TRUNG ÂU (1713-1756) VÀ
TIẾN BỘ CỦA KIẾN THỨC (1715-1789)
Nét tiêu biểu của thế kỷ XVIII là lòng khao khát kiến thức ở mọi tầng lớp dân chúng - chính xác là lòng ham muốn trí tuệ mà thời Trung cổ đã lên án như tội lỗi của thói kiêu ngạo ngu ngốc. Các tác giả đã hưởng ứng với một nhiệt tình muốn làm cho kiến thức trở nên phổ biến rộng rãi và dễ hiểu hơn. Những loại sách "Đại cương" thì rất nhiều; những tựa sách như Toán học giản dị hóa, Tư tưởng Bayle tinh yếu, Trí tuệ Montaigne, và Trí tuệ Fontenelle cố gắng đưa khoa học, văn học, và triết học vào trong tám hiểu biết của mọi người. Ngày càng có nhiều giáo sư giảng dạy bằng ngôn ngữ địa phương, thu hút những tầng lớp không biết tiếng Latinh. Thư viện và viện bảo tàng lan rộng, và mở kho báu của chúng cho người học.
*
Các viện hàn lâm đã mọc lên trong thế kỷ này tại Berlin (1701), Uppsala (1710), St. Peterburg (1724), và Copenhagen (1743). Năm 1739, Carl Linnaeus và năm học giả Thụy Điển khác thành lập Collegium Curiosum [Hội hiếu học]; vào năm 1741, nó được kết hợp thành Kongliga Svenska Vetenskaps-academien, vốn trở thành Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, ở Pháp có các viện hàn lâm cấp tỉnh ở Orleans, Bordeaux, Toulouse, Auxerre, Metz, Besanẹon, Dijon, Lyon, Caen, Rouen, Montauban, Angers, Nancy, Aix-en-Provence. ..