NƯỚC PHÁP TRƯỚC CƠN ĐẠI HỒNG THỦY
1757 -1774
...Tiếng nói của Rousseau trong Khế ước xã hội mang tính cách mạng nhất thời đại. Mặc dù ở một nơi khác ông xem nhẹ và ngờ vực quần chúng nhân dân nhưng ở đây lời kêu gọi của ông nhắm vào họ. Ông biết sự bất bình đẳng là điều không tránh khỏi, nhưng ông buộc tội nó một cách mạnh mẽ và hùng hồn. Ông tuyên bố một cách rõ ràng rằng một chính quyền liên tục mâu thuẫn với ý chí phổ quát sẽ phải bị lật đổ một cách chính đáng. Trong khi Voltaire, Diderot, và d'Alembert nhún mình trước các vị vua hay nữ hoàng, Rousseau đã lên tiếng chống lại các chính quyền hiện hữu với mong đợi được cả châu Âu từ đầu này đến đầu kia lắng nghe. Trong khi các philosophe, vốn đã gắn chặt vào status quo (nguyên trạng), chỉ kêu gọi cải cách dần dần từng căn bệnh riêng biệt, thì Rousseau tấn công vào toàn thể trật tự kinh tế, xã hội và chính trị một cách triệt để khiến người ta thấy không thể có phương thuốc nào khác ngoại trừ cách mạng. Và ông công bố sự xuất hiện của nó: "Các vương quốc vĩ đại của châu Âu không thể tồn tại lâu hơn nữa. Mỗi quốc gia đã có thời kỳ huy hoàng của mình, sau đó nó chắc chắn phải suy tàn. Cuộc khủng hoảng đang đến gần: chúng ta đang ở bên lề một cuộc cách mạng."
***
Dân chúng bắt đầu thảo luận về ưu điểm của chính phủ đại nghị so với quân chủ tuyệt đối. "Họ nhìn thấy ở các Đại pháp viện," d'Argenson viết, "một phương thuốc chữa khỏi những điều bực bội mà họ phải chịu đựng... Cuộc nổi dậy đang âm ỉ."
WILL & ARIEL DURANT