BIẾN CỐ VÀ THIẾT CHẾ (P. LACOMBE, 1894)
Cập nhật ngày 27-2-2019 
Từ khóa : Biến cố (Khái niệm) ; Thiết chế (Khái niệm)
C1

BIẾN CỐ VÀ THIẾT CHẾ
(1894)

Tác giả: Paul Lacombe[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Paul Lacombe và Về Lịch Sử Xem Như Khoa Học (De l'Histoire considérée comme science, xuất bản năm 1894) thuộc vào thời giao thoa – cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – giữa một khoa sử học đang gặp khủng hoảng trầm trọng và một môn xã hội học vừa xuất hiện với không ít hứa hẹn tại Pháp. Ông được xem là một trong các sử gia đã có đóng góp đáng kể vào việc đổi mới nền sử học quốc gia, bằng những trước tác báo hiệu một số quan điểm mới của trường phái Annales sau này.

Trong trích đoạn dưới đây, Paul Lacombe giới thiệu đối tượng của mỗi môn học – biến cố trong sử học, thiết chế trong xã hội học – nhưng từ chối một sự đối lập triệt để giữa hai bộ môn chắc chắn sẽ không thể đứng biệt lập với nhau trong tương lai. Cần nói thêm rằng, dù đặt dấu nhấn trên khái niệm biến cố trong sử học, hơn nữa, là cha đẻ của thuật từ «lịch sử biến cố = l’histoire événementielle», ở tác giả, thuật từ này mang tính chất phê phán nhiều hơn là tán thành một thứ sử học chở nặng ba thần tượng của bộ lạc sử gia mà François Simiand[2] từng tố cáo.

*

Thoạt nhìn, những hành động đi vào lịch sử có vẻ như duy nhất: chỉ có một Clovis[3] được đội vương miện tại Reims, một Jeanne d’Arc[4] đã giải phóng Orléans, một Napoléon đã bị đánh bại tại Waterloo. Nhưng, so với loại hành động chỉ xảy ra một lần, như Waterloo, chúng ta còn có loại hành động được nhân lên, hành động được rút ra thành một lượng lớn những bản sao hay, nếu muốn nói cách khác, được tạo thành dựa trên một loại hình, một phương thức chung, như sự kiện mua bán bằng  đồng tiền kim loại chẳng hạn: sự kiện này được thực hiện bởi hàng nghìn người ngày hôm nay, được lặp lại ngày mai bởi cũng những người đó hay kẻ khác, và cứ như thế trong nhiều năm hay suốt nhiều thế kỷ. Như vậy, dường như chúng ta đang đứng trước một sự khác biệt về bản chất giữa hai hành động; và tôi tin rằng, các sử gia một bên, các nhà xã hội học bên kia, chính họ đôi khi cũng sẵn sàng tin rằng họ đang thực sự nghiên cứu những hành động khác nhau rất sâu sắc. Tuy nhiên, đây là một ảo tưởng sẽ tiêu tan nhanh chóng khi ta nhìn kỹ.  Lúc đó, ta sẽ nhận thấy rằng, trong mọi trình tự sinh hoạt của con người, đều có khía cạnh tổng quát và nhất thời[5] mà ta chỉ cần tìm là thấy. Một trận chiến chính xác, như Waterloo nói ở đây, là độc nhất nếu xem xét dưới một khía cạnh, nhưng đâu phải vì vậy mà không có những dạng thức chung, ít nhiều mở rộng về thời gian và không gian, dựa theo đó các đoàn quân được hình thành, phân loại, tổ chức, chỉ huy và cuối cùng đặt trước kẻ thù, rồi đưa vào trận mạc. Ngược lại, xem xét một cách trừu tượng, hành động mua bán là một thiết chế thuộc trình tự kinh tế chung cho mọi dân tộc trên trái đất; nhưng nếu tôi chỉ quan tâm đến các tình tiết về thời gian, địa điểm, kẻ bán, người mua, giá cả, lỗ lãi… và những kết hợp của tất cả các tình tiết này, thì tôi sẽ có trước mặt một sự kiện cá biệt thuần túy. (...) Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu chúng ta gọi cái hành động xem như độc nhất, và cũng chính cái hành động ấy nhưng trong sự tương tự với những hành động khác, bằng các tên khác nhau: chúng ta sẽ gọi một cái là biến cố, và cái kia là thiết chế. (...) Xã hội học không lấy việc thâm nhập vào sự bí ẩn về định mệnh đặc thù của mỗi dân tộc làm mục đích. Nó tìm cách xác định những thiết chế, sự giống nhau của chúng từ tộc người này sang sắc tộc khác, hoặc sự tiếp nối của chúng trong một dân tộc nhất định. Nhờ sự lựa chọn đối tượng của mình, xã hội học đã thiết lập được những kết quả thực nghiệm tổng quát thuộc về khoa học ở mức độ đầu tiên. Mặt khác, xã hội học dường như quá hờ hững với những biến cố, cái ngẫu nhiên.  

Paul Lacombe
Về Lịch Sử Xem Như Khoa Học
(De l'Histoire considérée comme science),
Paris, Hachette, 1894, tr. 8-9 và 25.


[1] Paul Lacombe (1834-1919), sử gia và nhà văn khố Pháp. Tác phẩm lý thuyết sử học tiêu biểu: De l’Histoire considérée comme science (1894); Introduction à l'histoire littéraire (1898); La Psychologie des individus et des sociétés chez Taine, historien des littératures (1906); Taine historien et sociologue (1909)… NVK.

[2] Xem trên trang mục này: François Simiand, Ba Thần Tượng Của Bộ Lạc Sử Gia. 

[3] Clovis (La-tinh: Chlodovechus, khg 466-511) là người đầu tiên đã hợp nhất tất cả các bộ lạc và tù trưởng người Frank thành một vương quốc dưới uy quyền của  mình. Clovis là vị vua Ki-tô giáo chính thức đầu tiên của người Frank (tv 481-511), là người đã sáng lập ra triều đại Merowinger (Merovingian). Từ năm 843, vương quốc Frank bị chia thành 3 vương quốc là Tây Frank (Pháp), Trung Frank (Italia) Đông Frank (Đức). NVK

[4] Jeanne d'Arc (khg 1412-1431) là một nữ anh hùng Pháp trong cuộc chiến tranh 100 năm giữa Anh và Pháp (1337-1453). Cô tin rằng mình được thiên khải để cầm quân giải phóng nước Pháp, và trong thực tế đã góp phần đưa vua Charles VII lên ngôi. Jeanne d'Arc sau bị người Anh bắt giữ, bị giám mục theo quân Anh kết tội là phù thủy và bị hỏa thiêu năm 1431 khi mới 19 tuổi. Năm 1455, Giáo hoàng Calixtô III (La-tinh: Callixtus III) cho xử lại vụ án; cô được tuyên bố vô tội và phong là người tử vì đạo năm 1456. Jeanne d'Arc được phong chân phước năm 1909, và ngày 16 tháng 5 năm 1920, được Giáo hoàng Biển Đức XV (Benedictus XV) chính thức phong thánh. Ngày nay, Jeanne d'Arc được xem là anh hùng dân tộc, đồng thời là Thánh Bảo hộ của Giáo hội Cơ Đốc giáo Pháp. NVK

[5] Trong một đoạn ở trên, tác giả cho rằng mỗi con người đều bao gồm, ngoài cái cá nhân đặc thù của hắn (cái phân biệt hắn với mọi cá nhân khác), một «con người tổng quát» được cấu thành bởi những khuynh hướng tổng quát từ bản chất con người, và một «con người nhất thời» của một thời kỳ hay một tập thể nhất định.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa