Michael Young là Giáo sư của Viện Giáo dục thuộc ĐH London và khoa Giáo Dục thuộc ĐH Bath (Anh Quốc) - một người có vai trò lớn trong ngành xã hội học giáo dục. Những nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của ông có sự giao thoa giữa nhận thức luận và lý thuyết xã hội.
Trong cuốn Giành lại tri thức, ông đã giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất trong giáo dục ngày nay: sự phân chia giữa giáo dục hàn lâm và giáo dục hướng nghiệp vốn rất ám ảnh các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà làm chính sách, tính hợp pháp của hệ thống văn bằng, bản chất của tri thức giáo dục ngành nghề, vị thế và tính hợp pháp của các chính sách liên quan tới việc công nhận tri thức kinh nghiệm có trước của người học, và quan trọng nhất là vai trò của tri thức và chương trình học trong những cách tiếp cận giáo dục dựa trên năng lực và bị chi phối bởi thi cử như hiện nay. Ông cũng đã liên kết những chủ đề như bản chất của tri thức ngành nghề (professional knowledge) với cách nhìn phê phán về nền giáo dục bị chi phối bởi thi cử và thị trường trong một lý thuyết mới mẻ cho cái mà ông gọi là “quốc hữu hóa” giáo dục. Cuốn sách này cũng đem lại cho chúng ta nhiều khía cạnh so sánh có giá trị nhờ kinh nghiệm của tác giả trong quá trình nghiên cứu phát triển giáo dục ở Nam Phi.
Những vấn đề được tác giả giải quyết trong cuốn sách này đều dựa vào một khung lý thuyết. Trong khi vào những năm đầu sự nghiệp, ông có thể được xem là một nhà tương đối luận khi coi tri thức và chương trình học không có những căn cứ chắc chắn nào mà chỉ là sự thể hiện của quyền lực, nhưng ông không dừng lại ở đó. Dự án của ông nhằm mục đích thừa nhận rằng tri thức được xã hội tạo ra nhưng nó đòi hỏi được đảm bảo không lệ thuộc vào những mối quan tâm xã hội và xu thế quyền lực liên quan. Với mục đích đó, ông phát triển một lý thuyết được ông gọi là duy thực xã hội về tri thức: tri thức mang tính xã hội bởi nó công nhận vai trò của tác nhân con người trong quá trình sáng tạo tri thức và mang tính duy thực bởi ông muốn nhấn mạnh tới sự độc lập của tri thức đối với hoàn cảnh và tính ngắt quãng (discontinuities) giữa tri thức và kinh nghiệm thường nhật - một điều cốt lõi trong quan điểm của ông về chương trình học.