Đưa lên mạng ngày 01-01-2019 |
C1 |
«CÁM DỖ XEM CÁC KHÁM PHÁ
TRONG QUÁ KHỨ NHƯ
NHỮNG ĐOÁN TRƯỚC VÀ ĐÓNG GÓP
VÀO KHOA HỌC HIỆN ĐẠI»
(1952)
Tác giả: Alistair Cameron Crombie[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
[…] Do đó, những vấn đề chính đối với giới sử gia khoa học là: con người đã đặt ra loại câu hỏi nào, vào thời điểm cụ thể nào, về thế giới tự nhiên? Họ đã có khả năng cung cấp những giải đáp nào? Và tại sao các câu trả lời này không còn đáp ứng được sự tò mò của con người nữa? Đâu là những vấn đề mà các nhà khoa học đương thời đã thấy, và đâu là những vấn đề họ không thấy? Những giới hạn tiêu biểu của triết lý tự nhiên đương thời là gì, về phương pháp khoa học, kỹ thuật quan sát, kinh nghiệm, toán học, và những thay đổi nào ở một giai đoạn khác đã chuyển hướng các quan điểm của họ? Một hệ thống tư tưởng khoa học cũ kỹ nào đó, có vẻ rất kỳ quặc đối với chúng ta, những người nhìn xuống nó từ chiều cao của thế kỷ thứ XX ta đang đứng, sẽ trở thành dễ hiểu khi chúng ta hiểu những câu hỏi mà nó được vời ra để trả lời.
Chính những câu hỏi đã tạo nghĩa cho các câu trả lời. Khi một hệ thống thay thế một hệ thống khác, đấy không đơn giản chỉ vì người ta phát hiện ra các sự kiện mới, và chúng đã bác bỏ hệ thống cũ hoặc làm cho nó thành lỗi thời, mà bởi vì, quan trọng hơn, do một lý do nào đó, đôi khi là hệ quả của các quan niệm lý thuyết mới, các nhà khoa học bắt đầu suy nghĩ lại toàn bộ quan điểm của mình, đặt ra những câu hỏi mới, đưa ra các giả thuyết khác, nhìn vào các chứng liệu từ lâu quen thuộc với một nhãn quan mới [...]
Không giống như các ngành học khác về thế giới, các giải pháp cho những vấn đề khoa học trong quá khứ và hiện tại đều có thể được đánh giá theo các tiêu chí mà, trong hầu hết các trường hợp, là khách quan và được chấp nhận một cách bao quát và ổn định, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Sử gia khoa học sẽ phải chịu một mất mát rất lớn, nếu ông ta không cầu viện tới những tri thức cao cấp ngày nay để đánh giá các khám phá và lý thuyết của quá khứ. Nhưng chính là khi làm như vậy mà ông ta tự đặt mình vào một nguy hiểm thuộc vào loại nghiêm trọng nhất. Bởi vì khoa học đạt được nhiều tiến bộ thực sự bằng cách thực hiện các khám phá, và phát hiện ra những sai lầm, người ta hầu như không thể cưỡng lại nổi cái cám dỗ xem các khám phá trong quá khứ chỉ đơn giản như những đoán trước và đóng góp vào khoa học hiện đại, và bỏ qua những sai lầm như thể là chúng không dẫn đến đâu cả. Mặc dù cũng thuộc về bản chất của khoa học, chính cái cám dỗ này đôi khi đã gây ra cho chúng ta những khó khăn lớn trong việc tìm hiểu xem các khám phá và lý thuyết khoa học đã được dự kiến và chuẩn bị như thế nào trong quá khứ, bởi những người đã làm ra chúng, theo cách thức riêng của họ. Nó có thể dẫn đến các hình thức xuyên tạc lịch sử khó thấy nhất.
Mục đích của sử gia khoa học, khi ông đẩy công trình nghiên cứu của mình sâu vào nguồn gốc của một khám phá hay một lý thuyết mới, trước tiên, phải là phát hiện ra những vấn đề nào đã khiến các nhà khoa học trăn trở trước khi tìm được giải đáp, những câu hỏi nào họ đã tự đặt ra cho mình, những nguyên tắc tiên quyết nào họ đã tuân theo và với kỳ vọng gì, cuối cùng, thế nào là một giải đáp và giải thích thích đáng đối với họ? Và, trong khi theo đuổi việc nghiên cứu, ông ta phải tính tới, không những chỉ các công trình đã thành công và được ca ngợi vào thời đại của các nhà khoa học ấy và của chúng ta, mà cả những lý thuyết và thử nghiệm đã thất bại, những giải thích vừa sinh ra đã chết, chết trong tuổi thơ, hoặc ít ra đã không sống sót nổi, những thử nghiệm đầu voi đuôi chuột hay các ngõ cụt trong mắt ta, thậm chí trong mắt họ. Loại lý thuyết và thử nghiệm này có thể còn tiết lộ nhiều thứ hơn là những khám phá vĩ đại, bởi rất có thể là chúng ta đã có những thành kiến khác hơn họ về chúng, trong khi những thành công thì quá dễ dàng cho chúng ta học để thừa nhận giá trị. Một giải thích về các mục đích, những quan niệm và giải pháp của các thời đã qua, như chúng từng thực sự xảy ra trong quá khứ, đấy chính là đối tượng săn đuổi chủ yếu của sử gia khoa học.
Alistair C. Crombie,
Lịch Sử Các Khoa Học Từ Thánh Augustinus đến Galilei
(Histoire des sciences de Saint Augustin à Galilée (400-1650)
Paris, PUF, 1959, q. I, tr. 1-3.
[1] Alistair Cameron Crombie (1915-1996), nhà động vật học và sử gia khoa học người Úc. Tác phẩm: Augustine to Galileo: The History of Science A.D. 400-1650, 1952; Robert Grossteste and the Origins of Experimental Science, 1100-1700, 1953; Science, Optics and Music in Medieval and Early Modern Thought, 1990; Styles of Scientific Thinking in the European Tradition, 1994. «Commitments and Styles of European Scientific Thinking». History of Science. 33 (2): 225–238. 1995. Có thể đọc thêm về A. C. Crombie bằng tiếng Việt trên Wikipedia.