Năm 1983, một ủy ban độc lập do chính phủ Hoa Kỳ chỉ định đã công bố một báo cáo nhan đề “Một quốc gia lâm nguy“ (A Nation at risk), thông báo về tình trạng “khủng hoảng“ trong hệ thống giáo dục công tại Mỹ. Bản báo cáo chỉ ra rằng an ninh kinh tế Mỹ đang bị đe dọa bởi lực lượng lao động yếu kém, không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bản báo cáo gây ra nhiều tranh luận nẩy lửa, khởi nguồn cho ba cuộc họp thượng đỉnh cấp quốc gia quy tụ nhiều thống đốc và lãnh đạo các công ty cùng ngồi lại để thảo luận về khủng hoảng giáo dục. Hai đảng tại Mỹ đồng thuận với nhau tầm quan trọng của việc phải đảm bảo học sinh sinh viên được tiếp cận cơ sở vật chất và chương trình đào tạo tốt nhất. Đến đầu thập niên 1990, “cải cách giáo dục” đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền các tiểu bang. Năm 2001, khi dự thảo luật “Không trẻ em nào bị bỏ rơi” (No child left behind) được thông qua, chính quyền Liên Bang đã đảm nhận quyền lực tối đa về các trường công trên nước Mỹ.
Cải tổ trường học, một câu chuyện giáo dục với những vấn đề cơ bản thiết yếu tưởng chừng như đã được giải quyết từ lâu ở một siêu cường quốc hàng đầu thế giới, một đất nước luôn chiếm những đỉnh cao trên hầu hết mọi lĩnh vực từ kinh tế, khoa học, giáo dục, nghệ thuật,… Thế nhưng một hệ thống giáo dục biết thích nghi trước những biến đổi của thời đại luôn là những đòi hỏi thúc bách, sống còn cho sự phát triển vững bền của một quốc gia. Và hiển nhiên cải cách giáo dục hay cải tổ trường học là những nhiệm vụ hay đúng hơn đó là sứ mệnh của đội ngũ giáo viên, những nhà quản lý giáo dục, những nhà hoạch định chính sách và đường lối phát triển quốc gia.