3 PHỐI CẢNH XÃ HỘI HỌC (L. MOONEY, D. KNOX, C. SCHACHT, 2007)
Cập nhật ngày 25-2-2019
Từ khóa: Xã hội học – Trường phái ; Chức năng (Chủ thuyết);
Xung đột (Chủ thuyết) ; Tương tác (Chủ thuyết)
C1

BA PHỐI CẢNH
XÃ HỘI HỌC

Tác giả: L. A. Mooney, D. Knox, C. Schacht
Người dịch:  Nguyễn Văn Khoa

Các lý thuyết trong xã hội học cung cấp cho chúng ta nhiều phối cảnh  khác nhau để quan sát thế giới xã hội chung quanh. Một phối cảnh chỉ đơn giản là một quan điểm, hay một cách nhìn vào thế giới. Một lý thuyết là một tập hợp các mệnh đề hoặc nguyên tắc tương quan với nhau, và được thiết kế nhằm trả lời một truy vấn hoặc giải thích một hiện tượng cụ thể; nó cung cấp cho ta  một phối cảnh. Các lý thuyết xã hội học giúp chúng ta giải thích và đoán trước sự phát triển của thế giới xã hội trong đó ta đang sống.

Xã hội học bao gồm ba phối cảnh hay quan điểm lý thuyết chính: phối cảnh chức năng, phối cảnh xung đột và phối cảnh tương tác biểu trưng  (đôi khi còn gọi vắn tắt là phối cảnh tương tác, hoặc đơn giản là quan điểm vi mô). Mỗi quan điểm cung cấp một loạt những giải thích khác nhau về thế giới xã hội và hành vi của con người.

Phối cảnh chức năng

Quan điểm chức năng chủ yếu dựa trên những tác phẩm của Herbert Spencer, Emile Durkheim, Talcott Parsons và Robert Merton. Theo chủ thuyết chức năng, xã hội là một hệ thống các bộ phận kết nối với nhau và cùng vận động một cách hài hoà, nhằm duy trì trạng thái thăng bằng và sự cân bằng bên trong cho toàn thể xã hội. Ví dụ, mỗi thiết chế xã hội đều đóng góp một số chức năng quan trọng cho xã hội: gia đình cung cấp một bối cảnh cho việc tái tạo các thế hệ, nuôi dưỡng và xã hội hóa con em; giáo dục cung cấp một phương thức truyền tải những kỹ năng xã hội, tri ​​thức và văn hóa cho thanh thiếu niên; chính trị cung cấp một phương tiện điều hành những thành viên của xã hội; kinh tế cung cấp những giải đáp cho việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ; tôn giáo cung cấp sự hướng dẫn đạo lý, và phương án thỏa mãn nhu cầu thờ phụng một quyền năng cao hơn con người.

Quan điểm chức năng nhấn mạnh trên sự liên kết xã hội bằng cách tập trung vào cách mỗi bộ phận ảnh hưởng tới và chịu ảnh hưởng của các phần khác như thế nào. Ví dụ, sự gia tăng các gia đình một cha hay một mẹ, và gia đình có thu nhập kép đã góp phần vào việc làm tăng số trẻ em thất bại ở trường, vì bố mẹ đã trở nên ít sẵn sàng hơn trong việc giám sát bài làm ở nhà của con em mình. Như kết quả của những thay đổi trong công nghệ, các trường cao đẳng và đại học đang cung cấp nhiều chương trình kỹ thuật hơn, và nhiều người tuổi tác đang trở lại trường để học các kỹ năng mới mà nơi làm việc đòi hỏi. Số lượng phụ nữ ngày càng tăng trong lực lượng lao động đã đóng góp vào việc xây dựng các chính sách chống sự quấy rối tính dục và phân biệt đối xử trong công việc.

[Ngoài chức năng,] các nhà chức năng sử dụng hai thuật từ là hiệu năng (functional) và loạn năng (dysfunction, dysfunctional) để mô tả tác động của các yếu tố xã hội lên xã hội. Các yếu tố của xã hội là hiệu năng (có chức năng thuận) nếu chúng góp phần vào sự ổn định xã hội và loạn năng (có chức năng nghịch) nếu chúng làm gián đoạn sự ổn định xã hội. Một số khía cạnh của xã hội có thể vừa hiệu năng, vừa loạn năng. Ví dụ, tội phạm là loạn năng ở chỗ nó liên quan đến bạo lực thể chất, mất mát tài sản và sợ hãi. Nhưng theo Durkheim và các nhà chức năng khác, tội phạm cũng có hiệu năng trong xã hội, bởi vì nó dẫn đến sự nâng cao nhận thức về ràng buộc đạo đức chung, và gia tăng sự gắn kết xã hội.

Các nhà xã hội học còn xác định hai loại chức năng: biểu hiện và tiềm ẩn (Merton, 1968). Chức năng biểu hiện (manifest function) là những hậu quả được dự tính và thường là được công nhận rộng rãi. Chức năng tiềm ẩn (latent function) là những hệ quả không mong muốn và thường là ẩn ngầm. Ví dụ, chức năng biểu hiện của giáo dục là truyền tải kiến ​​thức và kỹ năng đến các thế hệ trẻ của xã hội. Nhưng các trường tiểu học công lập cũng đóng vai trò là người giữ trẻ cho những cặp cả cha lẫn mẹ đều đi làm, và các trường cao đẳng cung cấp một nơi cho thanh niên gặp gỡ và kết bạn hay bắt cặp tiềm tàng. Cả chức năng giữ trẻ lẫn chức năng mai mối đều không phải là các chức năng được dự tính và công nhận phổ biến trong giáo dục, và do đó đều thuộc loại chức năng tiềm ẩn.

Phối cảnh xung đột

Quan điểm chức năng xem xã hội như bao gồm những bộ phận tuy khác nhau song đều hoạt động chung với nhau. Ngược lại, quan điểm xung đột xem xã hội như được cấu thành từ các phe nhóm và những quyền lợi khác nhau và đối nghịch trong cuộc cạnh tranh vì quyền lực và tài nguyên. Quan điểm xung đột giải thích những khía cạnh khác nhau trong thế giới xã hội của chúng ta bằng cách tìm hiểu xem các phe nhóm nào nắm quyền lực và được hưởng lợi từ một sự sắp xếp xã hội cụ thể nào đó. Ví dụ, thuyết nữ quyền lập luận rằng chúng ta sống trong một xã hội gia trưởng – một hệ thống phân cấp của thứ tổ chức xã hội do nam giới kiểm soát. Mặc dù có nhiều loại thuyết nữ quyền, hầu hết đều xác định rằng chủ nghĩa nữ quyền «đòi hỏi rằng các cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội hiện tại phải được thay đổi»[1]

Nguồn gốc của quan điểm xung đột có thể được truy về những tác phẩm kinh điển của Karl Marx. Marx gợi ý rằng mọi xã hội đều phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế. Khi xã hội phát triển từ nông nghiệp sang công nghiệp, sự quan tâm về việc đáp ứng nhu cầu sống còn được thay thế bởi quan tâm về việc tạo ra lợi nhuận, dấu ấn của một hệ thống tư bản chủ nghĩa. Công nghiệp hóa dẫn đến sự phát triển của hai giai cấp  người: giai cấp tư sản hay chủ sở hữu của các phương tiện sản xuất (ví dụ, nhà máy, trang trại, doanh nghiệp); và giai cấp vô sản hay những người lao động lãnh lương.

Sự phân chia xã hội thành hai giai cấp người rộng lớn — «hữu sản»«vô sản» — có lợi cho những chủ sở hữu của các phương tiện sản xuất. Giới công nhân, những người có thể chỉ kiếm đủ đồng lương để sinh sống, bị từ chối sự tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên sẵn có cho các chủ sở hữu giàu sang. Theo Marx, các nhà tư sản sử dụng quyền lực của họ để kiểm soát mọi thiết chế xã hội nhằm củng cố lợi thế của mình. Ví dụ, Marx cho rằng tôn giáo phục vụ như «thuốc phiện của nhân dân», ở chỗ là nó xoa dịu sự khốn cùng và đau khổ gắn liền với điều kiện sống của giới lao động, và tập trung sự chú ý của người công nhân lên đời sống tâm linh, Thiên Chúa, và thế giới bên kia, hơn là trên loại quan tâm trần tục như điều kiện sinh sống. Về bản chất, tôn giáo đánh lạc hướng người lao động, để họ tập trung vào hy vọng được tưởng thưởng trên thiên đường nhờ một cuộc sống đạo đức, hơn là tự chất vấn về sự bóc lột mà chính họ là nạn nhân.

Phối cảnh tương tác biểu trưng

Cả hai quan điểm chức năng và quan điểm xung đột đều quan tâm suy  xét xem các khía cạnh rộng lớn của xã hội, như những định chế và các nhóm xã hội lớn, ảnh hưởng như thế nào tới thế giới xã hội. Mức độ phân tích xã hội học này được gọi là xã hội học vĩ mô (macrosociology): nó nhìn vào bức tranh lớn của xã hội, và tìm cách giải thích các vấn đề xã hội bị ảnh hưởng như thế nào ở mức độ những thiết chế.

Xã hội học vi mô (microsociology), một cấp bậc phân tích xã hội học khác, quan tâm tới động lực tâm lý xã hội của những cá nhân tương tác trong các nhóm nhỏ. Thuyết tương tác biểu trưng, điển hình của quan điểm xã hội học vi mô, phần lớn bị ảnh hưởng bởi những công trình của lớp các nhà xã hội học và triết gia buổi đầu như George Simmel (1858-1918), Charles Cooley (1864-1929), George Herbert Mead (1863-1931) và Erving Goffman (1922-1982). Thuyết tương tác biểu trưng nhấn mạnh rằng hành vi của con người chịu ảnh hưởng của những định nghĩa và ý nghĩa được tạo ra và duy trì thông qua sự tương tác bằng ký hiệu với người khác.

Nhà xã hội học William Isaac Thomas (1863-1947) nhấn mạnh tầm quan trọng của định nghĩa và ý nghĩa trong hành vi xã hội và những hậu quả của nó[2].  Ông cho rằng con người thích ứng với định nghĩa của họ về một tình huống, chứ không phải là với bản thân tình hình khách quan. Do đó, Thomas lưu ý rằng những tình huống mà chúng ta định nghĩa như là thực sẽ trở thành hiện thực trong những hậu quả của chúng.

Thuyết tương tác biểu trưng cũng gợi ý rằng bản sắc hoặc ý thức của chúng ta về bản thân được định hình thông qua tương tác xã hội. Chúng ta phát triển khái niệm cái ta (self-concept) của mình bằng cách quan sát cách thức người khác tương tác với ta và dán nhãn hiệu cho ta. Bằng cách quan sát cách người khác nhìn mình, chúng ta thấy một phản ánh của bản thân mà Cooley gọi là «cái ta trong gương» (looking glass self).

Linda A. Mooney, David Knox, Caroline Schacht
Tìm Hiểu Các Vấn Đề Xã Hội
(Understanding Social Problems,
Belmont, CA: Wadsworth, 2007)


[1] Sara Weir & Constance Faulkner, Voices of a New Generation: A Feminist Anthology (London, Pearson, 2004), tr. XII

[2] W. I. Thomas on social organization and social personality: Selected papers. Edited and with an introduction by Morris Janowitz. Chicago, Ill., London: University of Chicago Press, 1966.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa