GIẢ THUYẾT XƯA, QUY CHIẾU SAI CHO LÝ THUYẾT HIỆN ĐẠI (J.-B. D’ALEMBERT, 1759)
 Đưa lên mạng ngày 01-01-2019
Từ khóa : Khoa học – Lịch sử ;
Alembert, Jean-Baptiste d’ – Trích đoạn

C1

GIẢ THUYẾT XƯA
NHƯ QUY CHIẾU SAI CHO
 CÁC LÝ THUYẾT HIỆN ĐẠI
(1759)

Tác giả: Jean-Baptiste Le Rond d’Alembert*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Đúng là các giả thuyết khác nhau mà người hiện đại nghĩ ra để giải thích hệ thống thế giới đều đã được người xưa tưởng tượng ra trước; và nếu chúng ta coi như, trong loại giả thuyết này, những cái có vẻ là thực đều có khả năng hiện ra một cách khá tự nhiên trong tâm trí, chúng ta sẽ không ngạc nhiên thấy rằng sự kết hợp các ý tưởng tổng quát sẽ phải sớm cạn kiệt thôi, và bởi một thứ cách mạng bó buộc, cái này sẽ thay thế cái kia một cách liên tục. Có lẽ chính vì lý do đó mà ngày nay chúng ta hầu như không có trong môn Vật lý của ta một nguyên tắc tổng quát nào mà lời phát biểu, hoặc ít ra là mầm mống của nó, đã không được tìm thấy nơi những tác giả xưa. [...] Dù sao, những gì người xưa từng tưởng tượng về hệ thống thế giới, hoặc ít ra những gì còn lại trong ý kiến ​​của họ về nó, đều rất mơ hồ và được chứng minh rất tệ, đến mức ta không thể rút ra từ chúng bất kỳ một tia sáng thực sự nào. Ta không hề tìm thấy ở đấy những chi tiết cụ thể, chính xác và sâu sắc, vốn luôn luôn là nền tảng của tính chân lý của một hệ thống; một số tác giả ưng gọi chúng là thiết bị, nhưng những chi tiết cụ thể này thực sự là cơ thể và chất nền của hệ thống, bởi vì chúng chứa đựng những bằng chứng tinh tế nhất và không thể bài bác được của nó, và vì vậy mới đúng là cái đã làm cho việc xây dựng hệ thống là khó khăn và đáng giá. Có gì nguy hại cho danh dự của Kopernik* đâu, khi một số triết gia cổ đại từng tin vào sự chuyển động của trái đất trước ông, nếu các bằng chứng họ đưa ra là hoàn toàn không đủ để ngăn cản phần đông người đương thời tin rằng mặt trời quay quanh trái đất? Có gì đe dọa sự vinh quang của Newton* đâu, nếu Empedoklês* hoặc những người khác từng có một số ý tưởng mơ hồ, với dạng hình bất định, về hệ thống lực hấp dẫn, nếu các ý tưởng này hoàn toàn thiếu vắng những chứng cớ cần thiết để hỗ trợ chúng? Nhận nợ từ Triết học cổ đại cho những giả thuyết và ý kiến ​​của chúng ta, như một nhà khoa học lừng lẫy đã làm, tưởng rằng hành động như thế là trả thù cho sự miệt thị bất công của ta đối với nó, chỉ là điều vô ích, bởi vì các nhà khoa học thực sự và những đầu óc tinh anh không bao giờ có sự khinh miệt ấy đối với triết học cổ đại. Luận văn của ông về chủ đề này, theo tôi, chẳng gây thiệt hại gì cho người hiện đại, cũng chẳng mang lại vinh quang gì cho người xưa, mà chỉ gây nhiều tai tiếng cho sự uyên bác và tỏa sáng của chính tác giả.

Jean-Baptiste Le Rond d'Alembert
Tiểu Luận Về Các Bộ Phận Của Triết Học =
Essai sur les Eléments de Philosophie, Ch. XIII);
  Trg : Tạp Luận Văn, Sử, Triết =
 Mélanges de Littérature, d'Histoire et de Philosophie,
 Amsterdam, 1759, q. IV, tr. 226-228.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa