“CÁC SỰ KIỆN XÃ HỘI PHẢI ĐƯỢC XỬ LÝ NHƯ SỰ VẬT” (É. DURKHEIM, 1895, 1901)
Cập nhật ngày 25-11-2019
Từ khóa : Sự kiện (Xã hội học) ;
Xã hội học – Đối tượng và Phương pháp ;
Durkheim, Émile – Trích đoạn

C1

«CÁC SỰ KIỆN XÃ HỘI
PHẢI ĐƯỢC XỬ LÝ
NHƯ SỰ VẬT»
(1901)

Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Émile Durkheim (1858-1917) là nhà xã hội học lớn nhất của Pháp trong khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Trong ý chí xây dựng xã hội học như một khoa học đặc thù (sui generis), ông trở thành đại biểu của khuynh hướng duy xã hội về mặt phương pháp («duy xã hội luận = sociologisme»)[1], một quan điểm được trình bày cặn kẽ trong chuyên luận về phương pháp xã hội học[2] nổi tiếng mà nay chúng tôi xin giới thiệu trên trang mục này một số trích đoạn, bắt đầu bằng phát biểu từng là một đề tài tranh cãi nóng bỏng dưới đây.

Tuy nhiên, nhìn trong toàn bộ sự phát triển của môn học, xã hội học Pháp nói chung và trường phái Durkheim nói riêng, chỉ là một bước cải tiến trong sự vươn lên của các khoa học xã hội, do định hướng thực chứng thừa hưởng từ Auguste Comte (1798-1857), cụ thể là ý muốn rập khuôn theo các khoa học thực nghiệm về mặt phương pháp. Chỉ với bước đột phá trong sự tự nhận thức là «khoa học tinh thần (Geisteswissenschaftenở Đức, với câu tuyên ngôn độc lập – Ta giải thích thiên nhiên; ta hiểu đời sống tinh thần = Die Natur erklären wir, das Seelenleben verstehen wir – từ Wilhelm Dilthey (1833-1911), sự xuất hiện của một quan điểm phương pháp khác trong xã hội học với Max Weber (1864-1920), rồi sự kết nối và thâm nhập vào nhau của hai truyền thống, gần như đồng thời nhưng hoàn toàn dửng dưng với nhau, mà các khoa học về con người nói chung và xã hội học nói riêng có được tầm vóc ngày nay trong nền học thuật của các nước tiên tiến trên thế giới.   

*

Đề xuất rằng các sự kiện xã hội phải được xử lý như sự vật[3] – một đề xuất nằm ở phần cơ sở phương pháp của chúng tôi – là một trong những đề xuất đã gây ra nhiều mâu thuẫn nhất. Đánh đồng hiện thực của thế giới xã hội với hiện thực của thế giới bên ngoài bị xem là nghịch lý và đáng mang tai tiếng. Nhưng nghĩ như vậy là hiểu sai một cách kỳ lạ ý nghĩa và phạm vi của sự đánh đồng này, bởi vì mục đích của nó không phải là nhằm hạ thấp các hình thức cao cấp của con người xuống những hình thức thấp hơn3, mà ngược lại là đòi hỏi cho phần thứ nhất một mức độ hiện thực ít ra cũng ngang bằng với mức độ mà mọi người đều công nhận cho phần thứ hai. Thật ra, chúng tôi không hề nói rằng sự kiện xã hội là những đồ vật vật chất, nhưng cũng là sự vật trên cùng một danh nghĩa như những đồ vật vật chất, mặc dù theo một cách khác.

Như vậy, sự vật  là gì? Sự vật đối lập với ý tưởng như cái mà ta biết từ bên ngoài, đối lập với cái mà ta biết từ bên trong. Là sự vật bất kỳ một đối tượng tri thức nào không thể được lý trí lĩnh hội thấu đáo một cách tự nhiên tức thì[4], tất cả những gì chúng ta không thể có một ý niệm đúng đắn chỉ nhờ một quá trình phân tích trí óc đơn giản, tất cả những gì chỉ được tinh thần hiểu biết với điều kiện là rời khỏi chính mình để, thông qua quan sát và thử nghiệm, tiến dần từ những đặc điểm bên ngoài có thể được nắm bắt tức thì đến những đặc điểm ít nhìn thấy và sâu sắc hơn. Xử lý những sự kiện thuộc một trình tự nào đó như sự vật, điều này không có nghĩa là sắp xếp chúng vào bộ phận này hay lĩnh vực kia của hiện thực, mà chỉ có nghĩa là ta phải quan sát chúng với một thái độ tinh thần nhất định. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải bước vào việc nghiên cứu đối tượng với một nguyên tắc, nguyên tắc đó là phải tin rằng ta hoàn toàn không biết chúng là gì, rằng các thuộc tính đặc thù cũng như những nguyên nhân ẩn khuất mà chúng phụ thuộc đều không thể được phát hiện bằng nội quan, dù là thứ nội quan chăm chú nhất[5].

Khi các thuật từ đã được xác định như vậy, khác xa với một nghịch lý,  đề xuất của chúng tôi còn có thể bị xem là điều đương nhiên, nếu nó không thường bị bỏ qua trong các ngành khoa học lấy con người làm  đối tượng, đặc biệt là xã hội học. Trong thực tế, có thể nói rằng, có lẽ trừ các đối tượng của toán học ra, mọi đối tượng của các khoa học đều là sự vật theo nghĩa này; bởi vì, về các đối tượng toán học, do chính chúng ta đã xây dựng chúng lên, từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất, cho nên để biết chúng là gì, ta chỉ cần nhìn vào bên trong chính mình và phân tích quá trình tinh thần từ đó chúng đã hình thành. Nhưng khi nói đến những sự kiện theo nghĩa đen, thì đối với chúng ta và vào thời điểm ta chọn chúng làm đối tượng nghiên cứu khoa học, chúng nhất thiết phải là những ẩn số, những sự vật chưa từng được biết, bởi vì những biểu hiện chúng ta có thể có về chúng trong cuộc sống, do được thu thập không có phương pháp và không qua phê phán, đều là vô giá trị và cần phải bị gạt sang một bên[6].

Émile Durkheim,
Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học,
(Les Règles de la méthode sociologique, 1895)
Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ 2 (1901),
tr. X.


[1] Học thuyết cho rằng xã hội học đủ để giải thích những sự kiện xã hội, độc lập với những sự kiện tâm lý, sinh lý, v. v… Khuynh hướng xem xã hội học là nguồn giải thích duy nhất cho toàn bộ những sự kiện xã hội.

[2] Les Règles de la méthode sociologique, 1895. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, xin trân trọng giới thiệu:  Émile Durkheim, Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học. Đinh Hồng Phúc dịch. (Hà Nội, nxb Tri Thức, 2012.)

[3] Trong chương I của Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học, Durkheim đã định nghĩa sự kiện xã hội là «những cách thức hành động, suy tư, và cảm nhận ở bên ngoài mỗi cá nhân và có khả năng tự áp đặt cho cá nhân = des manières d'agir, de penser et de sentir extérieures à l'individu qui sont douées d'un pouvoir de coercition en vertu duquel ils s'imposent à lui». Vì vậy, khi Durkheim đề xuất rằng «các sự kiện xã hội phải được xử lý như sự vật», đối thủ của ông đã hiểu sai rằng ông muốn hạ thấp những ý tưởng, cảm xúc, đam mê, v. v… xuống ngang hàng với loại tĩnh vật đối tượng của các khoa học tự nhiên, nghĩa là biến một đề xuất về phương pháp thành một khẳng định về thể chất.   

[4] Compénétrable = tương nhập: «là sự vật bất kỳ đối tượng của sự hiểu biết nào không tương nhập với trí tuệ = est chose tout objet de connaissance qui n'est pas compénétrable à l'intelligence». Ý tưởng và trí tuệ là tương nhập với nhau khi quá trình phân tích tinh thần, và ý tưởng cần được phân tích, trộn lẫn vào nhau; đây không phải là điều có thể xảy ra giữa sự vật với trí tuệ: để phân tích sự vật, phải «thông qua quan sát và thử nghiệm, tiến dần từ những đặc điểm bên ngoài có thể được nắm bắt tức thì đến những đặc điểm ít nhìn thấy và sâu sắc hơn». Là nhà khoa học kẻ nào giữ được khoảng cách với đối tượng nghiên cứu, xem nó như ở bên ngoài mình.

[5] Với quy tắc phương pháp đề xuất, Durkheim không có ý định sắp xếp những sự kiện xã hội vào lĩnh vực này hay bộ phận kia của hiện thực. Ông chỉ muốn mô tả thái độ khoa học mà nhà xã hội học phải có khi nghiên cứu loại sự kiện xã hội: giữ một thái độ trung lập và nguyên tắc là bản thân ông chưa biết gì về đối tượng nghiên cứu. Khó khăn chính của nhà xã hội học là ông ta cũng đồng thời là thành viên của xã hội, và do đó phải nghiên cứu về những sự kiện trong đó ông ít nhiều bị vướng mắc. Dù sao, điều nhà xã hội học phải tuyệt đối tránh là cầu viện tới phương pháp nội quan theo kiểu các triết gia và các nhà toán học, mà phải nghiên cứu những sự kiện xã hội từ bên ngoài.

[6] Nghĩa là nhà xã hội học phải rập khuôn phương pháp xử lý những sự kiện xã hội của mình theo chuẩn mực của các khoa học tự nhiên, bắt đầu bằng việc vất bỏ mọi tiên kiến. Điểm tới lý tưởng của xã hội học là trở thành một khoa học thực nghiệm cũng vững chắc như vật lý học – cụ thể là có khả năng đưa ra các định luật xã hội hiệu quả nhằm tiên đoán những sự kiện, và qua đó, cải tổ xã hội cho tốt đẹp hơn.   

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa