Về « kinh phí cho nghiên cứu khoa học của sinh viên»
1/ Trước hết có một vấn đề chính danh. Thế nào là « nghiên cứu khoa học » ?
Có thể nói gọn quan điểm được chia sẻ rộng rãi nhất : đó là tìm hiểu những sự vật, hiện tượng (gọi chung dưới đây là hiện tượng) của tự nhiên hay xã hội, con người, khám phá những quy luật tiềm ẩn trong các hiện tượng ấy. Nhưng tất nhiên không phải hiện tượng nào cũng là đối tượng của hoạt động được gọi là « nghiên cứu khoa học », và cũng không phải phương cách và mục tiêu tìm hiểu nào cũng được coi như thuộc về hoạt động nghiên cứu. Vẫn nói gọn, hoạt động nghiên cứu khoa học phải dựa trên những tri thức đã có để (cố gắng) đề ra những tri thức mới. Tôi thêm từ « cố gắng » trong ngoặc ở câu trên vì không phải hoạt đông nghiên cứu nào cũng đạt kết quả là một tri thức mới. Mặt khác nội hàm « tri thức đã có » cũng không nên hiểu một cách tuyệt đối, một người hay một ê-kip rất có thể dấn thân nghiên cứu về một vấn đề nào đó mà không có trong tay mọi thông tin về những thành quả nghiên cứu đã có trên thế giới về vấn đề đó (nhất là trong một số lĩnh vực có tính ứng dụng cao, thông tin được bảo mật kỹ). Nhưng nếu anh không có một tri thức nền tối thiểu, một nỗ lực cập nhật những hiểu biết (kết quả, phương pháp) đã được công bố trên thế giới, trước và trong khi tiến hành nghiên cứu, thì có nhiều khả năng là những kết quả của anh đã được biết rồi, và người tài trợ cho hoạt động nghiên cứu của anh sẽ đặt câu hỏi về sự tiếp tục tài trợ cho hoạt động ấy ! Như vậy cũng có nghĩa là, trong thời đại này, chỉ thực sự được coi là « nghiên cứu khoa học » một hoạt động dẫn đến những công trình được công bố trên những tạp chí khoa học có những chuẩn mực được thừa nhận, hoặc những sáng chế được cấp bằng (tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ, thường là vì những lý do quốc phòng, an ninh).
2/ Nếu hiểu như vậy thì phải nói ngay ở Pháp nơi tôi sống và đã làm việc khá lâu năm (và ở một vài nước khác mà tôi có dịp tìm hiểu cũng không khác mấy, nhưng để đi vào các chi tiết cụ thể, dưới đây xin giới hạn vào nước Pháp), kinh phí « nghiên cứu khoa học của sinh viên » chỉ có cho sinh viên tiến sĩ (« nghiên cứu sinh, viết tắt : NCS »). Sinh viên cấp thấp hơn được tạo điều kiện để học tập, tìm hiểu những vấn đề mà giáo sư không giảng trực tiếp hay chỉ giảng sơ : sách vở trong thư viện, phương tiện trong phòng thí nghiệm mà họ có thể được sử dụng ngoài giờ học (tất nhiên có những quy chế phải tuân thủ) v.v., nhưng nói chung không có kinh phí để thực hiện những đề án « nghiên cứu khoa học » mà họ đề ra. Tôi sẽ trở lại chuyện này sau.
Về các nghiên cứu sinh, kinh phí nghiên cứu khoa học thường có mấy loại sau :
i/ Học bổng tiến sĩ, với thời gian hưởng là ba năm, do bộ Đại học và Nghiên cứu (Ministère de l’Enseignement Supérieur et de la Recherche - MESR) cấp. Sau 3 năm, nếu luận án chưa hoàn thành, thường thì NCS được hỗ trợ để có được một chân trợ giáo trong một, hay nhiều lắm là hai năm để làm tiếp. Nếu vẫn chưa xong thì... tự lo liệu lấy.
ii/ Kèm theo học bổng này, cơ sở nghiên cứu của đại học hay một viện nghiên cứu nhận NCS (dưới đây gọi chung là « phòng thí nghiệm ») sẽ được xét cấp một ngân khoản hỗ trợ nghiên cứu. Chính xác hơn, ngân khoản đó được xét theo tổng thể các đề án nghiên cứu của phòng thí nghiệm (và phụ thuộc ngành khoa học liên quan), trong đó có số NCS tham gia đề án, chứ không phải tính riêng cho từng NCS. Gần đây, học bổng của NCS được tính như một tiền lương, có nghĩa là ngân sách cho một suất học bổng phải tính đủ các khoản kèm như bảo hiểm xã hội (trước kia, NCS đóng bảo hiểm xã hội với tư cách SV, rẻ hơn nhiều), tiền đóng vào quỹ hưu trí v.v.
iii/ Các phòng thí nghiệm có thể hợp đồng với một cơ sở (kinh tế, kỹ thuật) công hay tư để thực hiện những đề án nghiên cứu, nếu đề án đủ lớn thì hai bên có thể thoả thuận nhận một NCS vào làm (tất nhiên là dưới sự hướng dẫn của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp của phòng) và cấp học bổng tiến sĩ cho NCS đó, kèm theo những khoản hỗ trợ cần thiết như nói trong điểm ii/. Dĩ nhiên, trị giá của những hợp đồng này thường cao hơn tổng các khoản chi cho NCS, vì phải tính « thù lao nghiên cứu » mà cơ sở đối tác phải trả cho phòng thí nghiệm.
iv/ Nếu một NCS ngoại quốc được học bổng tiến sĩ của một cơ quan Pháp (công hay tư) thì kinh phí cho người ấy tính như trong các điểm trên.
v/ Ngoài ra, các phòng thí nghiệm có thể nhận NCS nước ngoài có học bổng của một cơ sở của nước ấy, nhưng khoản kinh phí cho người NCS này không tính được vào kinh phí chi cho NCS của nước chủ nhà.
3/ Trở lại SV cấp dưới NCS tiến sĩ.
i/ Ở Pháp, SV cấp thạc sĩ được chia làm hai loại : thạc sĩ nghiên cứu (master de recherche) và thạc sĩ chuyên nghiệp (master professionnel), cả hai bao gồm một thời gian thực tập 6 tháng, nhưng các thạc sĩ nghiên cứu làm thực tập trong một phòng thí nghiệm, còn thạc sĩ chuyên nghiệp thì ở một xí nghiệp. Đòi hỏi đối với luận văn tốt nghiệp của các « thạc sĩ nghiên cứu » thực ra là một đòi hỏi nhập môn về nghiên cứu khoa học chứ chưa phải như đối với các tiến sĩ (cụ thể, rất hiếm các luận văn này được coi là có nội dung đủ để viết thành một bài báo cho các tạp chí khoa học). Các phòng thí nghiệm của đại học cấp bằng thạc sĩ coi việc nhận một SV thạc sĩ vào làm thực tập là một nghĩa vụ, mà phần kinh phí đã được tính vào ngân sách chung của phòng. Nhưng họ cũng có thể thương lượng với cấp trên (đại học của mình, hay Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học nếu đó là một viện nghiên cứu thuộc trung tâm này) để đòi tăng ngân sách hoạt động, trên cơ sở số SV thực tập.
Các đại học được đào tạo thạc sĩ có một bộ phận trong phòng giám hiệu để chuyên lo về cấp đào tạo này (trả lương cho giáo sư mời từ ngoài đại học để tham gia đào tạo, nếu cần ; liên hệ với các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp để kiếm chỗ thực tập cho SV v.v.). Cũng có thể tính kinh phí cho các hoạt động của bộ phận này vào « kinh phí nghiên cứu khoa học cho SV », nếu muốn.
ii/ Đối với SV dưới thạc sĩ, các trường đại học Pháp không đặt vấn đề họ phải tham gia « nghiên cứu khoa học ». Đơn giản vì theo nghĩa nêu trên kia, sẽ không có « đề án nghiên cứu » nào của SV được coi là đủ điều kiện để được nhận ! Các trường đại học khuyến khích SV tìm hiểu sâu các vấn đề được nêu lên trong giảng đường (các thầy có nhiệm vụ hướng dẫn SV trong hoạt động này, trả lời những câu hỏi họ nêu ra ; các thư viện nếu cần phải mua thêm sách báo ; các phòng thí nghiệm cung cấp đủ trang thiết bị cho các hoạt động này), nhưng đó là các hoạt động học tập chứ không phải nghiên cứu. Các hoạt động như thành lập một nhóm tham gia một cuộc chơi khoa học dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, nếu cần kinh phí thì cũng tính trong kinh phí học tập của SV. Cũng như việc nhiều trường thường xuyên tổ chức những buổi thuyết trình về các vấn đề khoa học hiện đại để thu hút sự quan tâm và kích thích thiên hướng đam mê khoa học của SV v.v.
Hà Dương Tường
Nguyên giáo sư trường Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp
(bài viết cho báo Sinh Viên, tháng 5.2009)