Vài lời thưa với phụ huynh học sinh nhân mùa thi đại học
Nhân mùa thi, và nhân đọc bài viết của một chuyên gia về giáo dục Mỹ Marty Nemko “Sản phẩm thường được đánh giá quá cao của Mỹ: bằng cử nhân” (America's Most Overrated Product: the Bachelor's Degree, trên tạp chí The Higher Education Chronicle, số đề ngày 2.5.2008), xin mượn một số ý của tác giả, “Việt hoá” chúng phần nào để đóng góp vào cuộc thảo luận rất cần thiết ở nước ta về việc chọn trường, chọn ngành học cho học sinh tốt nghiệp trung học. Bài viết trên còn nói nhiều tới thực trạng đại học Mỹ, không chỉ có những mặt “sáng” như người ta tuyên truyền, nhưng đó lại là một chủ đề khác, những ai đang chuẩn bị cho con em du học Mỹ nên tìm đọc.
1/ Nếu con em bạn có học lực kém ở trung học (chẳng hạn, xếp hạng ở 50% cuối lớp), bạn hãy cố kháng cự lại những lời dụ dỗ, những áp lực khiến chúng phải mất ăn mất ngủ để thi vào đại học. Đừng mất tiền cho chúng luyện thi, với một kết quả rất bấp bênh, để rồi chúng cũng chẳng học được bao nhiêu trong 4 năm đại học và khi ra trường chỉ kiếm được những việc chẳng ăn thua gì tới 4 năm đèn sách.
2/ Ngược lại, hãy xem xét những khả năng cho chúng theo học một trường cao đẳng hay trường nghề thích hợp. Vừa đỡ tốn, vừa mau có nghề nghiệp ổn định. Đây chính là chọn lựa thích hợp với số đông, với trình độ phát triển của xã hội hiện nay, và cần được nhà nước khuyến khích. Cụ thể là có kế hoạch mở ra một mạng trường nghề bao phủ khắp nước, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế, và với học phí thấp, hấp dẫn. Những hiệp hội doanh nghiệp trong những ngành nghề cần nhiều nhân công kỹ thuật cũng nên đầu tư, hỗ trợ cho các trường này.
3/ Nếu con em bạn có kết quả tốt hơn ở trung học, nhưng không tỏ ra có đam mê rõ ràng vào một ngành học gì, mà chỉ nghĩ tới cái nhãn sinh viên cho không kém chị kém em, thì cho chúng thi vào một vài trường gần nhà, có học phí đừng cao quá. Nếu nó đậu thì học, nếu không, xem lại khả năng 2/ trên đây. Marty Nemko nhận xét rằng, ở Mỹ đại học là một trong số ít sản phẩm có giá quá cao với chất lượng. Điều này hình như cũng không xa thực tế của Việt Nam ?
4/ Nếu con em bạn tỏ ra có ý thích rất rõ rệt về một ngành nghề không cần tới bằng đại học, và rất ngán cái viễn tượng phải thêm 4 năm mài đũng quần ở giảng đường đại học, thì bạn nên chiều theo sở thích của nó, và nghĩ tới rất nhiều tấm gương danh nhân thế giới đã thành đạt mà không hề có tấm bằng đại học. Từ Thomas Edison, người có hơn 1000 tấm bằng sáng chế, qua Ernest Hemingway, giải Nobel văn chương, tỉ phú John D. Rockefeller, người sáng lập ra hãng dầu Standard Oil, tới Bill Gates của thời hiện đại. Chưa kể 9 tổng thống Mỹ, từ Washington tới Truman, cũng nằm trong số này. Đó là chỉ kể những trường hợp nổi tiếng nhất ở Mỹ. Còn hằng hà sa số những “người khổng lồ” khác, ở Mỹ hay các nước Tây Âu, Nhật, Hàn, Trung Quốc v.v. Ngay ở Việt Nam, trong cái xã hội còn quá nhiều mặc cảm phong kiến đối với bằng cấp, những người thành đạt qua tự học trong trường đời cũng rất nhiều. Về chính trị thì chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng nổi tiếng khác là những tấm gương sáng. Trong kinh doanh, trường hợp ông Lý Ngọc Minh, người sáng lập ra hãng đồ gốm Minh Long, là một ví dụ vừa được báo Tia Sáng giới thiệu (tiếc rằng còn quá ít bài như vậy – và cũng không cần kiểu so sánh khập khiễng, quá lố như bài viết này sử dụng để nói lên thực chất rất đáng đề cao trong thành quả của ông Minh Long, nhưng đây là chuyện khác).
5/ Sau cùng, có lẽ rất đặc thù Việt Nam, một vấn đề cũng đáng được chú ý khi một học sinh mới tốt nghiệp trung học cùng gia đình và bè bạn thảo luận về tương lai của mình. Theo người viết bài này, hoàn toàn không nên nghĩ là phải có “đường” vào ngạch công chức mới có thể phục vụ tốt cho đất nước. Xã hội chỉ cần một thiểu số người lao động là công chức, nhưng lại rất cần người lao động có tinh thần công dân cao, có phẩm chất nghề nghiệp tốt, ở mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nhân tài, trong thời đại này, không phải chỉ là những quan chức cao cấp có tài đức tương ứng với trọng trách xã hội của mình. Một doanh nhân làm ra nhiều của cải cho mình và cho xã hội, tạo ra nhiều lao động, cũng gánh trên mình một trọng trách xã hội không nhỏ hơn người quan chức kia. Một nghệ sĩ, một nhà nông, một trí thức hành nghề tự do… cũng có những trách nhiệm xã hội cần được tôn trọng như vậy.
Và với cái nhìn đó, tấm bằng đại học nếu có cũng chỉ nên được đưa ra trong một, hai lần đầu tiên đi kiếm việc. Sau đó, chính thành quả cụ thể của công việc mà mỗi người đã tạo được mới là quan trọng.
Hà Dương Tường (Nhà giáo về hưu, Pháp)
23.5.2008 (bài gửi Tuổi Trẻ, không được đăng)