KHÁI NIỆM HOÁ & KHÁI NIỆM VĂN HOÁ (R. Linton, 1945)
Cập nhật ngày 15-08-2021
Từ khóa: Văn hóa (Khái niệm)
C1

KHÁI NIỆM HOÁ :
TỪ VĂN HÓA TRONG NHÂN HỌC
(1945)

Tác giả: Ralph Linton[1]*
Bản tiếng Pháp: Andrée Lyotard
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

1 – Quá trình khái niệm hoá trong một khoa học

Từ nhiều năm nay, khái niệm «văn hóa» đã được sử dụng để chỉ lối sống của một xã hội cụ thể, thế nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn rất mơ hồ ở một số khía cạnh nhất định liên quan tới nội dung chính xác của nó. Giống như một số khái niệm khác từng được dùng trong các khoa học nhân văn, khái niệm này đã chịu một quá trình phân định dần dần qua sử dụng. Quá trình này tương ứng với nhu cầu của các ngành khoa học mới đang phát triển nhanh chóng, và nó là quá trình duy nhất thực sự có thể được thực hiện trong sự thiếu vắng một thẩm quyền tối cao nhằm giải quyết những khác biệt về diễn giải mà người ta có thể đề xuất. Khi một thuật từ mới xuất hiện, các nhà nghiên cứu trong cùng một khoa học bắt đầu sử dụng nó với các nghĩa gần như giống nhau, tuy nhiên điều này không loại trừ một số biến thiên cá nhân quan trọng trong các hàm nghĩa chính xác mà họ gán cho nó. Về lâu dài, các yếu tố về ý nghĩa phổ biến chung cuối cùng cũng đạt tới sự nhất trí, và các khía cạnh riêng biệt bị loại bỏ. Vào cuối quá trình, giới nghiên cứu trong ngành sẽ có  một khái niệm được phân định rõ ràng, được chỉ định bởi một thuật từ duy nhất, với ý nghĩa trong sáng cho mọi người. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đạt được một đồng thuận như vậy, thuật từ được sử dụng vẫn có thể nhận một số định nghĩa khác nhau. Thực vậy, điểm đặc biệt với mọi định nghĩa là người ta thường chọn ra một số khía cạnh trong toàn bộ khái niệm mà thuật từ biểu đạt, và chỉ nhấn mạnh trên những nét này, gây thiệt thòi cho các khía cạnh khác. Cách đặt dấu nhấn, và do đó, giá trị mà định nghĩa có trong quan hệ với đối tượng của nó, phụ thuộc vào mục đích riêng mà người định nghĩa nó nhắm tới. [...]

2 – Văn hoá như một thuật từ Nhân học

Trong các nghiên cứu khoa học, thuật từ văn hóa không bao hàm một sự nhấn mạnh về ý tưởng giá trị thường đi đôi với nó trong sử dụng thông tục. Văn hóa đề cập đến mọi phương cách sống của một xã hội, chứ không chỉ giới hạn vào những phong thái mà xã hội cho là cao sang hơn, đáng mong muốn hơn. Như vậy, khi áp dụng vào phương cách sống riêng của chúng ta, nó không liên quan gì tới sự kiện chơi đàn piano hay đọc thơ của Browning[2]. Đối với nhà xã hội học, loại sinh hoạt vừa kể chỉ đơn giản là những yếu tố trong toàn bộ nền văn hóa của ta. Cái toàn bộ này bao gồm cả các sinh hoạt trên lẫn loại sinh hoạt như rửa chén đĩa hay lái ô-tô, và đối với mục đích đặc thù của việc  nghiên cứu văn hóa, thì những sinh hoạt sau cũng nằm chính xác trên cùng một cơ sở như «các điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống». Hệ quả là, đối với nhà xã hội học, không hề có xã hội nào mà lại không có văn hóa, và mọi người đều «có văn hóa» như nhau, theo nghĩa là mọi con người đều luôn luôn tham dự vào một nền văn hóa, cái này hoặc cái kia.

Trong thực tế, công việc của nhà xã hội học phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu nền văn hóa, lối sống đặc thù của các xã hội cụ thể. Văn hóa, theo cái nghĩa ông ta sử dụng thuật từ, thể hiện một sự tổng quát hóa dựa trên sự quan sát và so sánh một chuỗi các nền văn hóa. Tương quan của nó với những nền văn hóa đặc biệt này giống như tương quan của một loài Khỉ, như được mô tả bởi nhà tự nhiên học, với vô số những con khỉ riêng lẻ đã cùng nhau tạo thành loài khỉ đó. Khi nhà nhân học nói rằng văn hóa có đặc tính này hay đặc tính kia, ý tưởng thực sự của ông ta là tất cả mọi nền văn hóa đều có chung những đặc điểm ấy. Mặt khác, các nền văn hóa đều là những thực thể chức năng có tổ chức, gắn liền với một xã hội đặc thù, và chính là trong tương quan với nội dung của một nền văn hóa riêng biệt, chứ không phải với văn hóa nói chung, mà con người cá thể phải được nghiên cứu.

Mặc dù từ văn hóa đã được sử dụng từ lâu để chỉ lối sống của một xã hội đặc thù, ý nghĩa chính xác về nội dung của nó vẫn còn mơ hồ ở một số khía cạnh. [...] Mỗi định nghĩa có thể đưa ra về một nền văn hóa thường được sử dụng trong kết nối với một loại nghiên cứu cụ thể. Vì vậy, người ta có thể định nghĩa nó hoàn toàn chính xác như «di sản xã hội của những thành viên của một xã hội»[3], nhưng định nghĩa này sẽ rất ít ích lợi cho những ai nghiên cứu về sự hình thành của nhân cách.

Trên cơ sở cách sử dụng từ với ý nghĩa thông thường, và biến thiên theo những gì được cho là quan trọng đối với việc nghiên cứu nhân cách, tôi thử liều đưa ra định nghĩa sau: «Một nền văn hóa là cấu hình của loại hành vi học được (learned behaviour), và kết quả của loại hành vi mà các yếu tố cấu thành đã được thu nhận và trao truyền bởi những thành viên của một xã hội đặc thù». [...] Thuật từ «cấu hình» ngụ ý rằng những hành vi khác nhau,  và kết quả của những hành vi đã tạo nên một nền văn hóa, được tổ chức thành một toàn thể có giá trị như khuôn mẫu (pattern). [...] Cụm từ «Hành vi học được» giới hạn những hoạt động phải được kể là bộ phận của một cấu hình văn hóa cụ thể vào những hình thức hoạt động đã được chỉnh sửa bởi quá trình học tập. [...] Cụm từ «kết quả của hành vi» áp dụng cho các hiện tượng thuộc hai trình tự hoàn toàn khác biệt: tâm lý và vật chất. Phần thứ nhất bao gồm những kết quả được thể hiện nơi cá nhân bởi các trạng thái tinh thần: những thái độ, hệ thống giá trị, tri ​​thức sẽ được hiểu dưới tiêu đề này. [...] Việc bao gồm loại kết quả vật chất của hành vi vào số những hiện tượng được đặt dưới khái niệm văn hóa có thể gặp phải sự phản đối từ một số nhà xã hội học; nhưng thật ra nó đã được thừa nhận, qua một sự sử dụng cũng xưa như bản thân từ văn hóa, bởi các nhà nhân học. Những vật dụng thường được tạo ra và sử dụng bởi các thành viên của bất kỳ một xã hội nào vẫn luôn luôn được biết tới như đã tạo ra nền «văn hóa vật chất» của nó nói chung, và được xem như một bộ phận không thể tách rời trong cấu hình văn hóa của nó. [...]

Kết quả của cuộc thảo luận về khái niệm này là văn hóa bao gồm các hiện tượng thuộc về ít nhất là ba trình tự khác nhau: hiện tượng vật chất, nghĩa là những sản phẩm của công nghiệp; hiện tượng cơ động (động lực), nghĩa là loại hành vi «mở» (bởi vì nó nhất thiết bao gồm sự vận động); và hiện tượng tâm lý, đó là, tri thức, thái độ và giá trị mà các thành viên của xã hội nhận được. Đối với mục đích hiện tại của chúng tôi, những hiện tượng thuộc hai trình tự đầu tiên có thể được sắp xếp chung với nhau như phần cấu thành khía cạnh «mở» của văn hóa: đó là khía cạnh cụ thể và cảm nhận được bằng giác quan, có thể được ghi lại bằng các phương tiện cơ học như máy quay phim, hoặc máy thu thanh chẳng hạn. Những hiện tượng thuộc trình tự thứ ba, hiện tượng tâm lý, tạo thành khía cạnh «ẩn» của văn hóa. Thế nhưng tất cả ba khía cạnh này đều là hiện thực và đều quan trọng cho việc hiểu biết hành vi của con người như nhau và bằng nhau.

Ralph Linton,
Nền Tảng Văn Hóa Của Nhân Cách
(The Cultural Background of Personality,
New York, Appleton Century Crofts, 1945 –
Le fondement culturel de la personnalité,
Paris, Dunod, 1959, tr. 30-38, passim)


[1] Ralph Linton (1893-1953) là nhà nhân học người Mỹ, một trong các đại diện của trào lưu học thuật «Văn hóa và Nhân cách» cùng với Abram Kardiner (1891-1981), Ruth Benedict (1887-1948) và Margaret Mead (1901-1978). Tác phẩm lý thuyết chính: The Study of Man (1936) = De l'homme (….); The Cultural Background of Personality (1945) = Le Fondement culturel de la personnalité (1959); The Tree of Culture (1955).

[2] Robert Browning (1812-1889) là nhà thơ và kịch tác gia người Anh nổi tiếng vào bậc nhất của thời đại Victoria (trong lịch sử Anh, thời đại này được xem là bắt đầu từ Reform Act năm 1832 đến năm 1901, khi nữ hoàng Victoria mất).

[3] Định nghĩa của chính R. Linton trong tác phẩm The Study of Man, 1936.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa