nhận thức khoa học, trường phái Annales* và cái dự án sáng tạo mà nó đề xuất đã không xuất hiện từ hư vô, chứng cớ là văn bản chuẩn bị cho những đổi mới của Tạp chí Annales này, đến từ François Simiand (1873-1935)[1].
Tác giả là nhà xã hội học theo trường phái «duy xã hội (sociologisme)» của Émile Durkheim*. Một mặt, lối tiếp cận xã hội học này đã chuyển tâm điểm của đối tượng nghiên cứu lịch sử từ cá nhân sang tập thể – một sự di dời quan trọng, bởi ngoài sự phá vỡ các thói quen đã bám rễ lâu đời, nó còn kéo theo nhiều thay đổi nữa, từ phương pháp đến lý thuyết. Mặt khác, bó buộc phải chú ý đến những công trình khoa học nhân văn và xã hội lân cận đã góp phần mở ra và nhân lên các công trình nghiên cứu đa khoa hay liên khoa. Trong sử học, hành động cá nhân, và sự kiện hay biến cố đơn lẻ, được đặt vào một bối cảnh lớn hơn, rộng hơn, sâu hơn của hiện thực xã hội và lịch sử. Ở Simiand, đổi mới này được thể hiện chủ yếu thông qua nhận thức về tác động quyết định của những yếu tố kinh tế.
Tuy nhiên, nếu giọng điệu khoa học của François Simiand cho thấy ảnh hưởng của trường phái xã hội học Durkheim, nó cũng biểu lộ một ý muốn khoa học rập khuôn theo các «khoa học cứng» kiểu Auguste Comte, và do đó, vẫn còn có những hạn chế nhất định, và là khía cạnh tương đối già nua nhất của trích đoạn dưới đây, so với bức tranh toàn cảnh của sự đổi mới sử học trong suốt thế kỷ thứ XX ở Pháp và Âu châu.
*
Dường như đã đến lúc phải từ bỏ, và rất nên từ bỏ ngay từ bây giờ, một số thói quen đã rõ nét và chắc chắn không còn chỗ đứng [trong sử học], đồng thời nêu lên những đặc trưng của chúng – các trở ngại mà ta có thể theo ẩn dụ của Francis Bacon[2] để gọi là những «thần tượng của bộ lạc sử gia» – và bắt đầu cuộc chiến chống lại chúng không để chậm trễ hơn nữa. Tôi sẵn sàng đưa ra ở đây ba ví dụ:
1) «Thần tượng chính trị», nghĩa là đường hướng nghiên cứu thống trị hay ít ra là sự quan tâm triền miên, về lịch sử chính trị, những sự kiện chính trị, các cuộc chiến tranh, v. v… những thứ rốt cuộc đã mang lại cho các loại biến cố trên một tầm quan trọng quá mức. Và có lẽ vì sự ngẫu nhiên luôn luôn chiếm phần lớn nhất trong loại biến cố này, nên sự loại bỏ có phương pháp ảnh hưởng của cái ngẫu nhiên càng trở thành khó chấp nhận và khó thực hiện hơn [trong sử học], sự thiết lập những quan hệ đều đặn và quy luật càng trở nên khó quan niệm và khó hoàn thành hơn – nói tóm lại, sự chấp nhận thái độ khoa học càng bị chậm trễ. Tất nhiên, sử gia không được bỏ qua các sự kiện chính trị, nhưng chúng cũng không thể chiếm lấy cái vị thế bao quát hoàn toàn không thể biện minh hiện đang nắm giữ, ngay cả trong những công trình nghiên cứu thuộc các phân nhánh khác của sử học.
2) «Thần tượng cá nhân» hay thói quen thâm căn cố đế xem sử học như lịch sử của những cá nhân, chứ không phải là nghiên cứu về những biến cố, sự kiện. Thói quen này thường dẫn đến việc sắp xếp các công trình nghiên cứu và làm việc chung quanh một nhân vật, chứ không phải chung quanh một thiết chế, một hiện tượng xã hội, hay một quan hệ cần được thiết lập. Một ông Pontchartrain[3] nào đấy đã có may mắn được lần lượt làm Cố vấn Tối cao Pháp viện Paris, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Bretagne, Giám quan rồi Tổng Thanh tra Tài chính, Bộ trưởng Bộ Hải quân, Tổng Giám đốc Học khu, Thủ tướng nước Pháp ư?, … thì người ta sẽ nghiên cứu về Pontchartrain và Tối cao Pháp viện, Pontchartrain và chính quyền địa phương, Pontchartrain và tài chính, và hải quân, và giáo dục… ; nhưng vì được thực hiện một cách gián tiếp, không có khuôn khổ thực sự và không được phân ranh dựa trên bản chất của sự vật hay vấn đề, nên không một công trình nghiên cứu nào có thể mang lại hiểu biết đầy đủ và bổ ích về bất kỳ một thiết chế nào, vốn luôn luôn quan trọng hơn tất cả mọi cá tính của Pontchartrain gộp lại. Ngay cả đối với một [Jean-Baptiste] Colbert[4]*, cũng không chắc rằng cái thứ khung tiểu sử và cá nhân này là khuôn khổ nghiên cứu tốt nhất và khoa học nhất. Nhưng tại sao không ngăn cấm, trên nguyên tắc, những công trình về các định chế chỉ được thực hiện nhân dịp nghiên cứu về một nhân vật thứ yếu, mà không đòi hỏi những công trình về ngay chính các thiết chế này? Và cuối cùng, trong khi chúng ta còn chưa có đủ những tác phẩm nghiên cứu về tình trạng của công nghiệp và nông nghiệp dưới thời [Jacques] Turgot[5]*, trong khi chúng ta hầu như hoàn toàn không biết gì về đời sống kinh tế của nước Pháp dưới thời Đại Cách mạng và Đế chế,… tại sao không loại bỏ hoàn toàn, ít ra là trong lịch sử khoa học, những công trình đơn thuần dành cho tiểu sử của bất kỳ một họ hàng nhỏ nào của một vĩ nhân, và không gửi tất cả những trước tác như Vụ Giây Chuyền Của Hoàng Hậu (Les Affaires du collier de la Reine) đi giao lưu cùng Napoléon Và Gia Đình (Napoléon et Sa Famille)[6], trong mớ giai thoại lịch sử và tiểu thuyết lịch sử? Nhân sự không nhiều, thời gian cũng chẳng dồi dào để ta có thể làm việc này và việc nọ. Chúng ta phải hy sinh cái này hoặc cái kia.
3) «Thần tượng ngày tháng», nghĩa là thói quen loay hoay trong các nghiên cứu về nguồn gốc, các cuộc điều tra về những khác biệt đặc thù, thay vì khảo sát loại hình bình thường trước tiên, nghĩa là xác định và tìm hiểu nó trong xã hội ngay tại thời điểm bắt gặp nó. Để lấy một ví dụ, thay vì tiến hành như William J. Ashley[7] khi ông nghiên cứu hệ thống trang ấp lãnh chúa chẳng hạn: sử gia này bắt đầu công trình của mình bằng cách tiếp cận nó như một hệ thống đã hoàn tất trong thế kỷ thứ XII, tại các lãnh địa ở miền Trung và miền Nam [nước Anh], nơi loại hình tổ chức này đã hiện ra đầy đủ và sắc nét nhất, rồi sau đó ông mới quay ngược về các nguồn gốc có thể giải thích nó, đồng thời khảo sát những hình thức ít rõ nét hơn ở các lãnh địa khác. Thần tượng ngày tháng, trái lại, khiến chúng ta xem mọi thời kỳ đều quan trọng như nhau và bằng nhau, và nhìn lịch sử như một cuộn sách[8] liên tục, trong đó tất cả các thời kỳ đều được thiết lập giống nhau, mà không nhận ra rằng thời điểm này là đặc trưng, là quan trọng hơn thời điểm kia, rằng đây là một hiện tượng mấu chốt đáng được nghiên cứu sâu sắc, trong khi ở nơi khác chỉ có sự lặp đi lặp lại tẻ nhạt những sự kiện thuộc về cùng một loại hình đã quen thuộc, và do đó, là loại vật liệu cằn cỗi và vô dụng không đáng được triển khai. Nói tóm lại, nội dung của thần tượng ngày tháng là ý muốn cân nhắc mọi sự kiện, mọi thời điểm như thể tất cả đều đáng được xem xét, đáng được phơi bày trong cùng một công trình nghiên cứu. Có lẽ không một sự đánh giá nào có thể gây sốc cho tinh thần sử học truyền thống hơn là lời phê phán trên[9] [xem phản ứng của Hauser[10] và trả lời của Simiand bên dưới]. Tuy nhiên, đây là điểm cần được nhấn mạnh, bởi vì phương pháp là vấn đề quan trọng hàng đầu. Phải chứng minh rằng, một cách liên tục và không ý thức, do đó với nhiều vụng về và đầy sai lầm, bản thân sử học truyền thống thật ra chưa từng làm gì khác! Vì sao lịch sử thời nay đã không được thực hiện với cùng một sự chắc chắn như lịch sử của thế kỷ trước, nếu không phải vì sử gia cần phải hiểu cái xảy ra trước, phân định và cân nhắc tầm quan trọng của các yếu tố, để biết cái xảy ra sau? Vì sao mà một phần không nhỏ những trước tác sử học được cống hiến cho việc nghiên cứu nguồn gốc của một thiết chế, một dân tộc, nếu không phải vì tình trạng sau này của thiết chế đó, sự tồn tại về sau của dân tộc ấy, đã áp đặt vấn đề này lên tâm tư của sử gia? Chính nhờ mối quan tâm liên tục nhằm hiểu biết cái gì sẽ đến sau, mà chúng ta đã chọn lọc, sắp xếp, rọi sáng những gì đã được cung cấp như dữ kiện trong phần xảy ra trước. Như vậy, vấn đề là phải nhận thức rõ rệt về cái quá trình thiết yếu này, và áp dụng nó tốt hơn, có phương pháp và nghiêm ngặt hơn, so với cách các sử gia đã làm và còn đang làm. Thay vì tuân theo những gợi ý của môi trường và thời điểm mà dựng lên một cách hoàn toàn may rủi bản liệt kê những câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho quá khứ, chính là bằng cách xác định trước tiên các hiện tượng toàn thể có đường ranh rõ nét, những loại hình được xây dựng vào thời kỳ và tại địa điểm ta có cơ hội thực hiện chúng, mà chúng ta chuẩn bị cho việc cầu viện tới những sự kiện và biến cố đã xảy ra trước chúng, và có khả năng giải thích các chặng đường phát sinh của chúng. Thay vì trải ra một cách máy móc và vô hạn chuỗi ngày tháng đơn thuần này (vì, như chúng ta vừa thấy, nó không phải là một sự sắp xếp trung thực, mà nói cho cùng, chỉ là chuyện cực chẳng đã), ta phải tìm và lập ra các nhóm yếu tố giải trình có sự chặt chẽ khách quan, và để am hiểu các quan hệ thật sự giữa những sự kiện, kể cả các quan hệ tiếp nối, phải tìm cách biết cái bình thường, cái đã thành hình, trước khi muốn nắm bắt cái đa tạp đặc thù, trường hợp đặc biệt, và cái phôi chưa phân biệt.
Như vậy, trong các hướng dẫn chuyển tiếp này cũng như trong tác phẩm đã được vẽ ra một cách lý tưởng, mối quan tâm thống lĩnh [của sử gia] phải là sự thay thế cách làm việc theo kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ chín chắn, bằng một phương pháp phản tỉnh và tinh thần phê phán thực sự. Xin lặp lại một lần nữa, rằng tôi không tin vào một sự cải tổ đột ngột, chỉ bởi sự kiện duy nhất là mục đích đã được định ra và chấp nhận. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong công việc đặc thù của các sử gia hiện nay, trong sự lựa chọn và sắp xếp rất tinh tế các công trình nghiên cứu, trong bận tâm làm mới tác phẩm sử học bằng cách tận dụng những tiến bộ đã đạt được bởi các khoa học láng giềng khác, thực ra, nhiều xu hướng phát triển đã hiện lên rõ rệt. Và chúng đều nhằm, một mặt, vào việc thay thế dần lối thực hành truyền thống bằng một nghiên cứu thực chứng và khách quan về những hiện tượng con người có khả năng được giải thích một cách khoa học; và mặt khác, vào việc lèo lái các nỗ lực khoa học cốt tủy về hướng xây dựng có ý thức một nền khoa học xã hội. Đưa những xu hướng này vào hành động sẽ là công việc, tôi hy vọng, của thế hệ mới.
François Simiand,
Phương Pháp Sử Học và Khoa Học Xã Hội
(Méthode historique et science sociale),
Trg: Tạp Chí Tổng Hợp Lịch Sử
(Revue de synthèse historique, 1903,
đăng lại trong Annales, ESC, 1960,
số 1, tr. 83-119
[1] François Joseph Charles Simiand (1873-1935), nhà xã hội học, sử học, kinh tế học; một trong các cột trụ của trường phái xã hội học Pháp. Tác phẩm: Méthode historique et Science social (Revue de synthèse historique, 1903); Le Salaire des Ouvriers des Mines de charbon en France (1904); La causalité en histoire (Bulletin de la Société française de philosophie 6, 1906); La méthode positive en science économique (1912), Le Salaire, l'évolution sociale et la monnaie, 3 q. (1932), essai de théorie expérimental du salaire (1932), Les Fluctuations économiques à longue période et la crise mondiale (1932), La monnaie réalité sociale (Annales Sociologiques, 1934), Inflation et stabilisation alternées: le développement économique des États-Unis (1934), De l'échange primitif à l'économie complexe (1935). NVK
[2] Xem: Francis Bacon, Bốn Thần Tượng Cản Trở Tri Thức Khách Quan, trên trang mục Triết Lý Khoa Học. NVK
[3] Quy chiếu về nhân vật tên là Louis Phélypeaux (người thứ hai trong họ mang tên Louis, 1643-1727), hầu tước ở Phélypeaux (1667), bá tước tại Maurepas (1687) rồi ở Pontchartrain (1699), người từng giữ mọi chức vụ liệt kê ở trên dưới thời Vua Louis XIV (trị vì 1654-1715). NVK.
[4] Jean-Baptiste Colbert* (1619-1683) là nhà chính trị và nhà kinh tế Pháp. Tổng Thanh tra Tài chính từ 1665 đến 1683, ông là người đã khởi xướng và thúc đẩy một chính sách can thiệp (sau được gọi là chủ nghĩa Colbert = colbertisme), dựa trên sự phát triển công nghiệp và thương mại, thông qua nỗ lực xây dựng các công xưởng và độc quyền hoàng gia. NVK
[5] Jacques Turgot (1727-1781) là nhà kinh tế học, nhà cải cách người Pháp. Được xem là một trong những đại diện của khuynh hướng trọng nông, ngày nay Turgot được nhớ đến nhiều nhất như một trong những người đã bênh vực chủ nghĩa tự do kinh tế sớm nhất, và như nhà kinh tế đầu tiên đã công nhận quy luật giảm lợi nhuận biên trong nông nghiệp. NVK
[6] Quy chiếu về hai tác phẩm chỉ đáng được xem như giai thoại hay tiểu thuyết lịch sử hơn là lịch sử, mặc dù liên quan đến những người thực và việc thực. Les Affaires du collier de la Reine là một vụ lừa đảo xảy ra năm 1785 tại Triều đình Versailles, khiến Hồng Y Rohan phải ngồi tù, và Hoàng hậu Marie-Antoinette bị tai tiếng, dù cả hai chỉ là nạn nhân của một cặp quý tộc bất lương. Vụ lừa gạt này là đối tượng của hai quyển tiểu thuyết cùng tên, một của Maurice Leblanc, một của Alexandre Dumas (Cha). Napoléon et Sa Famille là bộ ký thuật về cuộc đời của Napoléon Bonaparte và những người thân cận với ông ta, do Frédéric Masson biên soạn (13 q., từ 1769 đến 1821). NVK
Ngày nay, vấn đề cá nhân, vĩ nhân, anh hùng, lãnh tụ… càng đáng được đặt ra một cách cấp thiết, khi mà ở nhiều quốc gia và ngay trong thế kỷ thứ XXI này, không ít lãnh tụ, anh hùng còn được tạo ra bằng huyền thoại, thậm chí do bịa đặt hoàn toàn, và vẫn tiếp tục ngự trị trong chính sử, nhờ bệnh tôn thờ cá nhân và thói nhắm mắt tuyên truyền không đủ sức nhìn xa hơn đầu lỗ mũi. NVK
[7] Sir William James Ashley là sử gia kinh tế người Anh. Tác phẩm chính: An Introduction to English Economic History and Theory (2 q., 1888-1893) và The Economic Organisation of England: An Outline History (1914). NVK
[8] Quy chiếu về cuộn (roll, rouleau) giấy cói (papyrus), tiền thân của sách báo. NVK
[9] Ông Henri Hauser đã phản đối tôi như sau : «Giải thích phần đầu bằng phần giữa, quá khứ bằng hiện tại, là đưa mục đích luận vào lịch sử, là phạm phải một sai lầm tương tự như Augustin Thierry khi ông nghiên cứu về Étienne Marcel và, do bị ấn tượng mạnh bởi sự giống nhau giữa ông Étienne Marcel với một vài người nào đó thời 1830, đã tạo ra một quan hệ gia đình có lẽ chỉ là huyền thoại trong lịch sử». Tôi sẵn sàng kể thêm vào trường hợp ông Hauser đưa ra rất nhiều ví dụ khác (mới hơn và gần đây, gần hơn là ông Hauser có thể tưởng) về sự áp dụng sai lầm, bởi ngay chính các sử gia, cái phương pháp mà tôi cho là cần thiết; nhưng liệu sự bổ túc này sẽ chứng tỏ được gì chống lại sự áp dụng đúng đắn cái phương pháp ấy, nếu không phải là nó khá khó khăn? Còn những bận tâm về mục đích luận, thật ra cũng thường thấy và đáng bị kết án thôi, liệu chúng sẽ mang lại được gì ngoài cái bằng chứng rằng sự phân biệt không phải lúc nào cũng được làm rõ và hiểu rõ, giữa một bên là sự giải thích bằng cứu cánh, với bên kia là sự giải thích cái phôi thai bằng cái trưởng thành, cái mới thành hình và chưa đầy đủ bằng cái điển hình, nghĩa là một sự giải thích chỉ có thể và phải chứa đựng duy nhất một quan hệ thuần túy nhân quả. FS
[10] Henri Hauser (1866-1946), là nhà sử học, địa dư và kinh tế học Pháp, tác giả của Nền Đế Chế Hoa Kỳ (L'impérialisme américain, 1905, tác phẩm tiên đoán sự suy sụp của Âu châu và sự thống trị thế giới của Mỹ), và Phương Pháp Bành Trướng Kinh Tế Của Nước Đức (Méthodes allemandes d'expansion économique, 1915, quyển sách phân tích vai trò của nền công nghiệp Đức trong sự bùng nổ của cuộc Thế chiến 1914-1918). Hauser được tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh năm 1919, và Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1945 cho sự nghiệp trọn đời của ông năm 1945. NVK