Cập nhật 24-02-2020 Từ khóa: Quy nạp (Phương pháp) ; Newton, Isaac – Trích đoạn |
C1 |
PHƯƠNG PHÁP QUY NẠP
TRONG 4 QUY TẮC
(1713, 1726)
Tác giả: Isaac Newton
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Isaac Newton đặt ở phần đầu của tập 3 quyển Những Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên (Philosophiae Naturalis Principia Mathematica = Mathematical Principles Of Natural Philosophy, xuất bản lần thứ 2 năm 1713, và lần thứ 3 năm 1726) một đoạn văn mang tựa là «Quy Tắc Lý Luận Trong Triết Học [Tự Nhiên] = Rules of Reasoning in Philosophy». Qua 4 quy tắc này, ông đã để lại cho đời sau một phương pháp xử lý và giải thích những hiện tượng chưa biết trong thiên nhiên[i]. Được thảo ra như dưới đây trong ấn bản 1726, chúng vẫn còn là một bộ phận của triết lý khoa học hiện đại.
*
1 – Ta không được thừa nhận nhiều nguyên nhân cho những vật thể tự nhiên hơn là điều cần và đủ để giải thích những hiện tượng của chúng[ii].
«Thiên nhiên không làm điều gì vô ích»[iii], và nhiều nguyên nhân là vô ích khi ít hơn đã đủ. Bởi thiên nhiên là đơn giản và không thích xa xỉ với những nguyên nhân thừa.
2 – Vì vậy, trong chừng mức có thể được, ta phải gán cùng các nguyên nhân cho những hệ quả tự nhiên cùng một loại[iv].
Như vậy, sự thở của con người và của thú vật, sự rơi của hòn đá ở châu Âu và ở châu Mỹ, ánh sáng của ngọn lửa ở đây và trên Mặt trời, sự phản chiếu của ánh sáng trên Trái đất và trên các hành tinh,… trong mỗi trường hợp, đều phải được gán cho cùng một nguyên nhân.
3 – Những phẩm chất không thể tăng hoặc giảm, và thuộc về tất cả các cơ thể trên đó ta có thể làm thử nghiệm, phải được xem là những phẩm chất phổ quát của mọi cơ thể nói chung[v].
Ta chỉ có thể biết những phẩm chất của các cơ thể qua kinh nghiệm, do đó, ta phải xem là phổ quát những phẩm chất nào có trong mọi cơ thể; mặt khác, những phẩm chất không thể bị suy giảm, thì không thể nào bị tước khỏi cơ thể được. Chúng ta không thể chống lại kinh nghiệm bằng mơ mộng, và không được từ bỏ sự tương tự[vi] của thiên nhiên, luôn luôn là đơn giản và giống hệt bản thân nó.
Quảng tính của các cơ thể chỉ được nhận biết thông qua giác quan, nhưng ta không thể cảm thấy nó trong mọi cơ thể; tuy nhiên, vì quảng tính thuộc về mọi cơ thể mà giác quan của chúng ta cảm nhận được, ta khẳng định rằng nó thuộc về mọi cơ thể nói chung. Chúng ta cảm thấy rằng nhiều cơ thể là rắn, và tính rắn của cái toàn thể xuất phát từ tính rắn của các bộ phận; do đó, ta thừa nhận rằng phẩm chất này không chỉ có trong những cơ thể, nơi các giác quan của ta khiến chúng ta cảm nhận được nó, mà ta còn suy ra một cách hợp lý rằng những hạt không phân chia của mọi cơ thể đều phải rắn. Chúng ta cũng kết luận cùng một cách rằng mọi cơ thể đều không thể bị xuyên qua. Vì mọi cơ thể mà chúng ta sờ mó được đều không thể bị xuyên qua, ta xem tính không thể xuyên qua như một đặc tính của mọi cơ thể. Mọi cơ thể mà chúng ta biết đều chuyển động, và được phú cho một lực nhất định (mà ta gọi là quán tính) nhờ đó chúng kiên trì trong trạng thái chuyển động hoặc đứng yên, chúng ta kết luận rằng mọi cơ thể nói chung đều có các đặc tính này. Quảng tính, tính rắn, tính không thể xuyên qua, tính chuyển động và quán tính của cái toàn thể đều do quảng tính, tính rắn, tính không thể xuyên qua, tính chuyển động và quán tính của các bộ phận: từ đó chúng ta kết luận rằng mọi bộ phận nhỏ của mọi cơ thể đều có quảng tính, tính rắn, tính không thể xuyên qua, tính chuyển động và quán tính. Và đấy chính là nền tảng của toàn bộ khoa vật lý học.
Hơn nữa, chúng ta còn biết qua những hiện tượng rằng những phần tiếp giáp với các cơ thể đều có thể được tách ra, và toán học cho thấy rằng những phần bất khả phân nhỏ nhất cũng có thể được phân biệt bằng lý trí[vii]. Chúng ta hiện còn chưa biết liệu các phần riêng biệt và không phân chia đó sẽ có thể bị tách rời bởi các lực của tự nhiên chăng; nhưng nếu ta chắc chắn, dù chỉ bởi một thí nghiệm duy nhất, rằng một trong các phần được coi là bất khả phân ấy đã phải chịu đựng một sự phân chia nào đó, do sự tách rời hay vỡ ra từ một cơ thể rắn nào đấy, thì chúng ta sẽ kết luận, bởi chính quy tắc này, rằng không những các phần bị phân chia là có thể bị tách rời, mà ngay cả những phần chưa bị phân chia cũng có thể bị phân chia đến vô tận.
Cuối cùng, bởi vì qua những thí nghiệm và quan sát thiên văn, điều ta luôn luôn thấy là mọi cơ thể gần với bề mặt của Trái đất đều ảnh hưởng mạnh tới Trái đất, tùy theo lượng vật chất của chúng: Mặt trăng ảnh hưởng mạnh tới Trái đất do lượng vật chất của nó, khối biển của chúng ta cũng ảnh hưởng mạnh tới Mặt trăng, các hành tinh ảnh hưởng mạnh cái này tới cái kia, và các sao chổi cũng ảnh hưởng mạnh tới Mặt trời,… nên chúng ta có thể kết luận, dựa trên quy tắc thứ ba này, là mọi cơ thể đều xoay quanh nhau, cái này bị hút về phía cái kia. Và do nó được rút ra từ sự quan sát hiện tượng, lý luận bênh vực lực hấp dẫn phổ quát của mọi cơ thể này còn mạnh mẽ hơn cả cái lý luận cho phép ta kết luận về tính không thể xuyên qua của chúng, bởi chúng ta không có một kinh nghiệm hoặc quan sát nào đảm bảo với ta rằng các thiên thể là không thể xuyên qua. Tuy nhiên tôi không hề khẳng định rằng lực hấp dẫn là thiết yếu[viii] cho mọi cơ thể. Và tôi chỉ hiểu cái lực nằm trong các cơ thể là lực quán tính mà thôi, và nó là không thay đổi chứ không càng suy giảm khi càng ở xa Trái đất hơn, như lực hấp dẫn.
4 - Trong triết học thực nghiệm1, bất chấp mọi giả thuyết trái ngược có thể được tưởng tượng ra, các mệnh đề được rút ra bằng phép quy nạp từ những hiện tượng phải được xem là đúng – một cách chính xác hoặc hầu như đúng – cho đến khi một số hiện tượng nào khác đến xác nhận chúng, hoặc như chính xác hơn nữa, hoặc có thể là ngoại lệ[ix].
Bởi vì một giả thuyết không thể làm suy yếu những lý luận dựa trên phương pháp quy nạp rút ra từ kinh nghiệm.
Tôi không thể nghĩ rằng việc xem xét các cách thức khác nhau qua đó những hiện tượng có thể được giải thích là một phương pháp hữu hiệu để xác định sự thật, trừ trường hợp chúng ta có thể liệt kê tất cả các cách thức này. Như quý vị biết đấy, để truy tìm đặc tính của mọi sự vật, phương pháp đúng đắn là suy chúng ra từ kinh nghiệm. Và tôi nói với quý vị rằng cái lý thuyết tôi đề xuất ở đây đã đến với tôi, không phải bằng suy luận nó phải như thế mà thôi chứ không thể nào khác được, nghĩa là không phải bằng cách đơn giản suy diễn từ sự bác bỏ những giả định trái ngược, mà được rút ra từ những kinh nghiệm, nơi nó đã được nghiệm thu với chứng cớ, một cách trực tiếp. Vì vậy, cách thức thích hợp để kiểm tra lý thuyết của tôi chính là, hoặc phải cân nhắc xem liệu những kinh nghiệm mà tôi đề xuất đã chứng minh một cách thực hiệu các bộ phận lý thuyết tương ứng chưa, hoặc phải thực hiện thêm những kinh nghiệm nào khác có thể nghĩ ra nhằm xét nghiệm và đánh giá nó... Bởi vì nếu những kinh nghiệm mà tôi đề xuất là sai sót, thì chỉ ra những sai sót ấy là điều chẳng khó khăn gì; nhưng nếu chúng là có giá trị, thì lúc đó, bằng sự chứng minh lý thuyết này là đúng, chúng cũng nhất thiết xác định rằng mọi lý lẽ phản đối là sai.
Isaac Newton,
Những Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên
(Mathematical Principles Of Natural Philosophy,
Transl. I. Bernard Cohen & Anne Whitman,
Berkeley: University Of California Press, 1999, tr. 794-796 =
Principes mathématiques de la philosophie naturelle,
t. III, và Lettre à Oldenburg, 7-1672,
trích dẫn bởi Robert Blanché, trg:
La méthode expérimentale et la philosophie de la physique,
Armand Colin
[i] Ở đây, Newton không bàn về triết học theo nghĩa ta hiểu môn học này ngày nay, mà về triết học tự nhiên hay triết học thực nghiệm, như khoa vật lý học vẫn được gọi cho đến thời đại của ông. Qua những dòng này, Newton chỉ muốn xác định một số quy tắc căn bản, có vẻ hợp lý và thiết yếu, để hiểu những định luật vật lý mà ông đã khám phá ra. Ngày nay, không nên hiểu các định luật của Newton là tuyệt đối hay vô điều kiện.
[ii] Quy tắc thứ nhất này thường được gọi là quy tắc tằn tiện. Nó khẳng định rằng, nói một cách tổng quát, giải thích giản dị nhất là giải thích có lẽ đúng nhất. Nó nhằm loại bỏ bất kỳ một khía cạnh nào của một lý thuyết, nếu khía cạnh đó không được xem là thiết yếu. Vì vậy, Thượng Đế, thần linh và ác quỷ không có vai trò nào trong vật lý học của Newon.
[iii] Aristotelês, Perì zôôn moriôn = Các Bộ Phận Của Động Vật = On the Parts of Animals = Les parties des animaux (khg 335-323 tCn), I.5.
[iv] Quy tắc thứ hai chủ yếu có nghĩa rằng một giải thích đặc biệt về sự kiện là không cần thiết nếu đã có một giải thích hợp lý rồi. Khi ta đã xác định được trong quá khứ rằng A là nguyên nhân của B, thì loại hệ quả B phải được đơn giản quy cho loại nguyên nhân A.
[v] Quy tắc thứ ba khẳng định rằng những giải thích đạt được thông qua điều tra khoa học về một hiện tượng phải được áp dụng cho mọi trường hợp cá biệt của hiện tượng đó. Đây là quy tắc về tính phổ quát của các định luật vật lý. Nó khẳng định rằng sự xác định vị trí là không quan trọng trong vật lý học của Newton, theo nghĩa là các định luật tác động trên những vật thể trên mặt Trái đất cũng là các định luật sẽ tác động trên những thiên thể như các vì sao và hành tinh trên trời.
[vi] Ở đây, «tương tự» có nghĩa là đồng nhất và cố định.
[vii] Cùng với Leibniz, Newton là người đã phát minh ra phép toán vi phân.
[viii] Ở đây, «thiết yếu» có nghĩa là thuộc về tồn tại của chúng.
[ix] Cuối cùng, quy tắc thứ tư đặt cơ sở triết học cho các lý thuyết khoa học hiện đại: các lý thuyết khoa học được cho là đúng, trừ phi chúng bị chứng minh ngược lại là sai. Điều này không có nghĩa rằng các lý thuyết khoa học được thừa nhận không chứng cớ, hoặc chúng không thể thay đổi – các lý thuyết đều được xây dựng dựa trên một chuỗi kết luận hiển nhiên thường là đến từ nhiều công trình nghiên cứu, và chúng khó mà không thay đổi khi sự hiển nhiên đó gia tăng. Quy tắc thứ tư chỉ có nghĩa là bất kỳ định luật vật lý nào cũng phải được để ngỏ cho sự chỉnh sửa hoặc cải tiến.